1. Nêu những nét mới của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975.
Chủ nghĩa nhân đạo là một truyền thống lớn của văn học Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã được văn học từ năm 1945 đến năm 1975 kế thừa và phát huy, có những nét mới mang đậm tinh thần của thời đại:
- Hướng về quần chúng lao động, đề cao tình hữu ái giai cấp, tình đồng chí, đồng đội của những người cùng cảnh ngộ, chung lí tưởng đấu tranh. Những tác phẩm như Cá nước của Tố Hữu, Đồng chí của Chính Hữu, Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân, Mùa lạc của Nguyễn Khải... thể hiện rất rõ điều đó.
- Khẳng định, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân lao động, phát hiện ở họ khả năng cách mạng và phẩm chất anh hùng (Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành...).
- Ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thuỷ chung, nhân ái của dân tộc, được thể hiện trong tình nghĩa đồng bào, đồng chí và tình nghĩa cách mạng (Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên..).
2. Đọc thơ Hồ Chí Minh, Hoài Thanh viết: “Khi Bác nói trong thơ có thép ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép” ?(Đọc Nhật kí trong tù, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1977).
Hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Trong bài thơ Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”, Hồ Chí Minh viết:
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
- “Thép” ở trong thơ là tính chiến đấu, là tinh thần chiến sĩ, tinh thần cách mạng. Nhưng tính chiến đấu và tinh thần chiến sĩ ở trong tập thơ Nhật kí trong tù không phải chỉ có một dạng biểu hiện trực tiếp như bài đề từ tập thơ và bài Việt Nam có báo động. Nhà phê bình Hoài Thanh đã đưa ra ý kiến xác đáng: “Khi Bác nói trong thơ có thép ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách rất linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép”. Nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược cũng nhận xét, nếu đọc kĩ tập thơ Nhật kí trong tù thì "hầu như bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép”.
- Nhiều bài thơ trong Nhật kí trong tù không trực tiếp nói đến tính chiến đấu, đến tinh thần chiến sĩ. Đó là những bài thể hiện những xúc cảm của Bác trước thiên nhiên. Nhân vật trữ tình trong những bài thơ này hiện lên như một thi sĩ nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên (Ngắm trăng, Chiều tối, Giải đi sớm, Hoàng hôn, Nắng sớm, Cảnh chiều hôm...). Đó còn là những bài thể hiện tiếng cười vui đùa hồn nhiên, thoải mái (Pha trò, Đi Nam Ninh, Ghẻ ....). Tuy nhiên, nếu đặt những bài thơ đó trong hoàn cảnh sáng tác của chúng để tìm hiểu, ta sẽ nhận ra trong mỗi bài thơ đều chứa đựng một “tinh thần thép” kiên cường.
3. Nhận xét về thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên viết : “Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người, viết về các vấn đề lớn hay về một sự việc nhỏ, đối với anh cũng là để nói cho được cái lí tưởng cộng sản ấy thôi”.
Hãy giải thích nhận định trên.
Nhận định của Chế Lan Viên đã chỉ ra một đặc điểm bao trùm toàn bộ sáng tác của Tố Hữu : nhà thơ của lí tưởng cộng sản. Thơ Tố Hữu đề cập đến nhiều vấn đề, phản ánh nhiều sự kiện của dân tộc và cách mạng, biểu hiện những tâm trạng của tác giả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng cảm hứng chủ đạo chi phối cách nhìn và cảm xúc của nhà thơ chính là lí tưởng cộng sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ là khát vọng hướng tới mà còn định hướng cho lẽ sống, tình cảm và hành động của nhân vật trữ tình trong thơ Tố Hữu.
Vấn đề lí tưởng, lẽ sống đã được Tố Hữu đặt ra và theo đuổi, giải đáp ngay từ khởi đầu con đường thơ của ông. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thơ Tố Hữu là tiếng reo vui của một tâm hồn trẻ bắt gặp lí tưởng cộng sản được “Mặt trời chân lí chói qua tim” (Từ ấy), đồng thời thể hiện những khát vọng tự do, giải phóng dân tộc. Từ sau Cách mạng, thơ Tố Hữu bám sát từng chặng đường của cách mạng, ca ngợi và cổ vũ cho thành tựu của nhân dân và đất nước như là sự hiện thực hoá từng bước của lí tưởng cộng sản. Sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu, dù viết về đề tài gì, dùng thủ pháp nghệ thuật nào, cũng đều hướng tới mục tiêu cao đẹp ấy.
4. Phân tích những đặc điểm giống nhau và khác nhau trong cảm hứng về quê hương đất nước của thơ Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 được thể hiện qua các bài Việt Bắc của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, đoạn trích Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm.
yêu cầu học sinh phải có năng lực tư duy khái quát, tổng hợp để có thể tìm ra những đặc điểm giống nhau và khác nhau trong cảm hứng về quê hương đất nước của thơ ca Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 được thể hiện qua các bài : Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và chương Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm). Do ảnh hưởng của thời đại, của hoàn cảnh lịch sử xã hội, văn hoá, do sự chi phối mạnh mẽ của ý thức nghệ thuật, các nhà thơ giai đoạn 1945 - 1975 có những điểm chung trong cách nhìn về quê hương đất nước. Anh (chị) dựa vào ba tác phẩm nói trên để khái quát lên những đặc điểm chung của thơ ca giai đoạn này.
Mặt khác, khi làm bài tập này, học sinh cũng rất cần phải có sự tinh tế, sắc sảo trong cảm thụ để phát hiện ra những điểm khác nhau, những đóng góp riêng của mỗi nhà thơ về đề tài này. Do khác nhau về hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm, do khác biệt về cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật, mỗi nhà thơ lại đem đến một cách thể hiện riêng khiến cho cảm hứng về quê hương đất nước trở nên phong phú, đa dạng. Mỗi tác phẩm lại có những nét riêng, lấp lánh những vẻ đẹp độc đáo. Anh (chị) cần đọc kĩ ba tác phẩm nói trên để tìm ra những nét riêng của từng tác phẩm.
5. Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm để làm rõ tình cảm yêu nước và cảm hứng lãng mạn của thơ Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Qua hai bài thơ tiêu biểu đó, làm nổi bật tình cảm yêu nước và cảm hứng lãng mạn của thơ Việt Nam những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
a) Tình yêu nước thiết tha
- Ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước và cuộc sống bình yên :
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã dấy lên một phong trào yêu nước rộng lớn. Toàn dân tham gia kháng chiến với tất cả ý chí và sức mạnh của mình. Thơ ca kháng chiến thời kì này đã thể hiện được tình cảm cao đẹp đó. Vẫn còn vương lại trong trí nhớ người yêu thơ mùi “hương cốm mới” trong thơ Nguyễn Đình Thi, cảnh rừng Việt Bắc trong thơ Tố Hữu... Tinh thần độc lập, niềm vui làm chủ cuộc sống khiến các nhà thơ thấy được mỗi tấc đất, mỗi dòng sông đều thiêng liêng mà gần gũi. Trong nỗi đau xót xa khi nghe tin quê hương bị kẻ thù tàn phá, Hoàng Cầm nhớ lại một thuở Kinh Bắc yên bình :
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Quả là một vùng đất trù phú đẹp như mơ: một dòng sông hiền hoà duyên dáng như toả sáng lấp lánh, một vùng đất tươi xanh màu xanh sự sống. Và nữa, cảnh quê hương thật yên bình với hình ảnh “Những cụ già phơ phơ tóc trắng - Những em sột soạt quần nâu”... Trong cái thế giới “Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên” đó, cảnh đẹp mà người càng đẹp :
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
Nếu như Hoàng Cầm đưa ta đến một vùng đất trữ tình, thấm đẫm khói sương của văn hoá dân gian thì Quang Dũng đưa ta đến một vùng đất xa xôi lạ lẫm. Đó là một Tây Bắc hùng vĩ:
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Câu thơ trên làm hiện lên dốc cao vực thẳm, nhưng câu thơ sau lại mềm mại bất ngờ. Trong đôi mắt những chàng trai Tây Tiến, Tây Bắc đâu chỉ có hoang dã dữ dội, Tây Bắc còn có cả những cẳnh sống êm đềm :
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Trong thi sĩ Quang Dũng, ta bắt gặp một hoạ sĩ tài hoa với những nét vẽ chấm phá mà qua đó Tây Bắc hiện lên thật có hồn :
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Cảnh đong đầy nỗi nhớ nên thật đậm tình người
- Nỗi đau và niềm căm giận trước tội ác của quân thù :
Vẻ đẹp của quê hương Kinh Bắc đã bị kẻ thù tàn phá. Còn lại trong đôi mắt nhà thơ Hoàng Cầm là một nỗi xót xa :
Advertisements (Quảng cáo)
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Không gian chiến tranh trong thơ Hoàng Cầm ứa máu :
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang chiều mùa đông
Những câu thơ này khiến người đọc nhớ đến không gian chiến tranh trong thơ Nguyễn Đình Thi :
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
(Đất nước)
Nỗi đau gắn liền với sự căm giận, khinh bỉ quân thù :
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Bài thơ Tây Tiến không hề né tránh hiện thực khốc liệt của chiến tranh nhưng nhà thơ dường như không nói nhiều đến cái bi thương của cuộc chiến. Song không phải vì thế mà không xót xa trước cảnh “Rải rác biên cương mồ viễn xứ”. Nơi xa xôi kia, những người lính đã nằm lại trong hoang lạnh. Nhưng vì Tổ quốc, họ sẵn sàng hi sinh.
- Niềm vui quê hương được giải phóng, ngợi ca những con người chiến đấu và hi sinh vì Tổ quốc.
Nhìn chung, thơ ca thời kì chống thực dân Pháp tập trung ngợi ca hình ảnh những con người dũng cảm ra trận chiến đấu bảo vệ quê hương. Đặc biệt, các nhà thơ như Tố Hữu, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu có nhiều bài thơ hay về người lính. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã miêu tả những người lính sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc : “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Họ mang trong mình một quyết tâm lớn : “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Với họ, cái chết nhẹ tựa lông hồng!
Còn trong Bên kia sông Đuống, những đoàn quân trở về quê hương:
Đêm đi sâu quá lòng sông Đuống
Bộ đội bên sông đã trở về
Con bắt đầu xuất kích
Trại giặc bắt đầu run trong sương
mang theo niềm vui giải phóng:
Mỗi đêm một lần mở hội
Trong lòng con chim múa hoa cười
b) Cảm hứng lãng mạn
Cảm hứng lãng mạn đã chắp cánh cho thơ ca thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo nên vẻ đẹp baỵ bổng của hình tượng nghệ thuật.
- Với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã tạc nên bức tượng đài nghệ thuật sừng sững về một đoàn quân kiêu dũng mà hào hoa:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Những câu thơ trên đây gợi nhắc đến những câu thơ của Chính Hữu trong Ngày về:
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Cảm hứng lãng mạn trong Tây Tiến gắn với cảm xúc bi tráng :
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tính chất bi tráng khiến cho bài thơ tuy nói về sự hi sinh mất mát nhưng không rơi vào bi luỵ.
- Trong bài thơ Bên kia sông Đuống, cảm hứng lãng mạn gắn với niềm tin chiến thắng và giấc mơ về ngày hội non sông:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.