Trang chủ Lớp 12 Địa lí lớp 12 (sách cũ) Ba vùng kinh tế trọng điểm

Ba vùng kinh tế trọng điểm...

Các vùng kinh tế trọng điểm - Ba vùng kinh tế trọng điểm. Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

a) Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Vùng này có diện tích gần 15,3 nghìn km2 (4,7% diện tích tự nhiên cả nước) với số dân hơn 13,7 triệu người, năm 2006 (16,3% số dân cả nước), bao gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu thuộc Đồng bằng sông Hồng.

Ở đây hội tụ tương đối đầy đủ các thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội

Trong vùng có Hà Nội là thủ đô, đồng thời cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa thuộc loại lớn nhất của cả nước. Quốc lộ 5 và quốc lộ 18 là hai tuyến giao thông huyết mạch gắn kết cả Bắc Bộ nói chung với cụm cảng Hải Phòng-Cái Lân.

Một trong những tiềm năng nổi bật của vùng là nguồn lao động với số lượng lớn, chất lượng vào loại hàng đầu của cả nước. Ngoài ra đây còn là vùng có lịch sử khai thác lâu đời nhất nước ta với nền văn minh lúa nước. Các ngành công nghiệp phát triển rất sớm và nhiều ngành có ý nghĩa toàn quốc nhờ các lợi thế về gần nguồn nguyên, nhiên liệu, khoáng sản, về nguồn lao động và thị trường tiêu thụ. Các ngành dịch vụ, du lịch có nhiều điều liện để phát triển dựa trên cơ sở các thế mạnh vốn có của vùng.

Để vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có vị thế xứng đáng hơn trong nền kinh tế của cả nước, cần phải tập trung giải quyết một số vấn đề chủ yếu liên quan đến các ngành kinh tế.

Về công nghiệp, đẩy mạnh các ngành công nghiệp trọng điểm, nhanh chóng phát triển các ngành có hàm lượng kỹ thuật cao, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường đồng thời với việc phát triển các khu công nghiệp tập trung. Về dịch vụ, chú trọng đến thương mại và các hoạt động dịch vụ khác, nhất là du lịch, Về nông nghiệp, cần chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao.

b)Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vùng này trải dài trên diện tích gần 28 nghìn km2 (8,5% diện tích tự nhiên cả nước) với số dân 6,3 triệu người, năm 2006 (7,4% số dân cả nước) bao gồm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định.

Advertisements (Quảng cáo)

Trong vùng có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế, mặc dù việc khai thác hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng.

Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa các vùng phía bắc và phía nam, trên quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc-Nam, có các sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai và là cửa ngõ quan trọng thông ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có nhiều thuận lợi đối với việc phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa.

Thế mạnh hàng đầu của vùng là thế mạnh về khai thác tổng hợp tài nguyên biển, khoáng sản, rừng để phát triển dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và một số ngành khác nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên lãnh thổ của vùng hiện nay đang triển khai những dự án lớn có tầm cỡ quốc gia. Trong tương lai sẽ hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm có lợi thế về tài nguyên và thị trường; phát triển các vùng chuyên sản xuất hàng hóa nông nghiệp, thủy sản và các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch.

c) Vùng kinh tế trọng điểm

Vùng này có diện tích gần 30,6 nghìn km2 (hơn 9,2% diện tích tự nhiên cả nước) với số dân 15,2 triệu người, năm 2006 (18,1% số dân toàn quốc), gồm 8 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu thuộc Đông Nam Bộ.

-Đây là khu vực bản lề giữa Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung đầy dủ các thế mạnh về tự nhiên, kinh tế-xã hội.

Tài nguyên thiên nhiên nổi trội hàng đầu của vùng là các mỏ dầu khí ở thềm lục địa. Dân cư đông, nguồn lao động dồi dào, có chất lượng cũng như cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối tốt và đồng bộ. Hơn nữa, vùng này tập trung tiềm lực kinh tế mạnh nhất và có trình độ phát triển kinh tế cao nhất so với các vùng khác trong cả nước. Về cơ bản, các thế mạnh đó đã và đang được khai thác mạnh mẽ và được minh chứng thông qua một số chỉ tiêu kinh tế cụ thể của vùng.

Trong những năm tới, công nghiệp vẫn sẽ là động lực của vùng với các ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp trọng điểm, công nghệ cao và hình thành hàng loạt khu công nghiệp tập trung để thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước. Cùng với công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh các ngành thương mại, tín dụng, ngân hàng, du lịch… cho tương xứng với vị thế của vùng.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Địa lí lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: