1. Phân tích biểu hiện về tính chung của ngôn ngữ xã hội và nét riêng của lời nói cá nhân trong đoạn thơ sau:
Gỉó theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
(Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ)
Đoạn thơ vẫn sử dụng ngôn ngữ chung của tiếng Việt. Điều đó thể hiện ở những phương diện sau:
- Các từ ngữ trong đoạn thơ đều thuộc vốn từ ngữ chung của tiếng Việt
- Về cơ bản, các từ ngữ vẫn kết hợp với nhau theo quy tắc kết hợp thông thường của tiếng Việt.
Ví dụ:
+ Hoa bắp lay: kết hợp danh từ với động từ theo quan hệ chủ - vị
+ Thuyền ai... Có chở trăng về kịp tối nay ?: kết hợp từ ngữ để tạo nên một câu hỏi theo mô hình của loại câu hỏi “có... không ?”.
- Nhưng trong đoạn thơ vẫn có nhiều biểu hiện của nét riêng trong lời nói của cá nhân tác giả.
Ví dụ:
+ Kết hợp dòng nước buồn thiu theo phép nhân hoá.
+ Kết hợp sông trăng theo phép ẩn dụ.
+ Kết hợp thuyền... chở trăng về theo một sự liên tưởng độc đáo; trăng dát vàng trên sông, nên thuyền đậu trên sông được hình dung như thuyền chở đầy trăng.
2. Căn cứ vào ngữ cảnh mà đoạn văn sau đây thể hiện, hãy lí giải về việc dùng từ ngữ và về kết cấu ngữ pháp trong câu nói của nhân vật lý trưởng:
Cuộc săn dù ráo riết đến đâu cũng không sao tróc đủ một trăm người phải đi xem đá bóng. Dăm sáu anh khôn ngoan, đã kéo đến ngủ nhờ nhà khác, hoặc làng khác. Họ làm như lánh nạn.
Khi thấy đã chậm giờ, ông lí trưởng nghiến răng nói:
- Chúng nó ngu như lợn. Người ta cho xem đá bóng chứ ai làm gì mà cũng phải bắt. Rồi quan thấy không đủ số, lại chửi ông không tận tâm.
(Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục)
Câu nói của lí trưởng được sản sinh trong ngữ cảnh (hẹp) là: lí trưởng cùng bọn tuần từ sáng sớm đi bắt dân trong làng lên huyện để xem đá bóng theo lệnh quan huyện. Đàn ông trong làng phải lẩn trốn mọi nơi, nên lí trưởng và bọn tuần không bắt đủ số người cần thiết. Ngữ cảnh đó giải thích những chi tiết cụ thể trong câu nói của lí trưởng :
- Chúng nó - chỉ đàn ông trong làng thuộc diện phải đi xem đá bóng.
- Người ta : chỉ bọn chức sắc trong làng và cả quan huyện.
- Quan : chỉ quan huyện Lê Thăng.
- Ông: lí trưởng tự xưng.
- Các từ ngữ ngu như lợn, không tận tâm... được dùng theo quan niệm của chính lí trưởng (cho rằng dân ngu, rằng mình không tận tuỵ với việc quan).
3. Đọc văn bản sau rồi trả lời câu hỏi ghi bên dưới:
TẶNG KÍNH CHO HỌC SINH
Ngày 16 - 10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra lễ mít tinh “Ngày thị giác thế giới 2012” do Trung tâm mắt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Viện Thị giác Brien Holden (Úc) tổ chức. Ban tổ chức đã tặng 143 cặp kính cho học sinh có tật khúc xạ ở các trường trên địa bàn thành phố Bà Rịa, huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Cũng trong dịp này, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) đã trao 750 triệu đồng tài trợ cho chương trình phòng chống mù loà của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
(Theo Nguyễn Long)
Câu hỏi:
Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ gì ? Hãy đánh dấu X vào câu trả lời đúng:
A - Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
B - Phong cách ngôn ngữ chính luận
C - Phong cách ngôn ngữ báo chí
D - Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Cần chọn phương án c, vì văn bản đã cho thuộc phong cách ngôn ngữ báo chí, thể loại tin ngắn, mang những đặc điểm rõ nét của một văn bản báo chí như tính thời sự, tính ngắn gọn, tính hấp dẫn về sự việc gây chú ý.
Advertisements (Quảng cáo)
4. Xác định hai thành phần nghĩa của câu trong những câu sau :
Ngay từ sáng tờ mờ hôm 29, ở sân đình làng Ngủ Vọng, đã có tiếng ông lí quát tháo om sòm:
- Thiếu những mười tám thằng kia à ? Tuần đâu, đến tận nhà chúng nó, lôi cổ chúng nó ra đây. Chứ đã hẹn đỉ, lại còn định chuồn phỏng!
(Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục)
Hai thành phần nghĩa của các câu trong đoạn văn :
- Câu văn đầu là lời kể chuyện của tác giả :
+ Nghĩa sự việc : Sự việc ông lí quát tháo ở sân đình sáng sớm ngày 29.
+ Nghĩa tình thái: từ ngay thể hiện sự đánh giá thời gian của sự kiện là rất sớm.
- Trong câu nói của ông lí:
+ Nghĩa sự việc 1 : thiếu người đi xem đá bóng.
+ Nghĩa tình thái 1: từ những thể hiện sự đánh giá của ông lí đối với con số mười tám là quá lớn.
+ Nghĩa sự việc 2 : tuần đến nhà bắt người đi xem đá bóng.
+ Nghĩa tình thái 2 : từ tận thể hiện thái độ nhấn mạnh của ông lí. Thái độ hách dịch của ông lí đối với bọn tuần (người nghe) thể hiện ở mệnh lệnh gay gắt.
- Trong câu nói cuối cùng của ông lí:
+ Nghĩa sự việc : bọn người đã lỡ hẹn đi lại còn định chuồn.
+ Nghĩa tình thái: thái độ bực tức, không chấp nhận sự việc.
5. Phân tích đặc điểm loại hình của tiếng Việt thể hiện trong đoạn thơ sau :
Ta với mình, mình với ta
Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh
Mình đi, mình lại nhớ mình
Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu...
(Tố Hữu, Việt Bắc)
Đặc điểm loại hình của tiếng Việt thể hiện trong đoạn thơ qua các phương diện sau:
- Mỗi âm tiết thường là một từ đơn, hoặc là một đơn vị nhỏ nhất có ý nghĩa.
- Từ không biến đổi hình thái ngay cả khi cùng một từ mà giữ các chức vụ ngữ pháp khác nhau, có ý nghĩa ngữ pháp khác nhau : từ mình làm chủ ngữ và làm phụ ngữ trong câu “Mình đi, mình lại nhớ mình” không biến đổi, mà chỉ khác nhau về trật tự so với động từ làm vị ngữ - đặt trước (động từ đi, nhớ) khi làm chủ ngữ, đặt sau (động từ nhớ) khi làm phụ ngữ.
Sử dụng hư từ để thể hiện các ý nghĩa ngữ pháp : từ với, từ lại.
6. Chọn câu trả lời đúng cho câu hỏi: Phong cách ngôn ngữ chính luận có những đặc điểm gì về phương tiện diễn đạt ?
A - Dùng nhiều từ ngữ chính trị
B - Câu văn có tính chất chuẩn mực, gần vói phán đoán lôgíc trong một hệ thống lập luận
c - Sử dụng biện pháp tu từ để tăng cường tính hấp dẫn D - Cả ba đặc điểm trên
Trả lời:
Cần chọn phương án D, vì nêu được đầy đủ các đặc điểm về phương tiện diễn đạt của phong cách ngôn ngữ chính luận
7. Trong câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, các từ mực, đèn, đen, rạng có nghĩa như thế nào ?
Trong câu tục ngữ đó, các từ có thể hiểu ít nhất theo 2 nghĩa :
- Nghĩa gốc : + mực và đèn chỉ các vật dụng để viết chữ, để chiếu sáng.
+ đen và rạng chỉ các tính chất (màu sắc, có ánh sáng).
- Nghĩa chuyển : + mực : môi trường xấu, tiêu cực ; đèn : môi trường tốt, tích cực.
+ đen : xấu xa, tiêu cực ; rạng: tốt đẹp, tích cực.
8. Trong các nhan đề tác phẩm : Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Hiên ngang Cu-ba (Thép Mới), Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Vô đề (Vũ Trọng Phụng), trật tự các từ có đặc điểm gì ? Tác dụng của việc sắp xếp trật tự như thế ?
Trong các nhan đề đã đặt cho đều có trật tự sắp xếp các từ là: động từ, tính từ chỉ trạng thái, hoạt động đi trước danh từ chỉ sự vật mang trạng thái, hoạt động, mà không phải ngược lại (Như Sa Pa lặng lẽ). Trật tự sắp xếp như thế tạo tình hình tượng rõ rệt: ấn tượng mạnh về trạng thái hoạt động hiện ra trước rồi mới đến sự vật.