Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trang 14 bài tập...

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trang 14 bài tập SBT Văn 12 tập 1: Câu 1, 2, 3,4,5,6...

Câu 1, 2, 3,4,5,6 trang 14 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1
. Soạn bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trang 14 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 -
Câu 1, 2, 3,4,5,6 trang 14 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Bài tập 1, trang 33-34, SGK.

Phân tích tính chuẩn xác trong việc sử dụng từ ngữ của Hoài Thanh và Nguyễn Du khi chỉ ra nét tiêu biểu về diện mạo hoặc tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều.

[...] Nhưng trong Truyện Kiều còn có bao nhiêu người khác. Có chàng Kim, con người rất mực chung tình, có Thúy Vân, cô em gái ngoan, có Hoạn Thư, người đàn bà bản lĩnh khác thường, biết điều mà cay nghiệt, có Thúc Sinh, anh chàng sợ vợ, có Từ Hải chợt hiện ra, chợt biến đi như một vì sao lạ, mỗi người một cá tính khó quên. Đối với bọn nhà chứa, ngòi bút Nguyễn Du không tò mò, Nguyễn Du ngại bới ra những gì quá dơ dáy, Nguyễn Du chỉ ghi vội vài nét. Nhưng chỉ vài nét cũng đủ khiến cả xã hội ghê tởm đó sống nhơ nhúc dưới ngòi bút Nguyễn Du với cái màu da "nhờn nhợt” của Tú Bà, cái bộ mặt "mày râu nhẵn nhụi” của Mã Giám Sinh, cái vẻ "chải chuốt”, "dịu dàng” của Sở Khanh, cái miệng thề "xoen xoét” của Bạc Bà, Bạc Hạnh.

(Theo Hoài Thanh toàn tập, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 1999)

Bài tập yêu cầu phân tích cách dùng từ ngữ chuẩn xác của Hoài Thanh và Nguyễn Du. Cách dùng từ ngữ chuẩn xác là một biểu hiện sự trong sáng của ngôn ngữ. Muốn thấy được tính chuẩn xác, cần xem các từ ngữ đó đã chỉ ra được nét tiêu biểu về diện mạo, lột tả tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều như thế nào, đồng thời so sánh, đối chiếu với các từ gần nghĩa, đồng nghĩa cùng biểu hiện tính cách đó mà hai tác giả đã không dùng.

Các từ ngữ tiêu biểu về các nhân vật:

- Kim Trọng: rất mực chung tình.

- Thuý Vân : cô em gái ngoan.

- Hoạn Thư: người đàn bà bản lĩnh khác thường, biết điều mà cay nghiệt.

- Thúc Sinh : sợ vợ.

- Từ Hải: chợt hiện ra, chợt biến đi như một vì sao lạ.

- Tú Bà: màu da “nhờn nhợt”.

- Mã Giám Sinh : “mày râu nhẵn nhụi”.

- Sở Khanh : chải chuốt, dịu dàng.

- Bạc Bà, Bạc Hạnh : miệng thề “xoen xoét”.

Đối với mỗi từ ngữ dùng cho mỗi nhân vật, anh (chị) cần nhớ lại những chi tiết tiêu biểu trong Truyện Kiều gắn với từng nhân vật. Từ đó, thấy được độ chuẩn xác của từ ngữ đó. Chẳng hạn với Kim Trọng, việc dùng các từ “rất mực chung tình” là rất chính xác. Kim Trọng yêu say đắm Thuý Kiều, nhưng vì tai hoạ giáng xuống gia đình Thuý Kiều nên mối tình Kim - Kiều tan vỡ. Mặc dù có Thuý Vân, nhưng Kim Trọng vẫn không lúc nào nguôi tình cảm với Thuý Kiều, bằng mọi cách tìm tung tích Thuý Kiều và cuối cùng đã tìm được nàng bị lưu lạc ở phương xa. Tình cảm của Kim Trọng vẫn đằm thắm như xưa, nghĩa là vẫn “rất mực chung tình”.

2. Bài tập 2, trang 45, SGK.

Hãy đọc lời quảng cáo sau đây và cho biết từ nước ngoài nào không cần thiết sử dụng vì đã có từ tiếng Việt có ý nghĩa và sắc thái biểu cảm thích hợp với nội dung cần biểu đạt.

Bạn chờ đợi gì trong ngày lễ Tình nhân - một ngày hạnh phúc của những đôi lứa yêu nhau và luôn mong muốn mang đến cho nhau những gì ngọt ngào nhất?

Ca sĩ V tiết lộ: "Tôi là con người dễ thương và lãng mạn, hiện tại tôi cũng yêu như thế”. Vậy lãng mạn trong ngày Valentine của chàng hoàng tử này sẽ như thế nào?

Còn nữ ca sĩ T vẫn luôn mơ về một chàng "bạch mã hoàng tử”, vậy nàng mong chờ chàng hoàng tử của mình sẽ ra sao trong ngày Tình yêu?

Trong lời quảng cáo, người viết dùng tới ba hình thức cho cùng một nội dung : ngày lễ Tình nhân, ngày Valentine, ngày Tình yêu. Tiếng Việt có hình thức biểu hiện thoả đáng là ngày Tình yêu, nên không cần thiết dùng từ nước ngoài Valentine. Hơn nữa hình thức ngày lễ Tình nhân thì lại thiên nói về con người, không có được sắc thái ý nghĩa cao đẹp là nói về tình người như hình thức ngày Tình yêu. Vì thế giữa hai hình thức đó, nên dùng ngày Tình yêu.

3. Phân tích ý kiến sau đây của Phạm Văn Đồng:

Trong có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục; sáng là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói, nó phát huy cái trong, nhờ đó phản ánh được tư tưởng và tình cảm của người Việt Nam ta, diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói [...].

(Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Phân tích ý kiến của Phạm Văn Đồng:

Tác giả phân tách khái niệm trong sáng thành hai phương diện :

- “Trong có nghĩa là trong trẻo, không có chất tạp, không đục”. Trong thực tiễn dùng tiếng Việt, tạp chất có thể là những yếu tố ngoại lai bị lạm dụng trong lời nói, hoặc những biểu hiện thô tục, thiếu văn hoá trong việc dùng từ hay diễn đạt...

- “Sáng là sáng tỏ, sáng chiếu, sáng chói” nhờ đó “diễn tả trung thành và sáng tỏ những điều chúng ta muốn nói”. Muốn cho lời nói được sáng, cần tuân thủ các chuẩn mực trong tiếng Việt. Viết hay nói mà sai chuẩn mực tiếng Việt thì ý không được sáng. Khi cần chuyển đổi hay sáng tạo những hình thức biểu hiện mới so với chuẩn mực thì cũng cần tiến hành theo các phương thức và quy tắc vốn có của tiếng Việt. Có như vậy mới diễn tả được rõ và khiến cho người khác lĩnh hội được đúng ý của mình.

Như thế, trong sáng gồm hai phương diện, nhưng luôn luôn có quan hệ tương tác.

4. Phân tích và sửa chữa các lỗi vi phạm chuẩn mực tiếng Việt để câu văn sau được trong sáng.

Advertisements (Quảng cáo)

a) Nhà phê bình văn học ấy đưa ro những biến số khả biến, những phỏng đoán, những phỏng tưởng.

(Bài làm của học sinh)

b) Chỉ việc cắn răng không để chịu đựng đám ruồi vàng tha hồ đốt suốt ngày, anh đã xứng đáng là một anh hùng.

(Bài làm của học sinh)

c) Về xuất bản phẩm nước ngoài có nội dung đồi truỵ, phản động bằng tiếng nước ngoài và cả tiếng Việt đã xâm nhập vào thành phố ẩn nấp dưới nhiều dạng như băng cát-xét (truyện đọc đêm khuya có nội dung ma quái, kinh dị xen lẫn nội dung chính trị xấu).

(Bài làm của học sinh)

d) Theo khảo sát những người tham gia kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường sau đó sinh con bị dị dạng, dị tật của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai, đến nay mới được ba đơn vị đã có 74 người sinh được 77 cháu bị dị dạng, dị tật.

(Bài làm của học sinh)

Phân tích và chữa lỗi:

a) Từ biến số đã có nghĩa biến đổi, nên không cần từ khả biến. Từ phỏng tưởng do người viết tự tạo ra, không rõ nghĩa. Có thể đoán ý của người viết để chữa thành: Nhà phê bình văn học ấy đưa ra những số lượng khả biến, những phỏng đoán, những tưởng tượng hoang đường.

b) Dùng sai cách nói thông thường là “cắn răng chịu đựng” (chứ không phải là “cắn răng không để chịu đựng”). Chữa thành : Chỉ một việc cắn răng chịu đựng đám ruồi vàng đốt suốt ngày thì anh đã xứng đáng là một anh hùng.

c) Dùng từ về ở đầu câu khiến cho ranh giới các thành phần câu không rõ ràng, ý câu không mạch lạc. Hai cách chữa :

- Bỏ từ về : Xuất bản phẩm nước ngoài có nội dung đồi truy, phản động (bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tiếng Việt) đã xâm nhập vào thành phố dưới nhiều dạng, trong đó có băng cát-xét (những truyện đọc đêm khuya với nội dung ma quái, kinh dị, xen lẫn nội dung chính trị xấu).

- Giữ từ về : về xuất bản phẩm nước ngoài, nhiều dạng có nội dung đồi truy, phản động (bằng tiếng nước ngoài hoặc bằng tiếng Việt) đã xâm nhập vào thành phố, trong đó có băng cát-xét (những truyện đọc đêm khuya với nội dung ma quái, kinh dị, xen lẫn nội dung chính trị xấu).

d) Cụm từ “của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai” đặt sai vị trí, dễ gây hiểu nhầm; từ mới, từ được dùng không phù hợp với ý định đánh giá. Chữa như sau:

Theo khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai, chỉ tính trong 3 đơn vị đã có tới 74 người trước đây tham gia kháng chiến chống Mĩ ở chiến trường, sau đó sinh ra 77 cháu bị dị dạng, dị tật.

5. Phân tích ý kiến sau đây của Hoàng Phê :

Giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ thì phải bảo vệ những đặc trưng của nó, đấu tranh chống những hiện tượng sai chệch chuẩn mực một cách vô cớ, do cẩu thả hoặc do thiếu những hiểu biết cần thiết về ngôn ngữ.

(Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt)

Cần lưu ý:

- Sự trong sáng của ngôn ngữ là một phẩm chất biểu lộ ở chính những đặc trưng của nó, nên muốn giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ thì phải bảo vệ được những đặc trưng và bản sắc đó.

- Trong sáng luôn đi đôi với chuẩn mực, đúng quy tắc ngôn ngữ. Vì thế, nếu cẩu thả, thiếu kiến thức ngôn ngữ mà sai phạm chuẩn mực thì đều làm mất sự trong sáng của ngôn ngữ.

6. Trong các câu sau, có những từ dùng sai. Hãy phân tích và chữa cho đúng.

a) Dưới danh nghĩa phục hồi văn hoá truyền thống, nhiều nơi đã vô tình làm sống lại những thủ tục thời phong kiến.

b) Các em học sinh ở đây thường được thưởng thức những vai điệu tuyệt vời của các cô văn công.

c) Chỉ cần dùng keo hoá học để gắn bó hai mảnh vỡ lại với nhau là chiếc bình vỡ sẽ như cũ.

Mỗi câu đều có từ dùng sai. Cần đọc cả câu để nắm bắt ý mà người viết diễn đạt. Từ đó phát hiện từ sai và thay bằng từ đúng (từ phù hợp với quan hệ ý nghĩa và quan hệ ngữ pháp với các từ khác trong câu).

a) Từ sai : thủ tục. Chữa : thay bằng hủ tục.

b) Từ sai : vai điệu. Chữa : thay bằng giai điệu hoặc vai diễn.

c) Từ sai : gắn bó. Chữa : thay bằng gắn.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)