Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn lớp 10 (sách cũ) Đọc hiểu Nỗi oán của người phòng khuê, I – Gợi dẫn...

Đọc hiểu Nỗi oán của người phòng khuê, I - Gợi dẫn 1. Tác giả Vương Xương Linh (698 ? – 757), nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, tự Thiếu Bá, người Kinh Triệu – Tràng...

- Đọc hiểu Nỗi oán của người phòng khuê. I - Gợi dẫn 1. Tác giả Vương Xương Linh (698 ? – 757), nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, tự Thiếu Bá, người Kinh Triệu – Tràng An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Năm 727, đỗ Tiến sĩ rồi lần lượt làm một số chức quan nhỏ, nhiều lần bị cách chức
I - Gợi dẫn 1. Tác giả Vương Xương Linh (698 ? – 757), nhà thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường, tự Thiếu Bá, người Kinh Triệu – Tràng An (nay là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc). Năm 727, đỗ Tiến sĩ rồi lần lượt làm một số chức quan nhỏ, nhiều lần bị cách chức

Sự biến An Lộc Sơn bùng nổ, ông trở về quê. Sau ông bị Thứ sử Hào Châu là Lư Khâu Hiểu giết chết. Ông để lại cho đời 186 bài thơ và một số tập văn, trong đó có một số bài bàn về quy cách làm thơ.

2. Tác phẩm

Khuê oán là tác phẩm thuộc mảng đề tài về chiến tranh và phụ nữ – đó là đề tài rất thành công của Vương Xương Linh. Bài thơ thể hiện diễn biến tâm trạng của một người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến để lập công danh, chức tước. Người thiếu phụ vô tư, yêu đời chợt nhận ra cảnh ngộ cô đơn của mình khi ngắm sắc xuân của cành dương liễu và hối hận. Và đương nhiên, qua tâm trạng của người thiếu phụ, nhà thơ thể hiện quá trình chuyển biến tư tưởng và sự thay đổi trong nhận thức của mình.

3. Cách đọc

Đọc cả phần phiên âm, chú thích, dịch nghĩa và dịch thơ. Tập so sánh giữa chú thích, bản dịch nghĩa và bản dịch thơ để thấy sự chuyển hoá từ nghĩa từ điển sang nghĩa văn cảnh của một số từ.

Phần phiên âm đọc nhịp 2/5, 4/3, 4/3, 2/5. Bản dịch thơ thứ nhất đọc theo cách gieo vần của thơ lục bát, ngắt nhịp theo các dấu câu. Bản dịch thứ hai ngắt nhịp 4/3, 4/3, 2/5, 4/3.

II - Kiến thức cơ bản

Cuộc đời mỗi con người là quá trình kiếm tìm những chân lí. Nhưng không phải ai cũng tìm ra hoặc hiểu được một chân lí nào đó của cuộc sống khi nhìn lại chặng đường đời không mấy ngắn ngủi mà mình đã trải qua. Có những người lại có khả năng bừng ngộ những chân lí trước một tình huống nào đó của cuộc sống hoặc sau những trải nghiệm của chính cuộc đời mình. Chân lí cuộc sống lại thường được thể hiện dưới những hình thức rất hàm súc và cô đọng. Khuê oán của Vương Xương Linh phản ánh một quá trình bừng ngộ chân lí của người thiếu phụ. Đó là chân lí về hạnh phúc, mối quan hệ giữa hạnh phúc và sự nghiệp. Đằng sau câu chuyện về sự bừng ngộ nhận thức ấy là thái độ và quan điểm của nhà thơ về chiến tranh phong kiến.

Vương Xương Linh là bậc thầy về thể thơ thất ngôn tuyệt cú Đường luật, thể thơ thể hiện nét tiêu biểu nhất trong vẻ đẹp Đường thi : tính hàm súc. Với hai mươi tám chữ, nhà thơ đã thể hiện được cả một quá trình chuyển biến tư tưởng của người thiếu phụ, qua đó thể hiện quá trình nhận thức của chính mình.

Trong thời kì phong kiến, chiến tranh gây ra những cảnh li tán, lầm than cho nhân dân. Chúng ta đã gặp những cảnh tượng thương tâm trong chùm thơ Tam biệt của Đỗ Phủ. Nỗi đau chiến tranh cũng đã khắc sâu trong tâm hồn dân tộc Việt với câu ca dao :

Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Nàng về nuôi cái cùng con,

Để anh đi trảy nước non Cao Bằng.

Vẫn với chủ đề chống chiến tranh nhưng với tố chất của một thi sĩ đời Đường, Vương Xương Linh có một cách thể hiện riêng, rất Đường thi, sang trọng, nhẹ nhàng, tinh tế và rất sâu sắc. Tác giả không đi sâu khai thác những biểu hiện của nỗi oán mà chú ý đến sự chuyển biến tư tưởng.

Bài thơ có bốn câu, chia làm hai phần. Đúng luật Đường thi, câu thứ ba là câu bản lề của sự chuyển đổi tâm trạng và hé mở nội dung tư tưởng của bài thơ.

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,

Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu.

(Thiếu phụ phòng khuê chẳng biết sầu,

Ngày xuân chải chuốt, bước lên lầu.)

Con người và cảnh vật đều thật tươi mới và tràn đầy sức sống. Thiếu phụ vô tư, không vương nỗi buồn sầu, không cô đơn não nề như người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn :

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong,

Nhớ chàng đằng đẵng đường lên bằng trời

Thiếu phụ say sưa, vui vẻ trong cảnh ngày xuân tươi đẹp, nàng trang điểm và “thướng thuý lâu”, bước lên ngôi lầu sơn màu xanh biếc mà ngắm cảnh. Bức tranh ngày xuân thật viên mãn và tươi đẹp như tuổi xuân đang độ rực rỡ của người thiếu phụ. Gương mặt trang điểm lộng lẫy hoà trong sắc màu xanh biếc của cỏ cây, cảnh vật tạo nên một bức tranh xuân không vương chút âu sầu. Hình ảnh ấy đối lập hoàn toàn với nhan đề Khuê oán. Đó là sự độc đáo của tứ thơ. Mở đầu như thế rồi tạo một sự chuyển đổi đột ngột ở câu thứ ba :

Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,

Hối giao phu tế mịch phong hầu.

(Đầu đường chợt thấy màu dương liễu,

Hối để chàng đi kiếm tước hầu.)

Sự chuyển biến tâm lí của thiếu phụ được thể hiện một cách rất tự nhiên. Khi ngắm cảnh ngày xuân, mọi người vẫn thường ngắm mai ngắm liễu. Trong văn học truyền thống của Trung Quốc, mai và liễu là biểu tượng của mùa xuân, sắc xuân và tuổi xuân. Mai liễu còn là hình ảnh thường được dùng để chỉ người con gái đẹp đang ở tuổi xuân ngời. Và liễu còn mang ý nghĩa tượng trưng chỉ sự li biệt. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ánh mắt của người thiếu phụ lại đột nhiên dừng ở cây dương liễu. Các nhà thơ Đường vốn rất quan tâm đến việc lựa chọn những từ ngữ, những hình ảnh có khả năng biểu hiện nhiều nhất, điều đó đã tạo nên tính chất hàm súc, đa nghĩa cho Đường thi. Một “sắc xuân của nhành dương liễu” mà nói được bao điều : là hình ảnh người thiếu phụ đẹp đang tuổi xuân ngời, là mùa xuân – mùa của hạnh phúc, tình yêu, của tình phu thê quấn quýt. Nhưng dương liễu còn gợi nỗi niềm li biệt. Vì thế, khi “chợt nhìn sắc liễu”, tâm trạng của người thiếu phụ hoàn toàn thay đổi. Lúc đầu, cảnh sắc ngày xuân tươi đẹp đã cộng hưởng tâm hồn đang tràn đầy sức sống của nàng mà khiến cho nàng “bất tri sầu”. Thế nhưng ngược lại, nhìn cây dương liễu đang khoe sắc khiến nàng chợt nhận ra cảnh ngộ thực của mình. Cây dương liễu gợi nhớ giây phút chia tay, gợi những suy nghĩ về tuổi xuân đang tràn trề sức sống và sẽ qua đi, gợi đến cảnh cô đơn. Nếu hai câu đầu là hình ảnh một thiếu phụ trong sáng, hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống đủ đầy, thanh lịch, thì ở câu thơ thứ tư là một thiếu phụ đầy tâm trạng. Một con người với hai trạng thái tâm lí khác nhau xuất hiện trong bốn câu thất ngôn, đó là cái độc đáo của thơ Đường. Từ “hốt kiến” chuyển sang “hối giao” một cách hợp lí. Một từ “hối giao” (Tản Đà dịch là “nghĩ dại”, Trần Trọng San dịch là “tiếc”) nói lên bao nhiêu tâm tư, bao nhiêu trăn trở của người thiếu phụ có chồng đang mải mê đi kiếm tước hầu. Hai cách dịch của hai dịch giả thể hiện hai suy nghĩ trong tâm tư của người thiếu phụ. “Tiếc” đã khuyên chồng đi tòng quân mong lập công danh để tuổi xuân trôi đi trong cô đơn. “Nghĩ dại” lại gợi đến suy nghĩ bi quan, hốt hoảng của người thiếu phụ về số phận chông chênh của người chồng nơi chiến trận xa xôi. ở nơi chiến trường xa xôi đầy nguy hiểm ấy, cơ hội lập được công danh thì ít mà hiểm nguy đến tính mạng thì nhiều. Tâm trạng bộn bề, nỗi lòng đau đớn của người thiếu phụ có chồng đi chinh chiến nơi xa mà Đặng Trần Côn diễn tả trong Chinh phụ ngâm đã được Vương Xương Linh dồn cả vào hai từ “hối giao”. Vì thế câu thơ mang sức nặng tư tưởng của cả bài thơ, thể hiện một chủ đề lớn và gợi ra bao nhiêu suy ngẫm.

Vương Xương Linh viết bài thơ này trước cuộc binh biến An Lộc Sơn, khi nhà Đường còn đang hùng mạnh và tiến hành những cuộc chiến tranh để mở rộng biên cương. Việc này đã khiến rất nhiều người bất bình, Đỗ Phủ đã từng băn khoăn :

Biên đình lưu huyết thành hải thuỷ,

Vũ hoàng khai biên ý vị dĩ !

(Ngoài biên cương máu đã chảy thành biển mà ý định mở rộng biên cương của nhà vua vẫn chưa nguôi !)

(Binh xa hành)

Advertisements (Quảng cáo)

Trong hoàn cảnh ấy, giá trị nổi bật của bài thơ là tiếng nói chống chiến tranh. Giá trị nhân văn của thi phẩm thể hiện ở sự trân trọng khát vọng hạnh phúc chính đáng của người thiếu phụ, ở tiếng nói lên án chiến tranh phi nghĩa đã cướp đi của con người không chỉ tuổi xuân, hạnh phúc mà còn là cả cuộc đời. Với việc thể hiện sự chuyển biến tâm lí của người thiếu phụ, nhà thơ đã thể hiện quá trình chuyển biến nhận thức của chính mình : từ con người có tinh thần chủ chiến, khao khát lập công danh bằng đao kiếm trên lưng ngựa đến con người có tư tưởng phản chiến khi nhận ra được sự tàn khốc của chiến tranh.

III - liên hệ

Đọc thêm bài Tân hôn biệt (Cuộc li biệt của cặp vợ chồng mới cưới) của nhà thơ Đỗ Phủ :

Tơ hồng leo phải cây đay

Quanh co quấn quýt cho dây khó dài

Gả con cho mấy cậu cai

Chẳng thà bỏ quách ở nơi vệ đường

Rẽ ngôi, em bén duyên chàng

Chiếu em chưa ấm cái giường nhà trai

Cưới chiều hôm vắng sớm mai

Duyên đâu lật đật cho người xót xa !

Chàng đi dù chẳng bao xa

Hà Dương đất ấy cũng là đáng lo

Thân em mới mẻ thẹn thò

Chào cha gửi mẹ sao cho nên điều ?

Nhớ xưa bác mẹ nuông chiều

Ngày đêm những bắt nâng niu giữ giàng

Đến khi về tới nhà chàng

Con gà con chó cũng mang theo cùng

Chàng nay đến chốn hãi hùng

Nghĩ thôi em cũng quặn lòng đau thương

Cũng toan quyết chí theo chàng

Chút e tình thế vội vàng chưa yên

Thôi, chàng gác mối tình duyên

Việc binh đã gánh thì nên chuyên cần !

Đàn bà ở đám ba quân

Sợ rằng gươm giáo kém phần xông pha

Xót em thanh bạch con nhà

Có may được tấm quần là từ lâu

Quần là còn mặc đi đâu ?

Đối chàng, xin rửa hết màu phấn son

Ngửa trông chim chóc bao con

Con to con nhỏ cũng còn bay đôi.

Dở dang ngán cái kiếp người,

Cùng chàng, thôi sẽ suốt đời nhớ mong.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn Ngữ văn lớp 10 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)