Khổ thơ thứ ba là những cảm xúc của tác giả khi vào trong lăng, đứng trước di hài Bác. Bao tình cảm ấp ủ bấy lâu, nên khi bắt gặp bóng dáng thân yêu của Bác là trào dâng thổn thức. Hình ảnh Bác nằm trong lăng được diễn tả rất xúc động qua hai câu thơ:
Bác nằm trong lăng giấc ngứ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Câu thơ gợi được sự yên tĩnh, trang nghiêm, ánh sáng dịu nhẹ trong lành và hình ảnh đẹp đẽ của Bác. Bằng tình cảm, nhà thơ thấy Bác như đang ngủ trong giấc ngủ bình yên giữa thiên nhiên đẹp và thơ mộng, Bác vẫn ở cùng ta, như nhà thơ Hải Như đã viết:
Suốt cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu
Nay Bác ngủ chúng con canh giấc ngủ
(Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi)
“Vầng trăng sáng dịu hiền” là ánh sáng của tình thương mến, nâng niu, vầng trăng ấy như ru Bác ngủ. Giấc ngủ của Bác là giấc ngủ trong tình thương yêu. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng đã viết:
Trong lăng Bác vừa chợp nghỉ
Như sau mỗi việc làm.
Advertisements (Quảng cáo)
Trăng ơi trăng biết thế
Nên trăng bước nhẹ nhàng.
(Trăng lên)
Hình ảnh vầng trăng dịu hiền cũng gợi nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác và những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người.
Đến đây, cảm xúc ngưỡng mộ như lắng xuống nhường chỗ cho nỗi xót đau không thể kìm nén:
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
“Trời xanh” cũng như “mặt trời”, “vầng trăng” là những hình ảnh của vũ trụ kì vĩ, vĩnh hằng, là ẩn dụ sâu xa gợi suy ngẫm về cái cao cả, vĩ đại, bất diệt, trường tồn ở Bác. Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, như trời xanh còn mãi (Bác sống như trời đất của ta Tố Hữu). Người đã hóa thân vào thiên nhiên, đất nước, dân tộc. Sự nghiệp của Người là bất tử. Dù vẫn tin như vậy, nhưng tình cảm xót thương không chấp nhận sự mất mát thực tế, trái tim vẫn đau nhói khi nghĩ rằng Bác không còn nữa. Nỗi đau xót được biểu hiện cụ thể, trực tiếp: "Mà sao nghe nhói ở trong tim”. Đó là nỗi đau vô hạn, là lòng thương xót rất thật, không lí do nào khuây khỏa được. Đó là tình cảm của đứa con về muộn bên di hài người cha.