Trang chủ Lớp 9 Lịch sử lớp 9 Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh...

Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa ở hai miền đất nước: Bài 31. Việt Nam trong năm đầu sau đại thắng ...

Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa ở hai miền đất nước: Bài 31. Việt Nam trong năm đầu sau đại thắng xuân 1975. Ở miền Bắc, tuy chiến tranh đã chấm dứt sau Hiệp định Pa-ri năm 1973.

1. Ở miền Bắc, tuy chiến tranh đã chấm dứt sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, nhưng do sự tàn phá nặng nề của hai lần chiến tranh phá hoại nên đến giữa năm 1976 mới căn bản hoàn thành nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế.
Trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 6 tháng cuối năm 1975 và 6 tháng đầu năm 1976, miền Bắc có những tiến bộ đáng kể. Diện tích trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp năm 1976 tăng hơn năm 1975. Nhiều công trình, nhà máy được xây dựng và mở rộng thêm, sản lượng của phần lớn các sản phẩm quan trọng đều đạt và vượt mức trước chiến tranh. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật phát triển mạnh.
Miền Bắc còn ra sức làm tròn nghĩa vụ của căn cứ địa cách mạng cả nước và nghĩa vụ quốc tế đối với Lào và Cam-pu-chia trong giai đoạn mới.
2. Ở miền Nam, công việc tiếp quản các vùng mới giải phóng từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến hải đảo, từ căn cứ quân sự đến các cơ sở sản xuất, hành chính, văn hóa được tiến hành khẩn trương và đạt kết quả tốt.
Ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và các vùng mới giải phóng, chính quyền cách mạng và đoàn thể quần chúng các cấp nhanh chóng được thành lập.
Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Nhà nước, hàng triệu đồng báo trong thời gian chiến tranh bị dồn vào các “ấp chiến lược” hay bỏ chạy vào các thành phố, không có việc làm, được hồi hương, chuyển về nông thôn tham gia sản xuất hoặc đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Chính quyền cách mạng tịch thu toàn bộ tài sản và ruộng đất của bọn phản động trốn ra nước ngoài, tuyên bố xóa bỏ bóc lột phong kiến, tiến hành điều chỉnh ruộng đất trong nội bộ nông dân, quốc hữu hóa ngân hàng, thay đổi tiền của chính quyền Sài Gòn bằng đồng tiền cách mạng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt và lâu dài của nhân dân về lương thực, chính quyền cách mạng rất chú trọng khôi phục sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp trở lại hoạt động.
Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế… được tiến hành khẩn trương từ những ngày đầu mới giải phóng.