BÃI NGÔ
Bãi ngô quê em ngày càng xanh tốt. Mới dạo nào cây ngô còn lấm tấm như mạ non. Thế mà chỉ ít lâu sau, ngô đã thành cây rung rung trước gió và ánh nắng. Những lá ngô rộng dài, trổ mạnh mẽ, nõn nà.
Trên ngọn, một thứ búp như kết bằng nhung và phấn vươn lên. Những đàn bướm trắng, bướm vàng bay đến, thoáng đỗ rồi bay đi. Núp trong cuống lá, những búp ngô non nhú lên và lớn dần. Mình có nhiều khía vàng vàng và những sợi tơ hung hung bọc trong làn áo mỏng óng ánh.
Trời nắng chang chang, tiếng tu hú gần xa ran ran. Hoa ngô xơ xác như cỏ may. Lá ngô quắt lại rủ xuống. Những bắp ngô đã mập và chắc, chỉ còn chờ tay người đến bẻ mang về.
Nguyên Hồng
Đọc bài "Bãi ngô” của Nguyên Hồng rồi trả lời các câu hỏi sau:
1. Bài văn "Bãi ngô ” có mấy đoạn? ý mỗi đoạn là gì?
2. Những chi tiết nào miêu tả mầm ngô và cây ngô non ?
3. Tác giả miêu tả hoa ngô, búp ngô non và râu ngô như thế nào?
4. Khi bắp ngô đã mập và chắc thì hình ảnh cây ngô trên bãi ngô như thế nào?
5. Ngoại cảnh nào gắn liền với quá trình phát triển của cây ngô và bãi ngô?
Advertisements (Quảng cáo)
BÀI LÀM
1. "Bãi ngô” là một bài văn miêu tả cây cối. Bài văn này gồm có 3 đoạn văn.
a. Đoạn 1 là phần mở bài: giới thiệu khái quát bãi ngô non xanh tốt.
b. Đoạn 2 là phần thân bài: tả chi tiết các bộ phận của cây ngô như hoa ngô, búp ngô non, râu ngô...
c. Đoạn 3 là phần kết bài: tả bãi ngô và cây ngô khi bắp đã mập và chắc dưới ánh nắng chang chang và tiếng tu hú gần xa ran ran.
2. Bãi ngô non ngày càng xanh tốt. Những chi tiết đặc tả mầm ngô "lấm tấm như mạ non”‘, cây ngô non mềm mại vươn lên "rung rung trước gió và ánh nắng”. Lá ngô "rộng dài, trổ mạnh mẽ, nõn nà”. Chữ "nõn nà” gợi tả lá ngô non xanh mơn mởn, ánh lên, bóng lên mỡ màng.
3. Trong phần thân bài, tác giả tả chi tiết các bộ phận của cây ngô như hoa ngô, búp ngô non, râu ngô.
Hoa ngô ở trên ngọn cây ngô, trông như một thứ búp kết bằng nhung và phấn vươn lên. Hoa ngô là nơi bướm trắng, bướm vàng bay đến, thoáng đỗ rồi bay đi.
Búp ngô non núp trong cuống lá, nhú lên và lớn dần. Bắp ngô non "có nhiều khía vàng vàng”, râu ngô là "những sợi tơ hung hung bọc trong làn áo mỏng óng ánh”.
4. Ngô được trồng vào tháng hai (âm lịch) cùng vụ với trồng đậu, trồng khoai, trồng cà. Đến tháng 5, tháng 6 khi tu hú kêu ran khắp cánh đồng quê, trời nắng chang chang thì ngô trên bãi đã già, "bắp ngô đã mập và chắc”, lá ngô quắt lại rủ xuống”, hoa ngô "xơ xác như cỏ may”. Đó là vụ thu hoạch ngô đã đến, người nông dân ra bãi ngô bẻ bắp ngô đem về. Cây ngô đã đi trọn một vòng đời.
5. Đàn bướm, chim tu hú và ánh nắng là ngoại cảnh gắn liền với quá trình sinh sôi nảy nở và phát triển của cây ngô, bãi ngô. Mùa xuân, cây ngô trổ hoa, kết búp thì "bướm trắng, bướm vàng bay đến, thoáng đỗ rồi bay đi”. Mùa hè, dưới ánh nắng chang chang và tiếng tu hú gần xa ran ran, thì bắp ngô "đã mập và chắc”, mùa thu hoạch ngô đã tới. Qua đó, ta thấy cách miêu tả và cảm nhận của Nguyên Hồng rất tinh tế khi ông viết về bãi ngô, cây ngô nơi đồng quê.