Trang chủ Lớp 7 SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ) Bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm SBT Văn 7 tập...

Bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm SBT Văn 7 tập 1 trang 46...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 trang 46 SBT Ngữ Văn 7 tập 1 - Soạn bài Tìm hiểu chung về văn biểu cảm Có người nói : Người ta có thể làm bài văn khóc bạn vì người bạn đã chết, chứ không ai làm bài văn khóc túi tiền vì túi tiền bị mất cắp. Theo em, nói như vậy có đúng không ? Vì sao ?

Bài tập

1.  Cho biết loại văn bản hoặc đề văn nào dưới đây thuộc loại văn biểu cảm và nêu lí do.

(1) Xã luận. (2) Điện mừng. (3) Thư chúc Tết. (4) Tin buồn. (5) Tuỳ bút. (6) Thơ trữ tình. (7) Ngợi ca cây thông. (8) Cảm xúc mùa xuân. (9) Nhớ mãi mùa hè.

2.  Tìm ý kiến đúng trong các ý kiến sau :

a) Văn biểu cảm là văn bản bộc lộ cảm xúc, tình cảm của con người. Nó không chấp nhận kể lể sự việc và miêu tả chi tiết.

b) Văn biểu cảm thường thông qua sự việc và miêu tả chi tiết gợi cảm mà bộc lộ cảm xúc của con người.

c) Văn biểu cảm chỉ cần cảm xúc, không cần lí lẽ, nghị luận.

d) Văn biểu cảm mà có thêm suy nghĩ, nghị luận thích hợp thì càng sâu sắc.

3.                           Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

                          Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

   Câu ca dao này có cụm từ nào nói rõ là “em vui”, “em sung sướng”, “em hạnh phúc” không ? Nó có biểu hiện những tình cảm ấy không ? Một câu thơ, câu ca dao khi biểu hiện một tình cảm mà không có từ ngữ trực tiếp gọi ra tình cảm ấy thì có phải là văn biểu cảm không và đó là biểu cảm trực tiếp hay gián tiếp ?

4.  Đoạn thơ sau là biểu cảm trực tiếp hay gián tiếp ? Hãy nêu căn cứ cho ý kiến khẳng định của em.

                             Đi ta đi ! Khai phá rừng hoang

                             Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng ?

                             Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy ?

                             Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy

                             Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều ?

                             Hỡi những chàng trai, những cô gái yêu

Advertisements (Quảng cáo)

                             Trên những đèo mây, những tầng núi đá

                             Hai bàn tay ta hãy làm tất cả !

                             Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai

                             Khói những nhà máy mới ban mai...

(Tố Hữu, Bài ca mùa xuân 1961)

5.  Vì sao những câu văn sau đây của Hoàng Phủ Ngọc Tường được coi là biểu cảm ?

- (Hải đường) rộ lên hàng trăm đóa ở đầu cành phơi phới như một lời chào hạnh phúc.

- Hải đường có một màu đỏ thắm rất quý, hân hoan, say đắm.

- Hoa hải đường rạng rỡ nồng nàn, nhưng không có vẻ gì là yểu điệu thục nữ, cánh hoa kkum khum như muốn phong lại cái nụ cười má lúm đồng tiền.

6. Có người nói : Người ta có thể làm bài văn khóc bạn vì người bạn đã chết, chứ không ai làm bài văn khóc túi tiền vì túi tiền bị mất cắp. Theo em, nói như vậy có đúng không ? Vì sao ?


Gợi ý làm bài

1. Trong bài tập này nên chú ý : Tuỳ bút, thơ trữ tình rõ ràng là văn biểu cảm. Còn tin buồn, tuy có nội dung buồn, nhưng nó chỉ là bản tin cho biết : ai chết, chết lúc nào, lúc nào đưa tang, tại đâu... cho nên không phải là văn biểu cảm. Các em tự suy ra các loại văn bản và đề văn khác nêu trong bài tập.

2. Bài tập nêu bốn ý kiến. Có hai ý kiến đúng, có hai ý kiến vừa đúng, vừa cực đoan, phiến diện thành ra không đúng. Em hãy tự nhận xét và chỉ ra các ý kiến đó.

3. Lúa có đòng đòng mà được phơi màu dưới nắng thì chắc chắn sẽ sây hạt trĩu bông, hứa hẹn mùa lúa bội thu. Câu thơ nói niềm vui của chẽn lúa đòng đòng. Qua niềm vui của chẽn lúa mà nói niềm vui của cô gái. Đó là cách biểu cảm gián tiếp.

4. Đoạn thơ của Tố Hữu trong bài thơ Bài ca mùa xuân 1961 là biểu cảm trực tiếp, nhà thơ trực tiếp bộc lộ những tình cảm rạo rực, sôi nổi, muốn lên đường thăm dò, cải tạo, xây dựng trên đất nước những hầm mỏ, nhà máy điện ; kêu gọi, giục giã thế hệ thanh niên lên đường.

5. Nhà văn đã biến hoa hải đường thành biểu tượng của tình cảm, bằng cách thêm cho nó những so sánh, ẩn dụ : hoa nở rộ phơi phới như lời chào hạnh phúc, màu đỏ hân hoan say đắm, hải đường rạng rỡ, nồng nàn... mỗi đoá hoa đều nói lên cảm xúc trào dâng của tác giả.

6. Túi tiền là tài sản, là kết quả của lao động trí óc và lao động chân tay. Tài sản bị mất ai mà không tiếc. Nhưng giá trị của của cải thấp hơn giá trị của cuộc sống, nhân cách và giá trị tinh thần. Người ta nói có tiền không mua được hạnh phúc, không mua được sự kính trọng. Người ta chế giễu những ai quý tiền bạc hơn sinh mệnh như nhân vật trong truyện cười Thà chết còn hơn, hay người anh trong truyện cổ tích Cây khế. Do đó không ai làm văn thể hiện tình cảm yêu tiền, làm văn khóc tiền. Trái lại, tình bạn là một giá trị tinh thần rất lớn, mất bạn là một mất mát lớn. Xưa nay thơ văn viết về tình bạn rất nhiều. Điều đó chứng tỏ không phải tình cảm nào có trong thực tế cũng có thể trở thành nội dung của văn biểu cảm. Những tình cảm nhân văn, như lòng yêu nước, yêu con người (cha, mẹ, anh, em, thầy cô, đồng loại...), yêu thiên nhiên, yêu các giá trị văn hoá mới là những nội dung của văn biểu cảm.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: