Advertisements (Quảng cáo)
Đầu thế kỉ XVII, Anh là nước có nền kinh tế phát triển nhất châu Âu. Sản xuất công trường thủ công đã chiếm ưu thế hơn sản xuất của phường hội, số lượng và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng. Tư sản Anh giàu lên nhanh chóng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngoại thương, chủ yếu là bán len dạ và buôn nô lệ da đen.
Công nghiệp len dạ phát triển làm cho nghề nuôi cừu trở nên có lợi nhất. Nhiều địa chủ, vốn là quý tộc, chuyển hướng kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa, đuổi tá điền đi, biến ruộng đất thành đồng cỏ, rồi thuê nhân công nuôi cừu lấy lông cung cấp cho thị trường. Bộ phận quý tộc này đã giàu lên nhanh chóng, dần dần tư sản hoá, trở thành tầng lớp quý tộc mới.
Chế độ phong kiến, với chỗ dựa là tầng lớp quý tộc và Giáo hội Anh, ngày càng cản trở sự kinh doanh làm giàu của tư sản và quý tộc mới. Dưới thời vua Sác-lơ I (từ năm 1625), nhiều thứ thuế mới được đặt ra, nhà nước nắm độc quyền thương mại và thu thuế thuyền bè, duy trì nhiều đặc quyền phong kiến, đời sống nhân dân càng thêm cơ cực.
Mâu thuẫn giữa tư sản, quý tộc mới với các thế lực phong kiến phản động được biểụ hiện qua những cuộc xung đột giữa Quốc hội với nhà vua.