Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn lớp 10 (sách cũ) Đọc hiểu Đẻ đất đẻ nước, Gợi dẫn 1. Thể loại Đẻ...

Đọc hiểu Đẻ đất đẻ nước, Gợi dẫn 1. Thể loại Đẻ đất đẻ nước là thiên sử thi thần thoại của người Mường – một dân tộc thiểu số hiện cư trú chủ yếu ở tỉnh...

- Đọc hiểu Đẻ đất đẻ nước. Gợi dẫn 1. Thể loại Đẻ đất đẻ nước là thiên sử thi thần thoại của người Mường – một dân tộc thiểu số hiện cư trú chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá. Tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú và sinh động của người Mường xưa
Gợi dẫn 1. Thể loại Đẻ đất đẻ nước là thiên sử thi thần thoại của người Mường – một dân tộc thiểu số hiện cư trú chủ yếu ở tỉnh Hoà Bình và Thanh Hoá. Tác phẩm thể hiện trí tưởng tượng vô cùng phong phú và sinh động của người Mường xưa

Đẻ đất đẻ nước kể lại những sự việc ở trần gian từ khi khai thiên lập địa, khi vũ trụ còn là một khối hỗn mang, đến khi bản mường được ổn định. Người Mường đã giải thích thế giới theo tư duy thần thoại, tư duy hồn nhiên của con người ở thời bình minh của lịch sử loài người. Đẻ đất đẻ nước là sự hệ thống hoá các thần thoại và truyền thuyết của dân tộc Mường, vì thế tầm vóc của nó rất đồ sộ. Tác phẩm là niềm tự hào của người Mường, và pho sử thi thần thoại này vẫn được các thầy cúng đọc trong các nghi lễ cúng người chết.

2. Tác phẩm

Theo các nhà nghiên cứu, hiện có hơn 10 dị bản của thiên sử thi này. Bản do Vương Anh và Hoàng Anh Nhân sưu tầm – biên dịch ở Thanh Hoá (NXB Khoa học xã hội, 1986) dài hơn 8000 câu, gồm 28 khúc :Mở đầu ; Đẻ đất ; Đẻ nước ; Cây si ; Đẻ Mường ; Đẻ người ; Chia năm chia tháng ; Dịt Dàng ; Lang Tá Cài ;Lang Cun Cần ; Làm nhà Lang Cun Cần ; Tìm lửa tìm nước ; Tìm cơm tìm lúa ; Tìm rượu ; Tìm lợn tìm gà ;Tìm trâu ; Lang Cun Cần lấy vợ ; Lấy vợ khác cho Lang Cun Cần ; Lang Cun Cần chia đất ; Tìm chu ; Chặt chu ; Làm nhà chu ; Đốt nhà chu ; Săn moong lồ ; Săn cá điên, săn quạ điên ; Giặc ma ruộng ; Giặc ma may, giặc ma lang ; Đưa vua.

Đoạn trích thuộc chương Mở đầu của tác phẩm. Tác giả dân gian đã tưởng tượng về sự bắt đầu của trời đất cũng giống như các dân tộc khác, đó là cho thế giới lúc đầu là một khối hỗn mang chưa có sự sống. Cách hiểu này cũng rất gần với những phát hiện của khoa học ngày nay, nhưng tác giả dân gian lại kể về sự bắt đầu ấy một cách đầy huyền bí và thiêng liêng, thể hiện kết quả của lối tư duy ngây thơ nhưng lôgic của người xưa.

3. Tóm tắt

Đoạn trích kể lại thời hỗn mang “chưa có ngôi sao đỏ đỏ,… chưa có ngọn cỏ xanh xanh,… chưa có nước sông Quanh, mó Vận,… chưa có sông Sàng, mó Lí”. Trên trời, dưới đất đều trống không, xơ xác. Cỏ cây, hoa lá, các hiện tượng thiên nhiên, các loài muông thú đều muốn dậy, muốn sinh nhưng chưa được… Con người cũng chưa có. Thứ gì cũng “chưa có”, “chưa nên”.

4. Cách đọc và kể

Đọc bằng giọng kể, tha thiết. Chú ý hình thức diễn đạt và kết cấu đặc biệt lặp đi lặp lại của một số cụm từ : chưa có, còn nên, muốn dậy nhưng chưa có,…

II - Kiến thức cơ bản

Đẻ đất đẻ nước là bộ sử thi thần thoại lớn, nơi hội tụ hệ thống những câu chuyện thần thoại về sự hình thành trời đất của người Mường. Tác phẩm kết tụ đặc điểm của hai thể loại văn học dân gian : thần thoại và sử thi dân gian. Thần thoại là thể loại tự sự bằng văn xuôi, kể lại sự tích các vị thần sáng tạo thế giới tự nhiên và văn hoá, phản ánh nhận thức và cách hình dung của người thời cổ về thế giới và đời sống con người. Còn sử thi dân gian là thể loại tự sự bằng văn vần, kể lại những sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng. Sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước là tác phẩm tự sự bằng văn vần kể về sự hình thành của thế giới, từ khi trái đất chưa có sự sống đến lúc bản mường ổn định, tác phẩm đã phản ánh nhận thức và cách hình dung của người Mường thời cổ về nguồn gốc của thế giới và quá trình hình thành, phát triển và mở rộng bản mường.

Về thời điểm bắt đầu của trời đất, người Mường kể :

Ngày xưa sinh đời trước

Dưới đất chưa có đất

Trên trời chưa có trời

Trên trời chưa có ngôi sao đỏ đỏ

Dưới đất chưa có ngọn cỏ xanh xanh

Tất cả đều “chưa có”, những từ chưa có và chưa nên được lặp lại nhiều lần trong đoạn trích là một thủ pháp nghệ thuật. Vũ trụ là một khối hỗn mang, trời đất chưa tách riêng ra. Người kể đứng ở thời điểm mọi thứ đã có đầy đủ rồi tưởng tượng để nói về thời chưa có gì. Cách kể về những cái chưa có không phải sắp xếp ngẫu nhiên mà theo một hệ thống rất lôgíc, chứng tỏ trình độ tư duy của người kể.

        Chưa có trời – chưa có ngôi sao đỏ đỏ

        Chưa có đất – chưa có ngọn cỏ xanh xanh.

        Chưa có sông núi, đất nước

        Chưa có đường đi và những ngọn đồi.

Vũ trụ là một khối mịt mùng, chưa có gì định hình rõ rệt, điều đó còn được thể hiện ở những từ ngữ nhưpạc lạcpời lờipuổng luổngtịn vịn. Chưa có không gian sinh tồn và phát triển của sự sống, vì thế sự sống hoàn toàn thiếu vắng.

Những thứ “chưa có” không hoàn toàn có nghĩa là chưa xuất hiện mà còn có nghĩa là chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ.

Chưa có đủ thành phần để hình thành, chưa đầy đủ thành phần nên chưa xuất hiện, đó là :

Móc muốn dậy nhưng chưa có lóng

….

Dây sắn muốn dậy néo vò

Nhưng chưa nên néo vò

Ba ba muốn dậy chưa có ngực có hông

Moong tường, moong ống muốn dậy chưa có sừng có ngà

Trống gà, trống công, trống khôn muốn dậy nhưng chưa có mào

… Cá chuối, cá gáy muốn dậy nhưng chưa có mang có vây

Con nhà, con người muốn dậy chưa có mặt mũi…

Những thứ “chưa nên” ấy là những bộ phận còn thiếu của sự vật và đều là những bộ phận quan trọng.

Có trường hợp “muốn dậy” nhưng lại chưa đủ điều kiện :

Dây sọ muốn dậy leo đất leo nước

Nhưng chưa nên leo đất leo nước

Kim muốn dậy nhưng chưa có thép

Hàng cày muốn dậy nhưng chưa có tay

Advertisements (Quảng cáo)

Khỉ muốn dậy nhưng chưa có đồi út đồi U…

Và còn có rất nhiều thứ chưa thể xuất hiện – chưa có bởi chưa đủ hệ thống. Mọi vật sinh ra trên thế giới này đều có đôi lứa, đều thuộc một hệ thống nào đó, có trâu phải có bò, có chim nhò phải có chim nhiện, có người tài phải có người vụng. Thế giới tồn tại và phát triển nhờ có sự cân bằng âm dương, vì thế khi chưa có đủ hệ thống thì sự vật chưa thể xuất hiện :

Cờ hẹp muốn dậy nhưng chưa có cờ tướng

Mọi thứ đều “muốn dậy” nhưng chưa đủ thành phần, chưa đủ điều kiện, hệ thống để nó ra đời. Dường như sự sống đã ẩn chứa những tiềm năng rất lớn khi vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vì thế mà khi có không gian sinh tồn (trời, đất, sông, núi) và những điều kiện tồn tại là mọi vật xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Quan niệm nói trên chứng tỏ tác giả sử thi hình dung sự hình thành thế giới không đơn giản bởi tư duy thần thoại, mà đã giải thích nó một cách có cơ sở khoa học : mọi thứ sinh ra trên thế giới đều có nguyên do và lợi ích của nó.

Đây là một lối diễn đạt thể hiện rõ nét ngây thơ trong tư duy giải thích của người xưa, đồng thời thể hiện quan điểm của người Mường về sự hình thành, tồn tại và phát triển của tự nhiên và xã hội : mọi thứ đều phải nằm trong một hệ thống nào đó, bất kì một sự vật hiện tượng nào sinh ra trên trái đất này đều có lí do, đều cần những điều kiện nhất định. Quan niệm này có cơ sở triết học duy vật, tuy nhiên nó lại được thể hiện dưới hình thức của tư duy thần thoại. Điều này đã thể hiện được cả hai vẻ đẹp, vẻ đẹp trí tuệ và vẻ đẹp tâm hồn của người xưa.

III - liên hệ

1. Đọc đoạn mở đầu, trước đoạn trích trong sách giáo khoa :

Nói một chuyện đời xưa

Trên đồi, ta truyền lại cho con bướm bạc

Dưới nước, ta truyền lại cho con chạng kha(1)

Trên trời ta truyền lại cho sông Ngân hà

Trong cửa, trong nhà

Người già truyền cho con cháu

Muốn có lụa để may quần may áo

Muốn có vải trắng bông gạo để nhuộm phẩm tím phẩm xanh

Muốn dệt gấm ở sân rộng

Muốn trải vải trắng áng cao([1])

Con nhà con người

Ngày mai phải lên đồi trồng bông cho sớm

Muốn ăn thịt nai nướng, thịt nai khô

Muốn ăn cá kho, cá gắp

Con người con nhà

Ngày mai phải đi sông thả lưới

Đi suối đơm đó, đơm rắc, làm chặng, làm uông([2])

Con trai đi rừng có bạn súng

Con gái giã gạo có bạn thúng, bạn nong

Muốn biết chuyện người Mường ngày xửa ngày xưa

Thì trông ra mà nghe kể lại

Người già con nít nghe chuyện quên đói

Con trai con gái nghe chuyện bỏ cả áng xim([3])

ở mường xa chìm xa nổi

Nghe một chuyện nên rõ rõ

Tỏ một chuyện nên lớn lớn

Nghe hết ngọn hết ngành

No buổi, no ngày cho lòng đỡ nhớ.

 (Phan Ngọc, Tuyển tập truyện thơ Mường, NXB Khoa học xã hội, 1986)

2. Đẻ đất đẻ nước có đủ bốn yếu tố bắt buộc của một sử thi :

- Thứ nhất, đó là một tác phẩm tự sự. Nó kể lại sự ra đời của trời, đất, nước, mường, dân tộc Mường.

- Thứ hai, đó là một tác phẩm mang tính lịch sử, bởi vì đây là một thí nghiệm giải thích bằng lịch sử không những sự hình thành của tộc người Mường, mà cả những thành tựu của văn hoá : làm nhà, kiếm lửa, trồng lúa, sự phân chia trong nội bộ tộc người Mường, quá trình lao động sản xuất.

- Thứ ba, đó là một tác phẩm mang tính nhân dân sâu đậm, bởi vì nó phổ biến khắp mọi nơi người Mường sinh sống. Nó trở thành một yếu tố thuần khiết của đời sống, đến mức độ nó trở thành những khúc hát đưa linh hồn người Mường trở về cội nguồn, với tổ tiên.

- Thứ tư, đó là một tác phẩm kì vĩ, vì từ đầu đến cuối nó nói lên mối quan hệ qua lại giữa thế giới trần gian với thế giới thần linh.

Tuỳ theo cách quan niệm mối liên hệ giữa con người với thần linh người ta chia ra hai loại sử thi, là loại sử thi dân gian và loại sử thi bác học. Sự phân biệt này là rất quan trọng để đánh giá cho đúng ý nghĩa lịch sử của Đẻ đất đẻ nước.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)