Bác Hồ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Bác ra đi đã để lại lòng kính yêu tha thiết cũng như niềm tiếc thương vô hạn trong lòng mỗi người con đất Việt, đặc biệt là những người con phương Nam chưa được một lần đón Bác về thăm. Và tình cảm thiêng liêng ấy đã được thể hiện thật chân thành, cảm động trong tác phẩm Viếng lăng Bác của Viễn Phương.
Lòng kính yêu của nhân dân miền Nam đối với Bác đã được thể hiện thật chân thành qua từng dòng thơ:
Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác
Câu đầu tiên chỉ như một lời kể nhưng nó lại là một lời tâm sự của một người chiến sĩ, một người con miền Nam sau bao năm xa cách giờ đây đã được trở về bên Bác. Một tiếng con thôi nhưng cũng đủ để thể hiện lòng kính yêu tới nhường nào đối với một vị cha già dân tộc. Tiếng con ấy thật đẹp. Tuy chưa một lần được đón Bác, nhưng tác giả cũng như nhân dân miền Nam vẫn thấy được công lao to lớn của Bác và cả tình cảm của Bác dành cho miền Nam. Có lẽ vì vậy mà bằng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, một cách rất chân thành, tác giả đã ví Bác như mặt trời, một mặt trời thứ hai, rất đỏ:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Hay như:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Rất nhẹ nhàng, sự kính trọng, yêu thương của tác giả đối với Bác tha thiết tới nỗi tác giả không cho rằng Bác đã mất mà Bác chỉ ngủ thôi, trong bình yên giữa một vầng trăng sáng dịu hiền. Nhưng dù vậy cũng không thể thay đổi được rằng Bác thực sự đâu còn nữa. Nghĩ tới điều đó, Viễn Phương đã thấy đau xót vô cùng: Mà sao nghe nhói ở trong tim! Mất đi một người thân, bao giờ ta cũng thấy xót xa, ở đây, mất đi người cha già, tác giả thấy đau đớn tận trong tim. Tình cảm ấy dành cho Bác thật to lớn, sâu sắc.
Advertisements (Quảng cáo)
Nhưng còn hơn thế, niềm xức động, lòng thành kính của tác giả đã trở thành niềm mong ước thiết tha:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Dường như tác giả đang muốn có một phép màu lạ để trở thành những gì thân yêu nhất quanh lăng Bác. Một con chim nhỏ, một đoá hoa góp phần làm đẹp nơi Bác yên nghỉ. Ngay từ đầu tác phẩm ta đã nhận thấy dòng thơ:
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Tre Việt Nam đó, hàng tre là biểu trưng cho người dân Việt Nam luôn ở bên Bác, không bao giờ rời xa. Tác giả cũng vậy, những người con phương Nam cũng vậy, muốn hoá thân thành cây tre để góp vào hàng tre Việt Nam toà bóng dịu dàng bên Bác. Thật là sâu sắc, chân thành. Cũng như sự sâu sắc, chân thành trong kính yêu của tác giả khi phải rời xa Bác trước đó:
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Tiếng thương là sự cảm động đến xót xa đối với Bác. Tình cảm mà tác giả và muốn vạn người dân miền Nam dành cho Bác thật chân thành nhưng cũng giản dị quá.
Tuy chỉ bằng vài dòng thơ ngắn ngủi nhưng cũng đã đủ để thể hiện lòng kính yêu vô bờ của nhân dân miền nam đối với Bác. Lòng kính yêu ấy thật sâu sắc, thiết tha, to lớn cũng giống như tấm lòng của Bác vậy.