Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong...

Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận trang 105 SBT Văn 12...

Giải câu 1, 2, 3 trang 105 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận trang 105 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

Advertisements (Quảng cáo)

1. Bài tập 2, trang 161, SGK.

Viết một bài (hoặc một đoạn) văn nghị luận có đề tài liên quan đến một vấn đề thời sự đang đặt ra một cách bức thiết trong đời sống (ví dụ: ô nhiễm môi trường; tai nạn giao thông; an toàn, vệ sinh thực phẩm; gia đình trong thời hiện đại…) trong đó nhất thiết phải vận dụng kết hợp ít nhất một trong bốn phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

Có thể tham khảo đoạn trích sau:

Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Hà Nội trong 14 năm qua và có nhiều cảm xúc mãnh liệt về nơi này, tất nhiên không phải tất cả đều là tích cực. Năm 1994, vào mùa đông tôi có thể đi bộ cùng với nhóm bạn lúc 10 giờ tối dọc theo các con phố gần như không có xe cộ. Đó là những ngày tôi thường rong ruổi ít nhất hai lần một ngày trên xe đạp. Những ngày đạp xe hàng giờ ra ngoại thành, những ngày được hít thở không khí trong lành mà không cần đến khẩu trang che bụi.

Thời đó, một nửa các chuyến đi là bằng xe đạp và việc đạp xe dường như là cách hợp lí nhất để di chuyển. Tại sao phải sử dụng nhiên liệu một cách không cần thiết ? Tại sao lại không kết hợp việc luyện tập, vui chơi giải trí và đi lại, tiết kiệm thời gian, tiền bạc trong khi vẫn có thời gian thoải mái ? Việc đỗ xe rất tiện lợi và an toàn ở mọi noi trong thành phố.

Nhiều năm qua, phần lớn xe đạp trong thành phố được thay thế bằng xe máy. Nhiều người tưởng nó sẽ làm giảm ách tắc đô thị. Nhưng ngược lại, xe máy chiếm nhiều diện tích hon, cả khi di chuyển lẫn khi đỗ lại, và lúc tắc đường, chúng thải ra rất nhiều khói. Những đường phố trước kia khá yên tĩnh giờ trở nên ồn ào và ô nhiễm. Chưa bao giờ ùn tắc giao thông lại xảy ra nghiêm trọng đến thế.

Năm 2008, ô tô bắt đầu tràn ngập thị trường, bãi đỗ ô tô tràn lan khắp nơi. Ô tô chiếm không gian hơn xe máy rất nhiều, nên tình trạng tắc nghẽn chỉ có thể trở nên trầm trọng hơn.

Một trong số những vấn đề mà tôi nhận thấy ở Hà Nội là điều kiện đi bộ thường rất tồi. Người dân đi xe máy, ngay cả khi đến những địa điểm rất gần, ngay cả với khoảng cách chỉ khoảng 1 km hoặc ít hơn cũng thường phải dùng đến nhiên liệu. Điều đó thật là phí phạm, góp phần vào ùn tắc, ô nhiễm và tạo ra những sự khó chịu trong thành phố.

Nhà nước đã thực hiện dịch vụ xe buýt. Nhưng xe buýt chiếm dụng không gian nhiều như ô tô, lại đi chung làn đường với các phương tiện khác, nên cũng bị mắc kẹt trên đường phố. Và trong lúc tạt vào điểm chờ hay rẽ từ điểm chờ ra đường, chúng gây nguy hiểm cho con người.

Ở nhiều tuyến phố, việc đi bộ không mấy dễ chịu, vỉa hè hẹp và thường có nhiều xe máy đỗ. Những làn đường dành cho xe đạp – vốn đã rất ít ỏi, trở thành vô nghĩa, do chúng thường bị chiếm dụng bởi xe máy và ô tô.

Lượng khí thái và sự nguy hiểm đã trở nên quá lớn. Mặt khác, càng dành nhiều không gian hơn cho ô tô, không gian còn lại cho những người khác càng ít đi.

Điều kì quặc là, khi các thành phố châu Á đã đông đúc lên, thì họ lại chọn các hình thức giao thông kém hiệu quả về không gian nhất. Với mục tiêu gia tăng tốc độ, họ gây ra ùn tắc giao thông. Với mục tiêu thoả mãn nhu cầu của con người, họ dành những khoản tiền lớn cho các cơ sở hạ tầng chỉ phục vụ cho một số ít người.

Họ dỡ bỏ hệ thống xe điện, cấm các phương tiện tiết kiệm không gian và cần ít nhiên liệu. Họ không quan tâm đến người đi bộ, do phải lo thoả mãn nhu cầu của các phương tiện cơ giới, mặc cho thực tế là việc đi bộ cần được khuyến khích, bởi người đi bộ gần như không cần nhiên liệu (ngoài thức ăn và nước uống) cho sự đi lại của mình. Xe đạp đang bị lãng quên.

Trong khi đó, thành phố Niu-Oóc dự kiến xây dựng 4 000 km đường xe đạp. Cô-pen-ha-ghen hi vọng một nửa chuyến đi lại vào năm 2015 sẽ bằng xe đạp. Và Luân Đôn đang đầu tư hàng triệu đô la vào cơ sở hạ tầng để trở thành thủ đô đi xe đạp trên thế giới.

Các thành phố châu Âu đang trở lại khuyến khích việc đi bộ. Nếu những thành phố có nhiều tiền nhất và có mật độ dân cư thấp nhất còn thấy cần khuyến khích các phương tiện có hiệu quả về không gian và kinh tế, thì tại sao những thành phố châu Á lại có khuynh hướng đầu tư thêm về tiền bạc và hi sinh cả môi trường để theo đuổi những mô hình không hiệu quả, tốn kém nhất và ô nhiễm nhất ?

Những chính sách thông minh có thể góp phần đảm bảo rằng thời gian tới sẽ là thập kỉ của những thành phố đầy người đi bộ và đi xe đạp, cùng với hệ thống giao thông công cộng trên mặt đất hiện đại, để người dân được hít thở không khí trong lành, qua đường an toàn, và tự hào được sống trong một thành phố thân thiện, với các điều kiện sống tốt, trong khi vẫn giải quyết được những nhu cầu cơ bản khác.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội để trở thành một đô thị có nhiều điều kiện sống tốt. Mong sao những người làm chính sách tận dụng các cơ hội hiện nay để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, tránh những bài học đắt giá mà các quốc gia khác đã phải trả.

(Theo D. Ê-froi-xơn, Day dứt Hà Nội, báo điện tử Vietnamnet, ngày 26-6-2011)

2. Trong số các văn bản dưới đây, văn bản nào là một bài (đoạn trích) văn nghị luận có vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt khác nhau ?

a) An-tôn Páp-lô-vích rất kính mến

Cách đây ít hôm tôi có đi xem “Cậu Va-ni-a”. Xem kịch, tôi đã khóc như một mụ đàn bà, tuy tôi tuyệt nhiên không phải là người quá đa cảm. Về đến nhà, người choáng váng hẳn đi vì vở kịch của ông, tôi đã viết cho ông một bức thư dài, viết xong lại xé đi. Không sao nói được cho đúng, cho rõ những cảm xúc mà vở kịch này đã gieo vào lòng tôi, nhưng khi nhìn các nhân vật, tôi cảm thấy như có ai lấy một cái cưa xẻ tôi ra. […] Đối với tôi, “Cậu Va-ni-a” thật đáng sợ : đó là một thể loại hoàn toàn mới của nghệ thuật sân khấu, một cái búa mà ông dùng để nện lên những cái sọ rỗng tuếch của công chúng.

[…] Ở màn cuối vở “Cậu Va-ni-a”, khi người bác sĩ, sau một lát im lặng kéo dài trên sân khấu, nói về khí hậu nồng nực ở châu Phi, tôi đã run lên vì khâm phục tài ông và vì sợ hãi cho con người, cho cái cuộc sống nhạt nhẽo, nghèo nàn của chúng ta. Ông đã đánh vào tâm hồn một vố nên thân, và đánh đúng làm sao! Tài năng của ông thật là vĩ đại. Nhưng An-tôn Páp-lô-vích ạ, ông muốn đạt đến cái gì với những vố như thế, làm như thế con người có hồi sinh được không ? Chúng ta là những con người thảm hại, đúng như thế[…]. Ấy thế, nhưng con người vẫn đáng thường.

(M. Go-rơ-ki, Gửi A. p. Sê-khốp, trong Go-rơ-ki bàn về văn học, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1965)

b) […] Hắn hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền, hắn hiểu những nỗi khổ đau của một kẻ đàn ông khi thấy vợ con mình đói rách. Hắn phải cho in nhiều cuốn văn viết vội vàng. Hắn phải viết những bài báo để người ta đọc rồi quên ngay sau lúc đọc. Rồi mỗi lần đọc lại một cuốn sách, hay một đoạn văn kí tên mình, hắn lại đỏ mặt lên, cau mày, nghiến răng, vò nát sách mà mắng mình như một thằng khốn nạn… [..] Bởi vì hắn chính là một thằng khốn nạn ! Hắn chính là một kẻ bất lương! Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng-sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. […] Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến văn chương. Thế nghĩa là hắn là một kẻ vô ích, một người thừa. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có. Hắn nghĩ thế và buồn lắm. […J Và hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của nhà triết học kia . “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn lại nghĩ thêm rằng: hắn có thể hi sinh […] thứ tình yêu vị kỉ đi; nhưng hắn không thể bỏ lòng thương , có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn vẫn còn được là người […]. Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình.

Advertisements (Quảng cáo)

(Nam Cao, Đời thừa, trong Nam Cao, Truyện ngắn chọn lọc, NXB Văn học, Hà Nội, 1986)

c)   Hơn một năm qua, một tiến sĩ người Anh đã ghi lại những khoảnh khắc mà ông cho là “đáng lưu tâm” ở Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Những hình ảnh lọt vào ống kính của ông (vừa được giới thiệu tại hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” ngày 6-6) được xem là “hàng độc”: anh thợ hàn lấy giấy các-tông cắt thành cái hộp bao quanh mặt làm dụng cụ… bảo hộ lao động; cô cộng nhân tóc dài đang lúi cúi bên chiếc máy dệt cũ kĩ với đôi tai được nhét bông, mà không hề biết rằng mình đang bị điếc…

Những hình ảnh ấy chuyển tải một thông điệp lớn : Việt Nam đang trả một giá khá đắt cho phát triển kinh tế, mà tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang gây ra những tổn thất tương đương 4% tổng giá trị sản phẩm quốc gia.

Năm 2006, Việt Nam có hơn 5 880 tai nạn nghiêm trọng liên quan đến lao động, trong đó có 536 công nhân tử vong, và 23 000 trường hợp mắc bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Song đây chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm, vì đa số công nhân bị tai nạn thường được dàn xếp bồi thường để về quê và tất nhiên không đưa vào báo cáo.

Vấn đề bảo hộ lao động không được nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm, bởi khi bên ngoài nhà máy luôn có hàng trăm người thất nghiệp sẵn sàng nhận bất cứ công việc nào và chấp nhận bất kì điều kiện lao động nào thì việc chết một, hai người không phải là chuyện đáng làm ầm ĩ ! Với họ, chi phí cải thiện môi trường làm việc có thể là không cần thiết, bởi tại sao phải tốn tiền vào việc này khi mức thặng dư vốn đã eo hẹp, sự cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng khốc liệt, hệ thống luật pháp quốc gia còn nhiều yếu kém và khi chính người lao động cũng không hiểu biết bao nhiêu về an toàn lao động ?

Tuy nhiên, những công ti thành công trên thế giới từ lâu đã nhận ra rằng, gia công hàng hoá ở nơi công nhân làm việc rất nặng nhọc trong môi trường lao động khắc nghiệt sẽ dẫn đến nguy cơ người tiêu dùng quay lưng và doanh số sút giảm. Còn các nhà máy trong nước thì buộc phải lựa chọn giữa việc tuân theo các tiêu chuẩn cơ bản hoặc mất hợp đồng.

Cần xem việc giải bài toán khó khăn này như một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ. Theo ông Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cung cấp cho người dân một công việc tử tế, trong điều kiện có tự do, bình đẳng, an ninh và tôn trọng nhân phẩm, sẽ là chính sách cơ bản giúp xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển nền kinh tế của quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.

(Theo Công việc tử tế, báo điện tử Tuoitreonline, ngày 8 – 6 – 2007)

a) Trong văn bản này, M. Go-rơ-ki có sử dụng phương thức biểu đạt tự sự để kể về việc ông đi xem vở Cậu Va-ni-a của A.P. Sê-khốp và ý định viết thư cho tác giả M. Go-rơ-ki cũng không quên đánh giá và bàn luận cùng Sê-khốp về vở kịch, về tài năng vĩ đại của tác giả cũng như về việc nên có quan niệm và thái độ như thế nào đối với con người. Những khi ấy, phương thức biểu đạt được ông vận dụng là nghị luận. Nhưng không vì thế mà chúng ta có thể coi bức thư của M. Go-rơ-ki là một văn bản tự sự hay nghị luận. Vì các phương thức tự sự và nghị luận, ở đây, chỉ phục vụ cho việc biếu lộ những ý nghĩ và cảm xúc còn đang nóng hối, đang bột phát mãnh liệt, không thể nào kìm nén, mà ông muốn gửi trọn cho một nhà văn được ông kính phục và yêu mến thực lòng. Như vậy, phương thức biểu đạt chính ở văn bản này không phải là nghị luận.

b) Trường hợp của văn bản này cũng như văn bản (a). Tác giả đã vận dụng các phương thức biểu đạt nghị luận và biểu cảm. Nhưng sự vận dụng các phương thức ấy, xét ra, cũng chỉ nhằm giúp Nam Cao khắc hoạ rõ thêm tính cách của một nhân vật trong một câu chuyện cụ thể. Mục đích chính của văn bản vẫn là kể chuyện. Và phương thức biểu đạt chính của nó, vì thế, cũng không phải là nghị luận mà là tự sự.

c) Đây là một văn bản nghị luận có kết hợp vận dụng các phương thức biểu đạt khác như tự sự (kể về một ông tiến sĩ người Anh đã ghi vào ống kính những hình ảnh “đáng lưu tâm” ở Việt Nam), miêu tả (tả lại một vài hình ảnh đáng được coi là “hàng độc”), hay thuyết minh (những số liệu về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp). Bởi mục đích chính của người viết là bàn về sự cần thiết phải chú trọng đến vấn đề tạo một “công việc tử tế”, với những điều kiện làm việc tốt cho người lao động, nếu muốn phát triển kinh tế. Những câu chuyện, hình ảnh, số liệu kể trên có tác dụng rất lớn trong việc làm cho bài viết cụ thể, sinh động và lí thú, nhưng vai trò của chúng, chung quy lại, cũng chỉ để làm cho những luận- điểm trong bài càng có sức thuyết phục hơn.

3. Viết một bài văn nghị luận ngắn, đề tài tự chọn, trong đó có vận dụng kết họp ít nhất là một trong các phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

Có thể tham khảo hai đoạn trích sau :

a) Tất cả đều đang thật tốt đẹp thì chiếc váy của một người đẹp trong đêm chung kết Cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt liên tục bị mắc vào những chiếc đinh đóng trên sàn diễn. Và ngay lập tức, cái thói cẩu thả ăn thật làm dối mà chúng ta vẫn gặp lâu nay lại thò cái đuôi của nó ra.

Tôi không làm sao hiểu nổi ở một hoạt động văn hoá lớn như vậy, người ta lại có thể cẩu thả. Có thể ai đó đọc những lời này của tôi sẽ khó chịu và nói . Có mỗi chuyện cái đinh mà lắm lời. Vâng. Nhưng mọi chuyện lớn lại bắt đầu từ những điều rất nhỏ.

Ví như việc đi bộ trong thành phố. Việc đi bộ cho thấy sự cẩu thả và tính ích kỉ của chúng ta. Chúng ta cởi trần, đủng đỉnh đi qua đường như đi trong sân nhà mình, mặc cho đèn đỏ hay đèn xanh. Và vừa đi vừa xỉa răng. Chúng ta điềm nhiên đi trên lòng đường theo ý muốn của mình. Tôi không tin có thể xây dựng được một đời sống hiện đại, văn minh khi thói cẩu thả và tuỳ tiện còn tồn tại quá nhiều trong thực tế. Và tôi nghĩ; muốn xây dựng một đất nước hiện đại, văn minh thì chúng ta phải bắt đầu từ việc đi bộ.

Lại nghĩ đến việc tuỳ tiện chậm giờ bay […] mà thất vọng, chán chường. Chiếc máy bay hiện đại như mọi chiếc máy bay trên thế giới. Bầu trời rộng như mọi bầu trời trên thế giới. Chỉ có trách nhiệm và khả năng của người thực hiện là khác mà thôi.

Trở lại với mấy cái đinh trên sàn diễn của Cuộc thi Hoa hậu 2007. Có lẽ người Việt Nam còn cần phải học hỏi nhiều lắm mới không bị thế giới bỏ rơi. Kĩ thuật đóng một cái đinh đâu phải chuyện khó khăn gì. Nhưng chiếc đinh vẫn cứ trồi lên trên cái sàn diễn mới chỉ làm trước đó ít ngày. Và tôi luôn luôn tin rằng : đóng một cái đinh không xong, thì đừng nói đến những việc lớn hơn. Những cái đinh tuy nhỏ, nhưng lỗ đinh vẫn đủ cho chúng ta ghé mắt nhìn vào bên trong của cả ngôi nhà.

(Theo Chiếc đinh nhỏ nhưng nỗi buồn thì lớn, báo điện tử Vietnamnet, ngày 27 – 9 – 2007)

b) Tôi thấy cần phải nói thêm về cái suất sưu, cái thẻ sưu này, cái thứ thuế bất nhân đánh trực diện vào thân con người này, đánh cả vào người đang sống, đánh cả vào người đã chết. Nó là một cái thẻ kì dị mà trong thời cũ ai cũng phải mang luôn trên mình mình. Từ ngày có chính quyền cách mạng, mới xoá được cái thứ thuế dã man đánh vào đầu và thân người. Nhắc lại cái vết nhơ ấy của ngày cũ, hẳn nhiều độc giả thế hệ hai mươi tuổi ngày nay không khỏi cho đó là một cái quái dị vị tất đã có như thế, hoặc hỏi nhau rằng sao cái sự xấu hổ đó lại có thể xảy đến cho con người . Thưa vâng ạ, sự xấu hổ ấy đã có, đã xảy ra cho xã hội An Nam đấy, và ta càng nên cám ơn ông già Ngô Tất Tố đã ghi nó lại cho chúng ta. […]

Tôi nghĩ rằng nếu cần cho thêm một cái nhan đề thứ hai nữa cho Tắt đèn, thì riêng tôi, tôi sẽ gọi nó là cuốn CÁI THẺ SƯU. Nó là cái đối tượng của sự kháng cáo, của sự tố cáo. Vì nó mà anh Dậu bị nhục hình, vì nó mà chị Dậu bán con. Vì nó mà chị Dậu phải đi ở để trả nốt suất sưu nữa cho một người em chồng “chết dở năm Tây (… nếu chết chẵn năm Tây thì mới được trừ)”. Chính vì cái thẻ sưu đó mà chị Dậu hai lần bị cưỡng dâm ở mấy cái tư thất – công đường – nhà thổ. Cái thẻ sưu chính là một cái chủ đề cụ thể trên cái đề tài mênh mông đau xót của nông dân ta chưa có cách mạng cứu thoát. Cái thẻ sưu có thể coi như một hiện vật, một tang vật cực kì phản diện của mặt sống cũ. Nếu lại cho tôi vẽ tĩnh vật hoặc vẽ bìa Tắt đèn, thì tôi sẽ trang trí hoá một khuôn mặt thôn nữ vuông chữ điền, bên cạnh đó là một miếng thẻ sưu. Hình bìa thẻ, đủ triện đồng chữ nhật cộp vào, và hằn lên những chấm điểm chỉ. Hoặc xoắn lên cái vân da tay đốt ngón tay cái, nó là cái chữ kí thê thảm của người bị mù chữ, trong suốt một thời mù đó.

(Nguyễn Tuân, Truyện “Tắt đèn’’cúa Ngô Tất Tố, trong Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)