1. Vì sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà? Sự ngạc nhiên ấy cho thấy Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện như thế nào?
a) Những người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy Tràng đưa một người đàn bà xa lạ về nhà vì:
- Một anh chàng xấu trai, nghèo túng, lại là dân ngụ cư (bị người ta khinh bỉ) bỗng nhiên có người con gái theo về nhà.
- Giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang hoành hành, người chết đói đầy đường, Tràng nuôi thân chẳng xong mà còn dám lấy vợ.
Không chỉ người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên mà cả bà cụ Tứ (mẹ Tràng) và ngay cả Tràng cũng ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì trong hoàn cảnh như vậy mà lấy vợ là một việc kì lạ. Sự ngạc nhiên đó làm nổi bật tình huống của truyện - tình huống “nhặt được vợ” của Tràng.
b) Đó là một tình huống độc đáo, hấp dẫn :
- Người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 : hơn hai triệu người chết đói ; cái giá của con người thật là rẻ rúng, người ta có thể “nhặt được vợ” một cách dễ dàng.
- Thế nhưng họ vẫn khát khao tổ ấm gia đình, vẫn hi vọng vào tương lai, ngay cả lúc đói khát cùng cực, gần kề cái chết.
2. Không khí nạn đói khủng khiếp năm 1945 được nhà văn gợi lên qua những chi tiết đặc sắc nào?
Không khí nạn đói khủng khiếp đó đã được ngòi bút của nhà văn gợi lên qua nhiều chi tiết đặc sắc : những người đói khát từ những vùng Nam Định, Thái Bình “đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ” ; “Người chết như ngả rạ” ; “Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”; “Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt”...
3. Phân tích tâm trạng của Tràng. So sánh tâm trạng của Tràng với tâm trạng của bà cụ Tứ.
Một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật của truyện ngắn Vợ nhặt là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật khá tinh tế. Đặt các nhân vật vào trong một tình huống đặc biệt (Tràng nhặt được vợ), Kim Lân đã miêu tả tâm lí nhân vật với những nét riêng khác nhau.
Advertisements (Quảng cáo)
- Tràng là một thanh niên có tấm lòng nhân hậu, sẵn lòng chia sẻ, cưu mang một người đàn bà xa lạ, ngay cả khi nuôi thân mình còn chưa xong. Đằng sau tấm lòng nhân hậu ấy là khát khao đầy tính nhân bản : khát khao có một mái ấm gia đình.
Trong cảnh ngộ cụ thể của mình, việc Tràng bỗng nhiên có được vợ là một chuyện lạ, bất ngờ ngay với cả chính Tràng. Vì thế, tâm lí của Tràng là tâm lí của một con người có vẻ mãn nguyện. Ở nhân vật này, cái vui, cái mừng có phần lấn át cái lo. Bởi vì, một người xấu trai, ế vợ, nhà nghèo, lại là dân ngụ cư như Tràng, giữa lúc mọi người đang rơi vào thảm hoạ đói khát khủng khiếp, đang đói quay đói quắt mà vẫn lấy được vợ, lại là vợ theo không. Tâm trạng của Tràng có vẻ vui, có cái vẻ đắc ý, âu cũng là điều dễ hiểu.
- So với Tràng, tâm lí của bà cụ Tứ có nét riêng, có phần khác : bà vừa mừng vừa lo, buồn vui lẫn lộn. Mừng vì đứa con vụng về, quê kệch đã có vợ. Bà cụ Tứ “tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Lo vì đang lúc đói khát, chết chóc này, liệu lấy gì mà nuôi nhau ? Bà cụ Tứ cố giấu cái lo, động viên các con : “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”.
Như vậy, qua ngòi bút Kim Lân, tâm trạng bà cụ Tứ đầy mâu thuẫn, buồn vui xen lẫn. Sự khác nhau về tâm lí giữa hai mẹ con bà cụ Tứ là sự khác nhau giữa một người còn trẻ, chưa trải nghiệm nhiều về cái nghèo, cái đói với một người già đã từng trải, sống trong đói nghèo cả một đời người. Khác với Tràng, “lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”...
4. Nhà văn Kim Lân có lần thổ lộ ý đồ của mình khi viết truyện:
"Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi định viết một truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.
(Hà Minh Đức (Chủ biên), Nhà văn nói về tác phẩm, NXB Văn học, Hà Nội, 1994)
Theo anh (chị), ý đồ nghệ thuật đó được thể hiện như thế nào trong truyện ngắn Vợ nhặt?
Đọc truyện ngắn Vợ nhặt, có thể thấy, ý đồ nghệ thuật nói trên của Kim Lân đã được thể hiện rất rõ. Đúng như nhà văn Kim Lân nhận xét : “Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết”. Nhiều cây bút hiện thực phê phán trong văn học Việt Nam thế kỉ XX đã kết thúc cuộc đời nhân vật của mình bằng cái chết, cố nhiên là để thể hiện một ý đồ nghệ thuật khác.
Kim Lân, trong Vợ nhặt, đã thể hiện thành công một ý đồ nghệ thuật khác của mình như nhà văn đã tâm sự :
- Tái hiện một cách chân thực, sinh động, cụ thể tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp qua không gian u ám, nặng nề của cái chết đang bao trùm trong xóm làng và cuộc sống mọi con người từ già đến trẻ, từ ngoài phố xá đến trong xóm làng...
- Biểu hiện lòng thông cảm trước nỗi khổ đau cũng như khát vọng vươn lên sự sống của những nạn nhân của xã hội qua việc miêu tả, phân tích một cách khá sâu sắc và tinh tế tâm trạng phức tạp của các nhân vật Tràng, vợ Tràng và đặc biệt là bà cụ Tứ… (Chú ý cảnh nhà nghèo đói, túng thiếu của mẹ con Tràng, nhất là bữa ăn đón nàng dâu mới về nhà chồng ; độc thoại nội tâm cũng như cuộc trò chuyện của bà cụ Tứ với con trai ; biểu hiện tâm lí của Tràng trong cuộc hôn nhân đặc biệt với người phụ nữ nghèo khổ