Trang chủ Lớp 4 Tiếng Việt lớp 4 (sách cũ) Đọc bài thơ “Trăng ơi từ đâu đến?” và trả lời các...

Đọc bài thơ "Trăng ơi từ đâu đến?” và trả lời các câu hỏi, Trong hai khổ thơ đầu trăng được hình tượng hóa qua hai so sánh rất đẹp, rất thơ....

Trăng ơi... từ đâu đến? - Đọc bài thơ "Trăng ơi từ đâu đến?” và trả lời các câu hỏi. Trong hai khổ thơ đầu trăng được hình tượng hóa qua hai so sánh rất đẹp, rất thơ.

TRĂNG ƠI... TỪ ĐÂU ĐẾN?

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ cánh đồng xa

Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay biển xanh diệu kì

Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ một sàn chơi

Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Hay từ lời mẹ ru

Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu đến giờ!

Trăng ơi... từ đâu đến ?

Hay từ đường hành quân

Trăng soi chú bộ đội

Và soi vàng góc sân.

Trăng ơi... từ đâu đến?

Trăng đi khắp mọi miền

Trăng ơi, có nơi nào

Sáng hơn đất nước em...

Advertisements (Quảng cáo)

Trần Đăng Khoa

Đọc bài thơ "Trăng ơi từ đâu đến?” và trả lời các câu hỏi:

1. Trong hai khổ thơ đầu, trăng được so sánh với những gì? Cách so sánh ấy hay như thế nào ?

2. Những hình ảnh vầng trăng gợi ra trong hai khổ thơ tiếp theo gần gũi với trẻ em như thế nào?

3. Trong hai khổ thơ cuối, vầng trăng gắn với một tình cảm rất sâu sắc của tác giả. Đó là tình cảm gì?

BÀI LÀM

1. Trong hai khổ thơ đầu trăng được hình tượng hóa qua hai so sánh rất đẹp, rất thơ:

Trăng được so sánh với quả chín:

"Trăng hồng như quả chín

Lửng lơ lên trước nhà”.

Trăng lại được so sánh với mắt cá:

"Trăng tròn như mắt cá

Chẳng bao giờ chớp mi”.

Cách so sánh ở đây rất hay và sáng tạo. Trăng mới mọc sắc hồng, được so sánh với trái chín, đúng về màu sắc và còn gợi lên cảm giác ngọt mát. Mắt cá tròn, long lanh được dùng để so sánh với trăng thu đêm rằm rất trong sáng và tròn vành vạnh, một cách nói thật độc đáo và biểu cảm.

2. Trong hai khổ thơ 3, 4 hình ảnh vầng trăng gợi ra bao liên tưởng thú vị đối với trẻ em. Nhìn vầng trăng tròn, bé Khoa liên tưởng đến quả bóng do một bạn nhỏ nào đã đá lên trời từ một sân chơi:

"Trăng bay như quả bóng

Bạn nào đá lên trời”.

Bài đồng dao "Chú Cuội ngồi gốc cây đa” hầu như bạn nhỏ nào trong chúng ta cũng thuộc, cũng đã có lần hát. Trần Đăng Khoa đã viết được một khổ thơ có ý tưởng hay, hồn nhiên, ngộ nghĩnh. Trần Đăng Khoa không hỏi chú Cuội về chuyện chăn trâu mà nhìn trăng rồi chỉ thương Cuội cứ phải hú gọi trâu mãi, không được đi học như bao trẻ thơ khác nơi trần gian:

"Thương Cuội không được học

Hú gọi trâu đến giờ!”.

3. Trong hai khổ thơ cuối, vầng trăng được gắn với một tình cảm rất sâu sắc của tác giả. Đó là tình yêu chú Giải phóng quân trên đường đánh giặc có trăng soi đường, là tình yêu và niềm tự hào đối với quê hương đất nước:

"Trăng soi chú bộ đội

Và soi vàng góc sân”

Trăng làm sáng đẹp đất nước em, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta: "Trăng ơi, có nơi nào

Sáng hơn đất nước em”.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Tiếng Việt lớp 4 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: