Bài mẫu tả bãi cỏ non
Cách làng em về phía tây hơn một cây số có đồi Nàng, núi Chàng gắn liền với câu chuyện cổ tích mà bà em vẫn thường kể cho con cháu nghe.
Núi Chàng nay có rừng thông xanh biếc. Phía chân đồi Nàng có bãi cỏ, dân làng vẫn gọi là bãi Vú Sữa. Bãi Vú Sữa rộng hơn ba chục mẫu tây. Bốn mùa trải dài, trải rộng thảm cỏ xanh. Lúc nào trên bãi Vú Sữa cũng có hàng chục, hàng trăm con trâu, con nghé, con bò, con bè rong chơi gặm cỏ. Tháng ba, tháng tư, tháng chín, tháng mười là sân đá bóng, là bãi thả diều của mục đồng, của học sinh chúng em.
Advertisements (Quảng cáo)
Em và các bạn học từng nằm ngửa trên bãi Vú Sữa, đầu gối lên túi sách, ba lô sách, cùng nhau say sưa ngắm cánh diều, lắng nghe tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời. Thích quá đi thôi, mùa thu trong veo, nằm chơi ngắm dải mây trắng, mây hồng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh thắm bao la, theo dõi đàn nhạn xếp hàng dọc bay về phương Nam, em cảm thấy như được chắp thêm đôi cánh bay tới những cõi mộng thần tiên.
Về mùa xuân, bãi Vú Sữa mơn mởn, xanh rờn cỏ sữa, cỏ mật bát ngát. Chỉ cần đi qua, hương cỏ mật sẽ thấm vào mái tóc, làn da, áo quần ta. Hương cỏ mật vấn vương túi sách, cuốn vở, thấm vào hồn tuổi thơ. Bà em vẫn lên bãi Vú Sữa nhổ cỏ mật, đem về rửa sạch phơi khô, bỏ vào gối cho các cháu, để “gối đầu cho êm, để hiếu thảo và chăm ngoan học giỏi”.
Ngày chủ nhật nào, em cũng cùng các bạn lên chơi bãi cỏ Vú Sữa. Đi xa vài tuần, em nhớ quê, nhớ nhà, nhớ bãi Vú Sữa. Bãi cỏ Vú Sữa là hồn quê, tình quê của tuổi thơ chúng em.