Advertisements (Quảng cáo)
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự phân hoá giai cấp trong xã hội Việt Nam ngày càng sâu sắc :
1. Giai cấp địa chủ phong kiến ở nông thôn ngày càng câu kết chặt chẽ hơn với thực dân Pháp. Chúng chia nhau chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, đẩy mạnh bóc lột về kinh tế và tăng cường kìm kẹp, đàn áp về chính trị đối với nông dân. Củng cố một bộ phận, nhất là địa chủ vừa và nhỏ, có tinh thần yêu nước nên đã tham gia vào các phong trào yêu nước khi có điều kiện.
2. Tầng lớp tư sản ngày càng đông, nhưng phải đến mấy năm sau chiến tranh, giai cấp tư sản mới ra đời. Lúc đầu, phần đông trong số này là những tiểu chủ đứng trung gian làm thầu khoán, cung cấp nguyên vật liệu hay đại lí hàng hoá cho tư bản Pháp : khi đã kiếm được số vốn khá, họ đứng ra kinh doanh riêng và trở thành những nhà tư sản như Bạch Thái Bưởi, Nguyền Hữu Thụ. v.v...
Giai cấp tư sản Việt Nam phân hóa thành hai bộ phận : tầng lớp tư sản mại bản có quyền lợi gắn liền với đế quốc nên câu kết chặt chẽ về chính trị với chúng ; tầng lớp tư sản dân tộc có khuynh hướng kinh doanh độc lập nên ít nhiều có tinh thần dân tộc dân chủ chống đế quốc và phong kiến, nhưng thái độ không kiên định, dễ thỏa hiệp.
3. Do các ngành kinh tế phát triển, đặc biệt là các cơ quan hành chính, văn hoá, giáo dục ngày càng mở rộng, tầng lớp Tiểu tư sản thành thị tăng nhanh về số lượng. Họ cũng bị tư bản Pháp ráo riết chèn ép, bạc đãi, khinh rẻ, đời sống bấp bênh, dễ bị xô đẩy vào con đường phá sản và thất nghiệp. Trong khi đó, bộ phận trí thức, sinh viên, học sinh có điều kiện tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng văn hoá tiến bộ bên ngoài, nên có tinh thần hăng hái cách mạng và là một lực lượng trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta.
4. Giai cấp nông dân chiếm trên 90% dân số, bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề bằng các thủ đoạn sưu cao, thuế nặng, tô tức, phu phen, tạp dịch, cướp đoạt ruộng đất. Họ bị bần cùng hoá và phá sản trên quy mô lớn. Đây là lực lượng hăng hái và đông đảo nhất của cách mạng.
5. Giai cấp công nhân ra đời ngay trước chiến tranh, trong thời kì khai thác lần thứ nhất của thực dân Pháp, phát triển khá nhanh trong thời kì khai thác lần thứ hai cả về số lượng và chất lượng : phần lớn công nhân tập trung tại các vùng mỏ, đồn điền cao su và các thành phố công nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Sài Gòn - Chợ Lớn.
Giai cấp công nhân Việt Nam có những đặc điểm riêng : bị ba tầng áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, tư sản người Việt ; có quan hệ tự nhiên gắn bó với giai cấp nông dân ; kế thừa truyền thống yêu nước anh hùng và bất khuất của dân tộc. Trên cơ sở đó, giai cấp công nhân Việt Nam nhanh chóng vươn lên nắm quyền lãnh đạo cách mạng nước ta.