Truyện Kiều là tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là một viên ngọc vô cùng quý giá trong kho tàng văn học dân tộc Việt Nam. Truyện Kiều vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị nội dung sâu sắc. Với bút pháp miêu tả tài tình trong đoạn trích Chị em. Thuý Kiều, tác giả đã tạo nên chân dung Thuý Vân, Thuý Kiều vừa đa dạng vừa sinh động. Thuý Kiều, Thuý Vân hiện lên là những thiếu nữ đẹp, mỗi người lại có vẻ đẹp riêng.
Chân dung Thúy Vân được Nguyễn Du vẽ lên trong bốn câu thơ. Vân xem trang trọng khác vời - câu thơ này đả gợi ra vẻ đẹp cao sang, quý phái của Thuý Vân. Còn trong ba câu còn lại, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của Thuý Vàn bằng các hình ảnh ước lệ: Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. Câu thơ đã miêu tả khuôn mặt của Thúy Vân. Nàng có khuôn mặt tròn như mặt trăng, lông mày rậm, cong như con ngài. Hoa cười, ngọc thốt đoan trang - câu thơ này lại diễn tả sự đoan trang của Thuý Vân, nàng cười tươi như hoa, tiếng nói trong đẹp như ngọc. Và ta càng thấy Thuý Vân đẹp hơn trong câu thơ cuối: Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Tóc Vân đẹp hơn mây, da trắng hơn tuyết. Nguyễn Du đã rất tài tình khi lấy hình ảnh của thiên nhiên như trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết để miêu tả cái đẹp của Thuý Vân. Ta tưởng như Thuý Vân có vẻ đẹp được kết hợp từ những cái đẹp, cái cao quý của thiên nhiên. Nhưng Nguyễn Du còn tài tình hơn khi qua những vẻ đẹp ấy, ông bộc lộ được tính cách của Thuý Vân. Nàng là người cao sang mà phúc hậu, lại vô cùng đoan trang và có phần trang nghiêm, đứng đắn. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, Thuý Vân được hiện lên cả vẻ đẹp lẫn tính cách.
Và Nguyễn Du còn tài tình hơn nửa khi khắc hoạ được chân dung của Thuý Kiều. Thuý Kiều cũng đẹp nhưng cái đẹp của nàng gây ấn tượng mạnh hơn và khác xa cái đẹp của Thuý Vân: Kiều càng sắc sảo mặn mà. Nét đẹp cùa Kiều là vẻ đẹp đằm thắm mặn mà, sắc sảo, quyến rũ chứ không phải là vẻ đẹp phúc hậu như Thuý Vân. Để tả Kiều, Nguyễn Du đã đi sâu vào tả đôi mắt của Kiều: Làn thu thuỷ, nét xuân sơn. Kiều có đôi mắt trong sáng, long lanh như nước mùa thu, đôi lông mày cong, thanh thoát như nét núi mùa xuân. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, vì vậy Nguyễn Du khắc hoạ đôi mắt Kiều chính là cho thấy cái mặn mà, sắc sảo trong tâm hồn Kiều, cái tinh anh của tâm hồn và trí tuệ. Nếu vẻ đẹp của Thuý Vân không gây nên sự đố kị thì cái đẹp của Thuý Kiều lại khiến hoa ghen, liễu hờn, cái đẹp ấy làm nghiêng nước nghiêng thành. Qua sự miêu tả của Nguyễn Du, Kiều quả thật rất đẹp, nhưng nàng không chỉ đẹp bên ngoài mà còn đẹp ở cái tài bên trong, cầm, ki, thi, hoạ - những chuẩn mực tài năng lí tưởng của xã hội xưa đều hội tụ ở Kiều. Nàng giỏi làm thơ, thông thạo vẽ tranh, âm vực, nhạc lí và đặc biệt giỏi chơi đàn. Nàng còn có tài sáng tác nhạc. Bản nhạc Bạc mệnh do nàng sáng tác khiến ai nghe cũng buồn não lòng. Bản nhạc này chính là tiếng lòng từ trái tim đa sầu đa cảm của Kiều. Nguyễn Du đã gợi tả cả sắc, tài, tình của Kiều. Nàng Kiều quả là người vẹn toàn cả tài và sắc.
Advertisements (Quảng cáo)
Tất cả những vẻ đẹp đó của Thuý Vân, Thuý Kiều được hiện lên thật sinh động chỉ qua những hình ảnh ước lệ. Hình ảnh ước lệ đã bộc lộ được cả vẻ đẹp bên ngoài lẫn tính cách của Thuý Vân Nó còn cho thấy vẻ đẹp, cái mặn mà đằm thắm trong tâm hồn, cái tinh anh trong trí tuệ, tài năng của Kiều.
Hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân hiện lên với mỗi người một vẻ. Nếu như Thuý Vân mang vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang, cao sang thì Kiều lại có vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, sắc sảo, mặn mà, vẻ đẹp được kết hợp giữa cả tài lẫn sắc. Dù là hai chị em nhưng vẻ đẹp của Thuý Kiều, Thuý Vân rất khác nhau, báo hiệu số phận cũng khác nhau của hai người.