Trang chủ Lớp 7 SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ) Bài Những câu hát than thân SBT Văn 7 tập 1 trang...

Bài Những câu hát than thân SBT Văn 7 tập 1 trang 32: Em hãy chỉ ra sự đối lập trong bài 1...

Soạn bài Những câu hát than thân SBT Ngữ Văn 7 tập 1 . Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 32 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Em hãy chỉ ra những sự đối lập trong bài 1. Những đối lập ấy có tác dụng, ý nghĩa gì đối với việc thể hiện nội dung của bài ca dao này ?.

1. Em hãy chỉ ra những sự đối lập trong bài 1. Những đối lập ấy có tác dụng, ý nghĩa gì đối với việc thể hiện nội dung của bài ca dao này ?

a) Những sự đối lập trong bài 1 :

- Sự đối lập giữa hình ảnh con cò với hoàn cảnh : Con cò một mình lận đận giữa nước non, thân cò gầy guộc mà phải lên thác xuống ghềnh. Cò gặp nhiều cảnh “bể đầy, ao cạn” ngang trái, khó nhọc, kiếm sống rất vất vả.

- Sự đối lập về hình ảnh :

   một mình >< nước non

   thân cò >< thác ghềnh

- Sự đối lập giữa các từ và nhóm từ :

   lên >< xuống

   bể đầy >< ao cạn

b) Những sự đối lập đã góp phần tô đậm hình ảnh con cò khó nhọc, vất vả, cay đắng trước quá nhiều khó khăn, trắc trở, ngang trái. Đồng thời, những đối lập ấy làm tăng giá trị gợi cảm của hình ảnh con cò cũng như của nhịp điệu, ngôn ngữ.

2. Phân tích ý nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2.

Trong ca dao, tác giả dân gian có thói quen khi nhìn sự vật thường liên hệ đến cảnh ngộ mình, vận vào thân phận mình. Đồng thời họ cũng thường có sự đồng cảm tự nhiên với những con vật bé nhỏ, tội nghiệp (con sâu, cái kiến, con cò, con vạc, con hạc giữa trời, con hạc đầu đình, con cuốc kêu sương, con cuốc kêu ra máu) mà họ cho là cũng có số kiếp, thân phận khốn khổ như mình.

- Những hình ảnh ẩn dụ trong bài đều đi kèm với sự miêu tả bổ sung, chi tiết. Ví dụ ẩn dụ “con tằm” được miêu tả bổ sung : “Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ”. Vì vậy những nỗi thương cảm không chung chung mà cụ thể, xúc động hơn.

- Nghĩa của các hình ảnh ẩn đụ :

+ Thương con tằm “Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ” là thương cho thân phận suốt đời bị kẻ khác bòn rút sức lực.

+ Thương cho lũ kiến li ti “Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi” là thương cho nỗi khổ chung của những thân phận suốt đời xuôi ngược vất vả làm lụng mà vẫn nghèo khó.

+ Thương con hạc “lánh đường mây”, “bay mỏi cánh biết ngày nào thôi” là thương cho cuộc đời phiêu bạt, lận đận và những cố gắng vô vọng của người lao động trong xã hội cũ.

+ Thương con cuốc “kêu ra máu có người nào nghe” là thương cho thân phận thấp cổ bé họng, nỗi khổ đau oan trái không được lẽ công bằng nào soi tỏ của người lao động.

Tóm lại, những hình ảnh ẩn dụ trong bài 2 biểu hiện cho nỗi khổ nhiều bề của nhiều thân phận trong xã hội cũ.

3. Câu 5*, trang 49, SGK.

a) Những bài ca dao em cần sưu tầm phải đạt được các yêu cầu sau :

Advertisements (Quảng cáo)

- Thuộc chủ đề than thân.

- Mở đầu bằng cụm từ “Thân em”.

Trên cơ sở những yêu cầu đó, em hãy cố gắng chọn những bài ca dao hay cả về nội dung và nghệ thuật.

b) Những bài ca thuộc chủ đề than thân mở đầu bằng cụm từ “Thân em” thường nói về thân phận, nỗi khổ đau của người phụ nữ trong xã hội cũ. Nỗi khổ lớn nhất là số phận bị phụ thuộc, không được quyền quyết định ngay cả tình cảm riêng của chính cuộc đời mình.

Ví dụ :

- Thân em như hạt mưa sa,

Hạt vào đài các hạt ra ruộng cầy.

- Thân em như giếng giữa đàng,

Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân.

- Thân em như tấm lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Người phụ nữ còn chịu đựng những đau khổ khác : “Thân em như củ ấu gai, Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”, “Em như cây quế giữa rừng, Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay”...

Những bài ca trên có một số điểm giống nhau sau đây về nghệ thuật :

- Mở đầu bằng cụm từ “Thân em” (Cụm từ “Thân em” chỉ thân phận tội nghiệp, đắng cay, gợi sự đồng cảm sâu sắc).

- Là bài ca có hình ảnh so sánh để miêu tả cụ thể, chi tiết thân phận và nỗi khổ của người phụ nữ. Hình ảnh so sánh thường là những sự vật bé nhỏ, tội nghiệp.

4. Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về bài 3.

Khi phát biểu những cảm nghĩ của mình về bài 3, cần chú ý bám sát nội dung, nghệ thuật của bài ca dao :

- Bài ca diễn tả xúc động, chân thực cuộc đời, thân phận nhỏ bé, đắng cay của người phụ nữ xưa. Đây là bài ca dao Nam Bộ, hình ảnh và tên gọi của “trái bần” gợi thân phận nhỏ bé, nghèo khó. “Trái bần” ấy bị “gió dập, sóng dồi” xô đẩy quăng quật trên mặt sông nước mênh mông, không biết “tấp vào đâu”, như số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến chịu nhiều đau khổ, hoàn toàn lệ thuộc vào hoàn cảnh. Xã hội luôn muôn nhấn chìm họ. Bài ca dao này là tiếng nói than thân, phản kháng của người phụ nữ trong xã hội cũ.

- Các em HS khá, giỏi có thể đặt bài ca dao này trong hệ thống những bài ca thuộc chủ đề than thân, mở đầu bằng cụm từ “Thân em”, để thấy cái chung, cái riêng độc đáo của bài ca trong hệ thống đó.

Khi triển khai các ý trên, em cần chú ý phát biểu suy nghĩ của riêng mình.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: