Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Nhân vật giao tiếp SBT Văn 12 tập 2: Giải câu 1,...

Nhân vật giao tiếp SBT Văn 12 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 12...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 12 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2. Soạn bài Nhân vật giao tiếp SBT Ngữ Văn 12 tập 2 -

1. Bài tập 3, trang 22, SGK.

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.

Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang:

- Bác trai đã khá rồi chứ?

- Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm.

- Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.

- Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã. Nhin suông từ sáng hôm qua tới giờ còn gì.

- Thế thì phải giục anh ấy ăn mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa kéo vào rồi đấy!

Rồi và lão lật đật trở về với vẻ mặt băn khoăn.

(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)

Câu hỏi:

a) Bà lão hàng xóm và chị Dậu có vị thế và có quan hệ với nhau như thế nào? Điều đó chi phối lời nói và cách nói của hai người đối với nhau ra sao? (Chú ý các từ xưng hô, từ gọi đáp và nội dung lời nói của hai nhân vật...)

b) Phân tích sự tương tác về hành động nói giữa lượt lời của hai nhân vật giao tiếp trong đoạn trích. Mẫu: hỏi thăm - cảm ơn.

c) Lời nói và cách nói của các nhân vật cho thấy tính cách và cách ứng xử của hai người có nét văn hóa đáng trân trọng như thế nào?

Trong đoạn trích có hai nhân vật giao tiếp : chị Dậu và bà lão láng giềng:

a) Hai người là hàng xóm thân cận, nhưng về vị thế thì bà lão cao tuổi hơn. Do đó, lời của bà lão thường không có từ tự xưng và không có từ gọi chị Dậu (Bác trai đã khá rồi chứ ?... Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn... Thế thì phải giục anh ấy ăn mau đi...). Về nội dung, lời bà lão vẫn thể hiện lòng yêu thương láng giềng trong cơn hoạn nạn (thăm hỏi, mách bảo, cảm thông, giục giã...).

Chị Dậu ở vị thế thấp hơn, ít tuổi hơn, lời của chị với bà lão luôn có từ tự xưng khiêm nhường (cháu, nhà cháu) và từ gọi bà lão một cách kính cẩn (cụ), đồng thời chị luôn đáp lời bà lão một cách tương thích : bà lão hỏi thăm - chị cảm ơn và trả lời, bà lão mách bảo - chị Dậu nghe lời... . Lời của chị Dậu cũng bộc lộ tình thương yêu, quý mến và chở che đối với người chồng.

b) Sự tương tác về hành động nói giữa bà lão và chị Dậu :

- Bà lão hỏi thăm - chị Dậu cảm ơn.

- Bà lão hỏi về bệnh tình anh Dậu - chị Dậu trả lời tỉ mỉ (tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề lệt bệt...

-  Bà lão mách bảo đi trốn - chị Dậu cũng tán thành và nghe theo (Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ...).

- Bà lão giục chị Dậu cho anh Dậu ăn cháo - chị Dậu mang cháo cho chồng nhưng anh Dậu chưa lặp ăn thì bọn cai lệ xộc đến...

c)  Lời nói và cách nói của chị Dậu và bà lão trong đoạn trích cho thấy hai nhân vật là những người tuy nghèo nhưng giàu tình nghĩa, quý trọng nhau. Lời nói của họ thể hiện cách ứng xử có văn hoá, rất đáng trân trọng : tình nghĩa, lịch sự, quý mến, quan tâm lẫn nhau.

2. Đoạn trích sau trong Truyện Kiều kể việc Sở Khanh bàn kế lừa Thuý Kiều đi trốn khỏi lầu Ngưng Bích, nơi Tú Bà sắp đặt cho Thuý Kiều ở tạm. Hãy phân tích lời nói của mỗi nhân vật để thấy vị thế và tính cách của từng người.

Tường đông lay động bóng cành,

Đẩy song, đã thấy Sở Khanh lẻn vào.

Sượng sùng đánh dạn ra chào,

Lạy thôi, nàng mới rỉ trao ân cần.

Rằng : "Tôi bèo bọt chút thân,

Lạc đàn mang lấy nợ nần yến anh.

Dám nhờ cốt nhục tử sinh,

Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau !”

Lặng ngồi lẩm nhẩm gật đầu :

“Ta đây nào phải ai đâu mà rằng! 

Nàng đà biết đến ta chăng,

Bể trầm luân, lấp cho bằng mới thôi!”

Nàng rằng :”Muôn sự ơn người,

Thế nào xin quyết một bài cho xong. ”

Rằng: “Ta có ngựa truy phong,

Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi.

Thừa cơ lẻn bước ra đi,

Advertisements (Quảng cáo)

Ba mươi sáu chước, chước gì lại hơn.

Dù khi gió kép, mưa đơn,

Có ta đây cũng chẳng con cớ gì !”

Nghe lời nàng đã sinh nghi,

Song đà quá đỗi quản gì được thân.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, theo Trần Nho Thìn chủ biên, [khảo dị, chú thích, bình luận], NXB Giáo dục, 2007)

Để thấy rõ những tình ý trong lời nói của hai nhân vật, cần đặt đoạn trích vào ngữ cảnh của Truyện Kiều : Sau khi phải bán mình cho Mã Giám Sinh và Tú Bà, Thuý Kiều bị Tú Bà ép làm gái lầu xanh. Nàng không chịu và định tự sát. Thấy thế Tú Bà đành xử nhũn : bố trí cho Thuý Kiều ra ở lầu Ngưng Bích và hứa hẹn sẽ lo liệu tương lai tốt đẹp cho nàng. Trong khi Thuý Kiều một mình ở lầu Ngưng Bích thì Sở Khanh thông đồng với Tú Bà, lập kế đến cứu giúp Thuý Kiều bằng cách rủ nàng đi trốn. Không hoàn toàn tin tường ở Sở Khanh, nhưng trong thế cùng, nàng đành nghe theo hắn. Lời nói của hai người trong đoạn trích thể hiện rõ vị thế, quan hệ, tính cách của từng người :

- Thuý Kiều gặp người xa lạ và đang ở thế bí, cần nhờ cậy giúp đỡ, nên từng lời nói của nàng đều thể hiện sự nhún nhường, nhờ vả : bèo bọt chút thân, đang bị lạc đàn, lại trong cảnh nợ nần yến anh, nên mọi sự sống - chết đều nhờ cậy vào Sở Khanh, và sau này sẽ báo đền ơn nghĩa (Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau )...

- Sở Khanh đóng vai một “hiệp sĩ” luôn sẵn lòng cứu giúp kẻ yếu đuối gặp khó khăn, hoạn nạn. Từng lời nói của y đều ra vẻ có khí phách : Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi. Để làm được điều đó, Sở Khanh tỏ rõ những thế mạnh của một “hiệp sĩ” : có ngựa tốt (truy phong), có bọn tay chân khoẻ mạnh (Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi), có mưu cao kế sâu (Thừa cơ lẻn bước ra đi - Ba mươi sáu chước, chước gì lại hơn), có tài và thế mạnh (Dù khi gió kép, mưa đơn - Có ta đây cũng chẳng cơn cớ gì !). Những lời khoác lác, lừa bịp ấy không hoàn toàn thuyết phục được Thuý Kiều. Đó chỉ là lời của một tên bịp bợm, và thực tế diễn biến của sự việc về sau đã chứng tỏ điều đó.

3. Trong thơ trữ tình, đôi khi cũng có đoạn tự sự, ở đó cũng có nhân vật giao tiếp, có lời hội thoại. Hãy đọc đoạn trích sau và phân tích nhân vật giao tiếp : Họ là ai ? Vị thế và quan hệ với nhau như thế nào ? Họ nói về vấn đề gì ?

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô,

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kì hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.

- Đằng nớ vợ chưa ?

- Đắng nớ ?

- Tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp

Nhìn o thôn nữ cuối nương dâu.

(Hồng Nguyên, Nhớ)

Trong đoạn thơ trích, nhân vật giao tiếp là những anh bộ đội trẻ. Họ có vị thế ngang bằng (về tuổi, về cương vị lính trong đơn vị), lúc mới nhập ngũ còn xa lạ nhưng dần dần thân quen. Họ nói chuyện vui vẻ, thân tình về việc lấy vợ. Quan hệ thân tình thể hiện qua từ xưng hô (đằng nớ, tớ) và nội dung nói chuyện (chuyện riêng tư : lấy vợ).

4. Nhân vật trong kịch thể hiện vị thế, quan hệ xã hội và tính cách của mình chủ yếu qua ngôn ngữ giao tiếp (tuy rằng ngôn ngữ nhân vật trong kịch thường được tác giả xây dựng để tăng kịch tính nên có phần khác ngôn ngữ sinh hoạt hằng ngày). Hãy phân tích lời các nhân vật trong lớp kịch sau đây để thấy được vị thế, quan hệ xã hội và tính cách của mỗi nhân vật.

LỚP V

VŨ NHƯ TÔ - ĐAN THIỀM

Đan Thiềm - Ông Cả ! Ông chạy đi ! Ông có nghe tiếng gì không ? Quân giặc đang tìm ông đấy : trốn đi !

Vũ Như Tô - Họ tìm tôi, nhưng có lí gì họ giết tôi. Tôi có gây oán gây thù gì với ai ?

Đan Thiềm - Ông đừng mơ mộng nữa. Dân chúng nông nổi, dễ sinh tàn ác. Họ không hiểu công việc của ông. Tránh đi ! Trốn đi ! Đợi thời là thượng sách. Đừng để phí tài trời. Trốn đi !

Vũ Như Tô - Còn bà ?

Đan Thiềm - Tôi ở đây. (Có tiếng quân reo dữ dội : “Giết chết Vũ Như Tô, giết chết lũ cung nữ”.)

Vũ Như Tô (thản nhiên) - Bà ở đây. Vậy tôi cũng ở đây, nguy biến ta cùng chịu.

Đan Thiềm - Không được ! Tôi chết đi không thiệt hại cho đời. Còn ông, ông phải đi đi mới được. (Cớ tiếng nhà đổ, tiếng cửa đố). Ông đi đi không thì không kịp. (Nàngchắp tay lạy). Tôi xin ông, ông nghe tôi trốn đi.

Có tiếng giày dép nhốn nháo. Bọn cung nữ hốt hoảng đi vào.

(Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Như Tô)

Đoạn trích kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng có hai nhân vật và câu chuyện của họ diễn ra trong bối cảnh quân nổi loạn đang kéo đến rất gần để tìm giết bằng được Vũ Như Tô và các cung nữ, trong đó có Đan Thiềm.

- Vũ Như Tô là một nghệ sĩ có tài và là kiến trúc sư đang chỉ đạo việc thi công xây dựng Cửu Trùng Đài. Lời nói của Vũ Như Tô trong đoạn trích thể hiện rõ ông là con người có khí phách, dũng cảm và tin vào công lí (Có lí gì họ giết tôi. Tôi có gây oán gây thù gì với ai ?), đồng thời là người rất tình nghĩa, không vì mình mà bỏ rơi người thân trong hoạn nạn (Vậy tôi cũng ở đây, nguy biến ta cùng chịu).

- Đan Thiềm là một cung nữ bị thất sủng, có vị thế thấp hơn hẳn so với Vũ Như Tô. Nhưng lời nói của nàng trong đoạn trích cho thấy nàng là người khiêm nhường và rất quý trọng tài năng (Đừng để phí tài trời. Trốn đi!... Tôi chết đi không thiệt hại cho đời. Còn ông, ông phải đi đi mới được). Đồng thời, lời nói của nàng cũng cho thấy nàng thông minh, hiểu biết và độ lượng (Dân chúng nông nổi, dễ sinh tàn ác. Họ không hiểu công việc của ông. Tránh đi! Trốn đi! Đợi thời là thượng sách).

5. Trong lớp học có hoạt động giao tiếp giữa thầy (cô) giáo và học sinh. Đó là hai nhân vật giao tiếp có vị thế và quan hệ với nhau như thế nào ? Hãy lấy một ví dụ cụ thể về giao tiếp giữa thầy (cô) và học sinh trong một giờ học.

Trong lớp học, hoạt động giao tiếp diễn ra giữa thầy (cô) giáo và học sinh, về vị thế, thầy (cô) ở vị thế trên (về tuổi tác, về trình độ hiểu biết khoa học hay vốn sống...). Còn về quan hệ thân sơ thì thầy (cô) và học sinh có quan hệ gần gũi, thân thuộc và tình cảm gắn bó, yêu quý nhau. Một hoạt động giao tiếp trong giờ học như học sinh hỏi, thầy (cô) trả lời, giải thích ; hoặc thầy (cô) yêu cầu làm bài hay trả lời, còn học sinh làm bài (nói hay viết) hoặc trả lời,…

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)