Bài tập
1. Có người muốn biết thế nào là thể thơ song thất lục bát. Em hãy giúp họ điều đó.
2. Hãy phân tích nghệ thuật sử dụng điệp ngữ trong đoạn thơ Sau phút chia li.
3. Hãy phân tích màu xanh trong đoạn thơ Sau phút chia li.
4. Hãy ghi lại những câu hát than thân đã học ở Bài 4 (kể cả phần Đọc thêm) bắt đầu bằng cụm từ “Thân em”. Từ đó tìm mối liên hệ trong cảm xúc giữa bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương với các câu hát than thân thuộc ca dao.
Gợi ý làm bài
1. Trước hết cần hiểu mục đích của bài tập này là nhằm hai yêu cầu :
+ Tự củng cố sự hiểu biết về thể thơ song thất lục bát.
+ Bước đầu tập làm quen với việc đưa hiểu biết văn học vào cuộc sống, ở đây là giúp một người hiểu thế nào là thể thơ song thất lục bát.
- Cách làm :
+ Hãy đọc kĩ lại chú thích (★) ở SGK Ngữ văn 7, tập một, trang 92, đoạn nói về thể thơ song thất lục bát.
+ Dùng ngay đoạn thơ Sau phút chia li (trích Chinh phụ ngâm khúc) để dẫn dắt vấn đề.
+ Cần chú ý thêm : câu thất (7 chữ) trong thể song thất lục bát khác câu thất trong thể thất ngôn bát cú ở cách ngắt nhịp trong câu.
Ở câu thất của song thất lục bát là : 3/2/2. Ví dụ :
Chàng thì đi/ cõi xa / mưa gió
Thiếp thi về/ buồng cũ / chiếu chăn
Ở câu thất của thất ngôn bát cú là : 2/2/3. Ví dụ :
Bước tới / Đèo Ngang / bóng xế tà
Cỏ cây / chen đá/ lá chen hoa...
2. Cần hiểu ý nghĩa của bài tập này là nhằm rèn luyện năng lực hiểu văn chương qua hình thức nghệ thuật, ở đây là một phương diện thuộc hình thức ngôn ngữ của nó. Cũng là nhằm rèn luyện năng lực tích hợp kiến thức để hiểu văn chương, ở đây là tích hợp kiến thức ngôn ngữ (điệp ngữ) với kiến thức văn. Làm tốt bài tập này, sẽ có hứng thú với việc học văn.
- Cách làm:
(1) Đọc lại đoạn thơ Sau phút chia li (trích Chinh phụ ngâm khúc), ghi lại các từ được điệp và số lần điệp (chàng, thiếp, Hàm Dương, Tiêu Tương, xanh, màu, trông, thì, cùng, ai) và trả lời các câu hỏi sau :
Advertisements (Quảng cáo)
a) Mật độ điệp ngữ của đoạn thơ là thế nào ? (Trả lời xong, em hãy ghi nhận hiện tượng này để sau này khi biết thêm các trường hợp điệp ngữ khác sẽ thấy tính chất đặc biệt của hiện tượng điệp ngữ này)
b) Trong các từ được điệp thì từ nào được điệp nhiều hơn ? Tại sao các từ đó lại được điệp nhiều hơn ?
(2) Tìm hiểu trạng thái điệp của các từ : chàng, thiếp. (Hướng trả lời: mỗi từ ba lần. Có hai cách điệp : chàng đứng đầu một câu, thiếp đứng đầu một câu liền nhau ; chàng, thiếp trong một câu) Ý nghĩa của hai hình thức điệp đó là gì ? (Hướng trả lời: hình thức 1 : diễn tả sự xa cách ; hình thức 2 : diễn tả sự gắn bó của chàng và thiếp trong nỗi buồn xa cách)
(3) Tìm hiểu trạng thái điệp của các từ Hàm Dương, Tiêu Tương. (Hướng trả lời: Hàm Dương, Tiêu Tương nằm cách câu, mỗi nơi mỗi câu ; Tiêu Tương, Hàm Dương trong một câu nhưng thay đổi vị trí. Câu trên : Tiêu Tương trước, Hàm Dương sau. Câu dưới, ngược lại Hàm Dương trước, Tiêu Tương sau) Hãy nêu nhận xét. (Hướng trả lời : điệp nhưng biến hoá, diễn tả hai mặt của quan hệ : cách xa - gắn bó, gắn bó - cách xa của vợ chồng chinh phu - chinh phụ)
(4) Tìm hiểu trạng thái điệp của từ xanh. (Hướng trả lời : xanh —> xanh xanh —> xanh ngắt - xanh của núi —> xanh của ngàn dâu, tất cả là một sự bao trùm của màu xanh. Sự thay đổi từ thanh không (xanh xanh) sang thanh sắc (xanh ngắt) vừa là sự đa dạng trong ngữ âm vừa diễn tả độ tăng của cảm xúc sầu nhớ)
(5) Tìm hiểu trạng thái điệp của từ ai. (Hướng trả lời : ai : phiếm chỉ, vừa là chàng vừa là thiếp - chứng tỏ sự gắn bó hai mà một, một mà hai)
(6) Nhận xét về điệp từ thì và cùng. (Hướng trả lời : Loại từ này thường phải tránh điệp, nhưng ở đây điệp lại có tác dụng nhấn mạnh sự gắn bó)
(7) Nhận xét chung về hiện tượng điệp của đoạn thơ. (Hướng trả lời : Không đâu có mật độ điệp ngữ dày mà vô cùng biến hoá, có hiệu quả tối ưu trong việc diễn tả tâm trạng của người chinh phụ sau phút chia tay chồng ra trận như ở đây)
3. a) Để làm tốt bài tập, em cần có nhận thức về một số điều cần thiết như sau :
- Văn chương không phải là hội hoạ, nhưng văn chương thường hay nói đến màu sắc để góp phần gợi cảnh, gợi tình mà không ít trường hợp đã đem đến cho người đọc sự hứng thú, hấp dẫn. Bởi thế mà có quan niệm “thi trung hữu hoạ” (trong thơ có hoạ). Đoạn thơ Sau phút chia li được học là một ví dụ tiêu biểu.
- Bài tập yêu cầu phân tích màu xanh trong đoạn thơ Sau phút chia li chính là một cách để các em vừa rèn luyện năng lực cảm nhận được vẻ đẹp, sức hấp dẫn của nghệ thuật dùng màu sắc trong văn chương, vừa rèn luyện kĩ năng phân tích các chi tiết trong văn chương ở độ tinh vi để tránh tình trạng hiểu chung chung, hiểu đại khái, không đem lại ích lợi gì đáng kể trong học tập.
b) Từ nhận thức trên, em hãy làm bài tập này lần lượt theo các hoạt động sau đây :
- Ghi vào vở bài tập tất cả các từ chỉ màu xanh trong đoạn thơ trích.
- Nêu rõ những màu xanh đó là màu xanh của cái gì, vật gì.
- Phân biệt các trạng thái, các mức độ của các màu xanh đã có.
- Nhận xét về sự tăng cấp, về mức độ của màu xanh theo trình tự lời thơ.
- Nêu lên tác dụng, ý nghĩa của việc sử dụng màu xanh trong việc gợi tả nỗi sầu chia li của người chinh phụ.
4. a) Trước khi làm bài tập, em hãy nhận thức về một điều cần thiết trong học văn nói chung là phải biết liên kết, xâu chuỗi kiến thức giữa tác phẩm nảy với tác phẩm khác một cách hợp lí để tự mình có thể tạo thêm những hệ thống kiến thức có khi trong SGK chưa nói đến. Thực hiện yêu cầu này cũng là cách học tập chủ động theo phương hướng và yêu cầu tích hợp mà Chương trình Ngữ văn THCS đặt ra. Ví như ở bài tập này, là sự nối kết nội dung bài thơ Bánh trồi nước của Hồ Xuân Hương - ở Bài 7 - với những câu ca dao than thân vừa được học ở Bài 4.
b) Từ nhận thức trên, em hãy tiến hành làm bài tập theo các hoạt động như sau :
- Trở lại Bài 4, ghi lại những câu ca dao than thân bắt đầu bằng cụm từ “Thân em”. (Nếu tìm thêm được một số câu khác nửa thì càng tốt)
- Đọc lại phần Ghi nhớ ở Bài 4, trang 49, SGK để hiểu rõ hơn ý nghĩa của các bài ca than thân.
- Chỉ ra mối liên hệ trong cảm xúc giữa bài thơ Bánh trôi nước củ a Hồ Xuân Hương với những câu hát than thân bắt đầu bằng cụm từ “Thân em”.