Nguyên nhân trực tiếp bùng nổ cách mạng xoay quanh vấn đề tài chính, khi Sác-lơ I triệu tập Quốc hội (4 - 1640) nhằm tăng thuế, để có tiền chi cho việc đàn áp cuộc nổi dậy của người Xcốt-len ở miền Bắc nước Anh. Quốc hội, gồm đa số là quý tộc mới và tư sản, không phê duyệt các khoản thuế mới do vua đặt ra, kịch liệt công kích chính sách bạo ngược của nhà vua và đòi quyền kiểm soát quân đội, tài chính và Giáo hội. Sác-lơ I định dùng vũ lực đàn áp Quốc hội, song đã bị quần chúng nhân dân phản đối quyết liệt. Bị thất bại, Sác-lơ I chạy lên phía Bắc Luân Đôn, tập hợp lực lượng phong kiến chuẩn bị phản công.
Advertisements (Quảng cáo)
Tháng 8 - 1642, Sác-lơ I tuyên chiến với Quốc hội. Từ năm 1642 đến năm 1648, đã xảy ra nội chiến giữa Quốc hội được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, với nhà vua có sự hỗ trợ của quý tộc phong kiến và Giáo hội Anh.
Do áp lực của quần chúng, đầu năm 1649, Sác-lơ I bị xử tử. Anh trở thành nước cộng hoà do Ô-li-vơ Crôm-oen (1599 - 1658) đứng đầu. Cách mạng đạt tới đỉnh cao.
Crôm-oen đem quân chinh phục Ai-len và Xcốt-len. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tư sản và quý tộc mới đã trao trọng trách cho Crôm-oen với tước Bảo hộ công. Nền độc tài quân sự được thiết lập (năm 1653).