I. TẠO NHỊP ĐIỆU VÀ ÂM HƯỞNG CHO CÂU
1. Bài tập 1, trang 129, SGK.
Nhận xét về nhịp điệu, sự phối hợp âm thanh (cùng với các phép lặp cú pháp, lặp từ ngữ) nhằm tạo ra âm hưởng hùng hồn, đanh thép cho một lời tuyên ngôn trong ví dụ sau:
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Chú ý đến:
- Sự phối hợp nhịp ngắn và nhịp dài;
- Sự thay đổi thanh bằng, thanh trắc cuối mỗi nhịp;
- Tính chất mở hay đóng của âm tiết kết thúc mỗi nhịp
- Về nhịp điệu, hai câu văn chia làm bốn phần:
+ Hai vế đầu dài và có kết cấu song song với nhau, nhịp điệu dàn trải (Một dân tộc.. một dân tộc...).
+ Hai vế sau ngắn, cũng có kết cấu song song với nhau, nhưng nhịp điệu gọn, dứt khoát (dân tộc đó...! Dân tộc đó...! ).
- Ngoài ra còn phối hợp với phép lặp từ ngữ, lặp kết cấu ngữ pháp, và bố trí âm tiết đóng với thanh nặng (lập) ở nhịp cuối cùng (so với các âm tiết mở, hoặc nửa mở với thanh ngang ở cuối các nhịp trước - nay, do) . Điều đó dẫn đến hiệu quả của sự lập luận đanh thép : hai bộ phận đầu nêu ra các tiền đề, hai bộ phận sau là những kết luận. Tiền đề được nêu ra chi tiết, cụ thể, còn kết luận thì ngắn gọn, dứt khoát.
2. Bài tập 3, trang 130, SGK.
Nhịp điệu và âm hưởng trong đoạn văn sau thích hợp với việc khẳng định, ngợi ca sức mạnh, ý chí kiên cường của cây tre, hình ảnh tượng trưng cho con người Việt Nam. Hãy phân tích để làm sáng tỏ điều đó.
Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh hùng chiến đấu.
Cần chú ý sự phối hợp của nhiều yếu tố :
- Phép nhân hoá về từ vựng và việc sử dụng nhiều động từ với nghĩa hoạt động (chống, xung phong, giữ, hi sinh, bảo vệ).
- Nhiều nhịp ngắn, dứt khoát, mạnh mẽ.
- Hai câu cuối vừa lặp từ ngữ, vừa lặp kết cấu ngữ pháp, mà ngắn gọn, lại không dùng động từ, và ngắt nhịp sau từ tre đầu câu. Điều đó tạo ấn tượng rõ rệt về một lời tuyên dương công trạng đối với tre.
3. Nhận xét về nhịp điệu và âm hưởng của những câu văn sau và nêu tác dụng của nó đối với việc miêu tả nét “hùng vĩ” của dòng sông Đà.
Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì củng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.
(Nguyễn Tuân, Người lái đò Sông Đà)
Câu văn có nhịp điệu và âm hưởng thích hợp để khắc hoạ nét hùng vĩ của sông Đà :
- Nhịp điệu dồn dập phối hợp với phép điệp từ ngữ và kết cấu ngữ pháp : nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió...
- Dùng từ gùn ghè vừa có âm thanh cụ thể, vừa tạo hình ảnh hung dữ của một con mãnh thú.
- Dùng một số từ có tính hình tượng và biểu cảm rõ rệt : cuồn cuộn, đòi nợ xuýt.
4. Câu văn chính luận thứ ba trong đoạn sau đây có âm hưởng mạnh mẽ, hùng hồn là nhờ cách ngắt nhịp, phép điệp cú pháp (ngoài việc sử dụng từ ngữ). Hãy phân tích cụ thể nhận định đó.
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nối, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
Câu văn thứ ba trong đoạn có nhiều nhịp, nhưng các nhịp đầu câu đều ngắn, đến 3 nhịp cuối thì dài, dàn trải. Hơn nữa, các nhịp cuối đều lặp kết cấu cú pháp (nó kết thành.. nó lướt qua.. nó nhấn chìm...) phối hợp với việc dùng các động từ thể hiện các quá trình có cường độ mạnh (kết thành, lướt qua, nhân chìm). Điều đó tạo cho câu âm hưởng mạnh mẽ, hùng hồn. Hơn nữa, câu văn còn có âm hưởng nhịp nhàng, cân xứng nhờ các tổ hợp hai thành tố ở cuối mỗi nhịp trong 3 nhịp cuối (mạnh mẽ - to lớn, nguy hiểm - khó khăn, lũ bán nước - lũ cướp nước).
II. ĐIỆP ÂM, ĐIỆP VẦN, ĐIỆP THANH
1. Bài tập 1, trang 130, SGK.
Phân tích tác dụng tạo hình của việc điệp âm đầu trong các câu sau:
a) Dưới trăng quyên đã gọi hè
Advertisements (Quảng cáo)
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b) Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
(Nguyễn Khuyến, Uống rượu mùa thu)
a) Âm đầu l được lặp lại 4 lần, tạo ra hình tượng những bông hoa lựu đỏ lấp ló trên cành như những đốm lửa lập loè. Ánh lửa phát sáng lung linh, ẩn hiện trên ngọn cây.
b) Trong câu thơ cũng có 4 lần xuất hiện phụ âm đầu l (làn, lóng, lánh, loe). Sự cộng hưởng của những lần đó tạo nên hình tượng bóng trăng lấp lánh và phát tán cả không gian rộng lớn trên mặt ao do phản chiếu của mặt nước.
2. Phân tích tác dụng tạo hình tượng của việc điệp vần trong các từ láy ở hai câu thơ sau:
Đoạn trường thay lúc phân kì!
Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trong hai câu thơ Truyện Kiều, tác giả dùng hai từ láy : khấp khểnh, gập ghềnh.
- Ở mỗi từ láy, có điệp âm đầu (kh - kh, g - gh) và chuyển đổi vần âp - ênh.
- Hai từ láy điệp vần âp - ênh.
Tác dụng : tạo ra hình ảnh con đường mấp mô, vó ngựa và bánh xe luôn luôn ở trạng thái chuyển động khó khăn, xóc nảy, trục trặc. Đồng thời cũng gián tiếp bộc lộ tâm trạng đau khổ, bất an của nàng Kiều lúc phải li biệt với gia đình để bán mình cho Mã Giám Sinh.
3. Trong hai câu thơ sau, nhiều âm đầu được lặp lại. Hãy phân tích tác dụng của hiện tượng điệp âm trong việc miêu tả và bộc lộ cảm xúc.
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.
(Tố Hữu, Nước non ngàn dặm)
Trong hai câu thơ của Tố Hữu, có những phụ âm đầu lặp lại ở các từ ngữ : nỗi niềm, mà mưa, xối xả, trắng trời, Thừa Thiên. Hiện tượng điệp âm liên tiếp đó một mặt có hiệu quả rõ rệt đối với việc miêu tả những cơn mưa mạnh mẽ, liên tiếp, mặt khác góp phần bộc lộ cảm xúc da diết nhớ thương của tác giả đối với quê hương.
4. Phân tích tác dụng của sự phối hợp giữa nhịp điệu câu thơ và việc dùng các từ láy điệp âm, điệp vần trong đoạn thơ sau:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như cọn chim chích
Nhảy trên đường vàng...
(Tố Hữu, Lượm)
Trả lời:
Đoạn thơ miêu tả một chú bé nhanh nhẹn, hoạt bát, vui tươi. Tác giả đã dùng :
- Thể thơ 4 tiếng, tạo nhịp ngắn thích hợp với dáng chạy nhảy tung tăng.
- Nhiều từ láy âm, hoặc vần : loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh.