Trang chủ Lớp 7 SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ) Soạn bài Một thứ quà của lúa non Cốm SBT Văn 7...

Soạn bài Một thứ quà của lúa non Cốm SBT Văn 7 tập1: Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 119 SBT...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 119 SBT Ngữ Văn 7 tập1.  Soạn bài Một thứ quà của lúa non : Cốm

Bài tập

1. Trong bài tuỳ bút này, tác giả đã sử dụng nhiều phương thức : miêu tả, thuyết minh, biểu cảm, bình luận. Phương thức nào có vai trò quan trọng hơn cả trong bài và làm nổi bật màu sắc chủ quan của tác phẩm tuỳ bút ?

2. Thể tuỳ bút cho phép người viết khá tự do trong mạch liên tưởng “tuỳ theo bút”. Nhưng bài văn này của Thạch Lam vẫn có mạch lạc khá rõ ràng, hợp lí. Em hãy lập dàn ý của bài và nhận xét về sự chặt chẽ, hợp lí trong bố cục của bài văn.

3.* Người ta thường cho rằng văn Thạch Lam thiên về cảm giác và rất nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc. Em hãy chứng minh nhận xét ấy qua bài tuỳ bút này.

4. Câu 4, trang 163, SGK.

5.* Qua bài văn này và những hiểu biết của em về một số món ăn dân tộc, em hãy nêu nhận xét về một vài điểm đáng chú ý trong văn hoá ẩm thực (ăn uống) của dân tộc.


Gợi ý làm bài

1. Cũng như phần lớn các bài tuỳ bút nói chung, bài này của Thạch Lam đã sử dụng nhiều phương thức thể hiện : miêu tả, thuyết minh, bình luận, biểu cảm. Tuỳ bút là thể văn mang đậm màu sắc chủ quan và dấu ấn của tác giả, phương thức biểu cảm giữ vai trò quan trọng và chủ đạo, nó không chỉ xuất hiện phổ biến tạo nên giọng điệu chính của tác phẩm mà còn kết hợp và thâm nhập vào các phương thức thể hiện khác. Trong bài tuỳ bút này, tác giả đã bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc, cảm giác của mình trước một sản vật bình dị mà độc đáo của đất nước là cốm. Nhiều câu có sử dụng những từ biểu cảm để làm tăng thêm hiệu quả biểu hiện và khơi gợi cảm xúc ở người đọc. Đồng thời thái độ và tình cảm của tác giả cũng thâm nhập vào cả những đoạn miêu tả, thuyết minh, bình luận. (Em tìm trong bài những dẫn chứng cụ thể)

Advertisements (Quảng cáo)

2. Mạch văn của bài tuỳ bút này tuy khá tự do, linh hoạt, nhưng cũng có một bố cục rành mạch, tự nhiên và hợp lí. Khởi đầu là nói về sự sinh thành của hạt cốm, nghề làm cốm, rồi cảm nhận và suy nghĩ về giá trị văn hoá của cốm, tiếp đó bàn về sự thưởng thức thứ quà này.

   Dựa vào bố cục của bài văn như gợi ý trên đây, em đọc lại văn bản, lập dàn ý chi tiết và nhận xét về sự mạch lạc chặt chẽ, hợp lí của bố cục bài tuỳ bút.

3.* Bài tuỳ bút này bộc lộ đặc điểm của văn Thạch Lam là thiên về cảm giác và rất nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc.

- Tác giả đã huy động nhiều cảm giác và thường rất tinh tế để cảm nhận từ màu sắc, hương thơm đến vị ngọt thanh đạm của cốm. Có thể dẫn chứng : đoạn mở đầu nói về sự sinh thành của hạt cốm được cảm nhận từ hương thơm của cơn gió mùa hạ lướt qua trên hồ, từ hương thơm của những cánh đồng lúa và những bông lúa non ; đoạn nói về sự hoà hợp của hồng cốm tốt đôi, từ màu sắc đến vị ngọt sắc và thanh đạm bổ sung cho nhau ; đoạn bàn về sự thưởng thức cốm : “…ăn cốm phải ăn từng chút ít... của loài thảo mộc”.

- Sự nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc thể hiện ở cách lựa chọn đối tượng (cốm, một sản vật bình dị mà tao nhã), cách cảm nhận từ mọi khía cạnh và phát hiện ý nghĩa sâu xa, giá trị văn hoá trong hạt cốm rất giản dị, không chỉ bằng những hiểu biết mà còn bằng tất cả tâm hồn, cảm xúc để thâm nhập vào đối tượng miêu tả. Cho đến cả những chỗ cần nhắc nhở hay phê phán, giọng văn của Thạch Lam cũng vẫn rất chừng mực, nhẹ nhàng.

4. Câu văn ấy đã kết tinh sự phát hiện và cảm nhận sâu sắc, tinh tế với tất cả lòng trân trọng của tác giả về một sản vật bình dị và đặc sắc của đồng quê đất nước. Qua sự cảm nhận của tác giả, hạt cốm chứa đựng ý nghĩa và giá trị sâu xa cả về vật chất lẫn văn hoá của đất nước.

5.* Nghệ thuật ẩm thực của mỗi dân tộc đều có những đặc sắc riêng, phản ánh điều kiện sống, môi trường, tâm lí và tập quán, bản sắc văn hoá riêng của từng dân tộc. Văn hoá ẩm thực Việt Nam cũng có nhiều điểm đặc sắc và một trong những đặc điểm ấy là tinh tế mà ít cầu kì, giữ được bản chất, hương vị tự nhiên của nguyên liệu, phối hợp các món ăn tạo sự đa dạng mà hài hoà về hương vị, màu săc, hình dáng. Nhiều món ăn của dân tộc ta là sản phẩm của nền nông nghiệp trồng lúa nước, đồng thời chứa đựng những quan niệm về nhân sinh, vũ trụ của dân tộc từ xa xưa (ví dụ : bánh chưng, bánh giầy là hình tượng trời tròn đất vuông), gắn với những phong tục văn hoá và quan hệ con người (ví dụ : trầu cau). Cốm cũng là một sản phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hoá của nền nông nghiệp lúa nước gắn với phong tục sêu tết ngày xưa. Thứ quà ấy giản dị, thanh khiết, chứa đựng hương vị tự nhiên và đượm ý vị sâu xa.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)