Trang chủ Lớp 12 Ngữ Văn lớp 12 Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy...

Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hiện nay, Nho học suy vi, các...

– Từ bài thơ Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hiện nay. Nho học suy vi, các rường mối xã hội rệu rã, tệ mua quan bán tước phổ biến đã đào tạo ra một tầng lớp thống trị chỉ có hư danh mà không có thực học. Vả chăng những người được đào tạo quy củ từ cửa Khổng sân Trình cũng không còn có vai trò như trước trong bộ máy xã hội.
Nho học suy vi, các rường mối xã hội rệu rã, tệ mua quan bán tước phổ biến đã đào tạo ra một tầng lớp thống trị chỉ có hư danh mà không có thực học. Vả chăng những người được đào tạo quy củ từ cửa Khổng sân Trình cũng không còn có vai trò như trước trong bộ máy xã hội.

Gợi ý
1. Mở bài
Giới thiệu bài thơ *Tiến sĩ giấy”, dẫn dắt đến vấn đề danh và thực trong cuộc sống con người.
2. Thân bài
а. Khái quát nội dung, ý nghĩa của bài thơ
– Bài thơ có ba’lớp nghĩa: miêu tả một thứ đồ chơi cho trẻ con, đả kích những ông tiến sĩ hữu danh vô thực và tự chế giễu chính mình. Dù hiểu theo lớp nghĩa nào thì cũng rất tương xứng với từng câu từng chữ trong bài.
b. Danh và thực
– Giải thích: Danh là những thành quả mà con người gặt hái được như tiếng tăm, tiền bạc, địa vị. Thực là thực lực tự có, tự rèn luyện được của mỗi người. Thực rất đắng cay, gian khổ nhưng danh quả thật vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn. Danh chỉ phát huy đúng ý nghĩa và lợi ích của mình khi nó thật sự là hệ quả của thực mà thôi.
– Mặt trái của danh: con người mờ mắt trước danh vọng, địa vị và sẵn sàng đi đường tắt để đạt được điều đó. Hệ quả: xuất hiện những kẻ hữu danh vô thực, những vụ tham nhũng, bê bối làm tổn thất cho Nhà nước hàng chục, hàng trăm tỉ đồng.
– Sự đảo lộn danh và thực ấy đã xoá nhoà tính công bằng trong quy luật cuộc sống. Nó đưa những người có tiền và biết đi đường tắt lên tột cùng của danh vọng, đồng thời đã làm lu mờ ý chí phấn đấu, cầu tiến của những ai có thực lực.
– Sự tráo trở giữa danh và thực ấy còn len lỏi vào học đường với căn bệnh thành tích đáng sợ. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nắm bắt được tình hình đó, chúng ta đang thực hiện một cuộc cải cách triệt để không chỉ trong ngành giáo dục mà ở mọi lĩnh vực và toàn xã hội.
3. Kết bài
– Bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến không chỉ phản ánh bộ mặt xã hội thời bấy giờ mà còn khiến người đọc phải dừng lại suy ngẫm về danh và thực trong cuộc đời và về con đường của chính bản thân mình.
– Hãy tin vào thực lực của mình; bởi nếu có thực lực thì danh tiếng có hay không chỉ còn là chuyện thời gian.
Bài làm
Nho học suy vi, các rường mối xã hội rệu rã, tệ mua quan bán tước phổ biến đã đào tạo ra một tầng lớp thống trị chỉ có hư danh mà không có thực học. Vả chăng những người được đào tạo quy củ từ cửa Khổng sân Trình cũng không còn có vai trò như trước trong bộ máy xã hội. Bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến ra đời trong hoàn cảnh như thế và cho đến ngày nay, nó vẫn vẹn nguyên ý nghĩa, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về danh và thực trong cuộc đời.

Bài thơ “Tiến sĩ giấy” được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú truyền thông, chỉ gói gọn trong đề, thực, luận, kết mà ẩn chứa và khái quát biết bao nhiêu điều. Bài thơ có đến ba lớp nghĩa và cho dù hiểu theo lớp nghĩa nào thì cũng rất tương xứng với từng câu từng chữ trong bài:
Cũng cờ, cũng biển, cũng căn đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,
Nét son điểm rõ mặt văn khôi.
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ,
Cái giá khoa danh ấy mới hời.
Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.
Bài thơ miêu tả một thứ đồ chơi cho trẻ con? Không, đó chỉ là nghĩa hiển ngôn của câu chữ. Thực chất, tác giả đang phê phán, đả kích những ông tiến sĩ chỉ có hình thức mà đầu óc rỗng tuếch, đồng thời cũng đang chế giễu chính mình, một vị Tam nguyên Yên Đổ mà không thể làm gì trước sự đổi thay của thời cuộc, sự tuột dốc của nền nho học, chỉ biết trút tâm sự u hoài của mình vào thơ văn:
Sách vở ích chi cho buổi ấy,
Nghĩ ra lại thẹn với thân già.
Bài thơ không chỉ truyền tải cho người đọc tâm sự ưu thời mẫn thế của tác giả mà còn đặt ra vấn đề về danh và thực trong cuộc đời. Đây vốn là hai khái niệm luôn luôn song hành cùng nhau trên suô’t con đường đi tìm thành công của mỗi con người. Bởi có thực thì mới có danh và có danh ắt phải có thực. Vậy danh, thực ấy là gì mà khiến con người bỏ cả cuộc đời mình để theo đuổi? Danh là những thành quả mà con người gặt hái được như tiếng tăm, tiền bạc, địa vị… Thực là thực lực tự có, tự rèn luyện được của mỗi người. Thực rất đắng cay, gian khổ nhưng danh quả thật vô cùng ngọt ngào và hấp dẫn. Danh chỉ phát huy đúng ý nghĩa và lợi ích của mình khi nó thật sự là hệ quả của thực mà thôi. Nhưng rồi cuộc sống ngày một đi lên, con người dường như bị mờ mắt trước danh vọng, tiếng tăm mà quên đi rằng thực lực của họ chưa đủ để với tới những thứ xa hoa, phù phiếm đó. Và con người sẵn sàng đi đường tắt để có được một chỗ đứng trong xã hội, để được mọi người trọng vọng, để “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Chính vì vậy mà sự xuất hiện của những kẻ hữu danh vô thực như là hậu quả, là mặt trái của tiến trình phát triển và đi lên của xã hội. Khi đã có cầu thì cung ra đời là một khách yếu tất quan theo quy luật vận động của cuộc sống. Những danh vọng, tiếng tăm kia là thành quả ngọt ngào mà con người muốn đạt đến và nó nằm ở cuối con đường đang mở ra trước mắt họ, những lữ khách đi tìm hoa hồng. Để đến được với những điều đó, để đi hết con đường gian nan đó, con người phải từng bước, từng bước leo lên những bậc thang. Những bậc thang ngày càng cao, tỉ lệ thuận với hành trang mà mỗi người tích luỹ cho bản thân mình, đồng thời cũng là dấu hiệu báo rằng họ đang dần về đích. Thế nhưng có những người không đủ thực lực để bước tiếp nhưng lại bị ánh hào quang chói loà của danh tiếng cám dỗ, họ tham lam, lén lút trèo một lúc ba, bốn bậc để rồi tiến đến đỉnh vinh quang một cách hết sức dễ dàng. Và tất nhiên trên con đường ấy, có rất nhiều “quý nhân phù trợ” để hành động sai trái ấy được diễn ra trót lọt. Đáng buồn thay, những điều chướng tai gai mắt như thế lại đang diễn ra hằng ngày xung quanh ta. Ngày xưa và cả bây giờ, muốn đạt được học vị tiến sĩ đâu phải chuyện dễ và những người có thực lực, có chí cầu tiến đều phải bỏ thời gian, công sức, trí tuệ của mình ra mà tìm lấy. Nhưng người ta vẫn có thể được gọi là tiến sĩ bằng một cách khác. Không bỏ thời gian, không bỏ trí tuệ, mà bỏ tiền. Đồng tiền với ma lực ma quái của nó đã đổi trắng thay đen, làm đảo lộn những giá trị đích thực của cuộc sống, bao che cho những hành động phạm pháp và làm lu mờ những phẩm chất tốt đẹp của con người. Chuyện dùng tiền mua lấy học vị tiến sĩ chỉ là một ví dụ nhỏ về sự suy đồi cả danh lẫn thực trong cuộc sống ngày nay. Còn rất nhiều những vụ tham nhũng, bê bối gây tổn thất cho nhà nước hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Điển hình là việc các cán bộ chia chác đất công ở Đồ Sơn. Các bị cáo Vũ Đức Vận – nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồ Sơn, Hoàng Anh Hùng – nguyên Chủ tịch UBND thị xã, Chu Minh Tuấn – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố đã lợi dụng chức vụ để ra chủ trương giao đất vi phạm Luật Đất đai, mang tính đặc quyền đặc lợi cho bản thân và gia đình mình, không quan tâm đến nhân dân, dùng đất làm quà đối ngoại để mưu cầu lợi ích cá nhân. Từ nghị quyết sai trái trên, các phường đã triển khai việc giao đất sai trái mà không phổ biến tới nhân dân địa phương….

Danh và thực là vấn đề tuy khá quen thuộc nhưng không bao giờ là cũ bởi hiện nay chúng ta vẫn chưa thể giải quyết triệt để, tận gốc nạn hữu danh vô thực và đó cũng đang là một trăn trở, nhức nhối của toàn xã hội. Sự đảo lộn danh và thực ấy đã xoá nhoà tính công bằng trong quy luật cuộc sống. Nó đưa những người có tiền và biết đi đường tắt lên tột cùng của danh vọng, đồng thời đã làm lu mờ ý chí phấn đấu, cầu tiến của những ai có thực lực. Nó đào tạo ra một lớp người hữu danh vô thực, cư xử với nhau bằng quyền chức, bằng tiền bạc. Nó đào tạo ra một thế hệ kế tiếp không có thực lực, chỉ biết ý lại vào quyền thế của gia đình. Và rồi nó sẽ xây dựng nên một xã hội suy đồi về cả trình độ lẫn đạo đức. Thật đáng đau lòng!

Sự tráo trở giữa danh và thực ấy còn len lỏi vào học đường với căn bệnh thành tích đáng sợ mà vì nó, các thầy cô xuê xoa, sẵn sàng khống điểm cho học sinh để đạt được chỉ tiêu đã đề ra; các trường tổ chức thi lỏng lẻo, vẫn thường xảy ra nạn quay cóp, sử dụng tài liệu, thậm chí là mua điểm. Còn các bậc cha mẹ muốn nở mày nở mặt với thiên hạ mà sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để chạy cho con mình vào trường chuyên hay một trường đại học danh tiếng… Những câu chuyện đáng buồn ấy tiếc thay vẫn còn đang diễn ra từng giờ, từng phút. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, nắm bắt được tình hình đó, chúng ta đang thực hiện một cuộc cải cách triệt để không chỉ trong ngành giáo dục mà ở mọi lĩnh vực và toàn xã hội. Nhà nước ta đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực, triệt để nhằm xoá bỏ tình trạng hữu danh vô thực, thay đổi toàn bộ bộ mặt xã hội. Tuy vẫn còn đâu đó những hạt sạn rất nhỏ nhưng dù sao đây cũng là một tín hiệu đáng mừng, củng cố cho mọi người niềm tin vào khả năng của chính bản thân mình và sẽ đạt được thành công.
Bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến không chỉ phản ánh bộ mặt xã hội thời bấy giờ mà còn khiến người đọc phải dừng lại suy ngẫm về danh và thực trong cuộc đời và về con đường của chính bản thân mình. Danh và thực đều là những thứ mà con người phải bỏ công sức ra mới gặt hái được. Danh kia tuy sang trọng, tuy mát mặt với đời nhưng cũng chỉ như gấm thêu hoa, chỉ có thực mới tồn tại với con người mãi mãi theo thời gian. Chính vì vậy mà tất cả mọi người hãy cùng vun đắp cho trí tuệ, cho tài năng của mình. Đừng bị cám dỗ bởi xa hoa, phù phiếm của danh vọng, tiếng tăm. Hãy tin vào thực lực của mình; bởi nếu có thực lực thì danh tiếng có hay không chỉ còn là chuyện thời gian.

Advertisements (Quảng cáo)