Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Nghị luận về một hiện tượng đời sống trang 33 Sách bài...

Nghị luận về một hiện tượng đời sống trang 33 Sách bài tập (SBT) Văn 12 tập 1...

Giải câu 1, 2, 3,4,5 trang 33 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống trang 33 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1 -

 

1. Trong hai đoạn trích sau, đọạn trích nào có thể coi là nghị luận về một hiện tượng đời sống ? Vì sao ?

a) Vùng quê tôi, vụ chiêm chỉ toàn lúa tẻ. Vụ mùa có nhiều loại nếp, nhưng nổi tiếng nhất là nếp rồng. Trong Nam ngoài Bắc, không ở đâu có loại nếp này, mà chỉ có ở Nghệ Tĩnh. [...]

Lúa nếp rồng nở nhiều dảnh, to khóm, lá xanh đậm. Khi hạt đã bắt đầu ngậm sữa là mùi hương thoang thoảng bay lên. Khi hạt chín, đi qua thửa ruộng nếp rồng là biết ngay, hương thơm lan man cả một khoảng đồng. Trên đường làng, gánh nếp rồng theo người đến đâu là hương thơm đến đấy. Hương vương dọc bờ tre làng. Hương ướp lên mái tóc các cô gái. Hương thấm đậm vào từng giọt mồ hôi.

(Võ Văn Trực, Nếp rồng quê tôi)

b) Bên cạnh những thành tựu dân chủ, ở xã hội ta lại đang xuất hiện những hành vi mang màu sắc vô chính phủ, tuỳ tiện đặt ra chế độ, tiêu chuẩn, chỉ tiêu vô chừng mực, dùng vốn bừa bãi... Có người giải thích rằng tình trạng đó bắt nguồn từ chỗ ta mở rộng dân chủ nhanh quá, thành ra dân chủ "quá trớn”.

Cái trớn (mà chúng ta hiểu là giới hạn) đó là gì ? Tiếc thay, không phải bao giờ cũng xác định được. Chẳng thế mà nhiều khi trước cùng một hiện tượng, khi người này gọi là dân chủ thì người khác lại cho là vô chính phủ.

Dân chủ nào cũng đều có giới hạn, đó là giới hạn bị quy định bởi những điều kiện khách quan bắt nguồn từ mức độ phát triển của kinh tế, xã hội và văn hoá. Đó là giới hạn để tiến lên trình độ dân chủ cao hơn.

(Bùi Công Trang, Đâu là dân chủ quá trớn)

- Đoạn (a) được trích từ văn bản sử dụng phương thức biểu đạt thuyết minh. Đoạn trích không bàn luận về một hiện tượng nào cả mà nhằm thuyết minh cho người đọc cảm nhận được hương vị đặc biệt của nếp rồng Nghệ Tĩnh.

- Đoạn (b) bàn luận về một hiện tượng đời sống (hiện tượng dân chủ “quá trớn” hiện nay). Người viết nêu các hiện tượng đang xảy ra trong cuộc sống có “hành vi mang màu sắc vô chính phủ, tuỳ tiện đặt ra chế độ, tiêu chuẩn, chỉ tiêu vô chừng mực, dùng vốn bừa bãi”. Sau đó, tác giả nêu lời giải thích thiếu chính xác và cuối cùng là bày tỏ quan niệm đúng đắn.

2. Một bạn dự định mở bài cho bài văn bàn luận về hiện tượng nhiều bạn trẻ ngày nay quá “nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét như sau :

Qua thực tế đời sống và những phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thấy, trong xã hội ngày càng có nhiều lời bàn bạc, với rất nhiều mối quan tâm và không ít điều lo ngại, xung quanh lối sống của thế hệ thanh niên trong thời đại hiện nay. Hiện tượng nhiều bạn trẻ đang quá say mê, quá “nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét cũng nằm trong phạm vi được quan tâm và lo ngại đó.

Thiết tưởng, góp một lời bàn luận trước hiện tượng rất đáng bàn này cũng là một việc rất cần thiết phải làm, và rất nên làm. Vì thế, trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét, và thói “nghiện” hai thú chơi đó ở nhiều người trong lớp trẻ hôm nay.

Anh (chị) có ý kiến gì về phần mở bài trên đây ?

Người viết đã đúng khi đặt ra vấn đề cần bàn và bản thân muốn góp thêm một lời bàn về vấn đề nhiều bạn trẻ hiện nay quá đam mê đến thành “nghiện” ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét.

Tuy nhiên, đến khi xác định "trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét, và thói “nghiện” hai thú chơi đó ở nhiều người trong lớp trẻ hôm nay” thì bạn đó đã bị lạc hướng. Câu văn đó sẽ biến bài văn thành một bài giải thích về ka-ra-ô-kê, về in-tơ-nét và về thói “nghiện” hai thứ đó.

3. Gần đây, hiện tượng bạo lực trong nhà trường đã trở thành mối lo lắng chung của xã hội. Anh (chị) suy nghĩ gì về hiện tượng trên ?

Bài làm nên có 2 phần chính:

- Nhận xét về một số hành vi bạo lực trong nhà trường.

- Suy nghĩ của bản thân về hiện tượng trên (nguyên nhân - hậu quả - giải pháp).

Bài tham khảo: Bạo lực học đường - Nỗi lo chung (Bài đăng báo Văn ngh, số ra 5-6-2010

NHỮNG THÔNG TIN NHỨC NHỐI CÒN CHƯA DỨT...

Chúng ta đã biết từ báo chí, phát thanh, truyền hình trong những năm qua nhiều vụ việc vô đạo, phản nhân văn, phi nhân văn hay phi nhân tính trong đời sống xã hội ta cũng như trong học đường. Nhưng tháng 3 năm 2010 này, nghĩa là những ngày tháng vừa diễn trước mắt chúng ta, có quá nhiều vụ việc nóng bỏng làm đau lòng và lo lắng xã hội. Đầu tháng ở tỉnh nọ, em Tú đã đâm trúng tim bạn chết ngay. Hung thủ tuổi học trò này đã bị khởi tố. Ngày 15-3-2010, một nữ sinh Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội bị đánh hội đồng ngay trong vườn hoa sau tượng đài Lý Thái Tổ. Đánh người rồi đưa clip lên mạng. Đánh bạn mà em Quỳnh Anh còn trơ tráo nói rằng “Đánh thế còn nhẹ hơn nhiều ở ngoài đời”. Công an đã phải vào cuộc. Dư luận đang xôn xao chuyện này thì ngày 23-4-2010, nữ sinh THCS Củ Chi đánh nhau trong giờ ra chơi và nạn nhân đã tử vong. Hai nữ sinh ở Trường THPT Pleiku bị hành hung rồi bị áp giải đi như bắt cóc. Ở Hóc Môn, chỉ vì xích mích, nữ sinh THCS đã dùng lưỡi lam rạch mặt bạn phải khâu 22 mũi. Gần cổng trường THPT ở Quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh, giữa trưa một nhóm nữ sinh lao vào túm tóc đánh bạn không ai dám can. Chỉ vì “đánh cho mày biết thế nào là chơi trội”. Ngày 28-3, thầy giáo Trần Hoài Trung, giáo viên Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh bị một thanh niên đâm liên tiếp vào người đứt động mạch chủ và dây thần kinh mạch máu. Nguyên nhân chỉ vì nhắc nhở, lập biên bản bốn học sinh đánh bài và một thanh niên hút thuốc lá trong khuôn viên trường. Và còn nhiều vụ nữa. Chưa kể vụ rùng rợn cô nữ sinh cứa cố người tình trên xe hay tên lái xe cho ô tô nghiến cô gái mắc kẹt dưới gầm xe cho chết, nhóm thanh niên diệt nhau vì mối tình tay ba... Khi tôi viết bài này thì ngày 1-4-2010 này lại thêm vụ một sinh viên Trường Cao đẳng Tuy Hoà đốt xăng giết bạn tình và tự tử... Nghe tin em nữ sinh bị đánh hội đồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói với báo chí là “Tôi rất sốc”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Đó là cái tát vào mặt người lớn”. Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12-3 đã gửi công văn cho các Sở Giáo dục và Đào tạo trong cả nước yêu cầu ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và bạo lực... Các nhà khoa học xã hội và nhân văn chúng ta ngồi dự Hội thảo về khoa học xã hội và nhân văn ở đây, các bậc làm cha làm mẹ nhất là các nhà quản lí giáo dục và xã hội, đã lo lắng đến mức nào. Chúng ta phải bận tâm nhiều việc như mưu sinh hằng ngày, nhà chung cư 18 tầng cháy, công nhân rơi từ tầng cao, đường sá mắc kẹt hằng ngày, nông dân khiếu kiện đông người, công nhân biểu tình hàng vạn, mỡ lợn lòng lợn thiu thối bán ra thị trường, kẹo phát sáng lan tràn trong học đường... nhưng nỗi đau tinh thần này, cái gốc của mọi nỗi đau, mọi mất mát kia, có khi lại bị coi nhẹ hay chưa được quan tâm sâu sắc đúng mức cần thiết. Chúng ta không thể dửng dưng, không thể bàng quan, không thể không cùng nhau góp sức hãm phanh nạn xuống cấp đạo đức này. Vì đây là sinh mệnh lâu dài của dân tộc, là bản chất tốt đẹp của một xã hội văn minh, là động lực đi lên của đất nước, là một đề tài trọng điểm của khoa học xã hội và nhân văn. Một lời cảm thán của vị lãnh đạo, của một số nhà văn, nhà văn hoá hay một tờ công văn của bộ chủ quản hay nỗi bất bình xót xa trong lòng mỗi người làm sao có thể ngăn chặn được cơn lốc bạo lực đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội và trong học đường - thế giới thu nhỏ của chính xã hội. Cần có một cách nhìn, một nhận thức sâu xa về bản chất gốc rễ của vấn đề mới có thể có giải pháp đồng bộ, cơ bản, cấp bách và lâu dài của nhà nước, của ngành giáo dục, của các gia đình, các thầy cô giáo, của các bậc phụ huynh... Chính vì thế hôm nay, tôi xin được nói lại những điều tôi đã từng cảnh báo hơn 10 năm trước đây, khi mà xã hội ta đi sâu vào cơ chế thị trường.

NGUỒN GỐC SÂU XA CỦA HIỂM HOẠ

1. Trong cuộc hành trình vĩ đại mà gian truân của nhân loại cũng như mỗi dân tộc và của mỗi con người, có bao nhiêu cái được và cái mất đang từng giờ từng phút diễn ra nhãn tiền.

Nhân loại đang phải báo động về sự huỷ hoại môi sinh, nguy cơ thay đổi khí hậu trái đất, nạn chiến tranh sắc tộc, sự tranh giành quyền lực... dẫn đến sự tiêu vong của hàng triệu sinh linh trên thế gian trước mắt và sắp đến.

Thế nhưng có những cái được và cái mất, nhất là những cái mất có khi vô cùng to lớn, nguy hại và cấp bách thì lại ít được nhắc đến, hay quá muộn để nêu lên một cách khẩn cấp. Tôi muốn nói đó là hội chứng vô cảm.

Advertisements (Quảng cáo)

Hội chứng vô cảm hay nói cách khác là căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm vui, nhất là nỗi đau của người khác, vốn là một mặt trong hai phương diện cấu trúc bản chất Con - Người của mỗi sinh thể người. Tính “con” và tính người” luôn luôn hình thành, phát triển ở mỗi con người từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cái thiện và cái ác luôn luôn song hành theo từng bước đi, qua từng cử chỉ, hành vi của mỗi con người trong mối quan hệ với cộng đồng, với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, bà con làng xóm, đồng bào, đồng loại. Trong cuộc hành trình lâu dài, gian khổ của một đời người, cái mất và cái được không phải đã được nhận ra một cách dễ dàng. Mất một đồng xu, một miếng ăn, mất một phần cơ thể, mất một vật sở hữu, con người nhận biết ngay. Nhưng có những cái mất, cái được nhiều khi lại không dễ gì cảm nhận được ngay. Nhường bước cho một cụ già cao tuổi, nhường chỗ cho bà mẹ có con nhỏ trên tàu xe chật chội, biếu một vài đồng cho người hành khất... có mất có được nhưng không phải ai cũng đã nhận ra cái gì mình đã thu được, có khi là sự thăng hoa trong tâm hồn từ thiện và nhân ái. Nói như một nhà văn lớn, người ta chỉ lo túi tiền rỗng đi nhưng lại không biết lo tâm hồn mình đang vơi cạn, khô héo dần. Tôi muốn đặt vấn đề là cùng với sự báo động những hiểm hoạ trông thấy, cần báo động cả hiểm họa không trông thấy hay khó trông thấy. Hiện nay đã có quá nhiều dấu hiệu và sự kiện trầm trọng của hiểm hoạ vô cảm trong xã hội ta, nhất là trong tuổi trẻ. Bạo lực đã xuất hiện dữ dằn những tháng ngày gần đây báo hiệu nguồn gốc sâu xa ở sự xuống cấp nghiêm trọng về nhân văn, về bệnh vô cảm.

2. Xét một cách khách quan thì những hiện tượng vô cảm, phi nhân văn, phi nhân tính hay vô luân không phải là sản phẩm riêng của một xã hội nào. Nó song hành trên hai bình diện thiện và ác như âm và dương, như ngày và đêm, như ánh sáng và bóng tối. Loài người từ cổ xưa đã lên án, đã răn đe dạy bảo nhau để làm sao cho tính con”, cái ác bị đẩy lùi và làm sao cho tính “Người”, mặt thiện, tính nhân văn được ngày một thăng hoa nảy nở để xã hội ngày một tốt lành, để con người thánh thiện hơn. Và phải chăng đó là khát vọng muôn thuở, muôn đời của mọi tôn giáo, của Đức Phật, của chúa Giê-su, của mọi bậc thánh hiền, của mọi nhà văn hoá lớn, của nhân loại. Thế nhưng bài toán không phải đã dễ gì có được đáp số qua nhiều chế độ xã hội thăng trầm. Song bài học lịch sử để lại là khi phần “con” nổi trội lên ở mỗi người, khi phần vật chất, thực dụng trở thành khát vọng chủ đạo trong xã hội thì bấy giờ tính vô cảm, tính phi nhân văn, tính vô luân sẽ có cơ hội nổi dậy hoành hành, xua đẩy những tình cảm, những khát vọng nhân văn, thẩm mĩ. Châm ngôn sống của Tào Tháo: “Hại người trước khi người hại ta”, câu trả lời thầy học của tay tri huyện nọ thời Lê mạt “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”... đều là dấu hiệu của những thời buổi mà tâm lí thực dụng, chủ nghĩa ích kỉ đã trở thành phương châm xử thế. Nhân loại đã bao lần, qua bao thế hệ, trên biết bao nhiêu quốc gia của hành tinh này, đã nhắc đi nhẳc lại những châm ngôn cao thượng của Phật, của Giê-su, của Khổng Tử hay những triết luận sâu sắc, ý vị của biết bao danh nhân thời Phục hưng cho đến những nhà nhân văn xã hội chủ nghĩa về sau. Nhưng một khi xã hội đi sâu vào thị trường, vào kinh doanh, vào hàng hoá, vào lời lỗ, vào thiệt hơn, vào được mất, vào cạnh tranh sinh tồn chỉ nhằm một lợi ích tối thượng là đồng tiền, là vị ngã thì nhất định tất cả mọi tình cảm, mọi khát vọng cao thượng có nguy cơ bị dìm xuống dòng sông băng giá của đồng tiền”. Tiếng kêu của H. Ban-dắc, của Đô-xtôi-ép-xki, của bao nhiêu nhà văn và nhà nhân văn tầm cỡ nhân loại đã và đang nhắc nhở con người hãy cảnh giác. Chúng ta ngày nay đang mạnh bước vào cơ chế thị trường với tất cả mặt mạnh và mặt yếu, mặt được và mặt mất. Nếu chúng ta không tỉnh táo nhận rõ hai mặt của đồng tiền, của cơ chế thương trường thì vô tình đã tạo ra những kẽ hở, những miếng đất màu mỡ cho cỏ dại nảy nở. Tâm lí thực dụng là nguồn kích thích cho sự phát triển của tâm lí sống chết mặc bay, mạnh ai người ấy được. Tiền là thước đo mọi giá trị. “Tiền là tiên là Phật”. Tâm lí thực dụng xô đẩy thanh thiếu niên- nhanh chóng sảy chân vào vũng lầy sa đoạ và tội lỗi.

3. Chúng tôi không có ý định lí giải một cách hệ thống mọi nguyên nhân gián tiếp trực tiếp, vĩ mô vi mô, xã hội và cá nhân... dẫn đến căn bệnh suy giảm tính nhân văn mà chỉ mới bàn đến một phương diện của tâm lí thực dụng trong xã hội mà đồng tiền đang phát huy sức mạnh của nó. Có dịp chúng ta phải bàn đến những nhân tố học đường, gia đình, tâm lí cá nhân... Một xã hội chiến tranh và sau chiến tranh cũng là một nhân tố quan trọng trong việc hình thành tâm lí con người trong xã hội, nhất là ở tuổi trẻ. Thật ra không thể nhìn nhận hậu quả vô cảm, sự sút kém tình cảm, nhân văn từ một phương diện riêng rẽ nào. Một cách nhìn nhận phiến diện và giản đơn không thể lí giải được một cách khoa học, thoả đáng hiện tượng tâm lí đạo đức này, nhất là ở trong xã hội ta, một xã hội đã chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, từ chiến tranh sang hoà bình. Tuy nhiên, để góp phần vào việc hạn chế nạn suy giảm nhân văn trong tuổi trẻ, cần chú ý đến một số giải pháp đồng bộ trong mối liên đới trách nhiệm giữa xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân chủ thể được giáo dục.

3.1. Gra-nhin - nhà văn tên tuổi trên thế giới kể lại câu chuyện ông thân sinh bắt ông ta hồi bé tự tay cầm đồng rúp trao cho người hành khất mà cậu cảm thấy sợ hãi vô cùng. Và Gra-nhin kết luận rằng tình cảm nhân văn không phải tự nhiên có được mà là kết quả của sự giáo dục. Giáo dục để có ý thức và có bản năng yêu thương con người, nhạy cảm với nỗi vui buồn của con người... đó là chân lí, là quy luật hình thành nhân cách, bản chất nhân văn cho con trẻ ngay từ nhỏ. Nhà trường cũng như cha mẹ phải nhận thức được một cách thật sâu sắc và có kế hoạch giáo dục tỉ mỉ, cụ thể bồi dưỡng những tình cảm nhân ái cho trẻ em ngay từ khi còn măng sữa. Nhà sư phạm nổi tiếng Xu-khôm-lin-xki kể lại kinh nghiệm giáo dục lòng nhân ái cho học sinh của ông từ những quan sát cụ thể, hành vi hằng ngày của con trẻ. Một chú bé học sinh của ông cầm mảnh chai rạch bụng con bọ ngựa một cách thích thú và một hôm nữa đã khoái chá cười khi bỏ con chim non vào trong ống máng mặc cho con chim mẹ bay liệng thất thanh gọi con. Ông đã bình luận rằng em bé này về sau có khả năng trở thành một tên sát nhân nếu nó không được giáo dục ngay từ bây giờ. Và ông cũng kể lại câu chuyện một bà mẹ đã hoãn cuộc vui sinh nhật của con gái mình chỉ vì khi chiều cô con gái đã nhắc nhở mẹ là đến tối không cho bà nội có mặt kẻo bà làm mất vui buổi sinh nhật của mình với bạn bè. Và thế là bà mẹ đã quyết định hoãn cuộc sinh nhật của con gái với lí do : Nội mệt không dự được buổi sinh nhật của con” Xu-khôm-lin-xki đã biểu dương tình cảm đạo đức cũng như phươtĩg pháp giáo dục đúng đắn, nhạy cảm của bà mẹ nọ. Và ông cho rằng phải ngăn ngừa, phải bóp chết ngay từ nhỏ những mầm mống ích kỉ, những tình cảm thấp kém của con trẻ. Cho nên có thể nói rằng việc giáo dục tình cảm nhân văn cho trẻ em cần được tiến hành một cách công phu, tỉ mỉ, một cách có ý thức, có kế hoạch ở các bậc cha mẹ và các nhà giáo. Chính bản thân cha mẹ và các thầy cô giáo là những người phải có được một trình độ văn hoá giáo dục thẩm mĩ nhân văn để đảm đương được công việc cực kì khó khăn, phức tạp và tế nhị này, văn hoá được hiểu theo trên cả ba bình diện ý thức, kiến thức và nghệ thuật giáo dục. Tinh cảm đạo đức, nhân văn ở con trẻ, ở thanh thiếu niên không phải là kết quả của những lời giáo huấn khô khan hay những giờ lên lớp buồn tẻ về đạo đức. Tình cảm nhân văn chỉ được thông qua những hành vi, những hoạt động thực tiễn, cụ thể để con người được tập luyện dần và tự giáo dục từng bước một trên con đường hình thành một bản lĩnh nhân văn phong phú và nhạy cảm.

3.2. Dĩ nhiên việc tu dưỡng bản thân là quan trọng. Thầy Trình Tử ngày ngày tự xét bản thân để bỏ hạt đỗ đỏ hay đỗ đen vào lọ. Tu dưỡng cá nhân là khâu quyết định cuối cùng nhưng môi trường đạo đức xã hội cũng không kém phần quan trọng.

Sinh thời, Hồ Chí Minh đã sớm phát động phong trào Tết trồng cây để bảo vệ môi sinh thiên nhiên, về xã hội Người đã phát động phong trào Người tốt việc tốt. Cho đến những ngày lâm bệnh, Người vẫn còn theo dõi hoạt động này. Đến nay, chúng ta càng hiểu thêm tầm quan trọng của việc tạo môi trường đạo đức cho xã hội, nhất là cho thanh thiếu niên. Như trên đã nói, tình cảm nhân văn là kết quả của một quá trình lâu dài, đồng bộ từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội và ngược lại. Thói quen đạo đức chỉ có thể hình thành từ trong thực tiễn hành động của mỗi con người, từ những việc làm nhỏ bé đến những hành vi nghĩa cử lớn lao. Phong trào biểu dương tấm lòng cao thượng của gia đình ông bà Nguyễn Minh Châu dạo nọ trong việc cưu mang suốt mấy năm ròng một thanh niên mang bệnh tâm thần, không kể thiệt hơn, túng thiếu kể cả lời dị nghị xa gần... đã làm thức dậy nguồn cảm xúc cao thượng đẹp đẽ ở nhiều người trong xã hội ta. Phong trào từ thiện được mở rộng trong cả nước, rồi phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo... đã được chú ý phát triển. Tất cả đã tạo nên một môi trường văn hoá đạo đức vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giáo dục nhân cách đạo đức cho mọi tầng lớp cư dân. Những hoạt động này lại càng có ý nghĩa sâu xa khi mà cơ chế thị trường đang cho phép tạo ra một khoảng cách tất nhiên giữa người giàu với người nghèo, khi mà thanh thiếu niên dễ có thiên hướng chỉ nghĩ đến giá trị thực dụng của đồng tiền. Tiếc rằng những cố gắng trên chưa đủ sức mạnh để ngăn cản cơn bão bạo lực đang có chiều hướng gia tăng. Có thể khẳng định bài học lớn lao về việc xây dựng đồng đều, liên tục, rộng khắp môi trường văn hoá đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, mọi nơi, mọi lúc là con đường có hiệu lực để đẩy lùi bóng đen của chủ nghĩa thực dụng, thói vị kỉ thấp hèn và làm nảy sinh, thăng hoa những tình cảm nhân văn cao đẹp trong mọi thành viên của cộng đồng xã hội… Hãy nhìn bạo lực học đường và bạo lực xã hội đang diễn ra gay gắt hiện nay từ góc nhìn nhân văn sâu xa để trên cương vị của mình, mỗi nhà khoa học xã hội và nhân văn có thể góp phần xứng đáng vào việc giảm phanh tốc độ của hiểm hoạ này.

4. Truyền thống là vốn quý của mỗi dân tộc. Là một thanh niên trong thời đại ngày nay, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về vấn đề trên ?

- Xác định khái niệm truyền thống là gì.

- Tác dụng vô cùng to lớn của truyền thống dân tộc trên mọi lĩnh vực.

- Những quan niệm khác nhau về vai trò của truyền thống (khuynh hướng hư vô hoặc nệ cổ,…).

Bài tham khảo: Truyền thống - của chìm của mỗi dân tộc (tạp chí Gia đình và trẻ em, số ra ngày 1-12-2004)

1. Trên bước đường đi lên của mỗi dân tộc cũng như của mỗi con người, hành vi tìm về quá khứ đã trở thành một kinh nghiệm, một bài học phố biến của nhiều quốc gia. Có điều, cuộc tìm về quá khứ càng gay gắt hơn khi mà chính thực tại trước mắt không cho phép con người giải được những bài toán về xã hội, nhân sinh. Đã một thời, khi mà sự tàn khốc của thể chế chính trị quân chủ và giáo lí nhà thờ bóp chết con người thì chủ nghĩa phục hưng "khổng lồ” đã kêu gọi "trở về với thiên nhiên”, “với cổ đại”. Khi mà nguy cơ kĩ trị trước đà phát triển của khoa học thế kỉ XIX đè nặng lên đời sống xã hội thì chính từ các nước phương Tây phát triển đã xuất hiện những phong trào quay về những giá trị truyền thống. Tâm trạng bất lực trước những thế lực của văn minh vật chất, sự sa sút về đạo đức nhân phẩm, sự băng giá trong tâm hồn con người trước sức quyến rũ của đồng tiền đã tạo nên những phản ứng tâm lí ở những con người còn lương tâm trong xã hội, và cũng vì thế những cảm xúc phê phán, lên án xã hội kim tiền và niềm khát vọng trở về với những giá trị truyền thống đã trở thành những cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà văn, nhà văn hoá lớn một thời ở châu Âu.

Trạng thái tâm lí xã hội, nhân văn của những thế kỉ trước bây giờ lại xuất hiện trên thế giới, nhất là ở những nước phát triển mà ở đó cuộc khủng hoảng về xã hội nhân sinh dưới sức ép của công nghệ kỹ thuật phát triển đang diễn ra khá gay gắt trong đời sống xã hội cũng như trong từng tế bào xã hội, hay đời sống riêng tư của mỗi thành viên trong cộng đồng nhân loại ở cuối thế kỉ XX. Nạn teracura hay nạn chơi tình qua điện thoại ở thiếu nữ Nhật Bản buộc người ta phải nghĩ đến giá trị truyền thống của gia đình mà bao đời sự trung thành tận tuỵ của người phụ nữ Phù Tang đã từng là niềm ước mơ, hi vọng, thèm khát của bao xã hội muốn giữ cho được sự ổn định của tế bào xã hội. Một trong hai con bài tranh cử tổng thống mà Bin Clin-ton đã từng đưa ra là vấn đề củng cố để xây dựng đơn vị gia đình. Nỗi lo "tình cảm bếp núc giá lạnh” chính là nỗi lo phá vỡ đơn vị gia đình truyền thống trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay. Có nước như Ca-na-đa, Xinh-ga-po, để bảo vệ tiếng nói dân tộc truyền thống đã có những quy định về thông tin tiếng nước ngoài trong phạm vi cho phép. Kinh nghiệm bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của các nước ASEAN, đặc biệt của Xinh-ga-po đã trở thành bài học thấm thía cho các nước phát triển.

2. Truyền thống không những chỉ là một giải pháp ngăn chặn làn sóng sa đoạ về đạo đức, nhân sinh ở những nước phát triển mà còn là một kho báu góp vào tiềm lực mỗi dân tộc trên hành trình đi sang thế kỉ XXI. Nhận ra sức mạnh đặc biệt quý giá của truyền thống dân tộc là điều ngày một sáng tỏ với sự trải nghiệm của mọi người ngày nay, nhưng cách tiếp cận và nhất là khả năng vận dụng truyền thống, biến nó thành sức mạnh hằng ngày trong đời sống cộng đồng mỗi dân tộc thì không phải đã dễ dàng. Do đó, hiệu quả của truyền thống ở mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng và cá nhân không giống nhau.

Hoài cổ, sùng cổ vì bất mãn với thời thế, vì tuyệt vọng trước thời cuộc hay khủng hoảng niềm tin ở thực tại không đồng nhất với thái độ tích cực trong bảo tồn và phát huy truyền thống.

Bảo tồn, phát huy truyền thống không phải là thái độ phục hồi truyền thống như một thứ di sản bất động vô hồn, như một thứ trang sức, một kho báu để thờ hay như một thứ khẩu hiệu xơ cứng. Gần đây, trong nhà trường phổ thông Việt Nam đều treo khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Không bàn đến việc chọn lựa một châm ngôn của Trung Quốc vào nhà trường ta. Nhưng tôi rất nghi ngờ tác dụng thực tế của khẩu hiệu đó đối với đông đảo học sinh chúng ta. Họ hiểu được hàm nghĩa và ý nghĩa đó không ? Tinh thần khấu hiệu có thực sự biến thành niềm tin, thành động lực hằng ngày của các em không, hay đó chỉ là một khấu hiệu chết ? Nói tôn trọng, bảo tồn, phát huy truyền thống không có nghĩa là sùng tín, sao chép mà là khai thác, vận dụng có lựa chọn, thích ứng với hoàn cảnh mới, yêu cầu mới. Luân lí xưa dạy: “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn dừ”. Chắc hẳn con cái ngày nay, nhất là trong những năm phải lên đường đi đánh giặc xâm lăng không thể câu nệ như xưa. Chữ Trung chữ Hiếu được Bác Hồ vận dụng thành đạo “Trung với nước, hiếu với dân”.

Văn hoá là một phạm trù rộng lớn. Có đến hàng trăm định nghĩa khác nhau. Cho nên, một cách hiểu về truyền thống văn hoá hay truyền thống nói chung không phải dễ nhất trí. Song, có điều ai cũng thừa nhận là truyền thống bao gồm nhiều lĩnh vực tinh thần và vật chất. Đó là những định chế, những khế ước xã hội, đó là những chuẩn mực đạo lí, đó là những cái hẹp hơn, nhiều khi chỉ là một thứ lệ tục, một thói quen thuộc thang giá trị lâu đời... Nhưng, tất cá đã ăn sâu vào đời sống tâm linh của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng xã hội và mỗi cá thể trong cộng đồng như một thứ bản lĩnh, bản năng chi phối hằng ngày, hằng giờ từng hành vi ứng xử của mỗi con người. Chính vì thế mà truyền thống có một sức mạnh bền vững, sâu xa trong tiềm thức và biến thành một thứ nội lực riêng, một bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng xã hội và mỗi cá thể trong xã hội , “Thương người như thể thương thân’, “Lá lành đùm lá rách”, “Ăn mày là ai, ăn mày là ta - Đói cơm, rách áo thì ra ăn mày”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng”... Tất cả những chuẩn mực đạo lí, những nguyên lí ứng xử nhân văn và yêu nước đó hàng ngàn năm đã biến thành lời nói cửa miệng, thành lời tâm niệm và tín niệm cho hành vi mỗi con người Việt Nam trong quan hệ ứng xử vói đồng bào huyết mạch khi gặp hoạn nạn, hay trong cuộc sống hằng ngày và những khi thăng trầm của đất nước. Cho nên, muốn cho truyền thống thực sự phát huy được sức mạnh trong xã hội ngày nay và mãi mãi về sau thì điều quyết định không phải chỉ có việc sưu tập, thống kê, biểu dương mà phải làm sao cho những thứ của chìm, những kho báu đó sống dậy, thực sự biến thành những tín niệm, những tình cảm, hành động của mỗi cá thể trong cộng đồng. Những bài học đạo lí bao đời nay được cha ông ta ghi truyền vào ca dao, vào lời hát ru của bà mẹ ngay từ tuổi ấu thơ của những con người Việt Nam. Và, dần dần nó đã trở thành những bài học luân lí, những tình cảm, những tín niệm chi phối sự ứng xử hằng ngày của mỗi con người. Những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, những mẩu chuyện gia đình, những hành vi thị phạm của người lớn dần dần thấm vào đời sống tinh thần của những đứa trẻ, những thanh thiếu niên của những gia đình được mang tiếng thơm là có gia phong. Và, trên đường đời, những đứa trẻ đó, những thanh thiếu niên, con đẻ của những gia đình có gia phong thường có sức tự đề kháng mạnh hơn hẳn những đứa trẻ khác. [...]

Cùng với gia đình là nhà trường. Nhà trường là nơi có hiệu lực to lớn trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc. Nhưng nhiệm vụ của nhà trường không chỉ đóng khung trong những giờ luân lí, những lí thuyết công dân khô khan. Sách giáo khoa thư lớp đồng ấu và lớp dự bị trong nhà trường cũ trước đây đã biết lựa chọn những mẩu chuyện thấm thía về tình chị em của Lí Tích, tấm gương thương mẹ của thầy Tử Lộ, câu chuyện của ba anh em nhà họ Điền, gương mặt hiếu học của thầy Thừa Cung... Truyền thống nhân văn, đạo lí làm người, nghĩa tình trong gia đình, lòng ham học... thông qua những câu chuyện truyền thống thấm thía được học từ tuổi thơ, có sức sống lâu bền trong hành trang làm người của mỗi thành viên trong cộng đồng.

Năm trước, ở Thủ đô Hà Nội, rộ lên vụ rùa hồ Hoàn Kiếm bị một tên vô lại nào đó chém bị thương. Báo chí lên tiếng. Các nhà khoa học phẫn nộ đệ trình ý kiến lên Chính phủ về việc bảo tồn rùa quý. Người dân Hà Nội xúc động và căm phẫn trước hành động vô văn hoá của những kẻ chẳng biết gì đến văn hoá truyền thống. Rùa Hoàn Kiếm bao đời đã đi vào huyền thoại văn hoá, vào đời sống tâm linh mỗi con người Việt Nam. Chuyện một con rùa nhưng là chuyện thiêng liêng trong đời sống tinh thần, văn hoá và nhân văn của cả một dân tộc. Qua câu chuyện con rùa bị sát thương có thể thấy lấp lánh hội tụ nhiều vấn đề có ý nghĩa sâu xa của truyền thống mà chúng ta đang bàn đến. Sức mạnh truyền thống phải đi vào đời sống tâm linh của mỗi cá thể cộng đồng như một thứ tình cảm linh thiêng, như một hành trang tinh thần ăn sâu vào tâm thức. Nhưng truyền thống muốn trở thành một tài sản thiêng liêng đối với từng cá thể thì nó phải được hun đúc, nuôi dưỡng công phu từ đời sống gia đình thông qua một hệ thống chuẩn mực đạo lí xã hội nhân văn, thông qua những hành vi thị phạm của nhiều thế hệ cộng đồng, lại cần được bảo vệ bằng những thể chế xã hội và cao hơn là bằng sức mạnh của dư luận xã hội, một vũ khí tinh thần chỉ có được ở những xã hội ổn định, bền vững, lành mạnh.

3. Truyền thống là một phạm trù rất rộng và tưởng như có vẻ trừu tượng nhưng thực ra chính là một sức mạnh cụ thể, hiện hữu trong mỗi con người, luôn hiển hiện trong đời sống hằng ngày của mỗi cộng đồng và xã hội. Song, nó chỉ trở thành sức mạnh vật chất khi được vun xới, chăm chút một cách công phu, lâu dài bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức có tầm chiến lược xã hội cho đến hành vi cụ thể hằng ngày trong sinh hoạt gia đình, học đường của mỗi con người.

5. Viết một bài văn nghị luận về một hiện tượng đời sống đã làm cho anh (chị) quan tâm, muốn được tham gia đánh giá và bàn luận.

Tham khảo đoạn trích sau :

Trong những giấc mơ có thật của không ít các bạn trẻ, đặc biệt là các cô gái, có chuyên ước gặp thần tượng ngoài đời thực.[...] Họ phải [...] tốn kha khá tiền để tới sân vận động nhòm mặt thần tượng, có người về nhà mặt mày tái mét, áo quần đứt cúc tuột khuy.

Chỉ có điều đáng nói là thần tượng đến, rồi đi, để lại những dư âm đắng nghét. Khi diễn giao lưu, họ cố gắng bộc lộ niềm yêu mến của mình với bao la khán giả. Những cái hôn gió, những lời nói có cánh và những hứa hẹn hết mình với nghệ thuật... Nhưng những bó hoa bỏ lại trên sân khấu, nét mặt lạnh lùng khi đi giữa hàng rào vệ sĩ, những pha cắt đuôi quá quắt trước làn sóng báo chí của họ... thật khó để nói tình yêu ấy thật lòng. Đã vậy, chỉ sau sô diễn, một số người đã có những phát biểu không mấy thiện cảm về khán giả Việt Nam.

Chuyện tưởng bình thường. Nhưng nó phản ánh một hiện tượng đã tồn tại quá lâu, đó là tâm lí sùng ngoại của một số khán giả Việt Nam, kiểu ca sĩ nước ngoài tài năng hơn, diễn viên nước ngoài đẹp hơn, diễn xuất giỏi hơn các ca sĩ, diễn viên trong nước. Và một bản nhạc giống nhạc nước ngoài thì có nghĩa là các nhạc sĩ Việt Nam phải là người ăn cắp nhạc mà không có chiều ngược lại [...]. Nếu còn giữ tâm lí đó, khán giả sẽ còn nhiều phen thất vọng, sự yêu mến sẽ còn nhiều lần bị tổn thương.

Mọi phù phiếm chắc chắn sẽ qua nhanh và không có khán giả nào tầm thường cả. Nhưng chúng ta đã quá chiều chuộng thị hiếu của mình mà quên mất sự nhìn nhận chính xác. Sự yêu mến thật sự phải xuất phát từ tài năng và sự chân thành của các nghệ sĩ.

(Theo Tâm lí sùng ngoại và những tình yêu bị phản bội, báo Công an nhân dân, số 62 năm 2004)

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)