1. Theo anh (chị), trong ba văn bản Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bùng nổ, Hai Bà Trưng và Trưng Nữ Vương, văn bản nào là văn bản văn học ? Vì sao ?
Văn bản 1 CUỘC KHỞI NGHĨA HAI BÀ TRƯNG BÙNG NỔ
Bấy giờ ở huyện Mê Linh (vùng đất từ Ba Vì đến Tam Đảo, nay thuộc Hà Tây, Vĩnh Phúc), có hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái Lạc tướng thuộc dòng dõi Hùng Vương. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (vùng Đan Phượng - Hà Tây và Từ Liêm - ngoại thành Hà Nội).
Hai gia đình Lạc tướng cùng nhau mưu việc lớn. Họ bí mật tìm cách liên kết với các thủ lĩnh ở mọi miền đất nước để chuẩn bị nổi dậy. Không may, Thi Sách bị quân Hán giết.
Mùa xuân năm 40 (tháng 3 dương lịch), Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa ở Hát Môn (Hà Tây). [...]
Nghĩa quân nhanh chóng đánh bại kẻ thù, làm chủ Mê Linh ; rồi từ Mê Linh, tiến đánh Cổ Loa và Luy Lâu. Tô Định hoảng hốt phải bỏ thành, cắt tóc, cạo râu, lẻn trốn về Nam Hải (Quảng Đông). Quân Hán ở các quận khác cũng bị đánh tan.
Cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi.
(Lịch sử 6, NXB Giáo dục, 2003)
Văn bản 2 HAI BÀ TRƯNG
Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định dẹp tan biên thành.
Đô kì đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
(Lê Ngô Cát - Phạm Đình Toái, Đại Nam quốc sử diễn ca,
NXB Văn hóa thông tin Hà Nội, 1999)
Văn bản 3 TRƯNG NỮ VƯƠNG
Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi
Ngang dọc non sông đường kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
[...]
Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ loi.
(Ngân Giang, trong 80 tác giả nữ Việt Nam,
NXB Thanh niên, Hà Nội, 2000)
Muốn biết văn bản nào là văn bản văn học, anh (chị) cần đọc kĩ nội dung và cách sử dụng ngôn ngữ ở từng văn bản. Có văn bản nhằm đến sự chân thực lịch sử, với địa danh cụ thể, nhân danh (tên nhân vật) có thực, với nguyên nhân và diễn biến rõ ràng. Có văn bản chú ý đến vẻ đẹp ngôn từ, nhất là vần luật để dễ ghi nhớ và lưu truyền sự kiện lịch sử. Có văn bản xây dựng trên hư cấu, tưởng tượng. Tất nhiên, sự hư cấu, tưởng tượng đó cũng dựa vào thực tế lịch sử. Văn bản sử dụng nhiều phép tu từ, nhiều mĩ từ, ví dụ : khoé hạnh, chim bằng, cân đai, điện ngọc.
Dựa trên các tiêu chí đã trình bày trong SGK, anh (chị) sẽ nhận ra đâu là văn bản văn học.
2. Làm rõ nghĩa các câu thơ sau :
Giặc nước đuổi xong rồi, Trời xanh thành tiếng hát
Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân
Những kẻ quê mùa đã thành trí thức
Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng.
Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lí Trần Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.
(Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước,
trong Ánh sáng và phù sa, NXB Văn học, Hà Nội, 1960)
Muốn đi vào chiều sâu nội dung văn bản, cần hiểu thật kĩ ngôn từ. Không hiểu nghĩa từng từ, từng hình ảnh, từng câu thơ thì không thể hiểu được hàm nghĩa của bài thơ. Thơ văn hiện đại thường không sử dụng nhiều từ cổ, nhiều điển tích, nhưng cách dùng hình ảnh, cách cấu tạo câu cũng có nhiều sáng tạo cần phải đi sâu tìm hiểu.
Khi đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ hình dung cuộc sống của nhân dân sẽ có một sự đổi thay căn bản sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước, xây dựng nên chế độ mới.
Hãy chú ý đến những cụm từ in đậm :
- Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát
Advertisements (Quảng cáo)
(Tiếng hát thường gợi lên những gì trong trẻo, tươi vui, hài hoà...)
- Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lí Trần Lê
Thành nước Việt nhân dân trong mát suối
Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói
Những đời thường cũng có bóng hoa che.
( Trong mát suối gợi lên những gì ngọt mát, có ích cho cuộc sống con người ; bóng hoa che gợi lên những gì đẹp đẽ, hạnh phúc. Thời trước, chỉ có lớp người giàu có, sang trọng mới có hạnh phúc. Nay trong chế độ mới, những con người bình thường cũng có thể có hạnh phúc.)
Thử viết lại bằng văn xuôi cho rõ ý những câu thơ này.
3. Hãy nói rõ nghĩa của các câu thơ sau :
Mồi phú quý dử làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.
(Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc,
trong Những khúc ngâm chọn lọc, NXB Giáo dục, 1994)
Thơ văn thời trung đại thường sử dụng nhiều từ Hán Việt, nhiều điển tích có phần xa lạ với ngày nay. Để hiểu đúng, ta cần đọc kĩ các chú thích dưới văn bản (nếu có) và tra cứu các loại từ điển : từ điển Hán Việt, từ điển điển cố, từ điển văn liệu... Tránh những suy đoán chủ quan, vô căn cứ, dẫn đến lầm lẫn.
- Cần tìm hiểu các từ, cụm từ : mồi phú quý, dử (có nơi gọi là nhử), làng xa mã, bả vinh hoa, gã công khanh. Ví dụ : làng xa mã (làng ở đây có nghĩa là đoàn, bọn, giới ; xa mã : xe và ngựa) : chỉ những người giàu có ; gã công khanh (công, khanh là những chức quan cao cấp thời phong kiến) : chỉ người có quyền cao chức trọng. Từ đó, nói rõ nghĩa hai câu thơ trên.
- Cách dùng các từ mồi, bả, dứ, lừa (những từ dùng trong các công việc câu cá, săn thú...), gã khi nói về những người giàu, có chức vị cao trong xã hội phong kiến đã tỏ rõ thái độ nào của tác giả ?
- Giấc Nam Kha là một điển cố : Xưa có người nằm mộng đến nước Hoè An được Quốc vương nước đó phong làm Thái thú quận Nam Kha và gả công chúa cho. Sau thua giặc, bị vua cách chức, vợ cũng chết. Sợ quá, bừng tỉnh dậy mới biết đó chỉ là giấc mộng. Điển cố này muốn nói cuộc đời con người ngắn ngủi, hư ảo, được mất trong thoáng chốc.
Việc gắn sự giàu có, vinh hoa của các quan chức phong kiến ngày xưa với giấc Nam Kha có ý nghĩa gì ?
4. Tìm hiểu hình ảnh "hoàng thảo hoa vàng” và hàm nghĩa của bài tứ tuyệt sau :
HOÀNG THẢO HOA VÀNG
Hoàng thảo hoa vàng... chợt nhớ ra
Ơ xuân! Lơ đãng bấy lòng ta
Câu thơ tháng chạp, mình chưa viết
Mà đó hoa vàng, xuân tháng ba.
(Chế Lan Viên, Đối thoại mới, NXB Văn học, Hà Nội, 1973)
- Cần chú ý những từ, cụm từ : chợt nhớ ra, Ơ xuân, Mà đó... Giọng khẩu ngữ nói lên trạng thái tâm hồn gì ?
- "Hoàng thảo hoa vàng” tiêu biểu cho cái gì ? Hoa tàn hoa nở theo quy luật nào ?
- Hai câu thơ cuối nói lên điều gì ? (Chú ý các cụm từ : tháng chạp, tháng ba.)
- Anh (chị) hãy viết một đoạn văn nêu hàm nghĩa bài thơ này (không quá 100 chữ). Có thể tham khảo bài viết sau :
THỬ TÌM HÀM NGHĨA CỦA BÀI RỦ NHAU ĐI HÁI MẪU ĐƠN
Ca dao xưa có câu :
Rủ nhau đi hái mẫu đơn
Mẫu đơn không hái, hái cơn[1] dành dành.
Có anh bạn bảo đây là câu ca dao tình yêu. Hai người đi chơi say sưa mê mải trong hạnh phúc riêng, cái nhìn mơ hồ hư ảo lầm lẫn hoa nọ với hoa kia. Quả khi mê mẩn có khi thành lẩn thẩn: "Lá này là lá xoan đào - Tương tư gọi nó thế nào hở em ?” hoặc lầm lẫn : "Lá khoai anh ngỡ lá sen - Bóng trăng anh ngỡ bóng đèn anh khêu !”. Sự si mê khổ thế đấy ! Nhưng đầu óc quá tỉnh táo, quá sáng suốt chắc gì đã có những giây phút thần tiên ấy !
Cũng xem đây là câu ca dao tình yêu nhưng có người muốn hiểu đây nói về sự so le giữa ước mơ và thực tế. Mẫu đơn là loài hoa được cho là đẹp nhất trong các loài hoa. Mẫu đơn là hình ảnh người con gái đẹp. Trong tình yêu, những người con trai vẫn ước mong tìm được người con gái đẹp nhất, hoa mẫu đơn của mình. Nhưng trong thực tế cuộc đời thường, anh chỉ gặp được loại dành dành. Câu ca dao là lời đành phận với những tình cờ trong tình yêu.
Cũng là sự so le giữa ước mơ và thực tế nhưng có lẽ không nên bó hẹp trong vấn đề tình yêu. Trong cuộc đời, con người thường ước mơ, thường muốn vươn đến những điều tốt đẹp, nhưng vì khả năng, vì sự hiểu biết, vì sự tình cờ và bao nhiêu điều khác, cuối cùng con người chỉ đạt được một kết quả bình thường. Đó vẫn còn là may! Mẫu đơn và dành dành tuy khác nhau nhưng cũng đều là loài hoa. Có những trường hợp : tìm kiếm mơ ước một điều rút cục gặp phải điều khác hẳn. Cái ý tình cờ may rủi này được củng cố bằng hai câu tiếp sau :
Rủ nhau đi hái dành dành,
Dành dành không hái, hái cành mẫu đơn.
Thì ra trong cuộc đời cũng có những người may thế đấy ! Nhưng đó là số ít. Phần đông trong số chúng ta thường chỉ hái được dành dành. Hiểu theo ý này, câu ca dao có một ý nghĩa khái quát hơn, thâm thuý lẽ đời hơn.
(Nguyễn Xuân Nam, tạp chí Ngôn ngữ, số 4 - 1990)
5. Nhận xét về đặc điểm của văn bản sau :
VỀ LÀNG
Ngót ba mươi năm, lần này tôi mới có dịp thật sự trở về làng một thời gian. Mấy lần trước chỉ là đi qua. Thầy tôi mất đã lâu, mẹ tôi mất từ hồi tôi còn nhỏ, mấy đứa em tôi phân tán mỗi người một nơi. Chân tôi bước trên con đường làng cát mịn mà như đang đi ngược về quá khứ, một cái quá khứ xa thăm thẳm không những vì năm tháng mà còn vì những thay đổi lớn đã xảy ra.
Xa xa đã trông thấy những ngọn tre lơ thơ đàng sau khoảnh vuờn cũ. Những ngọn tre ấy thân yêu biết mấy đối với tôi. Ngày xưa, những lần đầu tôi phải xa nhà lên tỉnh học, khi ngoảnh lại nhìn mấy ngọn tre ấy đu đưa, nước mắt tôi cứ trào ra, không sao cầm lại được. Trong đầu óc non trẻ của tôi hồi bấy giờ, giữa cuộc sống tràn đầy lạnh nhạt, gian dối và ác độc, chỉ nơi đây là có tình thương. Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi và cách tôi nhìn cuộc sống cũng đã thay đổi, nhưng mấy ngọn tre kia trong lòng tôi vẫn có một vị trí riêng.
Tôi thuộc từng bờ tre, từng góc ruộng, từng chỗ ngoặt trên đường đi. Tôi bước vào mảnh vườn cũ. Ngôi nhà cũ không còn. Những cây cối thầy tôi trồng ngày trước lác đác cũng chỉ sót lại một vài cây. Nhưng lồng vào khung cảnh mới, tôi vẫn nhớ rõ như in tất cả những gì cũ. Tưởng chừng như nhớ mà lại rõ hơn nhìn, hình ảnh ngày xưa mà đậm nét hơn cái cảnh đang bày ra trước mắt. Nhớ cây ổi trên bờ ao, nhớ cái giếng ở góc vườn mùa gió Nam tắm mát rượi, nhớ hàng dâm bụt ở ngoài ngõ, nơi đứa em vội chạy ra đón anh về đưa anh cái kẹo bột, nhớ mấy cây thầu dầu (xoan) mỗi năm xuân về chúng tôi vẫn xâu hoa lại thành những chiếc cườm màu tím, nhớ mấy bụi hoàng tinh ở sau nhà thường có chim chắt làm tổ, nhớ cái giường tre nơi mẹ tôi mất, cái bàn đọc sách của thầy tôi, nhớ bao nhiêu nét mặt hiền lành, tội nghiệp.
Nhưng bà con trong xóm không để tôi triền miên trong cảnh cũ. Các trẻ em tuy không biết tôi là ai, vẫn chào hỏi tôi, theo một tập quán rất dễ mến của địa phương. Những người lớn tuổi phần đông cũng phải một chốc mới nhận ra tôi. Chuyện cũ, chuyện mới, tưởng như có thể nói hoài với nhau không bao giờ dứt.
(Hoài Thanh, trích từ Tuyển tập Hoài Thanh, tập 2, NXB Văn học,
Hà Nội, 1982, tr. 373 - 374)
- Đọc bài viết về Văn bản văn học trong SGK để nắm chắc các tiêu chí đánh giá một văn bản văn học.
- Bài viết của nhà văn Hoài Thanh có lời văn trong sáng, giản dị, giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi nhiều liên tưởng sâu xa, bộc lộ tình cảm yêu quê hương, làng xóm, gia đình, cha mẹ, anh em...
[1] Cơti (cách phát âm địa phương) : cây.