Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học trang 6...

Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học trang 6 Sách bài tập Văn 12 tập 2: Giải câu 1, 2, 3 trang 6...

Giải câu 1, 2, 3 trang 6 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2. Soạn bài Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học trang 6 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2

Cần đọc kĩ phần Gợi ý cách làm bài trong SGK. Chú ý những định hướng của thầy (cô) giáo về quá trình chuẩn bị cho bài viết. Tương tự như các bài làm văn trước, anh (chị) cần thực hiện tốt bước tìm kiếm, xử lý thông tin liên quan tới nội dung đề tài. Trước hết, cần chú ý rằng mỗi nhận định về vấn đề văn học chỉ tập trung vào một phạm vi, một khía cạnh nhất định. Các nhận định được nêu ra để bàn luận trong chương trình Làm văn ở phổ thông nhìn chung thường là những nhận định có nội dung, ý nghĩa đúng đắn, tích cực. Tuy nhiên, bất kì nhận định nào cũng chỉ mang tính tương đối, không phải là chân lí tuyệt đối. Vì vậy, khi nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, tuyệt đối tránh tình trạng tán, suy diễn, khen ngợi một cách chung chung, thiếu cơ sở. Điều quan trọng là cần hiểu rõ bản chất vấn đề mà nhận định đề cập tới để giải thích, phân tích và mở rộng vấn đề đúng hướng.

Những thông tin được cung cấp hoặc gợi ý trong phần này không phải là đoạn văn, bài văn mẫu, cũng không phải là dàn ý của từng đề bài mà chỉ là những tư liệu tham khảo và định hướng về thao tác tìm hiểu, xác định các nội dung cần thiết. Anh (chị) cần làm chủ, tổ chức lại hệ thống thông tin này, tìm hiểu thêm các thông tin cụ thể theo hướng dẫn để từ đó suy nghĩ, thực hiện các thao tác luyện tập chuẩn bị cho bài viết.

Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết cho các đề bài sau :

1. Anh (chị) hiểu như thế nào về ý kiến sau của nhà thơ Xuân Diệu : “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời, thơ còn là thơ nửa” ?

Để nghị luận về ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu, cần lưu ý một số thông tin sau :

a) Thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung nhận định của Xuân Diệu

- Xuân Diệu là một nhà thơ, vì vậy những nhận định về thơ của ông không chỉ có tính chất như một sự chiêm nghiệm, suy tưởng mà còn là kết quả của quá trình trải nghiệm thực tế sáng tác. Tuy nhiên, bản chất của thơ là một vấn đề rất phức tạp, tinh tế và khó nắm bắt. Đã có rất nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu bàn về vấn đề này. Mỗi ý kiến đều có thể đề cập tới một phương diện nào đó của thơ ca nhưng chưa thể xem như đã bao quát hết được bản chất của vấn đề. Nhận định của Xuân Diệu cũng vậy. Trong nhận định này, có hai luận điểm quan trọng :

+ Luận điểm thứ nhất : “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời” nhấn mạnh khía cạnh nội dung của thơ ca. Nhà thơ khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa thơ và hiện thực - bao gồm cả hiện thực khách quan (thế giới thiên nhiên, tạo vật, con người...) và hiện thực chủ quan (hiện thực trong tinh thần, tâm hồn nhà thơ). Thơ có khả năng biểu hiện cuộc đời với muôn màu muôn vẻ, thiên biến vạn hoá. Nói rộng ra, thơ phải nói lên được những vấn đề lớn lao, sâu sắc, thuộc về bản chất của hiện thực, của đời sống con người.

+ Luận điểm thứ hai : “Thơ còn là thơ nữa” nhấn mạnh phương diện nghệ thuật của thơ ca. Nhà thơ muốn nói đến phần tinh tế, khó nắm bắt trong nghệ thuật thơ.

- Như vậy, từ hai luận điểm này, nhà thơ muốn nhấn mạnh cả hai phương diện của thơ ca. Trước hết, tác phẩm thơ ca phải biểu đạt được hiện thực cuộc đời rộng lớn, phong phú, muôn hình muôn vẻ ; đồng thời, thơ ca còn là sự thăng hoa từ hiện thực cuộc đời để tạo nên chất thơ kì diệu. Cái đẹp của thơ ca, với Xuân Diệu, không chỉ ở ý, ở tình mà còn ở nhạc, ở lời, ở những tinh tế không dễ gì nắm bắt :

Hãy ngó sâu vào tận mắt anh,

Đọc bài thơ mới chưa làm thành ;

Lòng anh rạo rực không duyên cớ

Khi nắng chiều tơ giỡn với cành.

Nghiêng đầu bên trái, hãy kề nghe

Những ngón tay thần sẽ vuốt ve

Cho điệu lòng anh thêm ấm dịu

Sờ xem: ngực nóng khúc đê mê:

Tuy thế, bài thơ sẽ dở dang

Vì lời không đủ vẻ huy hoàng :

Vần không phải ngọc rung muôn ánh ;

Nhịp thiếu êm đềm, tiếng thiếu vang.

(Có những bài thơ, trong Thơ thơ, NXB Đời nay, 1938)

Cũng trong bài thơ này, Xuân Diệu thể hiện ý thức rõ rệt về cái chất thơ vô cùng phong phú, tiềm ẩn trong cuộc đời, trong tâm hồn con người, cái chất thơ huyền ảo ấy dường như không thể nắm bắt được, không thể đạt đến một cách trọn vẹn :

Có những bài thơ rất thắm tươi

Nhưng mà chỉ nở giữa lòng người ;

Chớ mong hái được loài hoa ấy !

Advertisements (Quảng cáo)

Tay nhẹ làm hoa cũng rã rời.

b) Những ý kiến bàn về thơ tương đồng với nội dung nhận định của Xuân Diệu

- Để mở rộng bàn luận về luận điểm thứ nhất trong nhận định của nhà thơ Xuân Diệu, có thể tham khảo những ý kiến sau:

+ Lời Tựa trong tập Thơ thơ do Thế Lữ viết : “Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian : ông đã không trốn tránh mà còn quyến luyến cõi đời, và lời nguyền ước của ông có bao nhiêu sức mạnh :

Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,

Làm dây đa quấn quýt cả mình xuân,

Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,

Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất”.

+ Những ý kiến tương đồng của các nhà thơ, nhà nghiên cứu bàn về mối quan hệ không thể tách rời giữa thế giới thơ ca và hiện thực cuộc sống : “Tất cả những vấn đề trọng đại của loài người có thể đem ra bàn cãi bằng những câu thơ” (A. đơ Vi-nhi) ; “Đã đến thời tất cả các nhà thơ có quyền và có bổn phận chủ trương rằng họ hoà mình sâu xa vào đời của các người khác, vào cuộc sống chung” (Pôn Ê-luy-a) ; “Nhà thơ là lương tri của thời đại mình” (Ble-dơXăng-đra), “Cả một thế giới trong một con người, đó là nhà thơ hiện đại” (Mắc Gia-cốp)..

- Để mở rộng bàn luận về luận điểm thứ hai trong nhận định của Xuân Diệu, có thể tham khảo những ý kiến sau :

+ Lời Tựa trong tập Thơ thơ do Thế Lữ viết : “[...] Ông còn nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế. Con người phức tạp cũng đơn sơ, con người thiết thực cũng mơ mộng : ông có một trái tim, nhưng ông còn có một linh hồn. Ông tỏ ra đã từng vào trong thế giới của mọi sự u huyền : hương trầm, âm nhạc, thời khắc, khói sương... tất cả đều nói cho ông nghe những lời chi li và những dây liên lạc. Với những câu thơ nhiều ý, súc tích như đọng lại bao nhiêu tinh hoa, Xuân Diệu lại là một tay thợ biết làm ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dang và cần mẫn”.

(Theo Thơ thơ, Sđd)

+ Về cái đẹp khó nắm bắt và nghệ thuật ngôn từ tinh tế trong thơ : “Đó (thơ) là giấc ngủ triền miên như dòng suối xanh không bao giờ cạn, nếu không như vậy sẽ chẳng có mơ mộng nào trên thế gian để gột rửa lòng ta. Đó là bông hoa trông thấy lần đầu, và bông hoa còn đương tìm kiếm. Đó là tất cả những gì ta ao ước tái lai (tuy không có sự gì trở lại) và tất cả những gì chúng ta đợi chờ mà chẳng biết là chi. Đó là dấu vết còn để lại, ở nơi chưa ai từng đưa chân bước tới, đó là những nẻo đường mòn mỏi ngóng trông về những thế giới khác. Đó là những ảnh tượng của mãnh lực siêu nhiên mà Thần sống không thể kiểm soát, mà Thần Chết không thể thấu hiểu. Thơ cũng huyền diệu như Trời” (Sác-lơ Hen-ri Pho) ; “Thơ là cái đẹp tuyệt trần của sự vật và sự chiêm ngưỡng cái đẹp ấy trong lí tưởng” (A. đơ Vi-nhi) ; “Một câu thơ hay thì toàn mĩ, dung hoà một cách kì diệu cả nhịp, vần và ý nghĩa” (A-lanh) ;

c) Những tri thức văn học cụ thể có thể sử dụng để làm sáng tỏ cho nội dung nhận định của Xuân Diệu

Để bàn luận mở rộng về nhận định này, anh (chị) cần hệ thống hoá các tri thức văn học cụ thể theo định hướng sau :

- Những bài thơ, câu thơ có thể làm rõ luận điểm thứ nhất: cần nhấn mạnh rằng hiện thực và cuộc đời trong thơ có thể bao gồm thế giói của cái chung rộng lớn (những vấn đề của nhân loại, dân tộc), cũng có thể là thế giới của cái riêng sâu xa, tinh tế (thế giới tâm hồn, tình cảm riêng tư). Không nên hiểu chữ “hiện thực” trong nhận định này một cách hẹp hòi, máy móc. Với ý nghĩa đó, anh (chị) có thể lựa chọn, sắp xếp một số dẫn chứng thật tiêu biểu từ các tác phẩm sau : Truyện Kiều (Nguyễn Du) ; Chinh phụ ngâm (nguyên tác chữ Hán : Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm : Đoàn Thị Điểm (?)), Cung oán ngâm (Nguyễn Gia Thiều) ; Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm (Nguyễn Khuyến) ; Đây mùa thu tới, Vội vàng (Xuân Diệu) ; Nhật kí trong tù (Hồ Chí Minh),…

- Những bài thơ, những câu thơ có thể làm rõ cho luận điểm thứ hai: cần chú ý rằng cái đẹp trong ý tưởng, trong nội dung của thơ luôn gắn vói sự hài hoà trong hình thức nghệ thuật. Vì thế, những bài thơ, câu thơ thể hiện một cách trọn vẹn vẻ đẹp của đời sống, tâm hồn con người cũng là những bài thơ, câu thơ đạt đến giá trị nghệ thuật tinh tế, kì diệu, cần lấy một số dẫn chứng thật tiêu biểu để làm nổi bật sự hài hoà giữa ý tưởng và hình thức của thơ, vẻ đẹp tinh tế của cả ý và lời thơ trong một số tác phẩm điển hình như: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Chinh phụ ngâm (nguyên tác chữ Hán : Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm : Đoàn Thị Điểm (?), Thu vịnh (Nguyễn Khuyến)...

2. Trong diễn từ nhận Giải thưởng Nô-ben, nhà văn Mĩ Uy-li-am Phôn-cơ-nơ đã viết: “Tôi tin tưởng rằng con người sẽ chiến thắng. Nó bất tử không phải vì giữa muôn loài nó có một tiếng nói không mệt mỏi, mà là vì nó có một linh hồn, một tinh thần có khả năng trắc ẩn, hi sinh và nhẫn nại. Bổn phận của nhà thơ và nhà văn là viết về những điều ấy”.

Từ những suy tưởng trên đây của nhà văn, anh (chị) hãy trình bày những suy nghĩ của mình về vai trò của văn học trong quá trình đấu tranh vì những giá trị nhân văn cao quý của con người.

Tham khảo những gợi ý sau :

- Giải thích ngắn gọn nội dung nhận định của Uy-li-am Phôn-cơ-nơ : Tác giả khẳng định giá trị nhân văn cao quý nhất của văn học là đề cao giá trị của con người, sự chiến thắng của nhân tính, của cái đẹp, cái thiện, mà cụ thể là tình thương yêu, lòng trắc ẩn, sự hi sinh, nhẫn nại, vị tha.

- Bàn luận mở rộng vấn đề : Qua các tác phẩm có giá trị trong văn học Việt Nam và thế giới, anh (chị) nhận thấy các tác giả đã thể hiện cụ thể vấn đề bổn phận của người cầm bút như thế nào ? Liên hệ với những điều kiện lịch sử, xã hội, có thể nhận thấy những giá trị nhân văn được phản ánh và khẳng định trong các tác phẩm này có ý nghĩa gì đối với đời sống con người ? Nêu nhà văn xa rời những giá trị nhân văn trong sáng tác thì tác phẩm văn học sẽ đứng trước nguy cơ gì ? Liên hệ với một số quan niệm nghệ thuật của các nhà văn Việt Nam để khẳng định rõ hơn tính xác đáng, đúng đắn, tích cực trong quan niệm của Uy-li-am Phôn-cơ-nơ.

3. Trong truyện ngắn Giăng sáng, Nam Cao viết : “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ...”

Hãy giải thích và làm sáng tỏ ý kiến trên.

Giải thích vắn tắt quan niệm nghệ thuật của Nam Cao : Trong nhận định, Nam Cao gián tiếp đề cập tới sự tương phản của hai xu hướng nghệ thuật, đó là những xu hướng nào ? Hai xu hướng này khác nhau như thế nào ? Vì sao nhà văn cho rằng nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối ? Vì sao nhà văn khẳng định nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ ?

- Bàn luận mở rộng vấn đề : Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao thế hiện trong thực tiễn sáng tác của ông như thế nào ? Ý nghĩa của quan điểm nghệ thuật này trong thời đại Nam Cao. Liên hệ với một số quan điểm nghệ thuật khác đế thấy rõ hơn tính tích cực, tiến bộ trong quan điểm này. Phân tích một số dẫn chứng tiêu biểu trong thực tế sáng tác của các tác giả khác để thấy giá trị phổ quát, bền vững trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)