Trang chủ Lớp 10 Lịch sử lớp 10 Cách mạng Hà Lan

Cách mạng Hà Lan...

Cách mạng Hà Lan. Trước cách mạng, lãnh thổ thuộc hai nước Bỉ và Hà Lan ngày nay, gọi là Nè-đéc-lan.

Trước cách mạng, lãnh thổ thuộc hai nước Bỉ và Hà Lan ngày nay, gọi là Nè-đéc-lan (nghĩa là “vùng đất thấp”, vì phần lớn đất đai ở đây thấp hơn mực nước biển). Cuối thế kỉ XV, Nê-đéc-lan lệ thuộc Áo ; đến giữa thế kỉ XVI, lại chịu sự thống trị của Vương triều Tây Ban Nha.
Từ đầu thế kỉ XVI, Nê-đéc-lan là một trong những vùng kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhất châu Âu với nhiều thành phố và hải cảng, trong đó đã hình thành những trung tâm thương mại nổi tiếng là U-trếch, Am-xtéc-đam, An-véc-pen… Cùng với sự lớn mạnh của công thương nghiệp, giai cấp tư sản Nê-đéc-lan sớm hình thành, ngày càng có thế lực về kinh tế.
Cũng vào thời điểm này, khi làn sóng cải cách tôn giáo lan rộng khắp châu Âu thì Nê-đéc-lan là một địa bàn thuận lợi để tư tưởng Tân giáo của Can-vanh phát triển.
Để củng cố uy quyền, Quốc vương Tây Ban Nha đã tăng cường kiểm soát và vơ vét của cải của nhân dân Nê-đéc-lan bằng việc đánh thuế nặng nề nhằm kìm hãm sự phát triển của “vùng đất thấp’ này, đồng thời thực hiện chính sách đàn áp khốc liệt những người theo Tân giáo. Triều đình Tây Ban Nha còn ban lệnh : hễ ai là tín đồ Tân giáo, đàn ông sẽ bị chặt đầu, đàn bà sẽ bị chôn sống hoặc thiêu chết, tài sản sẽ bị tịch thu ; những người giúp đỡ, che giấu hoặc nói chuyện thân mật với tín đồ Tân giáo cũng bị tịch thu tài sản…
Tháng 8 – 1566, nhân dân nhiều nơi ở miền Bắc Nê-đéc-lan đã nổi dậy khởi nghĩa, mà mục tiêu tấn công đầu tiên là Giáo hội – chỗ dựa vững chắc của chính quyền Tây Ban Nha.
Tháng 8 – 1567, Vương triều Tây Ban Nha đưa quân sang Nê-đéc-lan, đàn áp dã man những người khởi nghĩa, nhưng không ngăn cản được sự phản kháng của quần chúng.
Tháng 4-1572, quân khởi nghĩa đã làm chủ được các tỉnh phía bắc. Một số quý tộc tư sản hoá ở Nê-đéc-lan bất mãn với tầng lớp thống trị Tây Ban Nha đã đứng về phía quân khởi nghĩa, nắm quyền lãnh đạo phong trào.
Tháng 1 – 1579, đại biểu các tỉnh miền Bắc họp hội nghị ở U-trếch, tuyên bố thống nhất hệ thống tiền tệ, đo lường, tổ chức quân sự và chính sách đối ngoại. Đạo Can-vanh được công nhận là quốc giáo, quyền tự do tín ngưỡng được tôn trọng. Tiếp đó, tháng 7 – 1581, vua Tây Ban Nha Phi-líp II bị phế truất. Hội nghị các đảng cấp gồm đại biểu của các tỉnh miền Bắc trở thành cơ quan quyền lực tối cao. Các tỉnh miền Bắc Nê-đéc-lan được thống nhất thành một nước cộng hoà với tên gọi Các tỉnh liên hiệp hay Hà Lan (tên một tỉnh có vai trò quan trọng nhất trong các tỉnh liên hiệp và thủ đô là Am-xtéc-đam). Song, chính quyền Tây Ban Nha chưa chịu công nhận Hà Lan. Nhân dân Hà Lan phải tiếp tục đấu tranh. Mặc dù Hiệp định đình chiến giữa Tây Ban Nha và Hà Lan đã được kí kết vào năm 1609, song mãi đến năm 1648, nền độc lập của Hà Lan mới được chính thức công nhận.
Cách mạng Hà Lan là cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới, diễn ra dưới hình thức chiến tranh giải phóng dân tộc để lật đổ ách thống trị của thế lực phong kiến nước ngoài, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Tuy còn nhiều hạn chế, nhưng Cách mạng Hà Lan vẫn có ý nghĩa báo hiệu một thời đại mới – thời đại của các cuộc cách mạng tư sản và bước đầu suy vong của chế độ phong kiến.