Trang chủ Lớp 7 SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ) Soạn bài Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn Hà) – Phò...

Soạn bài Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn Hà) - Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) SBT Văn 7 tập 1...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 40 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Soạn bài Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà) - Phò giá về kinh (Tụng giá hoàn kinh sư) SBT Ngữ Văn 7 tập 1 Hãy phát biểu về mối liên quan trong nội dung giữa hai bài thơ Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh.

1. Ví thử có bạn chưa hiểu gì về thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (Đường luật), em hãy nói lại sư hiểu biết của mình và dùng hai bài thơ Nam quốc sơn hàTụng giá hoàn kinh sư để giúp bạn sơ bộ hiểu về thể thơ đó.

Hãy dựa vào chú thích (★), trang 63-64, SGK để giải thích thế nào là thất ngôn tứ tuyệt Đường luật và ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật, tạm thời ở ba phương diện : số câu trong một bài, số tiếng trong một câu, cách hiệp vần trong bài thơ. Tiếp đó, lấy phần phiên âm của hai bài thơ Nam quốc sơn hà và Tụng giá hoàn kinh sư để phân tích, chứng minh cho các lý thuyết đã nêu. (Chú ý: về hiệp vần, ở bài Nam quốc sơn hà là các tiếng cuối câu 1, 2, 4, còn ở bài Tụng giá hoàn kinh sư thì chỉ ở các tiếng cuối các câu 2, 4 ; mà ở câu 4 “sơn” có vần “ơn” hiệp với vần “an” trong “quan” là được. Nhưng “sơn” còn có thể đọc là “san”. Như thế, việc hiệp vần càng sát hơn).

2. Ví thử có người nói rằng : Sông núi nước NamPhò giá về kinh chưa phải là thơ, vì chỉ có ý này ý khác mà không có cảm xúc, em sẽ nói lại như thế nào với người ấy ?

Ngược lại với ý kiến cho rằng hai bài Sông núi nước Nam và Phò giá về kinh không phải là thơ, vì chỉ có ý này ý khác mà không có cảm xúc, em có thể trình bày một quan niệm về thơ như sau : Đã là thơ dĩ nhiên cùng với sự biểu ý phải có sự biểu cảm, nhưng trong thơ trạng thái biểu cảm là đa dạng, tựu trung có dạng lộ ra ở lời, có dạng ẩn kín trong ý. Sông núi nước Nam  Phò giá về kinh là thuộc dạng sau, và chúng đã tồn tại trong hai thể thơ : thất ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt (đều thuộc Đường luật). Những trường hợp như thế không hiếm.

   Có thể lấy thêm ví dụ về bốn câu đề từ trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh : “Thân thể ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao - Muốn nên sự nghiệp lớn - Tinh thần càng phải cao”.

3. Em hãy giải thích tại sao bài thơ Sông núi nước Nam đã được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

   Nếu có người hỏi rằng : Tuyên ngôn độc lập là phải viết sau khi đã toàn thắng, còn đây là bài thơ ra đời vào thời điểm chưa độc lập, còn kháng chiến như chú thích (★) của SGK ở trang 63 đã ghi thì em sẽ trả lời thế nào ?

Cần hiểu yêu cầu của bài tập này là nhằm rèn luyện năng lực nêu vấn đề và biện giải vấn đề - một phương diện của năng lực sáng tạo nói chung, dĩ nhiên là phải từ thấp lên cao, từ đơn giản đến phức tạp.

   Để thực hiện yêu cầu này, trong trường hợp với bài thơ Sông núi nước Nam, em hãy chú ý đến hai điều cần nói khi xác định thế nào là một bản tuyên ngôn độc lập :

a) Thường là viết sau khi đã toàn thắng trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

b) Nội dung được nêu lên ở văn bản là lời tuyên bố về chủ quyền bất khả xâm phạm, chủ quyền độc lập của Tổ quốc.

   Vậy thì, trường hợp Sông núi nước Nam là thế nào ? Là trường hợp tuy viết lúc kháng chiến chưa kết thúc thắng lợi nhưng về nội dung lại là sự tuyên bố về chủ quyền độc lập của đất nước. Do đó vẫn có thể xem là bản tuyên ngôn độc lập. Dĩ nhiên, trường hợp này có khác so với Bình Ngô đại cáo, là tuyên ngôn sau khi đã toàn thắng.

4. Hãy phát biểu về mối liên quan trong nội dung giữa hai bài thơ Sông núi nước NamPhò giá về kinh.

Advertisements (Quảng cáo)

   - Yêu cầu của bài tập này là rèn luyện năng lực tư duy trong việc liên kết văn bản, tìm ra những điểm liên quan giữa nội dung của hai văn bản.

   - Để thực hiện yêu cầu này, trước hết hãy hiểu thật chắc nội dung cơ bản của từng văn bản để từ đó tìm ra mối liên quan của chúng. Cụ thể ở đây : với Sông núi nước Nam là ý chí độc lập dân tộc, bảo toàn lãnh thổ quốc gia. Với Phò giá về kinh là niềm vui chiến thắng ngoại xâm, đón hai vua về lại kinh đô. Hai nội dung nhưng là một tư tưởng : độc lập dân tộc là trên hết

5. Sau bài thơ Sông núi nước Nam, vào đầu thế kỉ XV, trong bài Đại cáo binh Ngô, Nguyễn Trãi đã viết:

               Như nước Đại Việt ta từ trước,

               Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

               Núi sông bờ cõi dã chia,

               Phong tục Bắc Nam cũng khác.

               Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập,

               Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

   Em hãy phân tích, so sánh, làm rõ về sự phát triển của ý thức dân tộc từ bài thơ Sông núi nước Nam đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô trên đây.

 

   Để làm bài tập này, em hãy lần lượt thực hiện các thao tác sau :

   a) Xác định đúng yêu cầu của bài tập là làm rõ được sự phát triển của ý thức dân tộc từ Sông núi nước Nam đến Đại cáo bình Ngô.

   b) Tìm hiểu lại các yếu tố của nội dung ý thức dân tộc đã được học ở bài Sông núi nước Nam và tìm hiểu thêm các yếu tố thuộc nội dung ý thức dân tộc trong đoạn trích Đại cáo bình Ngô.

   c) Sau đó, tổng kết nêu lên sự phát triển của ý thức dân tộc (từ Sông núi nước Nam đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô) với những gợi ý sau đây :

   - Ở Sông núi nước Nam đã có ý thức về lãnh thổ, về giống nòi (người nước Nam mà vua Nam đại diện), về chủ quyền và tinh thần kiên quyết chông ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền của đất nước.

   - Đến đoạn trích Đại cáo bình Ngô, ý thức dân tộc phát triển đã tạo được một định nghĩa hoàn chỉnh về dân tộc trong đó có đủ các yếu tố cơ bản : lãnh thổ, giống nòi (được nói với ý thức tự hào), lịch sử, phong tục, văn hoá (và dĩ nhiên có cả tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược mà bài Đại cáo bình Ngô đã thể hiện). Điều đó chứng tỏ, qua gần bốn thế kỉ, quan niệm về dân tộc trong lịch sử nước ta ngày một sáng rõ hơn, hoàn chỉnh hơn.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)