Trang chủ Lớp 12 Lịch sử lớp 12 (sách cũ) Phong trào dân chủ 1936 -1939 – Sử lớp 12

Phong trào dân chủ 1936 -1939 - Sử lớp 12...

Phong trào dân chủ 1936 -1939 - Lịch sử lớp 12. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

1.Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7-1936

Tháng 7-1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Lê Hồng Phong chủ trì, họp ở Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị dựa trên Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh. Hội nghị xác định: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa; chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.

Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng và nhân dân Đông Dương hành động, đấu tranh cho dân chủ. Phong trào quần chúng đã lan rộng trong cả nước.

Tiếp đó, Hội nghị Trung ương các năm 1937-1938 đã bổ sung và phát triển nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 7-1936. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3-1938, Mặt trận Thống Nhất nhân dân phản đế Đông Dương đổi thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

2. Những phong trào đấu tranh tiêu biểu

a) Đấu tranh đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ

Từ giữa năm 1936, được tin Quốc hội Pháp sẽ cử một phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng chủ trương vận động và tổ chức nhân dân họp bàn về các yêu cầu tự do, dân chủ để thảo ra các bản “dân nguyện” gửi tới phái đoàn, tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội (8-1936).

Các ủy ban hành động được thành lập khắp nơi trong nước. Quần chúng sôi nổi tham gia các cuộc mít tinh, cuộc họp.

Trước sự phát triển của phong trào, giữa tháng 9-1936, chính quyền thực dân ra lệnh giải tán các ủy ban hành động, cấm các cuộc hội họp của nhân dận.

Mặc dù phái đoàn của Quốc hội Pháp không sang, phong trào Đông Dương Đại hội bị cấm hoạt động, song đông đảo quần chúng lao động đã thức tỉnh. Đảng đã tích luỹ được được một số kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh công khai, hợp pháp. Chính quyền thực dân đã phải giải quyết một phần yêu sách của nhân dân ta, như nới rộng quyền xuất bản báo chí, tự do đi lại, thả một số tù chính trị v.v..

Đầu năm 1937, phái viên của Chính phủ Pháp G. Gôđa sang điều tra tình hình Đông Dương và Brêviê nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Lợi dụng sự kiện này, Đảng tổ chức quần chúng mít tinh “đón rước”, nhưng thực chất là biểu dương lực lượng.

Trên đường Gôđa đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, đến đâu nhân dân cũng biểu tình đưa yêu sách về dân sinh, dân chủ.

Advertisements (Quảng cáo)

Hình 34. Mít tinh kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao Động (1-5-1938) tại khu Đấu Xảo (nay thuộc khu vực Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội)

Trong những năm 1937-1939, các cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền sống của các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là cuộc đấu tranh nhân ngày 1-5-1938. Lần đầu tiên trong ngày Quốc tế Lao động, các cuộc mít tinh được tổ chức công khai ở Hà Nội và nhiều nơi khác, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.

b) Đấu tranh nghị trường

Trong cuộc bầu cử  vào Viện Dân biểu Trung Kì (1937), Viện Dân biểu Bắc Kì , Hội đồng Kinh tế lí tài Đông (1938) và Hội đồng Quản hạt Nam Kì (1939). Đảng vận động để đưa người của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ra ứng cử. Đồng thời, Đảng sử dụng báo chí để tuyên truyền, vận động cử tri bỏ phiếu cho những ứng cử viên này.

Đảng chủ trương tham gia đấu tranh công khai trên nghị trường nhằm mục đích mở rộng lực lượng của Mặt trận Dân chủ và vạch trần chính sách phản động của bọn thực dân và tay sai, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động.

c) Đâu tranh trên lĩnh vực báo chí

Đảng đã xuất bản nhiều tờ báo công khai ở các thành phố lớn trong nước như Tiền phong, Dân chúng, Lao động, Tin tức v.v.. Báo chí cách mạng trở thành mũi xung kích trong những phong trào lớn của cuộc vận động dân sinh, dân chủ thời kì 1936-1939.

Trong thời gian này, nhiều sách chính trị-lí luận, các tác phẩm văn học hiện thực phê phán, thơ cách mạng đã được xuất bản.

Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí của Đảng đã thu được kết quả to lớn, trước hết về văn hóa-tư tưởng. Đông đảo các tầng lớp nhân dân được giác ngộ về con đường cách mạng Đảng.

3. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào dân chủ 1936-1939

Cuộc vận động dân chủ 1936-1939 là phong trào quần chúng rộng rãi lớn, có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, phong trào dân chủ 1936-1939 đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách cụ thể trước mắt về dân sinh, dân chủ; quần chúng được giác ngộ về chính trị, tham gia vào mặt trận dân tộc thống nhất và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng; đôih ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện và ngày càng trưởng thành.

Trong quá trình đấu tranh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp,…Đồng thời, Đảng thấy được những hạn chế của mình trong công tác mặt trận, vấn đề dân tộc v.v.. Có thể nói, phong trào dân chủ 1936-1939 như một cuộc tập dươt, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Lịch sử lớp 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)