Câu 1: Bài thơ có thể chia thành ba đoạn:
- Đoạn 1 (hai câu đầu): Nỗi đau đột ngột khi mất bạn.
- Đoạn 2 (từ câu 3 đến câu 22): Nhớ lại những kỷ niệm giữa hai người và thể hiện tâm trạng thời cuộc của nhà thơ.
- Đoạn 3 (phần còn lại): Nỗi đau mất bạn và tâm sự cô đơn vì thiếu tri kỷ.
Câu 2:
Tình bạn thắm thiết, thủy chung giữa hai người được tác giả diễn đạt qua sự vận động của cảm xúc thơ. Đầu tiên là nỗi đau khi hay tin bạn qua đời: Câu thơ "Bác Dương thôi đã thôi rồi!” là tiếng kêu thương, đột ngột, thất vọng. Cụm từ thôi đã thôi rồi chỉ gồm các hư từ nhằm nhấn mạnh đến sự mất mát không gì bù đắp nổi. Câu thơ thứ hai dàn trải diễn tả sự mất mát, cả không gian như nhuốm một màu tang tốc.
Tình bạn thắm thiết ấy được cụ thể hóa qua đoạn thơ thứ hai. Đó là những kỉ niệm về một thời đèn sách, những thú vui nơi dặm khách, nơi gác hẹp, đắm say trong lời ca, tiếng đàn, nhịp phách.
Tình bạn ấy còn được thể hiện trong đoạn kết, diễn tả nỗi đau của tác giả khi bạn không còn nữa. Nỗi đau thể hiện ở nhiều cung bậc: lúc đột ngột, lúc ngậm ngùi, luyến tiếc, lúc lắng đọng thấm sâu chi phối tuổi già của tác giả. Hai câu kết là nỗi đau không nước mắt, nỗi đau như dồn vào lòng:
Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
Advertisements (Quảng cáo)
Câu 3:
Bài thơ rất thành công trong nghệ thuật tu từ như nói giảm nói tránh, điệp ngữ, dùng điển cố. Nhưng đặc sắc nhất nhất là nghệ thuật sử dụng các câu hỏi tu từ trong đoạn cuối bài thơ. Hàng loạt các câu thơ như: Làm sao bác vội về ngay; Vội vàng sao đã mải lên tiên, ... Để rồi lắng đọng trong những câu thơ hụt hẫng, chơi vơi:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Điệp từ không dùng rất hợp hoàn cảnh và đặc sắc. Không mua không phải không có tiền, mà vì mất bạn. Không có tri kỉ thì độc ẩm chỉ tăng thêm xót xa. Chỉ một cặp lục bát mà chồng xếp 5 chữ không diễn tả thật đúng cái trống vắng khi mất bạn. Để rồi kết đọng trong tiếng khóc đáng thương của người bạn già tri kỉ:
Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
Câu thơ buông nhẹ mà khơi gợi, xót đau, hờn tủi.