1. Bài tập 1, trang 43, SGK.
Từ láy ở đây hiểu theo quan niệm rộng như đã học ở lớp 6, nghĩa là bao gồm tất cả các từ có sự hoà phối âm thanh (dù có tiếng gốc có nghĩa hay không có tiếng gốc có nghĩa) đều xem là từ láy. Từ láy có tiếng gốc có nghĩa như đẹp đẽ, xinh xắn. Từ láy không có tiếng gốc có nghĩa như tức tưởi, nức nở. Chú ý : ô tô (từ gốc Pháp), thược dược (từ Hán Việt) không phải là từ láy. Đọc phần Ghi nhớ (SGK, trang 42) về sự phân biệt giữa từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận. Dựa vào kiến thức đó để tìm các từ láy trong đoạn văn và xếp chúng vào ô thích hợp.
2. Bài tập 2, trang 43, SGK.
Các từ láy ở đây đều có tiếng gốc có nghĩa. Dựa vào nghĩa của tiếng gốc để tìm tiếng láy thích hợp. Chú ý hiện tượng biến âm, biến thanh điệu ở một số trường hợp. Ví dụ : khác - khang khác.
3. Bài tập 3, trang 43, SGK.
Các từ trong mỗi nhóm tuy có tiếng gốc giống nhau nhưng có sự khác nhau về cách dùng và sắc thái biểu cảm. Ví dụ xấu xí và xấu xa đều có nghĩa là xấu nhưng xấu xí là sự đánh giá mức độ xấu về mặt hình thức, còn xấu xa là sự đánh giá mức độ xấu về mặt phẩm chất đạo đức. Phân biệt rõ sự khác nhau đó rồi chọn từ phù hợp điền vào chỗ trống ở mỗi câu.
4. Bài tập 4, trang 43, SGK.
Cần phân biệt rõ nghĩa của các từ này để đặt câu cho đúng :
- nhỏ nhắn : nhỏ và trông cân đối, dễ thương.
- nhỏ nhạt : nhỏ bé, vụn vặt, không đáng chú ý.
- nhỏ nhẻ : (nói năng, ăn uống) thong thả, chậm rãi, từ tốn.
- nhỏ nhen : (đối xử) hẹp hòi, hay chú ý đến cả những việc nhỏ nhặt.
- nhỏ nhoi : nhỏ bé, ít ỏi, gây ấn tượng mỏng manh, yếu ớt.
5. Bài tập 5, trang 43, SGK.
Hãy xét xem các tiếng trong các từ này có nghĩa hay không, nếu tất cả đều có nghĩa thì đây là những từ ghép chứ không phải là từ láy mặc dù ở mỗi từ đều có sự giống nhau về phụ âm đầu.
Advertisements (Quảng cáo)
6. Bài tập 6*, trang 43, SGK.
Các tiếng đã cho có nghĩa như sau :
- chiền : chùa.
- nê (tiếng địa phương Nghệ Tĩnh) : trạng thái bụng đầy căng, khó tiêu, gây khó chịu.
- rớt : rơi.
- hành : làm.
Từ gợi ý trên, HS tự rút ra kết luận đó là những từ láy hay từ ghép.
7. Tìm 5 từ láy có sắc thái nghĩa giảm nhẹ so với tiếng gốc. Đặt câu với mỗi từ đó
Ví dụ về loại từ láy này : trăng trắng có nghĩa mức độ giảm nhẹ hơn trắng (hơi trắng).
8. Thảo luận tổ : Tìm hiểu đặc điểm về cấu tạo và nghĩa của các từ sau đây : bập bùng, dập dềnh, lập loè, mấp mô, nhấp nhô, nhấp nhôm, phập phồng, thập thò, xập xoè.
Cuộc thảo luận này có thể bàn về một số nội dung sau đây :
a) Quan sát đặc điểm cấu tạo của loại từ láy này : đặc điểm của cách láy (láy phụ âm đầu hay láy phần vần ; phần vần nào là phần vần cố định, có mặt trong tất cả từ láy thuộc loại này). Có thể dùng kí hiệu để mô hình hoá cấu tạo của loại từ láy này. Ví dụ X là phụ âm đầu, âp là phần vần cố định, y là phần vần của tiếng thứ hai.
b) Tìm hiểu ý nghĩa của các từ đã cho. Sau đó khái quát những nét giống nhau trong nghĩa của nhóm từ láy này.
c) Có thể tìm thêm những từ khác có thể quy vào nhóm từ này.
Ví dụ : lấp lóa, khập khiễng...