Bài tập
1. Dựa theo diễn biến mạch cảm xúc trong bài thơ, hãy lập một dàn ý của bài.
2. Câu thơ “Tiếng gà trưa” được nhắc lại nhiều lần trong bài thơ. Hãy nêu vị trí và tìm hiểu ý nghĩa của câu thơ ấy trong bài. Những kỉ niệm nào của tuổi thơ được gợi lại qua tiếng gà trưa ?
3. Phân tích hình ảnh người bà và tình bà cháu được thể hiện trong bài thơ.
4. Em hiểu như thế nào về khổ thơ cuối của bài : “Cháu chiến đấu hôm nay... Ổ trứng hồng tuổi thơ” ?
5. Bài thơ làm theo thể 5 tiếng (chữ), nhưng có những chỗ biến đổi khá linh hoạt. Em có nhận xét gì về cách gieo vần, về số câu (dòng) thơ trong mỗi khổ ?
Gợi ý làm bài
1. Dựa theo mạch cảm xúc trong bài thơ, có thể lập một dàn ý như sau :
- Trên đường hành quân, người chiến sĩ chợt nghe tiếng gà nhảy ổ, gợi về những kỉ niệm tuổi thơ (phần Mở bài).
- Những kỉ niệm về tuổi thơ và bà gắn với tiếng gà trưa (phần Thân bài) :
+ Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và kỉ niệm về tuổi thơ.
+ Hình ảnh người bà với tình yêu thương, sự chắt chiu chăm lo cho cháu.
Advertisements (Quảng cáo)
+ Mong ước nhỏ bé của tuổi thơ được bộ quần áo mới để đón năm mới, dành dụm từ tiền bán đàn gà con.
- Tiếng gà trưa đi vào cuộc chiến đấu cùng với người chiến sĩ, khắc sâu thêm tình cảm quê hương, đất nước (phần Kết bài).
2. a) Trong bài thơ, câu thơ “Tiếng gà trưa” được nhắc lại bốn lần, không kể ở đầu đề bài thơ và ở hai khổ đầu và cuối có miêu tả tiếng gà. Câu thơ này chỉ có ba tiếng trong cả bài thơ làm theo thể năm tiếng và ba tiếng ấy đều được đặt ở dòng mở đầu các khổ thơ. Mỗi lần nhắc lại, câu thơ này lại gợi ra một hình ảnh trong kỉ niệm thời tuổi thơ, như một sợi dây liên kết các hình ảnh ấy, lại vừa như điểm nhịp cho dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình.
b) Đọc lại bài thơ và nêu ra lần lượt những hình ảnh, kỉ niệm được gợi ra sau mỗi lần nhắc lại câu thơ “Tiếng gà trưa”.
3. Hình ảnh người bà hiện lên qua kỉ niệm và tình cảm của đứa cháu, với những nét nổi bật :
- Tần tảo, chắt chiu trong cảnh nghèo (chú ý các chi tiết, hình ảnh : “Tay bà khum soi trứng, Dành từng quả chắt chiu”, “Bà lo đàn gà toi, Mong trời đừng sương muối”).
- Dành trọn vẹn tình yêu thương chăm lo cho cháu : dành dụm, chi chút để cuối năm bán gà, may cho cháu quần áo mới.
- Bảo ban, nhắc nhở cháu, ngay cả khi có trách mắng thì cũng là vì tình yêu thương cháu.
Qua những kỉ niệm về bà, tác giả đã biểu hiện tình bà cháu thật sâu nặng, thắm thiết. Bà chắt chiu, chăm lo cho cháu ; cháu yêu thương, kính trọng và biết ơn bà.
4. Khổ thơ cuối đã khái quát một quy luật của tình cảm : Những kỉ niệm dù nhỏ bé nhất về tuổi thơ, về những người thân đã góp phần làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước. Cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do của đất nước cũng là cuộc chiến đấu để gìn giữ những giá trị và tình cảm tốt đẹp, bình dị của con người.
5. Thơ 5 chữ có nguồn gốc từ thể ngũ ngôn trong thơ cổ và thể hát dặm Nghệ Tĩnh. Mỗi khổ có 4 câu (dòng), cũng có thể nhiều hoặc ít hơn 4 câu. Gieo vần liền ở cuối câu 2 và 3, hoặc theo vần cách (câu 1 với 3, 2 với 4). Có thể nối vần ở câu cuối khổ trước sang câu đầu khổ sau, nhưng phần nhiều giữa các khổ không cần nối vần.
Dựa vào những hiểu biết sơ lược về thể thơ 5 chữ nêu trên, đối chiếu với bài Tiếng gà trưa để chỉ ra đặc điểm về thể thơ của bài thơ này.