Hình 38.3. Sơ đồ các ngành kinh tế biển ở nước ta
1. Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản
Vùng biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó khoảng 110 loài có giá trị kinh tế như cá nục, cá trích, cá thu, cá ngừ, cá hồng... Trong biên có trên 100 loài tôm, một số loài có giá trị xuất khẩu cao như tôm he, tôm hùm, tôm rồng. Ngoài ra còn có nhiều loài đặc sản như hải sâm, bào ngư, sò huyết...
Tổng trữ lượng hải sản khoảng bốn triệu tấn (trong đó 95,5% là cá biển), cho phép khai thác hàng năm khoảng 1,9 triệu tấn, trong đó vùng biển gần bờ chỉ có khả năng khai thác khoảng 500 nghìn tấn/năm, còn lại là của vùng biển xa bờ. Tuy nhiên, hoạt động của ngành khai thác và nuôi trồng hải sản còn nhiều bất hợp lí: trong khi sản lượng đánh bắt ven bờ đã cao gấp hai lần khả năng cho phép thì sản lượng đánh bắt xa bờ mới chỉ bằng 1/5 khả năng cho phép.
Ngành thuỷ sản đang ưu tiên phát triển khai thác hải sản xa bờ, đẩy mạnh nuôi trồng hải sản trên biển, ven biển và ven các đảo (đặc biệt phát triển nuôi cá và đặc sản biển theo hướng công nghiệp ở khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đầm phá Trung Bộ, vùng biển Rạch Giá - Hà Tiên...), phát triển đồng bộ và hiện đại công nghiệp chế biến hải sản.
Advertisements (Quảng cáo)
Hình 38.4. Cảng cá tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang
2. Du lịch biển - đảo
Việt Nam có nguồn tài nguyên đu lịch biển phong phú. Dọc bờ biển nước ta, suốt từ Bắc vào Nam có trên 120 bãi cát rộng, dài, phong cảnh đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch và nghỉ dưỡng.
Nhiều đảo ven bờ có phong cảnh kì thú, hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Một số trung tâm du lịch biển đang phát triển nhanh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên cho đến nay, du lịch biển mới chỉ chủ yếu tập trung khai thác hoạt động tắm biển. Các hoạt động du lịch biển khác còn ít được khai thác, mặc dù có tiềm năng rất lớn.