Trang chủ Lớp 7 SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ) Soạn bài Qua đèo ngang, Bạn đến chơi nhà SBT Văn 7...

Soạn bài Qua đèo ngang, Bạn đến chơi nhà SBT Văn 7 tập 1 trang 67 SBT Văn 7 tập 1...

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5 trang 67 SBT Ngữ Văn 7 tập 1. Phân tích hai câu cuối của bài thơ Qua Đèo Ngang.. Soạn bài Qua đèo ngang. Bạn đến chơi nhà SBT Ngữ Văn 7 tập 1.

Bài tập

1. Hãy giải thích rằng bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan đã thể hiện đúng những điều em đã được học về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

2. Phân tích hai câu cuối của bài thơ Qua Đèo Ngang.

3. Hãy nêu một vài nhận xét về sự khác nhau giữa ngôn ngữ thơ trong bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến và ngôn ngữ thơ trong đoạn thơ Sau phút chia li trích trong Chinh phụ ngâm khúc.

4. Vị trí của câu thơ thứ 8 (câu cuối cùng) trong bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến là thế nào ? Hãy so sánh cụm từ “ta với ta” trong câu thơ này với cụm từ “ta với ta” trong câu thơ cuối của bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

5. Giả thiết rằng : Lớp em, dưới sự chỉ đạo của cô giáo chủ nhiệm, sẽ có một buổi sinh hoạt văn học, trong đó có tiết mục thi phát biểu về cái hay, cái hấp dẫn của một bài thơ đã học. Em hãy tham gia và phát biểu về bài thơ Bạn đến chơi nhà của nhà thơ Nguyễn Khuyến.


Gợi ý làm bài

1. a) Trước hết phải thấy mục đích của bài tập 1 là nhằm giúp các em hiểu biết về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật đã được học và rèn luyện kĩ năng ứng dụng lí thuyết để nhận diện thể loại của một tác phẩm cụ thể qua bài thơ Qua Đèo Ngang.

b)  Để làm được bài tập, em hãy đọc lại chú thích (★) của Bài 8 trong SGK, trang 102 để hiểu những nét lí thuyết cơ bản về thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật trên các phương diện : số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần và phép đốỉ (tạm chưa nói về luật bằng trắc và niêm...).

c)  Từ đó tiến hành giải thích thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật ở bài thơ Qua Đèo Ngang trên các phương diện : số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần và phép đối.

2. a) - Trước hết, cần hiểu mục đích của bài tập này là nhằm rèn luyện kĩ năng phân tích các chi tiết, các bộ phận - ở đây là hai câu thơ - trong một bài thơ. Việc làm này là rất cần thiết vì muốn hiểu sâu một tác phẩm phải hiểu sâu từng câu, từng chữ, từng bộ phận của nó, nhất là những chi tiết, những bộ phận, nhĩmg câu chữ có hàm lượng nội dung và nghệ thuật cao.

- Để phân tích có kết quả hai câu thơ cuối của bài thơ Qua Đèo Ngang, cần chú ý những điều thuộc về phương pháp như sau :

   + Một là phải biết được vai trò của hai câu thơ cuối này trong nội dung toàn bài thơ.

   + Hai là phải tìm được nội dung cần phần tích ở hai câu thơ đó.

b)  Từ những điều trên, em phân tích hai câu thơ bằng cách trả lời các câu hỏi. sau :

- Đã là thơ thì có biểu ý và biểu cảm. Nhưng so với sáu câu trên thì hai câu cuối thiên về mặt nào hơn ? Nội dung biểu đạt đó là gì ?

- Trong hai câu thơ cuối có “một mảnh tình riêng”. “Một mảnh tình riêng” này lại được đặt trong tương quan với trời, non, nước. Như thế thì có gì khác nếu nó được đặt giữa một không gian chật hẹp nào khác ?

- Hàm nghĩa của cụm từ “ta với ta” là gì ?

- Đã nói “một mảnh tình riêng” lại còn thêm “ta với ta” thì điều ấy chứng tỏ tâm trạng của tác giả như thế nào ?

c) Cuối cùng, hãy viết một đoạn văn ngắn để tóm tắt những ý chính đã nêu lên trong khi phân tích hai câu thơ.

3. a) Cần hiểu được mục đích của bài tập này là ở chỗ :

- Rèn luyện kĩ năng phân tích, so sánh các hiện tượng văn học (ở đây là hiện tượng ngôn ngữ văn học) theo yêu cầu nâng cao chất lượng của việc học văn.

- Bước đầu có ý niệm về sự phát triển ngôn ngữ thơ ca dân tộc.

b) Để có thể nêu nhận xét về sự khác nhau, trước hết phải tìm ra các phương diện cần so sánh, ở đây là những vấn đề thuộc về trạng thái ngôn ngữ trong thơ, bao gồm hai khía cạnh chính :

- Việc sử dung vốn từ thuần Việt nhiều hay ít.

- Việc sử dụng ngôn ngừ theo phong cách bác học hay bình dân (bác học thì thiên về ước lệ, sách vở, công thức, trừu tượng, dùng điển tích, điển cố, dùng nhiều từ Hán Việt ; bình dân thì dựa vào ngôn ngữ đời thường, khẩu ngừ, ngôn ngữ thuần Việt hoặc có gốc Hán nhưng đã được Việt hoá lâu đời).

Advertisements (Quảng cáo)

c) Từ việc xác lập được các phương diện cần so sánh như trên, em tiến hành việc so sánh, nêu nhận xét về sự khác nhau giữa ngôn ngữ thơ của bài Bạn đến chơi nhà với ngôn ngữ thơ của đoạn trích Sau phút chia li. Với kết quả so sánh đó, có thể phát biểu cảm nhận bước đầu về sự vận động, phát triển của thơ ca tiếng Việt từ bản dịch Chinh phụ ngâm khúc đến bài Bạn đến chơi nhà.

   Cần chú ý thêm một số điều sau :

- Trong khi nói đến sự khác nhau, phải thấy giữa hai đối tượng được so sánh vẫn có điểm giống nhau cơ bản. Đó đều là ngôn ngữ thơ tiếng Việt, dù có màu sắc khác nhau. Ngay trong tác phẩm có ngôn ngữ thiên về bác học, vẫn đã có thành phần ngôn ngữ bình dân, đời thường, khẩu ngữ.

- So sánh để tìm ra những nét khác nhau nhằm thấy được sự vận động của ngôn ngữ thơ ca, chứ không phải để nghĩ rằng ngôn ngữ thơ của bài Bạn đến chơi nhà là có giá trị nghệ thuật cao hơn ngôn ngữ thơ dịch của Chinh phụ ngâm khúc, bởi lẽ mỗi tác phẩm thuộc loại kiệt tác đều có độ kết tinh giá trị của nó, do đó không thể nói cái sau hơn cái trước một cách đơn giản, dễ dãi.

4. a) Cần nhận thức được mục đích của bài tập 4 ; Khi phân tích một bài thơ, phải hiểu rõ, hiểu đúng ý của từng câu ; nhưng như thế chưa đủ, mà còn phải biết vị trí của từng câu thơ trong một bài thơ là gì. Tất nhiên, trong một bài thơ không phải các câu đều có vị trí quan trọng như nhau. Thực tế, có câu quan trọng nhiều, có câu ít quan trọng. Câu cuối cùng ở bài Bạn đến chơi nhà có vai trò rất quan trọng, mà qua sự phân tích sẽ thấy rõ.

b) Để biết vị trí của câu cuối trong bài Bạn đến chơi nhà, em hãy trả lời các câu hỏi sau :

- Tính chất biểu ý, biểu cảm của từng câu một trong bài thơ tám câu này là thế nào ?

- Câu thứ tám đã trực tiếp thể hiện tính chất nào rõ nhất trong hai tính chất đó ?

- Từ kết quả trả lời hai câu hỏi trên, em rút ra kết luận về vị trí của câu cuố cùng trong nội dung bài thơ Bạn đến chơi nhà.

c) Riêng vế hai của bài tập yêu cầu so sánh cụm từ “ta với ta” trong bài Bạn đến chơi nhà với cụm từ “ta với ta” ở bài Qua Đèo Ngang giúp em lưu ý một điều khi học văn : Trong ngôn ngữ văn chương, các từ ngữ có thể giống nhau hoàn toàn nhưng nghĩa của chúng có khi lại không giống nhau do văn mạch khác nhau, văn cảnh khác nhau. Tìm ra sự khác nhau đó là một cách học có kết quả cụ thể, chính xác đối với ngôn ngữ văn chương.

   Với nhận thức trên, em hãy tiến hành so sánh bằng cách trả lời các câu hỏi sau :

- Trong bài thơ Qua Đèo Ngang có hai từ “ta”. Vậy ở đây, “ta” thứ nhất là ai ? “ta” thứ hai là ai ?

- Trong bài thơ Bạn đến chơi nhà cũng có hai từ “ta”. Vậy từ “ta” thứ nhất chỉ ai, “ta” thứ hai chỉ ai ?

- Tìm hiểu hàm nghĩa của hai cụm từ “ta với ta” ở hai bài thơ và nhận xét về sự khác nhau giữa hai hàm nghĩa đó.

5. a) Cần hiểu được mục đích của bài tập này là :

- Tạo thêm một cơ hội để em có thể cảm nhận được sâu sắc hơn về giá trị của một bài thơ sau khi đã được nghe cô giáo (hoặc thầy giáo) giảng.

- Cũng là dịp rèn luyện khá năng diễn đạt một vấn đề văn chương bằng ngôn ngữ trước một số đông người, mà muốn có kết quả, trước hết phải nắm chắc vấn đề mình định nói. Kế đó là phải có năng lực nói ra một cách trôi chảy những gì mình đã hiểu. Đây là những kĩ năng rất cần không chỉ là với việc học văn mà còn là với cuộc sống nói chung.

b) Cách làm :

- Trước hết hãy cố gắng học thuộc lòng bài thơ ở mức thật nhuần nhuyễn.

- Kế đến, xem lại bài giảng của thầy cô để nhớ lại những ý chính và tiếp tục đọc thêm nhiều lần bài thơ để có thêm sức thấm thía về những ý chính, những cái hay của bài thơ.

- Sau đó, viết thành bài nói chuyện về bài thơ, trong đó có : lời mở đầu, các nội dung chính, và kết luận.

   Cần chú ý rằng trong bài nói cần có sự kết hợp giữa lời nói của mình và việc đọc lại lời thơ sao cho nhuần nhuyễn, hài hoà để hấp dẫn người nghe.

- Sau khi đã có bài chuẩn bị, em cần tập nói một mình trước gương. Càng tập nhiều lần, càng tốt. Sau mỗi lần cần tự nhận xét nên bớt điều gì, nên thêm điều gì, chỗ nào thấy chưa ổn thì sửa lại. Ngoài việc tự tập nói trước gương, em có thể nhờ bố mẹ hoặc anh chị làm thính giả để mình tập nói.

- Cuối cùng, sau khi đã tham gia buổi sinh hoạt của lớp, em cần suy nghĩ thêm về lời đánh giá của Ban giám khảo và tự xét xem : nếu làm lại thì sẽ bổ sung, sửa chữa điều gì cho tốt hơn.

   Ghi chú : Đây là một hình thức học tập rất có ý nghĩa. Nếu em làm được một lần mà thành công thì sẽ thích làm tiếp, và cuối cùng, thế nào em cũng giỏi.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Ngữ văn lớp 7 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây: