Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Viết bài làm văn số 2 Nghị luận xã hội (bài làm...

Viết bài làm văn số 2 Nghị luận xã hội (bài làm ở nhà) trang 49 Sách bài tập Văn 12...

Giải câu 1, 2, 3 trang 49 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1. Soạn bài Viết bài làm văn số 2 : Nghị luận xã hội (bài làm ở nhà) trang 49 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

Để có thể chủ động trong việc thực hiện các yêu cầu của đề bài, anh (chị) cần đọc kĩ hướng dẫn trong phần Gợi ý cách làm bài trong SGK và thực hiện nghiêm túc các thao tác tương tự như ở Viết bài làm văn số 1.

- Bước 1 : Tìm kiếm, thu thập, xử lý thông tin.

- Bước 2: Suy ngẫm, xác định quan điểm, thái độ, cảm xúc về vấn đề cần nghị luận.

- Bước 3 : Tiến hành lập dàn ý, viết bài luận.

Với từng đề bài cụ thể, anh (chị) có thế tra cứu tài liệu : sách, báo, tạp chí, in-tơ-nét, giải đáp qua điện thoại... Cũng có thể tiến hành khảo sát thực tế : trò chuyện, phỏng vấn, trắc nghiệm... để thu thập thêm thông tin. Sau đây là một số thông tin tham khảo cho từng đề tài cụ thể :

Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết cho các đề bài sau :

1. Đề 1, trang 78, SGK.

Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giam thiểu tai nạn giao thông.

Để nghị luận về vấn đề này một cách có cơ sở, cần chú ý các thông tin sau :

a) Thông tin về thực trạng an toàn giao thông trong thời gian gần đây : Anh (chị) có thể tìm kiếm thông tin này qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, dịch vụ điện thoại, trang web về an toàn giao thông của Bộ Giao thông - Vận tải...

Trong bài làm, không nhất thiết phải trình bày thật cụ thể những thông tin này nhưng cần có một số dẫn chứng cụ thể để làm cơ sở cho hệ thống lập luận. Có thể tham khảo những thông tin sau :

TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2007

Đầu năm nóng :

Năm 2006 đã đi qua để lại hậu quả là năm tâm điểm nóng bỏng của tai nạn giao thông. Sau nhiều năm liên tiếp giảm được cả ba mặt tai nạn giao thông thì số vụ tai nạn, số người chết lại gia tăng xấp xỉ 10%. Tình trạng ấy còn lan sang có phần còn nặng nề hơn trong hai tháng đầu năm 2007, đặc biệt là những ngày sau Tết Nguyên đán Đinh Hợi. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông, trong các ngày từ 29 đến mùng 3 Tết (16 đến 19 - 2 - 2007), cả nước đã xảy ra 326 vụ tai nạn giao thông, làm chết 265 người và bị thương 318 người. Tính trung bình mỗi ngày xảy ra 80 vụ, làm chết 66 người và bị thương 78 người. So với những ngày bình thường, số vụ và số người chết tăng cao gấp hơn hai lần.

Những ngày sau đó, những tưởng tai nạn giao thông sẽ dần hạ nhiệt và số người chết sẽ giảm dần nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Càng sau Tết, số người phải làm bạn với tử thần do tai nạn giao thông càng tăng đột biến và khó kiểm soát. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt, chỉ trong hai tuần đầu tiên sau Tết Đinh Hợi (khoảng từ 17 - 2 đến 1 - 3 - 2007), trên địa bàn cả nước đã xảy ra tới gần 1 090 vụ tai nạn, làm chết tới gần 800 người và bị thương hơn 1150 người. Tính trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra tới 78 vụ tai nạn, hơn 57 người chết và hơn 82 người bị thương. Đây quả thực là một con số “kinh hoàng” và gây “sốc” cho rất nhiều người bởi những con số này thường cao gấp hai lần so với ngày thường và cao hơn nhiều so với cùng thời điểm Tết Bính Tuất 2006. Tính đến hết tháng 6 - 2007, cả nước đã xảy ra tới 7 936 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7 122 người, bị thương 6 048 người ; tăng cả ba mặt với 3,9% số vụ tai nạn, 9,9% số người chết và 1,8% người bị thương so với cùng kì năm 2006.

Cuối năm hạ nhiệt :

Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 8, tình hình trật tự an toàn giao thông cả nước đã có những thay đổi rất tích cực và được xem là một trong những tháng có số vụ tai nạn và số người chết ít nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, cả nước chỉ xảy ra 1036 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 987 người, bị thương 746 người. So với tháng 7 - 2007, giảm tới 114 vụ tai nạn, 62 người chết và 196 người bị thương. Sang tháng 9, tình hình còn trở nên sáng sủa hơn, số vụ tai nạn và số người chết tiếp tục giảm rõ rệt. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, riêng trong tháng 9 - Tháng An toàn giao thông - số vụ tai nạn giao thông trong tháng chỉ xảy rạ 1 093 vụ, làm chết 971 người và bị thương 784 người. So vói tháng 9 - 2006, giảm cả ba mặt vói 91 vụ tai nạn (7,69%), 16 người chết (1,62%) và 86 người bị thương (9,89%). Số vụ tai nạn và số người chết vẫn duy trì đà “hạ nhiệt” cho tới hết tháng 11- 2007

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong tháng 11 - 2007, số vụ và thiệt hại về người do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kì năm trước. Cụ thể, cả nước đã xảy ra 1 162 vụ tai nạn giao thông, làm 1 017 người chết, giảm 7,04% số vụ và 3,33% số người chết. Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp, số vụ và số thiệt hại về người do tai nạn giao thông giảm trong năm 2007. Tuy nhiên, tính chung 11 tháng năm 2007, cả nước đã xảy ra 13 290 vụ tai nạn giao thông, tăng 64 vụ (tăng 0,48% so với 11 tháng đầu năm 2006), làm 11 909 người thiệt mạng (tăng 3,85%) và 9 859 người bị thương (giảm 3,45%).

Niềm tin gửi sang năm mới:

Sang năm mới, chắc chắn bức tranh trật tự an toàn giao thông nói chung và tai nạn giao thông sẽ sáng sủa hơn - đó là khẳng định của những người làm công tác đảm bảo an toàn giao thông trong thời điểm hiện nay. Điều đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi những kết quả khả quan đạt được trong những tháng cuối năm. Một lí do khác nữa khiến niềm tin đó càng có cơ sở thuyết phục hơn là Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã được triển khai sâu rộng và bắt đầu phát huy hiệu quả tại hầu khắp các ban ngành và các địa phương trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, việc triển khai thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm vượt ngoài mong đợi của các cơ quan chức năng kể từ thời điểm ngày 15 - 12 - 2007 chắc chắn sẽ đem đến một kết quả tích cực, từ đó sẽ hạn chế chấn thương do tai nạn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn cả nước trong thời gian sắp tới.

(Theo báo điện tử Giaothongvantai.com.vn)

Đây là những thông tin về thực trạng an toàn giao thông của năm 2007, được nêu ra để định hướng, tham khảo. Khi làm bài, anh (chị) cần tra cứu thêm để cập nhật thông tin.

b) Thông tin về ý thức, thái độ tham gia giao thông của người dân (tại địa phương nơi anh (chị) sống hoặc ở một số tuyến đường quốc lộ, đường phố của các đô thị mà anh (chị) có điều kiện quan sát) : Để có thể trình bày, miêu tả những hiện tượng thực tế làm cơ sở cho việc trình bày quan niệm, thái độ của anh (chị), cần kết hợp quan sát, huy động kinh nghiệm để nắm bắt và xử lý thông tin sao cho phù hợp với đề tài. Nên chú ý đến cả các hiện tượng tích cực và tiêu cực.

Advertisements (Quảng cáo)

c) Thông tin về ý thức, thái độ tham gia giao thông của tuổi trẻ học đường : Có thể thu thập thông tin này từ thực tế hành động, ý thức của chính anh (chị) và các bạn cùng lớp, cùng trường.

Sau khi làm chủ được các thông tin cần thiết, anh (chị) có thể lập dàn ý và viết bài luận theo gợi ý sau :

- Thực trạng an toàn giao thông của đất nước ta và địa phương nơi anh (chị) sống có vấn đề gì đáng lo ngại nhất ? Nguyên nhân của thực trạng này.

- Bản thân anh (chị) đã có ý thức, hành động cụ thể như thế nào trong khi tham gia giao thông ? Điều gì làm anh (chị) lo ngại nhất mỗi khi trực tiếp tham gia giao thông ? Anh (chị) đã trải qua những kinh nghiệm, bài học đáng nhớ nào ?

-Theo anh (chị), ý thức và hành động tham gia giao thông của học sinh trong nhà trường hiện nay và cụ thể là ở lớp, trường của anh (chị) có điểm nào tích cực, điểm nào tiêu cực ? Nguyên nhân, cách khắc phục.

- Theo anh (chị), tuổi trẻ học đường cần có ý thức, hành động cụ thể gì để góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông ?

2. Đề 2, trang 78, SGK.

Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

Anh (chị) hãy bày tot suy nghĩ về hiện tượng đó.

Tương tự như ở đề 1, để nghị luận về vấn đề này, anh (chị) cũng cần thu thập và xử lý một số thông tin theo gợi ý sau :

a) Thông tin về thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ : Trình bày vắn tắt về hiện tượng này, có thể lấy những sự việc thực tế mà anh (chị) đã nghe, xem, đọc trên các phương tiện thông tin đại chúng và những điều đã chứng kiến trong thực tế để làm rõ. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì ?

b) Thông tin về các tổ chức xã hội, cá nhân giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ : Có thể nêu tên một số tổ chức, cá nhân tiêu biểu và những cách thức giúp đỡ trẻ em lang thang của các tổ chức này. Nêu vắn tắt những kết quả của hoạt động giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị xã qua các hiện tượng cụ thể.

Từ những thông tin cơ sở trên đây, anh (chị) kết hợp nêu suy nghĩ của mình về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và từng cá nhân đối với hiện tượng này.

Cần suy nghĩ một cách thấu đáo, nghiêm túc về vấn đề và trình bày một cách rõ ràng, chân thực những hiện tượng cụ thể cũng như những cảm nghĩ của chính mình. Đây là một vấn đề rất có ý nghĩa trong đời sống cộng đồng nhưng nếu bản thân anh (chị) không thực sự quan tâm tìm hiểu và suy ngẫm thì bài làm dễ sa vào sự sáo mòn, thiếu chân thực.

3. "Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta”. Từ thông điệp này và thực trạng môi trường ở khu vực (làng mạc, thị xã, thành phố,…) nơi anh (chị) sống, hãy trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.

Tương tự như đối với các đề bài trên, anh (chị) cần tìm kiếm và xử lý các thông tin cơ bản sau, trước khi thực hiện thao tác cụ thể để viết bài:

a) Thông tin về thực trạng môi trường nói chung : Tìm hiểu thông tin này qua các phương tiện thông tin đại chúng, dịch vụ viễn thông (điện thoại, in-tơ-nét), tài liệu khoa học phổ cập về môi trường, một số văn bản nhật dụng trong SGK THCS và THPT... Chú ý những thông tin về sự biến đổi tiêu cực của môi trường do tác động của con người và những giải pháp đã được đề xuất, được thực hiện của các quốc gia, tổ chức, cá nhân.

b) Thông tin về môi trường nơi anh (chị) đang sống : Dựa vào quan sát thực tế, kinh nghiệm của bản thân đế trình bày vắn tắt về thực trạng môi trường nơi anh (chị) đang sống. Chú ý những hiện tượng tác động tiêu cực đến môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, cá nhân ở địa phương.

c) Thông tin về tầm quan trọng của môi trường đối với sự sống nói chung và cuộc sống con người, sự phát triển bền vững của quốc gia : Tìm kiếm, chọn lọc thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, dịch vụ viễn thông và tài liệu khoa học phổ cập về môi trường.

Từ những thông tin cơ sở trên, anh (chị) hãy tiến hành lập dàn ý và viết bài theo hai hệ thống lập luận chủ yếu :

- Tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống con người và những nguy cơ có thể xảy ra do biến đổi tiêu cực về môi trường dưới sự tác động của con người: vấn đề ô nhiễm nước, đất, không khí...

- Những việc cần làm ngay của mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng để gìn giữ, bảo vệ môi trường, để có một “ngôi nhà chung” tươi đẹp, an toàn, lành mạnh, bền vững : tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hướng đến lối sống hài hoà, tôn trọng thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Để bài viết chân thực, sinh động, cần kết hợp trình bày những kinh nghiệm, ý thức, thái độ, hành động cụ thể của bản thân anh (chị) trong việc bảo vệ, xây dựng môi trường.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)