1. Bài tập 1, trang 165, SGK
Sưu tầm những lời phát biểu tự do mà anh (chị) đánh giá là đặc sắc, đáng để cho mình học tập.
Có thể tham khảo bài phát biểu sau của Mạc Ngôn:
Cuộc thảo luận về dân gian thời gian qua cực kì sôi động, các bạn đều là người học văn học, chắc hẳn đã biết rõ. Ở đây tôi sẽ không trình bày kĩ - kì thực tôi cũng chẳng thể trình bày nổi. [...]. Ở đây đã dẫn đến một phương diện khác của vấn đề, đó là bạn “sáng tác cho người dân” hay “sáng tác với tư cách người dân.
[...] Tôi cho rằng “sáng tác cho người dân” kì thực không thể coi là “sáng tác dân gian”. Khi nhà văn đứng lên muốn bằng tác phẩm của mình nói cho dân, kì thực anh ta đã đặt mình vào vị trí cao hơn người dân. Tôi cho rằng sáng tác dân gian thực sự chính là loại “sáng tác với tư cách người dân” […].
Những người “sáng tác với tư cách người dân”, dù anh ta là nhà tiểu thuyết, nhà thơ hay kịch tác gia, công việc của anh ta chẳng khác biệt ghê gớm so với người thợ dân gian trong xã hội. Một cao thủ đan rổ, một anh thợ ngõa lành nghề, một người thợ làm vườn kỹ thuật tinh thâm, nghề nghiệp của họ chẳng thấp hèn chút nào so với công việc viết lách của các nhà văn. […] Chúng ta có thể lấy một ví dụ, ở nơi cách Tô Châu của các bạn không xa, từng có một người mù tên là Á Bính, hiện giờ chúng ta tôn vinh anh rất cao, là nhà âm nhạc dãn tộc vĩ đại, nhà diễn tấu nhị hồ vĩ đại. Song A Bính năm đó, khi anh ấy chống gậy trúc, mặc bộ đồ rách bươm, lang thang khắp các ngõ ngách của Vô Tích hành nghề kiếm ăn, anh ấy đâu có nghĩ rằng mình là một nhân vật vĩ đại, càng không nghĩ đến việc mấy chục năm sau, khúc diễn tấu nhị hồ do anh biên soạn đã trở thành kinh điển của âm nhạc dân gian Trung Quốc. Anh ấy tuyệt nhiên không hề cho rằng mình cao quý hơn người dân nói chung, anh ấy đại khái nghĩ rằng, A Bính này chỉ là một con người thấp hèn, một kẻ ăn mày nơi đường phố, một tiện nhân nhờ việc bán tiếng nhị hồ đế kiếm chút cháo loãng qua ngày, khúc nhạc của tôi phải kéo sao thật mê hồn, xúc động lòng người thì người ta mới chịu bố thí cho mấy đồng tiền, nếu khúc nhạc của tôi kéo không hay, mọi người sẽ chẳng để mắt tới. [...] Tóm lại, tâm thái của A Bính là thấp kém, không coi mình là quý nhân, thậm chí không dám coi mình là người dân tốt, đó mới là tâm thái của người dân đích thực. Sáng tác với tâm thái như vậy mới có thể cho ra đời những tác phẩm vĩ đại. Bởi vì loại tình cảm bi thương đó được phát ra từ nơi sâu thẳm của tâm hồn, nó chạm đến nơi đớn đau nhất của trái tim anh ấy. Xin hãy tưởng tượng đến âm điệu của khúc Nhị tuyền ánh nguyệt, không phải là người bị dồn tới đáy sâu của sự khổ đau, sẽ viết không nổi. Cho nên, tác phẩm vĩ đại thực sự tất phải được “sáng tác với tư cách người dân”.
(Mạc Ngôn, Tôi muốn sáng tác với tư cách người dân, tạp chí Ngày nay, số 10/ 2004)
2. Chứng minh rằng, dù không được phát biểu theo những nội dung đã chuẩn bị kĩ từ trước, nhưng nếu được nói ra những quan điểm mà mình từ lâu đã nghiền ngẫm, nung nấu và tâm đắc, thì người phát biểu tự do vẫn có thể đem lại cho người nghe nhiều ý kiến riêng sâu sắc, mới mẻ, bất ngờ.
Chẳng hạn như trường hợp của Tố Hữu trong buổi nói chuyện với giáo viên dạy văn của Thủ đô Hà Nội năm 1963. Nhà thơ lâm vào tình huống: "Đến đây, các đồng chí lại nêu lên một số câu hỏi về văn thơ giảng dạy văn thơ nói chung. Các đồng chí "tra hỏi” nhiều quá”. Và vì thế, ông rơi vào tình trạng phải "nghĩ gì nói vậy” : "Trong buổi trò chuyện hôm nay, nghĩ gì nói vậy, không khỏi có điều chủ quan, thiếu sót”. Nghĩa là nhà thơ, dù muốn hay không muốn, cũng phải thực hiện một bài phát biểu tự do.
Thế nhưng, bài phát biểu tự do ấy (sau này, khi được in ra sẽ mang tên gọi Câu chuyện về thơ) lại trở thành một tác phẩm thực sự đặc sắc, đáng nhớ. Nguyên nhân chủ yếu chỉ có thể là: Những câu hỏi mà Tố Hữu nhận được đã chạm tới một trong những niềm hứng thứ lớn nhất của một nhà thơ.
Chính vì thế, dù câu hỏi đến với ông bất chợt, Tố Hữu vẫn có thể nói ra những điều tâm huyết mà lâu nay ông vẫn hằng ôm ấp. Và đấy là lí do để những ý kiến của ông trở nên chín chắn, sâu sắc, đồng thòi lại mới mẻ, lí thú, đem lại rất nhiều bổ ích không chỉ cho người dạy, mà cả cho những ai đang thực sự muốn học tốt môn Ngữ văn. Ví dụ như :
Nếu dạy văn mà hoá thành giờ dạy chính trị thì nên lấy một bài xã luận hoặc một tác phẩm chính trị mà dạy, tốt hơn là dùng một tác phẩm văn học. Dạy văn thì phải thông qua hình tượng nghệ thuật mà làm cho học sinh cảm hiểu được cái phải, cái hay, chứ không phải giảng dạy bằng những khái niệm trừu tượng.
Khi giảng dạy, không thể tách nội dung tư tưởng với hình thức nghệ thuật, càng không thể nói đến nội dung mà không nói đến nghệ thuật biểu hiện. Nội dung, ấy là linh hồn của nghệ thuật. Nghệ thuật, ấy là biểu hiện của nội dung. Để tiện nói rõ ý trên, tôi xin phép lấy một thí dụ về thơ của mình. Mở đầu bài Mẹ Tơm, có mấy câu
Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa, nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát...
Trong hai câu sau có âm vang của gió và sóng, có cả âm vang của một tấm lòng. Nếu viết : Gió thổi xôn xao, sóng biển rì rào” thì có lẽ không còn gì. Hai câu thơ không chỉ tả cảnh mà còn tả tình trong cảnh. Nhịp điệu của hai câu thơ là nhịp điệu của sóng gió và cũng là nhịp điệu nao nức, xôn xao và biết bao sung sướng êm ái trong lòng người trở về quê cũ, nơi đã nuôi mình.
[...] Nên giảng như thế nào cho học sinh cảm xúc, khoan khoái, bị lôi cuốn theo "Cú đánh”. Làm thế nào cho các em hiểu được ý định và nghệ thuật của tác giả. Các em có thể quên tất cả, nhưng phần còn lại trong lòng các em phải là cái gì rất sâu, rung động cả một đời người.
(Tố Hữu, Câu chuyện về thơ, trong Xây dựng một nền văn nghệ lớn, xứng đáng với nhân dân ta, với thời đại ta, NXB Văn học, Hà Nội, 1973)
Advertisements (Quảng cáo)
3. Hãy hình dung tình huống : Anh (chị) đang tham gia vào một cuộc trò chuyện giữa một nhóm bạn bè. Câu chuyện bất ngờ chạm vào một điều mà anh (chị) đang ấp ủ, làm nảy sinh trong anh (chị) nhu cầu được phát biểu điều đó với mọi người.
Hãy ghi lại lời phát biểu của anh (chị) và cho biết: Có thể coi đó là một lời phát biểu tự do không ? Vì sao ?
Để có thêm gợi ý về chủ đề, nội dung và hình thức phát biểu, có thể tham khảo những lời phát biểu tự do sau:
a) Lời của Vũ Trọng Phụng - nhà văn phải chịu "cả một cuộc đời khổ ải, đắng cay, viết đến tối tăm mặt mũi [...] mà vẫn phải chết trong nghèo nàn, túng thiếu” - nói với một đồng nghiệp, khi nghe người này kể lại những cách xoay xở để cứu tờ báo mà chính ông thường vẫn gửi đăng bài :
Phụng không tái sắc hay cất cao giọng lên tỏ vẻ tức giận, anh ôn tồn nói, tuy nhiên những lời ôn tồn ấy đau đớn không biết chừng nào khiến cho tôi vừa giận mà lại vừa phục, và tôi nhận rằng cho đến bây giờ những câu nói ấy vẫn in sâu vào óc tôi và một hướng đi lành mạnh cho đời làm văn viết báo của tôi sau này. Phụng nói :
- Tao không ngờ mày lại hèn đến thế (trong anh em, riêng Phụng với tôi vẫn gọi nhau bằng tao và mày như lúc lên năm sáu tuổi). Tao nghĩ rằng mình không có tiền thì đi vay, khi có thì mình trả, không ai khinh được mình, nhưng làm tiền dù là doạ nạt, dù là bán tình cảm, dù là đi cổng hậu thì cũng đều là nhục [...]. Không có tiền thì […] về “ăn cơm sớt” hay là đi quét đường có hơn không ? Mày ra tờ báo đã chắc gì có ích cho đời chưa hay chỉ lấy tờ báo ra mượn cớ “làm dư luận” đế kiếm cách sinh nhai ?
(Vũ Bằng, Cảm nhớ Vũ Trọng Phụng, trong Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004)
b) Lời của Tú Mỡ khi nhà thơ được hỏi : “Anh làm thế nào mà làm được thơ bằng chữ tầm thường, câu tầm thường Tú Mỡ cười mỉm :
- Ờ, muốn tầm thường thì phải học tứ công phu đấy, anh ạ. Tôi học ca dao tục ngữ, và học lối ăn nói của các ông già bà cả. Người Việt Nam mình, nhất là các bà ở nông thôn, gặp bất cứ việc gì, là các bà nghĩ ngay bằng ca dao tục ngữ, bằng lối pha trò của phường chèo, bằng truyện tiếu lâm, hoặc ví von bằng các nhân vật truyện dân gian, bằng câu chuyện Kiều. [...J Một bà mặc cái quần mới. Một bà khác muốn hãnh diện thay cho bà này nhưng lại không nói gì đến cái quần, mà dùng câu chuyện trong tiếu lâm để hỏi . “Này, bà có trông thấy con lợn cưới của nhà tôi nó chạy đâu hay không [...] Đấy, lối nói ấy, chúng ta phải học. Lối nói Việt Nam nó đặc biệt ở điểm ấy. Nó gọn ghẽ, bóng bảy, trong sáng lạ lùng. Cho nên muốn làm thơ, tôi cho việc đệ nhất cần, là phải học cho thuộc ngôn ngữ dân tộc và văn học dân gian. Rồi hãy học văn các cụ. Là nhà thơ, nhà văn Việt Nam, anh phải có cảm nghĩ của người Việt Nam, đế nói bằng tiếng Việt Nam. Anh làm một bài thơ mà trước khi đọc cho người khác nghe, anh sợ người ta không hiểu, phải trình bày đại ý, thì tất là vì anh biết trước ràng bài thơ của anh nó khó hiểu, về cái gì đó. Tôi cho là nó kém về dân tộc tính. […] Ngôn ngữ Việt Nam có thiếu để anh nói đâu, văn vần Việt Nam có không đủ thể loại đế anh diễn tả hết ý cua anh đâu [...] ? Anh tự phong anh là nhà thơ lớn à? Kệ anh với người ta. [...] Có lẽ anh phản đối tôi, cho những cái tôi đã viết không phải là thơ. Cũng được chứ sao ? Là thơ, là vè, hay là gì gì nữa, là quyền của anh nhận định. Còn đối với tôi, nếu nó phục vụ được vì nó dễ hiểu, dễ nhớ, là tôi mãn nguyện quá.
Sức sống của dân tộc Việt Nam vô cùng mãnh liệt. Tiếng nói là biếu hiện của sức sống. Cho nên, nếu tiếng nói mà không giữ được tính dân tộc, thì không thể thọ lâu. Những vết xe trên con đường lịch sử văn học còn trơ trơ đó. […] Văn học dân gian chí truyền từ miệng nọ sang miệng kia, mà cả dân tộc nhớ đời đời. Là bởi vì nó như hạt lúa, củ khoai, nó không cầu kì, tiếng nào, câu nào cũng như rất tầm thường. Tầm thường đến nỗi thoạt nghe, anh tưởng như vậy thì ai chắng nói được, ai chả viết được. Nhưng [...] đừng cho nôm na là cha mách qué. Văn chương hay không, là ở chỗ anh có biết hay không biết dùng tiếng nói, dùng lối nói của quảng đại nhân dân, thế nào cho gọn ghẽ, cho trong sáng, cho đúng chỗ.
Hỡi cô tát nước bên đàng,
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?
Ai bảo cây này không văn chương, không có hình ảnh đẹp tuyệt vời ?
Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng, anh tiếc lắm thay !
Câu ca dao hàm một tình tứ nhớ nhung man mác này làm từ đời nào, trải qua những thời gian dài ta phải học chữ Hán, rồi chữ Pháp, mà nó không có vẻ gì cũ kĩ, cả về ý lẫn về văn. Cho đến thế hệ năm thứ 2000 -3000, chắc chắn lời và ý ấy không phải thay đổi vì già cỗi. Nó trẻ và khoẻ mãi với dãn tộc. Vì nó có phong cách dân tộc.
( Theo Nguyễn Công Hoan, Lọc ý và chữ, trong Tuyển tập Nguyễn Công Hoan, tập ba, NXB Văn học, Hà Nội, 1986)