Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận: Câu...

Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận: Câu 1,2,3 trang 114 Sách bài tập Văn 12...

Giải câu 1, 2, 3 trang 114 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận trang 114 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

1. Bài tập 1, trang 176, SGK.

Sưu tầm những bài (đoạn) văn hay, trong đó tác giả đã sử dụng kết hợp thành công nhiều thao tác lập luận khác nhau.

Có thể sưu tầm những đoạn văn như :

Hãy xét loạn từ đâu dấy lên. [...] Bầy tôi và con bất hiếu với vua, cha, thế gọi là loạn. Con chỉ yêu mình, không yêu cha, làm hại cha mà mình được lợi ; em chỉ yêu mình, không yêu anh, làm hại anh mà mình được lợi ; bầy tôi chỉ yêu mình mà không yêu vua, làm hại vua mà mình được lợi. Thế là loạn. Cha mà không yêu con, anh mà không yêu em, vua mà không yêu bầy tôi, như thế thiên hạ cũng gọi là loạn. Cha chỉ yêu mình, không yêu con, làm hại con mà mình được lợi. Anh chỉ yêu mình, không yêu em, làm hại em mà mình được lợi. Vua chỉ yêu mình mà không yêu bầy tôi, làm hại bầy tôi mà mình được lợi. Tại sao vậy ? Đều là vì không tương ái. [...]

Những việc loạn trong thiên hạ, đều như thế cả thôi. Xét điều đó từ đâu mà ra ? Đều vì không tương ái. Nếu làm cho mọi người trong thiên hạ yêu lẫn nhau, yêu người như yêu mình thì còn đâu bất hiếu ? Xem cha, anh và vua như mình, làm sao mà không hiếu ? Còn đâu chuyện không từ ái ? Xem em, con và bầy tôi như thân mình, làm sao mà không từ ái ? Do đó, những chuyện bất hiếu, bất từ đều không còn nữa.

Còn chuyện trộm cướp ư ? Xem nhà người như nhà mình, ai còn làm loạn ? Xem nước người như nước mình, ai còn đánh nhau ? Do đó mà việc đại phu làm rối loạn nhà nhau, việc chư hầu đánh nước của nhau, đều không còn nữa. [...] Cho nên trong thiên hạ mọi người thương yêu lẫn nhau, thì sẽ thái bình, căm ghét lẫn nhau, thì sẽ loạn lạc.

Do đó, Mặc Tử nói: “Không thể không khuyên yêu người”

(Theo Mặc Tử, Kiêm ái, trong Văn học Trung Quốc, Tài liệu tham khảo, tập I, NXB Giáo dục, 1963)

Dễ thấy, ở đoạn này, các thao tác lập luận phân tích, bác bỏ, bình luận đã được khéo léo kết hợp để phục vụ cho thao tác chính là giải thích : Loạn từ đâu dấy lên ? Đều vì không tương ái.

2. Hãy cho biết, trong các văn bản mà anh (chị) đã sưu tầm được khi làm bài tập 1 và các văn bản dẫn dưới đây, các tác giả đã :

- Vận dụng kết hợp các thao tác lập luận nào ?

- Trong số đó, phải coi thao tác lập luận nào là thao tác chính ? Vì sao ?

- Các thao tác lập luận trong văn bản đã kết hợp với nhau một cách hợp lí và chặt chẽ chưa ? Anh (chị) dựa vào đâu để cho rằng sự kết hợp đó đã có thể coi là hợp lí và chặt chẽ (hoặc chưa hợp lí và chặt chẽ) ?

a) Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan chúng ta đau như cắt xé. Giá như triều đình [...] ở trong tay những người kế tục sự nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dũng của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều, nhất là đã được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi, đồng thời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước, như vậy đất Đồng Nai anh dũng từ đó đã trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp nước phương Tây xâm phạm đất nước chúng ta ở Nam Bộ, và do đó, đã bảo vệ vẹn toàn độc lập và thống nhất của Tổ quốc !

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.

(Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc)

b) Một đằng thì mất mấy năm trời để đi học một thứ chữ khác hẳn tiếng mình mà vẫn không có công hiệu; một đằng thì mất không tới sáu tháng là học ngay được văn tự của tiếng mình. Vậy thì không thể không theo chữ nước ta điều ấy rõ ràng hết sức rồi. Một đằng thì theo đuổi lối học đầu ngọn, ghi nhớ từ chương, rồi chung quy chỉ được có cái hư văn. Một đằng thì để tâm vào những điều giản dị, rõ ràng là thiết yếu, mà lại thâu được thực học. Thế thì sách vở không thể không hiệu chính, phép thi không thể không sửa đổi, nhân tài không thể không cổ võ, cũng là một việc hết sức dễ hiểu vậy.

[...] Có người nói rằng : Non sông nước Nam đã vạch sẵn trong tập Thiên thư, văn kiến có từ lâu rồi ; phép lục thư đã thông hành rồi, cần gì phải dùng đến chữ mới ? Muôn quyển đã giàu rồi, cần gì phải dùng đến tân thư ? Khoa cử đã đủ để kén chọn người rồi, cần gì phải theo lối mới ? Điều lệ hiến chương đủ để trị nước rồi, cần gì phải dùng đến phép mới ? Nếu làm như vậy thì chẳng hoá ra biến đổi hết nền nếp văn hiến ngàn xưa để bắt chước cái mới, mới được ư ?

Than ôi ! Nếu quả như lời ấy, thì dân trí nước ta đến chìm lỉm tịt mù, không có bao giờ nảy nở ra được.

(Đông Kinh nghĩa thục, Văn minh tân học sách, trong Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981)

c)

Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa

Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm

Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm

Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

(Ngày về)

Lần đầu đọc bài thơ ấy, tôi cứ ngỡ Chính Hữu là người Hà Nội. Vậy mà quê gốc ông lại ở Can Lộc (Hà Tĩnh), và ông sinh ở Vinh (Nghệ An). Sao thơ ông lại có giọng thuần chất của một chàng trai Hà thành ? Thì ra, Chính Hữu ra học Hà Nội, và từng đỗ tú tài ban Triết ở Thủ đô. Năm 1946, ông gia nhập Trung đoàn Thủ đô lừng danh, và bài thơ Ngày về ra đời khi chàng trai Chính Hữu sau 60 ngày đêm quyết chiến “trên từng con phố” đã theo trung đoàn “rút qua gầm cầu Long Biên” về bên kia sông Hồng trong một đêm "Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng”.

Thơ Chính Hữu lúc bấy giờ là kết tinh những gì đẹp nhất, hào hoa nhất mà cũng lãng mạn nhất của cả một thế hệ những người lính Thủ đô có học và có thừa dũng khí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

[...] Sau này, lắng lại qua bao gian khổ, Chính Hữu lại có bài thơ Đồng chí nổi tiếng ....

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Advertisements (Quảng cáo)

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Đó lại là bài thơ tiêu biểu cho thơ kháng chiến chống Pháp, thơ về người lính thời chống Pháp. Khi “đôi giày vạn dặm” đã “rách tả tơi” rồi, thì cả bàn chân trần, bàn tay trần, trái tim trần của người lính đã tự nhiên tìm đến nhau, giữ lửa cho nhau, và giữ cá cái hình ảnh "đầu súng trăng treo” - quyết liệt không chịu mất chút lãng mạn - trong nhau.

Kịp đến những tháng năm chống Mĩ, Chính Hữu lại lặng lẽ xuất hiện trên thi đàn với bài thơ Ngọn đèn đứng gác. Và đó cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu ở những năm đầu chống Mĩ [...].

Chính Hữu như một người đạc điền trong thơ ca. Ông lặng lẽ cắm mốc bằng những bài thơ tiết chế đến tối giản của mình. [...] Sự tối giản, những khoảng lặng, cách tiết chế ấy của thơ ông nằm ngay trong tính cách và cách sống của ông. Thơ là người, và không thể khác. Chỉ để lại mấy chục bài thơ, nhưng thơ Chính Hữu sống. Nó sống ngay trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ, dù những thế hệ sau không còn biết đến chiến tranh, và có thể chỉ nhìn thấy hình ảnh người lính trên phim ảnh, và thỉnh thoảng ở ngoài đời.

(Thanh Tháo, Vĩnh biệt Chính Hữu, báo điện tử Thanhnienonline, ngày 29 - 11 - 2007)

a) Văn bản (a) gồm hai đoạn. Đầu đoạn thứ nhất có hai chữ giá như. Hai chữ ấy mở đầu cho một quá trình suy nghĩ ; ở đó, tác giả muốn cùng người đọc lật lại vấn đề, để bàn bạc sâu thêm về một thực trạng khiến “ruột chúng ta đau như cắt xé” : vùng Nam Bộ của nước ta, vào nửa cuối thế kỉ XIX, đã bị rơi vào tay bọn thực dân, dù nhân dân ta đã đấu tranh vô cùng anh dũng. Thao tác lập luận được sử dụng ở đây là bình luận.

Tuy nhiên, giữa hai đoạn có các chữ cho nên. Hai chữ ấy báo hiệu : đoạn trên và đoạn dưới của văn bản có quan hệ nhân - quả đối với nhau. Thực tế đau lòng ở đoạn trên giúp ta cắt nghĩa được vì sao thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn lại là những bài văn tế ca ngợi và than khóc những anh hùng, liệt sĩ suốt đời tận trung với nước, trọn nghĩa cùng dân.

Như vậy, tác giả còn sử dụng thao tác lập luận giải thích; và đây mới là thao tác chính trong đoạn trích, vì mục đích cơ bản của đoạn trích này là giảng giải, cắt nghĩa một hiện tượng, nhằm làm cho người đọc hiểu.

b) Ở đoạn đầu của văn bản (b), tác giả đã sử dụng thao tác lập luận so sánh để phân biệt rõ hai thứ chữ, hai lối học. Tới đoạn sau, tác giả lại dùng thao tác lập luận bác bỏ để phủ nhận ý kiến của những kẻ thủ cựu trong thời ấy.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà có thể vội kết luận rằng, ở văn bản này, thao tác lập luận chính là so sánh hay bác bỏ. Vì ở đây, mục đích chính của các tác giả là đánh giá, bàn bạc về một trong những công việc cần làm ngay để nâng cao dân trí, nhằm cổ vũ cho công cuộc đổi mới, hướng nước nhà đi đến văn minh. Đấy là việc cấp bách học chữ quốc ngữ, bỏ lối học hư văn, thay bằng thực học, và qua đó, hiệu chính sách vở, sửa đổi phép thi, cổ vũ nhân tài. Theo tác giả, nếu không như thế thì dân trí nước ta còn mãi mãi chìm lỉm tịt mù.

Thao tác lập luận chính của văn bản này, do đó, phải là bình luận. Bác bỏ hay so sánh có được dùng cũng chỉ để cho sự bình luận có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn. Các thao tác đó chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho thao tác chính.

3. Hãy vận dụng kết hợp ít nhất là ba thao tác lập luận khác nhau để viết một bài văn nghị luận ngắn, đề tài tự chọn.

Có thể tham khảo hai đoạn trích sau :

a) Một người bạn Phi-líp-pin gửi cho tôi cuốn sách mỏng. Tôi mở ra và nhìn thấy tựa đề “12 điều nhỏ bé mỗi người Phi-líp-pin có thể thực hiện để giúp ích Tổ quốc”. Tác giả - luật sư A-lếch-xan-đrơ L. Lác-xơn - chỉ là một thường dân, nhưng cuốn sách đã được khá nhiều nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX quan tâm và giới thiệu. Đọc cuốn sách này, tôi thật sự bị thu hút vì những điều đơn giản mà tác giả đã trình bày và biện giải.

Hãy tuân thủ Luật Giao thông. Hãy tuân thủ luật pháp.

Bạn có thể thắc mắc vì sao trong 12 điều nhỏ bé này, việc tuân thủ Luật Giao thông lại được đặt lên hàng đầu ?

Câu trả lời thật đơn giản. Luật Giao thông là những nguyên tắc giản đơn nhất trong nền pháp luật của một đất nước. Luật Giao thông hiện diện trong mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống thường nhật, khi người dân phải ra đường. Chúng ta đối mặt với khoản luật này hằng ngày từ sáng đến tối. Do đó, quyết định tuân thủ hay không tuân thủ Luật Giao thông chính là điều kiện để tạo ra một môi trường liên tục cho mọi người cố gắng và nỗ lực trong từng ngày.

Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông của chúng ta sẽ trở thành một thói quen, và dĩ nhiên, đó là thói quen tuân thủ chuẩn mực của quốc gia. Một ngày nào đó, việc tuân thủ Luật Giao thông làm cho chúng ta dễ tuân theo những điều luật phức tạp, khó khăn và quan trọng hơn trong luật pháp nhà nước ; từ đó, có thể xây dựng một thói quen văn hoá biết tôn trọng luật pháp của bất cứ công dân nào trong một đất nước văn minh.

Đó là vì trật tự cũng giống như những bậc thang. Trước khi leo lên được bậc cao nhất, hãy bắt đầu bằng nấc thang thấp nhất, bởi lẽ “cuộc hành trình ngàn dặm nào cũng phải bắt đầu bằng một bước đi nhỏ bé đầu tiên” (trích châm ngôn của Lão Tử).

(Theo báo điện tử Tuoitreonline, ngày 22- 10-2007)

b) Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu còn thơ dại như ngày nào thì chắc con đã ngạc nhiên lắm. Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ : con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người, mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục ngàn đồng, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi !”.

Con bỗng nhớ khi mẹ còn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc nhau trên một chiếc giường nhỏ trong căn phòng ngột ngạt của Bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ : “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có ti vi nữa ?” Mẹ chỉ nói khẽ .”Cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Mẹ thì không được. Con căm ghét đồng tiền vì thế.

Con còn sợ đồng tiền nữa. Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sông lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ...

Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “Bao giờ mẹ mày mới về ?”.

Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏỉ chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê "tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa với nhận bản án tử hình. Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn bảo hiểm y tế nữa thì sao ? Và nếu ông mất thì sao ? Chỉ tiêu hằng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi..

Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khoẻ cho mình.

Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền, mẹ ạ. Đã có lúc con đòi đi lao động, làm gia sư hay bán bánh mì "tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đỉ. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khoẻ.

Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Con khẩn thiết xin mẹ đừng la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chày, cối để giã lạc vừng. Dù đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng, với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thế sống yên ổn, để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa.

Đứa con ngốc nghếch của mẹ, Nguyễn Trung Hiếu.

(Theo Bài văn lạ của học trò nghèo gây “sốc” với giáo viên trường Ams, báo điện tử Dân trí, ngày 6 - 11 - 2011 )

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)