Trang chủ Lớp 12 Lịch sử lớp 12 (sách cũ) Sự đối đầu Đông-Tây và các cuộc chiến tranh cục bộ

Sự đối đầu Đông-Tây và các cuộc chiến tranh cục bộ...

Sự đối đầu Đông-Tây và các cuộc chiến tranh cục bộ. Chiến tranh lạnh là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe tư bản chủ nghĩa do Mĩ đứng đầu và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột.

Chiến tranh lạnh là cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai phe tư bản chủ nghĩa do Mĩ đứng đầu và phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô làm trụ cột. Chiến tranh lạnh đã diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, từ chính trị, quân sự đến kinh tế, văn hóa-tư tưởng v.v. ngoại trừ sự xung đột trực tiếp bằng quân sự giữa hai siêu cường. Tuy không nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới, nhưng trong gần nửa thế kỉ của Chiến tranh lạnh, thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng. Các cuộc chiến tranh cục bộ đã diễn ra ở nhiều khu vực như Đông Nam Á, Triều Tiên, Trung Đông….

1.Cuộc chiến tranh chống xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp (1945-1954)

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp quay trở lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào. Cuộc chiến bùng nổ từ Sài Gòn tháng 9-1945, đến cuối tháng 12-1946 lan rộng trên toàn Đông Dương.

Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, nhân dân ba nước Đông Dương đã kiên cường kháng chiến. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (10-1949), cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mới có điều kiện liên lạc và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Từ sau năm 1950, Mĩ ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương. Từ đó, chiến tranh Đông Dương ngày càng chịu sự tác động của hai phe.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ được triệu tập để bàn về việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Hiệp định Giơnevơ (7-1954) đã công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Lào và Campuchia. Cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã chấm dứt, nhưng nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời. Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, nhưng mặt khác cũng phản ánh cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phe. Đại biểu Mĩ ra tuyên bố không chịu sự ràng buộc của Hiệp định nhằm chuẩn bị cho sự xâm lược sau này.

2. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, bán đảo Triều Tiên được công nhận là một quốc gia độc lập có chủ quyền , nhưng tạm thời để quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc, quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm giới tuyến. Năm 1948, ở hai miền Nam và Bắc, hai chính quyền được thành lập riêng rẽ là Đại Hàn Dân quốc (8-1948) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (9-1948).

Sau đó, quân đội Liên Xô và Mĩ rút khỏi Triều Tiên. Như vậy, giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 38 đã trở thành đường ranh giới giữa hai nhà nước với chế độ chính trị khác nhau, do Mĩ và Liên Xô bảo trợ cho mỗi bên,

Advertisements (Quảng cáo)

Sau hơn 3 năm chiến tranh diễn ra khốc liệt giữa miền bắc được Trung Quốc chi viện và miền Nam có Mĩ giúp sức, ngày 27-7-1953, Hiệp định đình chiến được kí kết. Theo đó, vĩ tuyến 38 vẫn là ranh giới quân sự giữa hai miền. Cuộc chiến tranh Triều Tiên là một “sản phẩm” của Chiến tranh lạnh và là sự đụng đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai phe.

3. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ (1954-1975)

Sau hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Mĩ đã nhanh chóng thay thế Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ. Nhưng mưu đồ của Mĩ đã vấp phải ý chí quật cường và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam.

Hình 23. Bức tường ở Oasinhtơn ghi tên lính Mĩ chết ở Việt Nam

Chiến tranh Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất phản ánh mâu thuẫn giữa hai phe. Nhưng cuối cùng, mọi chiến lược chiến tranh của Mĩ đều bị phá sản. Tháng 1-1973, Hiệp định Pari được kí kết. Theo đó, Mĩ cam kết tôn trọng quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và rút quân khỏi Việt Nam, cam kết không dính líu về quân sự hoặc can thiệp về chính trị đối với Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam đoàn kết với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, đến năm 1975 đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Tóm lại, trong thời kì Chiến tranh lạnh, hầu như mọi cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự ở các khu vực trên thế giới, với những hình thức và mức độ khác nhau, đều liên quan tới sự “đối đầu” giữa hai cực Xô-Mĩ.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Lịch sử lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)