1. Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954
Tháng 9 - 1953, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp đề ra kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 với quyết tâm giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận - chính diện và sau lưng địch.
Phương hướng chiến lược của ta là tập trung lực lượng mà những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ, tạo cho ta những điều kiện thuận lợi để tiêu diệt thêm sinh lực của chúng. Phương châm chiến lược của ta là : “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh ăn chắc đánh chắc thắng”.
Thực hiện phương hướng chiến lược trên, trong cuộc tiến công Đông - Xuân 1953 - 1954, quân ta mở một loạt chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng, ở hầu khắp các chiến trường Đông Dương.
Ngày 20 - 11 - 1953, phát hiện bộ đội chủ lực ta di chuyển lên Tây Bắc, Na-va cho 6 tiểu đoàn Âu - Phi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 12 - 1953, bộ đội chủ lực ta ở Tây Bác tổ chức một bộ phận bao vây, uy hiếp địch ở Điện Biên Phú ; bộ phận còn lại mở cuộc tiến công địch, giải phóng toàn tỉnh Lai Châu (trừ Điện Biên Phủ). Na-va buộc phải đưa 6 tiểu đoàn cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường. Như vậy, sau đồng bằng Bắc Bộ, Điện Biên Phủ trở thành nơi tập trung quân thứ hai của địch.
Cũng vào đầu tháng 12 - 1953, liên quân Việt - Lào mở cuộc tiến công địch ở Trung Lào, giải phóng toàn tỉnh Thà Khẹt, đồng thời bao vây, uy hiếp Xê-nô. Na-va tăng cường lực lượng cho Xê-nô và Xê-nô trở thành nơi tập trung quân thứ ba của địch.
Cuối tháng 1 - 1954, để đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta phối hợp với quân Pa-thét Lào mở cuộc tiến công địch ở Thượng Lào, giải phóng toàn tỉnh Phong Xa-lì, mở rộng vùng giải phóng Lào. Lo sợ Liên quân Việt - Lào thừa thắng đánh Luông Pha-bang, Na-va cho tăng cường lực lượng để Luông Pha-bang trở thành nơi tập trung quân thứ tư của địch.
Ngày 20 - 1 - 1954, Na-va tập trung 20 tiểu đoàn bộ binh mở chiến dịch Át-lăng đánh chiếm Tuy Hòa (Phú Yên), mở rộng đánh chiếm vùng tự do Liên khu V của ta.
Giữ vững quyền chủ động đánh địch, đầu tháng 2 - 1954, quân ta mở cuộc tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, giải phóng toàn tỉnh Kon Tum, đồng thời bao vây uy hiếp Plây-ku. Na-va buộc phải bỏ dở cuộc tiến công. Tuy Hòa để tăng cường lực lượng cho Plây-ku và Plây-ku trở thành nơi tập trung quân thứ năm của địch.
Phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính diện, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh ở vùng sau lưng địch Bộ đội ta ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Binh - Trị - Thiên, đồng bằng Bắc Bộ cùng đẩy mạnh hoạt động đánh địch.
Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 của ta đã làm phá sản bước đầu Kế hoạch Na-va của Pháp - Mĩ, buộc quân chủ lực của chúng phải bị động phân tán và giam chân ở miền rừng núi.
2. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)
Advertisements (Quảng cáo)
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn nhất ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới với Lào, có vị trí chiến lược quan trọng.
Được Mĩ giúp đỡ, Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương. Lực lượng địch ở đây lúc cao nhất là 16200 quân, được bố trí làm 49 cứ điểm, chia thành ba phân khu : phân khu Trung tâm có sở chỉ huy và sân bay Mường Thanh, phân khu Bắc, phân khu Nam.
Na-va và nhiều nhà quân sự Pháp - Mĩ đánh giá Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả xâm phạm”, và từ ngày 3 -12 -1953, chúng quyết định giao chiến với quân ta tại Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 12 - 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của chiến dịch là tiêu diệt lực lượng địch, giải phóng vùng Tây Bắc, tạo điều kiện giải phóng Bắc Lào.
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13 - 3 - 1954 đến hết ngày 7 - 5 - 1954 và được chia làm 3 đợt :
Đợi I, quân ta tiến công tiêu diệt căn cứ Him Lam và toàn bộ phân khu Bắc
Đợt 2, quân ta tiến công tiêu diệt các cán cứ phía đông phân khu Trung tâm.
Đợt 3, quân ta đồng loạt tiến công tiêu diệt các căn cứ còn lại ở phân khu Trung tâm và phân khu Nam. Chiều 7 - 5, quân ta đánh vào sở chỉ huy địch. 17 giờ 30 phút ngày 7 - 5, Tướng Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Ban tham mưu của địch ra đầu hàng.
Trong cùng thời gian, trên các chiến trường toàn quốc, quân ta đẩy mạnh chiến đấu tiêu diệt, giam chân, phân tán lực lượng địch, tạo điều kiện cho Điện Biên Phủ giành toàn thắng.
Trong toàn bộ cuộc Tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã giải phóng nhiều vùng đông dân ở các đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.
Riêng tại mặt trận Điện Biên Phủ, trong gần hai tháng chiến đấu, quân ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 16 200 tên địch (có 1 thiếu tướng), phá hủy và thu toàn bộ phương tiện chiến tranh, bắn rơi và bắn cháy 62 máy bay các loại.