Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận trang 129 SBT Văn...

Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận trang 129 SBT Văn 12 tập 1 câu 1, 2, 3, 4...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 129 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận trang 129 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

Advertisements (Quảng cáo)

1. Xác định lỗi trong cách nêu luận điểm ở từng đoạn văn sau và nêu cách sửa lại cho rõ luận điểm cần trình bày.

a) Mị là một cô gái Mèo xinh đẹp, hiền dịu. Ẩn sau vẻ bên ngoài âm thầm nhẫn nhục của cô gái Mèo ấy lại là một sức sống tiềm tàng. Mị và A Phủ đều có những nét tiêu biểu cho người dân nghèo miền núi trước Cách mạng. A Phủ là một chàng trai táo bạo, dũng cảm, mạnh mẽ. Cả Mị và A Phủ đều là nạn nhân của chế độ tàn ác, đều tiềm tàng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mạnh mẽ.

b) Trong bài thơ Việt Bắc, thể thơ lục bát đã phát huy được thế mạnh rõ rệt. Tính dân tộc của bài thơ Việt Bắc trước hết biểu hiện ở thể thơ. Những câu thơ lục bát uyển chuyển, nhịp nhàng, cân đối phù hợp với giọng tâm tình ngọt ngào, da diết. Tính dân tộc của Việt Bắc còn biểu hiện ở đề tài, cảm hứng chủ đạo. Bài thơ đề cập đến vấn đề trọng đại của dân tộc, bộc lộ niềm tự hào, niềm vui chiến thắng của cả dân tộc sau chín năm kháng chiến trường kì. Đồng thời, những hình ảnh, chất liệu được sử dụng trong bài thơ cũng mang đậm nét đẹp truyền thống, gần gũi với cách cảm, cách nghĩ của dân tộc: “Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng- Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông”…

Luận điểm trong hai đoạn văn đều chưa được nêu rõ. Để làm bài tập này, anh (chị) cần chú ý các thao tác sau :

– Xác định rõ luận điểm cần trình bày trong đoạn văn.

– Nếu đoạn văn chưa có câu chủ đề, cần viết một câu văn nêu bật luận điểm trình bày ở phần đầu đoạn văn.

– Sắp xếp lại các ý và viết lại một số câu trong đoạn (nếu cần thiết) để việc trình bày luận điểm rõ ràng, mạch lạc.

2. Xác định lỗi trong việc nêu luận cứ ở từng đoạn văn sau và sửa lại cho đúng.

a) Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

    Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.

Ông Đào ở đây là ai mà nhà thơ phải thẹn ? Đó chính là Đào Tiềm, tức Đào Uyên Minh, một danh sĩ cao khiết đời Tấn bên Trung Quốc. Đào Tiềm nổi tiếng với bài thơ Quy khứ lai từ. Ông không vì mấy đấu gạo mà phải khom lưng uốn gội, đã trả mũ áo, từ quan, trở về vui thú điền viên, uống rượu làm thơ. Ông đặc biệt yêu hoa cúc, coi hoa cúc là người bạn tri âm, bởi loài hoa này mang cái cốt cách thanh sạch, tao nhã của người quân tử. Chữ thẹn trong câu thơ là cách nói khiêm nhường của Tam Nguyên Yên Đổ: rất khâm phục Đào Tiềm, cách ứng xử của ông Đào là tấm gương sáng cho Nguyễn Khuyến noi theo.

b) Từ chỗ là con quỷ dữ của làng Vũ Đại, Chí Phèo đã khao khát được trở lại làm người. Chính bát cháo hành của thị Nở đã đánh thức những ước mơ tưởng đã chết trong hắn. Hắn không thèm rượu nữa mà thèm được làm người lương thiện. Nhưng rồi cái mơ ước nhỏ bé ấy cũng không thể thực hiện được. Vì rốt cuộc, đến một người xấu xí, dở hơi như thị Nở cũng không chấp nhận hắn nữa.

Một số luận cứ được nêu trong hai đoạn văn không phục vụ đắc lực cho việc trình bày luận điểm chính :

– Trong đoạn (a), những luận cứ mở rộng về tác giả Đào Tiềm quá rườm rà, nên lược bớt để tập trung trình bày về giá trị hai câu thơ trong bài Thu vịnh.

– Trong đoạn (b), những luận cứ phân tích về mơ ước của Chí Phèo và thị Nở không xác đáng, chưa phù hợp với bản chất vấn đề : “Nhưng rồi cái mơ ước nhỏ bé ấy… Vì rốt cuộc, đến một người xấu xí, dở hơi như thị Nở…”. cần trình bày lại những luận cứ này.

3. Xác định lỗi về phương pháp lập luận trong đoạn văn sau và viết lại để lập luận chặt chẽ hơn.

Hình ảnh người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp bi tráng, lãng mạn. Đó là nét đẹp đầy chất thơ; bay bổng, vượt lên trên cái hiện thực khốc liệt của chiến tranh: ‘‘Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa – Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Đó cũng là cái hùng tâm tráng chí của cả một dân tộc trong trái tim người lính quyết tử : “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nhưng viết về người lính Tây Tiến, Quang Dũng cũng không thể né tránh đau thương, mất mát, hi sinh : “Anh bạn dãi dầu không bước nữa – Gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Sự hi sinh của người lính thật hào hùng và đẹp đẽ : “Áo bào thay chiếu anh về đất – Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Trình tự sắp xếp các luận cứ không làm nổi bật được vấn đề cần trình bày. Cần thay đổi lại quan hệ tuyến tính giữa các luận cứ theo trình tự :

– Nỗi đau thương, mất mát (cái bi).

– Vẻ đẹp hào hoa, bay bổng (chất lãng mạn).

– Sự kết hợp cả cái bi, cái lãng mạn, cái hào hùng trong tinh thần, ý chí và sự hi sinh của người lính.

4. Cách sử dụng thao tác nghị luận so sánh trong các lập luận sau sai ở chỗ nào ?

a) Ông nông dân họ Vương quyết định xây một cái kho. Ông ta mời một thợ xây, thảo luận về ngày công và tiền công. Thợ xây nói : “Cái kho này xây trong 10 ngày, tiền công của tôi là 6 đồng một ngày, cộng cả thảy là 60 đồng. Thế nhưng còn cần có một thợ phụ nữa ”

“Tôi sẽ làm thợ phụ cho anh, không cần tìm ai nữa”, lão Vương nói. Nhà kho đã xây xong đúng kì hạn. Lão Vương chỉ trả thợ xây 50 đồng. Thợ xây cho rằng còn thiếu 10 đồng. Lúc này lão Vương lại nói :

“Được rồi, chú em, đừng có tham nữa. Chú xem chú mới làm có mấy ngày đã kiếm được khối tiền. Còn tôi thì sao, giúp việc cho chú đến những 10 ngày mà chẳng kiếm được một xu.

b) Lí Đông Dương là nhà thơ đời Minh. Ông có một con ngựa tốt và đem tặng người bạn là Trần Sư Triệu. Trần Sư Triệu cưỡi con ngựa này vào triều, trên đường đi đã làm hai bài thơ. Sau khi trở về, ông trả ngựa cho Lí Đông Dương, nói : “Bình thường tôi cưỡi ngựa vào triều, cả đi lẫn về làm được 6 bài thơ. Cưỡi con ngựa này chỉ làm được có 2 bài. Vậy trả nó cho ông thôi, đây không phải là con ngựa tốt”.

c) Nhiệm Nhân hỏi Ốc Lưu Tử rằng : “Lễ và thực, cái nào quan trọng ?” Ốc Lưu Tứ đáp : “Lễ quan trọng’’.

“Sắc và lễ, cái nào quan trọng ?”

“Lễ quan trọng”

Dùng cách thức của lễ để lấy thức ăn thì sẽ không có được thức ăn rồi đói mà chết. Không dùng cách thức của lễ mà lấy được thức ăn, sẽ có được thức ăn. Vậy thì phải chăng cứ nhất thiết phải tuân theo lễ ? Cưới xin đàng hoàng thì sẽ không có được vợ. Không cưới xin đàng hoàng thì có thể có được vợ. Vậy thì có nhất định phải cưới xin đàng hoàng không ?”

a) Tư liệu so sánh không chân thực.

Lão Vương đã so sánh thợ xây với mình, nói rằng bản thân chẳng kiếm được một xu là giả dối. Vì ông ta làm việc cho chính bản thân mình chứ không đi làm thuê như người thợ xây. Ông ta đã được cả nhà kho rất giá trị rồi.

b) Tiêu chuẩn so sánh không hợp lí.

Trần Sư Triệu đã lấy việc làm được bao nhiêu bài thơ để làm tiêu chuẩn đánh giá ngựa tốt hay xấu. Tiêu chuẩn này không hợp lí, vì người ta thường căn cứ vào tốc độ chạy nhanh hay chậm để đánh giá ngựa tốt hay xấu.

c) Tiêu chuẩn so sánh không thống nhất.

Tham khảo cách phân tích sau đây của Mạnh Tử : Vấn đề này thì có gì khó ? Nếu không đo móng nhà mà chỉ so sánh cái nóc thì một mảnh gỗ chỉ dày một tấc thôi nhưng đặt trên điểm cao thì cũng có thể cao hơn lầu cao. Vàng nặng hơn lông nhưng sao có thể nói ba phân vàng nặng hơn một xe lông được ? Lấy mặt quan trọng của ăn so sánh với mặt tiểu tiết của lễ thì đâu phải chỉ thực là quan trọng ? Lấy mặt quan trọng của hôn nhân mà so sánh với mặt tiểu tiết của lễ thì đâu chỉ có lấy vợ là quan trọng ? Anh có thể trả lời anh ta như thế này : Bẻ gẫy cánh tay của anh ruột, cướp lấy thức ăn trong tay anh ta sẽ có được cái để ăn. Không bẻ gẫy cánh tay của anh ruột, thì không có được cái ăn. Vậy anh ta có đi mà bẻ không ? Trèo qua tường nhà hàng xóm mà vồ lấy con gái người ta thì có thể lấy được vợ, không vồ lấy thì không có vợ. Vậy anh có đi mà vồ không ?

Mặc Tử cũng có biện luận rất hay về trường hợp này như sau :

Khác loại không so sánh. Gỗ và đêm cái nào dài ? Cái trí và hạt kê, cái nào nhiều ?

Sự vật không cùng loại thì không được so sánh. Gỗ thì so với gỗ, đêm đông thì so sánh với đêm hè. Gỗ không thể so sánh với đêm. Cũng vậy, trí tuệ và hạt kê cũng không thể so sánh trên cùng một tiêu chuẩn.