Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của nhà văn Nguyễn Thành Long, trước hết, ta đã thấy được một khung cảnh thiên nhiên vô cùng tuyệt đẹp. Nhưng không chỉ như vậy, bài văn còn cho ta thấy cuộc sống của những con người lao động mới, họ cống hiến sức lực, trí tuệ cho đất nước. Điều mà em thích nhất trong truyện ngắn này chính là những con người trong cuộc sống mới: anh thanh niên, ông hoạ sĩ già, có kĩ sư trẻ tuổi và bác lái xe.
Trong cuộc sống mới ngày nay, đã có những con người sẵn sàng từ bỏ cuộc sống sung sướng, dễ chịu để đi làm những công việc khó khăn ở những nơi hiểm trở, giúp ích cho đất nước. Anh thanh niên chính là một con người như vậy. Có thể nói, anh thanh niên là một con người tiêu biểu cho cuộc sống mới. Anh phải làm việc một mình trên đỉnh núi rất cao nhưng anh vẫn hoàn thành tốt công việc. Anh luôn luôn vui vẻ, hoà đồng, cười rạng rỡ, đối lập với sự lạnh lẽo, hoang vu trên đỉnh núi Yên Sơn, nơi anh đang sống. Anh coi tất cả mọi người đi qua cuộc đời mình là bạn bè, là người thân thiết. Anh rất khiêm tốn và chân thành. Anh ít khi nói về mình và thường nói về công việc đang làm. Anh cảm thấy rằng mình không có gì đáng nói. Anh thanh niên là một con người có lòng yêu nghề. Anh không bao giờ cho mình là cô độc. Anh yêu nghề đến mức coi nghề nghiệp là một lẽ sống. Dù công việc có gian khổ như thế nào thì anh cũng cố gắng hoàn tất. Với anh, sống là cống hiến, là hi sinh cho đất nước. Có một con người nữa cũng giống như anh, đó chính là cô kĩ sư. Cô là một thanh niên trí thức mới ra trường nhưng lại sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cho Tổ quốc. Còn ông hoạ sĩ già, ông là một người lao động lão thành. Với ông, sống là sáng tạo cái đẹp cho cuộc đời, cả cuộc đời ông đi tìm kiếm cái đẹp. Bác lái xe là người lao động nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ. Bác là người bạn tuyệt vời của những người bạn, cho dù là họ ở rất xa nhau. Đây chính là những con người mới, những con người ngày đêm làm đẹp thêm cho cuộc sống.
Advertisements (Quảng cáo)
Họ lặng lẽ cống hiến cho đời không quản khó khăn nặng nhọc. Anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi cao, lặng lẽ làm việc, giúp ích cho đất nước nhà không cần ai biết đến công lao của mình. Cô kĩ sư thì sẵn sàng đi xa, đến vùng núi cao để học tập thêm. Ông hoạ sĩ già thì dùng cả cuộc đời mình để sáng tác cho nghệ thuật. Bác lái xe với tấm lòng hào hiệp, phóng khoáng, luôn tìm cách giúp đỡ mọi người. Những con người ấy đã cống hiến rất nhiều cho đất nước.