Trang chủ Lớp 9 Ngữ văn lớp 9 (sách cũ) Nguyễn Đình Thi có viết: Một bài thơ hay chúng ta đọc”....

Nguyễn Đình Thi có viết: Một bài thơ hay chúng ta đọc”. Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên? Từ đó trình bày cảm nhận của em về một bài thơ mà em tâm đắc nhất trong chương...

Văn nghị luận - Nguyễn Đình Thi có viết: Một bài thơ hay … chúng ta đọc...”. Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên? Từ đó trình bày cảm nhận của em về một bài thơ mà em tâm đắc nhất trong chương trình ngữ văn lớp 8,9. Tiếp nhận văn học, văn nghệ không đơn giản như ta đón nhận một vật trao tay, đó thực sự là một quá trình khổ công nhưng đầy thú vị. Sau mỗi lần đọc lại, chiêm nghiệm lại về một bài thơ hay ta lại tìm ra được một hạt ngọc của tình cảm, của nghệ thuật.

      “Tiếng nói của văn nghệ”, tiếng nói của thơ ca chưa bao giờ là những lời dễ dãi, nhạt nhòa. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng viết: "Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc...”. Ý kiến ấy gợi cho ta bài học sâu sắc về việc tiếp nhận văn nghệ nói chung và thơ ca nói riêng.

      Thơ ca là tiếng nói của tình cảm, tâm trạng, cảm xúc con người. Học giả Lê Quý Đôn từng viết: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần” là bởi thế. Thơ bao giờ cũng ngắn gọn, hàm súc nên ngôn ngữ thơ cô đọng, lời ít ý nhiều. Không chỉ vậy, nhà thơ thường dùng nhiều biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ, đối lập, ... để thể hiện tình ý sâu xa của mình. Không gian, thời gian trong thơ là không gian, thời gian của cảm xúc, tâm tưởng nên trong thơ có nhiều khoảng trống, khoảng trắng đòi hỏi sự liên tưởng phong phú và đồng cảm của người viết. Bởi vậy nên, dọc một bài thơ thì dễ mà hiểu được thơ, cảm được thơ thật khó.

      “Một bài thơ hay” chẳng những mang đến cho người đọc những tình cảm thẩm mĩ đẹp đẽ mà còn có hình thức thể hiện độc đáo sáng tạo. Để cảm nhận đầy đủ những lớp nghĩa của thơ ca, cảm nhận vẻ đẹp của hình thức thơ, bạn đọc phải dụng công rất nhiều. Do vậy, đọc một bài thơ hay “không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giây đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ”. Mặt khác, thơ ca là tiếng nói của tâm hồn bởi vậy, người đọc phải có được sự đồng cảm, đồng điệu vể tiếng lòng với nhân vật trữ tình, với tác giả. Do đó, người đọc thơ không chỉ đọc trong tư thế khám phá những hình thức thẩm mĩ của bài thơ mà phải đọc với tất cả tâm hồn: “Tất cả tâm hồn chúng ta đọc...”.

        Trong chương trình văn học Việt Nam lớp 8 và 9, bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh xứng đáng là một “bài thơ hay” đáng để ta “dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc...”.

        Nhà thơ Tế Hanh được bạn đọc biết đến bắt đầu từ phong trào Thơ mới 1932 - 1945. Ngay từ những ngày đầu sáng tác, thơ của ông đã gắn bó tha thiết với làng quê. Trong những năm sau đó, dù mở rộng về đề tài nhưng nhà thơ vẫn được biết đến nhiều nhất qua những vần thơ viết về quê hương. Và “Quê hương” là một bài thơ như thế.

       Mở đầu bài thơ của mình, nhà thơ có hai câu thơ “giới thiệu” khá lạ:

“Làng tôi vốn làm nghề chài lưới

Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”.

       Đó là lời thơ giới thiệu về nghề nghiệp và vị trí của làng: “làm nghề chài lướị”, bốn bề là nước “cách biển nửa ngày sông”. Hai câu thơ giới thiệu về làng rất ngắn gọn chứa đựng những lời tâm tình chân thành “làng tôi vốn...”. Nhưng đăng sau chữ “vốn” ta nghe có cả một bề dày truyền thống lâu đời gắn bó với biển cả. Để đến câu thơ sau - một câu thơ tám chữ mà có đến năm chữ nhắc đến ý nghĩa “nước”: “nước”, “bao vây”, “biển”, “sông” - thì người đọc có cảm giác đây là lời xướng giọng cao cho một bản trường ca về cuộc sống làng chài.

       Sau lời “trần tình” về làng, nhà thơ phác nên bức tranh cảnh dân chài ra khơi đánh cá:

“Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá”.

       Trên cái nền thuận hòa của trời biển thiên nhiên “Trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng” là vẻ đẹp tuyệt vời của con người, con thuyền và những cánh buồm.

       Nhắc đến người dân chài, nhà thơ nhắc đến “dân trai tráng”, đó là những chàng trai khỏe mạnh, rắn rỏi. Có vậy, họ mới vững vàng đầu sóng ngọn gió để chỉ huy những con thuyền và những cánh buồm mạnh mẽ thế này:

    “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

         Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang

   Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”.

         Hình ảnh con thuyền được so sánh với con tuấn mã cùng hành động hăng hái “phăng” (mái chèo), “mạnh mẽ” “vượt” (trường giang) đã diễn tả khí thế băng lối dũng mãnh của con thuyền ra khơi. Câu thơ tả thuyền nhưng còn làm toát lên một sức sống mạnh mẽ, một vẻ đẹp hùng tráng ở những người dân chài nơi biển cả.

      Theo lối băng đi của những thân thuyền, cánh buồm căng gió biển quen thuộc trở nên thơ mộng và hùng tráng. Trong câu thơ “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, nhà thơ đã có cách so sánh rất kì lạ. Khi so sánh, ta thường so sánh vật vô hình với vật hữu hình để cụ thể hóa đối tượng. Nhưng ở đây, Tế Hanh so sánh vật hữu hình “cánh buồm” với một vật vô hình “mảnh hồn làng”. Điều đó tạo một ấn tượng đặc biệt. Hồn làng - hồn của quê hương - đã hóa thân vào những cánh buồm để lướt về nơi biển cả. Chẳng những thế, ở câu thơ sau, cánh buồm còn được nhân hoá: "Rướn” như một sinh thể biết cử động đang rướn cao thân trắng, thâu góp gió biển của quê hương. Hình ảnh ấy sống động và gợi cảm biết bao.

      Đoạn thơ vừa là cảnh thiên nhiên, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi và dạt dào sức sống.

       Sau ngày ra khơi đầy hào khí, đoạn thuyền đánh cá trở về trong niềm hân hoan chào đón của dân làng:

“Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ

Advertisements (Quảng cáo)

   Khắp dân làng tấp nập đón ghe về

Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe

              Những con cá tươi ngon thân bạc trắng”.

         Tác giả không đi vào chi tiết tả cụ thể một đối tượng nào mà tả chung, gợi không khí cả làng. Đó là sự ồn ào, náo nức, là không khí tấp nập, vui vẻ, rộn ràng, thoả mãn. Câu thơ "nhờ ơn trời...” như một tiếng reo cảm tạ đất trời đã sóng yên, biển lặng để người dân chài trở về an toàn với cá đầy ghe. Khổ thơ là bức tranh lao động náo nhiệt đầy ắp niềm vui và sự sống.

       Bên cạnh không khí ồn ào, tấp nập của dân làng, khổ thơ sau như là một góc lắng của không gian để những người dân đi biển và những con thuyền có thể nghỉ ngơi:

       “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng

Cả thân hình nồng thở vị xa xăm

    Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

         Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.

        Hình ảnh trai tráng và con thuyền sau chuyến đi biển.

        “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng” là một câu tả thực. Màu “rám nắng” là minh chứng cho nhiều chuyến đi biển đầy thử thách, cho sự lành mạnh, đẹp đẽ về thể chất của “dân trai tráng” vùng chài. Đặc biệt, trong câu thơ sau, nhà thơ đã sử dụng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tạo ra những ấn tượng rất lạ: “Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”. Ở những người dân chài với làn da nhuộm nắng, gió, thân hình vạm vỡ toát lên một vẻ đẹp mặn mòi của biển cả. Trong động từ “nồng thở” có một chuyển động rất mạnh mẽ, khỏe khoắn. Và “vị xa xăm” ấy là hương vị của muối biển, gió biển, hồn biển... dạt dào, khoáng đạt. Hình ảnh thơ vừa chân thực vừa lãng mạn nâng những người “dân chài lưới” lên tầm vóc của những anh hùng.

         Bên cạnh hình ảnh rất đẹp, rất khỏe của người đi biển là hình ảnh tinh tế cùa những con thuyền:

“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm

         Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.

       Con thuyền nằm lặng im nghỉ ngơi trên bến sau bao vật lộn nhọc nhằn với sóng gió. Nhà thơ dùng phép nhân hóa “mỏi” để diễn tà trạng thái im lìm, lặng lẽ của những con thuyền nằm trên bến. Không chi vậy, tiếp tục dùng phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác nhà thơ đã thổi hồn vào đoàn thuyền: “Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Trạng thái nằm lặng im cùa thuyền tĩnh lặng đến mức có thể “nghe” được những chuyển động tinh vi nhất cùa từng thớ gổ “chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. Con thuyền đã được thổi hồn đê trở thành một thành viên của làng biển. Câu thơ gợi cảm và mang đầy cảm hứng lãng mạn.

      Đến đây, nhà thơ không sao nén nổi tiếng nhớ quê hương. Tế Hanh đã trực tiếp nói nỗi nhớ làng quê khôn nguôi của mình:

"Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ

    Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi

     Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi

  Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!”.

       Nước xanh, cá bạc, buồm, thuyền, mùi nồng mặn. Đó là màu sắc, là hình ảnh, là hương vị của quê hương đó...! Đặc biệt, câu thơ cuối của bài: "Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá” giản dị, tự nhiên và rất chân thành, “mùi nồng mặn” là mùi vị đặc trưng của quê hương là hương vị lao động. Chính vì vậy, bài thơ đã làm hiện lên hình ảnh quê hương trong sáng, khoẻ khoắn biết nhường nào.

       Viết “Quê hương”, ngòi bút miêu tả của Tế Hanh vô cùng bay bổng dạt dào cảm hứng lãng mạn. Bài thơ có những hình ảnh so sánh đẹp đẽ, những thủ pháp nghệ thuật  đặc biệt là nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác tinh tế, gợi cảm.

       Tiếp nhận văn học, văn nghệ không đơn giản như ta đón nhận một vật trao tay, đó thực sự là một quá trình khổ công nhưng đầy thú vị. Sau mỗi lần đọc lại, chiêm nghiệm lại về một bài thơ hay ta lại tìm ra được một hạt ngọc của tình cảm, của nghệ thuật. Vậy nên, có khi nào phải “không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc...” đối với một tác phẩm thơ ca thì ta sẽ lấy đó là niềm hạnh phúc. Và cũng thật vinh dự cho nhà thơ Tế Hanh khi hiến dâng cho đời một bài thơ như thế: “Quê hương”.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 9 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: