Trang chủ Lớp 10 Ngữ văn lớp 10 Đọc hiểu Thơ Hai cư, – Gợi dẫn 1. Thể loại Thơ...

Đọc hiểu Thơ Hai cư, – Gợi dẫn 1. Thể loại Thơ hai-cư là một trong những niềm tự hào của nền văn hoá Nhật Bản. Kết tinh những tinh...

– Đọc hiểu Thơ Hai cư. Gợi dẫn 1. Thể loại Thơ hai-cư là một trong những niềm tự hào của nền văn hoá Nhật Bản. Kết tinh những tinh hoa của văn hoá, văn học phương Đông và tinh thần Thiền tông, thơ hai-cư có một vẻ riêng rất độc đáo, đó là tính hàm súc và chiều sâu tư tưởng nhân sinh
– Gợi dẫn 1. Thể loại Thơ hai-cư là một trong những niềm tự hào của nền văn hoá Nhật Bản. Kết tinh những tinh hoa của văn hoá, văn học phương Đông và tinh thần Thiền tông, thơ hai-cư có một vẻ riêng rất độc đáo, đó là tính hàm súc và chiều sâu tư tưởng nhân sinh

Advertisements (Quảng cáo)

Thơ hai-cư thanh thoát, sâu sắc và tinh tế. Thơ hai-cư thường ngắn (khoảng 17 âm tiết), mỗi bài có một tứ thơ nhất định, ghi lại một phong cảnh với vài sự vật cụ thể, trong một thời điểm nhất định, để từ đó khơi gợi lên một xúc cảm hay suy tư sâu sắc nào đó.

2. Tác giả

Ma-su-ô Ba-sô (1644 – 1694) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản, người đã đưa thơ hai-cư lên trình độ tinh luyện về nghệ thuật và sâu sắc về giá trị nhân sinh. Ba-sô sinh ra ở I-ga trong một gia đình võ sĩ cấp thấp. Ông từng đi nhiều nơi trên khắp nước Nhật để học tập và để sáng tác. Tác phẩm của Ba-sô thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với con người. Tác phẩm tiêu biểu : Ngày đông (1684),Đoản văn trong đãy (1688), Nẻo đường Đông Bắc (1689), áo tơi cho khỉ (1691), Bao đựng than (1694),…

Yô-sa Bu-son (1716 – 1783) sinh ra ở miền Ô-sa-ca, Nhật Bản, trong một gia đình giàu có. Ông để lại khoảng ba nghìn bài thơ. Bu-son là nhà thơ và hoạ sĩ nổi tiếng Nhật Bản, một trong những môn đồ phát huy phong cách thơ hai-cư của Ba-sô. Thơ hai-cư của Bu-son giàu màu sắc, âm thanh ; ý hàm súc, ngắn gọn, trữ tình.

3. Tác phẩm

Chùm thơ thứ nhất (Ngữ văn 10) gồm tám bài, chùm thơ thứ hai gồm sáu bài (Ngữ văn 10 nâng cao) thể hiện những trạng thái tình cảm khác nhau của nhà thơ, trong đó nổi bật là tình yêu thương đối với con người, tình yêu đối với quê hương đất nước.

4. Cách đọc

Do đặc điểm thơ hai-cư hàm súc, kiệm lời, lại chỉ gồm ba dòng, nên khi đọc cần đọc chậm, ngắt giọng và chuyển mạch cảm xúc sau mỗi dòng thơ.

II  Kiến thức cơ bản

A. Chùm thơ thứ nhất

Những nét vẽ trong trẻo bởi ngôn từ hàm súc ghi lại những biến động tinh tế của vạn vật và những rung động thiêng liêng của tâm hồn nghệ sĩ đã tạo nên những bài thơ hai-cư xinh xắn, duyên dáng và sâu sắc. Đằng sau những bức tranh thuỷ mặc với những nét chấm phá, những hình ảnh rất đỗi bình dị của cuộc sống đời thường là những tư tưởng nhân sinh sâu sắc.

Nếu người phương Tây ưa hành động, thích hướng ngoại thì người phương Đông lại thích lắng mình trong những suy tư. Triết học phương Tây thiên về lí giải xã hội, tự nhiên bằng tư duy, người phương Đông khi lí giải xã hội lại thiên về đời sống tâm linh. Cái thâm trầm kín đáo của người phương Đông cùng với tư tưởng “thiên nhân hợp nhất”, “vạn vật hữu linh” đã thể hiện rất rõ trong thơ hai-cư. Mỗi bài thơ hai-cư là kết quả của những giây phút thăng hoa của tâm hồn người nghệ sĩ phương Đông vốn rất nhạy cảm và có sự tương giao đặc biệt với thiên nhiên.

Luôn “lắng nghe tiếng đời lăn náo nức”, các nhà thơ hai-cư với “tai mở rộng và lòng sôi rạo rực” đã ghi lại những giây phút hiếm hoi khi con người và vạn vật giao hoà bằng khả năng ngôn ngữ trác việt của mình. Mỗi con người là một vũ trụ nhỏ bé nhưng vô cùng phức tạp với những trạng thái tình cảm và tâm trạng rất khác nhau. Đọc những bài hai-cư rất ngắn của Ba-sô, người đọc có thể gặp ở đó rất nhiều trạng thái tình cảm của mình, tình cảm với quê hương, với mẹ, với đồng loại và với cả thiên nhiên, cuộc đời.

1. Năm 20 tuổi, Ba-sô rời quê hương lên Ki-ô-tô, kinh đô Nhật Bản thời ấy, để học văn học cổ điển, thơ hai-cư và Thiền tông. Sau đó ông chuyển đến Ê-đô. Những năm cuối đời, để nuôi dưỡng cảm hứng thơ ca, nhà thơ đã đi chu du khắp đất nước và sáng tác. Với tấm lòng luôn tha thiết với cuộc sống và tâm hồn nhạy cảm, sống ở đâu nhà thơ cũng có những tình cảm gắn bó với mảnh đất ấy. Và như nhà thơ Chế Lan Viên đã tổng kết :

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn

và :

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương

 (Tiếng hát con tàu)

Nhà thơ Ba-sô sau hơn mười năm sống, học tập và lao động ở Ê-đô đã trở lại thăm quê. Và giây phút tạm biệt kinh đô Ê-đô để về thăm quê nhà thơ đã có những xúc động rất chân thành. Giây phút ấy được ghi lại ở hai bài hai-cư xinh xắn, đầy trăn trở và suy tư :

 Đất khách mười mùa sương

về thăm quê ngoảnh lại

Ê-đô là cố hương.

Vẫn là tứ thơ của bài Độ Tang Càn của Giả Đảo nhưng bài thơ của Ba-sô hàm súc hơn. Hai dòng đầu đề cập đến hoàn cảnh nảy sinh cảm xúc, hình ảnh nhân vật trữ tình hiện lên rất rõ : bước đi và ngoảnh lại. Về thăm quê sau nhiều năm xa cách, ai cũng đầy tâm trạng. Nhưng thông thường, người ta chỉ hướng đến nơi sẽ đến, nhất là nơi ấy lại là quê hương sau bao ngày xa cách. Nhân vật trữ tình ở đây cũng vậy. Niềm mong ước được trở về quê hương đã thể hiện ở dòng thơ đầu tiên. Khi cất bước thăm quê, Ê-đô vẫn là đất khách. Trên đất khách nên nhớ và khao khát về thăm quê. Nhưng khi đã cất bước ra đi thì lại “ngoảnh lại”. Và “đất khách” thành “cố hương”. Ê-đô lại trở thành quê hương, lại gắn bó máu thịt với người ra đi.

Bài thơ đã thể hiện tấm lòng tha thiết với quê hương, đất nước của nhà thơ. Đồng thời nó cũng đã ghi lại được phút giây rất đỗi thiêng liêng trong mỗi con người. Người ta chỉ có thể nhận ra sự quý giá của một cái gì đó khi đã sắp mất đi. Con người chỉ thấy mình gắn bó với mảnh đất ấy khi mình phải cất bước ra đi, phải rời xa nó. Với thể loại hai-cư, Ba-sô đã thể hiện thành công và chính xác một trong rất nhiều những trạng thái tình cảm của con người. Từ “đất khách” mở đầu, từ “cố hương” kết thúc, vẫn chỉ một đối tượng, đã diễn tả và ghi lại được phút giây bừng ngộ chân lí của nhân vật trữ tình.

2. Tình cảm với quê hương đất nước, với những mảnh đất đã từng gắn bó còn được thể hiện ở bài thơ thứ hai :

                                 Chim đỗ quyên hót

ở Kinh đô

mà nhớ Kinh đô.

Bài thơ được viết khi tác giả trở lại Ki-ô-tô sau nhiều năm phiêu bạt. Đây là cuộc gặp gỡ của những cố nhân. Một cuộc gặp gỡ đầy tâm trạng.

“Cảm thức thẩm mĩ của hai-cư, nhất là hai-cư của Ba-sô có những nét rất riêng, rất cao và tinh tế… Hai-cư chỉ gợi chứ không tả”. Tứ thơ đơn giản nhưng sâu sắc. Âm thanh của tiếng chim đỗ quyên hót đã gợi tả sự tĩnh lặng của không gian. Hai-cư vốn đề cao cái vắng lặng, đơn sơ, hiu hắt, u huyền… bởi đó là không khí dễ gợi và dễ cảm nhận tâm trạng nhất. Dùng âm thanh để gợi tả sự tĩnh lặng là bút pháp nghệ thuật quen thuộc của thi ca cổ điển phương Đông. Kinh đô vốn là chốn phồn hoa đô hội, vậy mà lại nghe được âm thanh của tiếng đỗ quyên hót.

Không viết nhiều, chỉ một thứ âm thanh gợi một nỗi nhớ nhưng gợi mở bao nhiêu ý nghĩa. Đứng giữa kinh đô mà nhớ kinh đô. Đây là kinh đô ở hai thời điểm khác nhau. Một kinh đô đồng hiện : kinh đô của quá khứ và kinh đô của hiện tại. Nỗi nhớ ở đây là “niềm tiếc nuối” của nhà thơ. Gặp lại kinh đô hoang tàn của hiện tại, nhớ kinh đô xưa tươi đẹp. Cũng có thể hiểu rằng, bài thơ thể hiện tình yêu tha thiết của nhà thơ đối với đất nước mà hiện thân của đất nước là kinh đô. Tình cảm tha thiết ấy trào dâng trong lòng khi con người ngược thời gian trở về với miền mong nhớ.

3. Tình cảm giữa con người đối với con người là dòng chảy bất tận của thi ca – trong đó tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, chân thành và bản năng nhất. Tình cảm thật của nhân vật trữ tình – tác giả đối với mẹ thật sâu nặng và được thể hiện thật xúc động. Một hình ảnh choán ngợp cả bài thơ – hình ảnh người con khóc mẹ. Đây là hoàn cảnh thật của chính nhà thơ, trở về nhà khi mẹ đã qua đời và hình ảnh của mẹ chỉ còn lại là một nắm tóc bạc. Mang trong lòng nỗi đau mất mẹ, cầm trên tay di vật của mẹ, đây là hình ảnh người con :

Lệ trào nóng hổi

tan trên tay tóc mẹ

làn sương thu.

Nước mắt đớn đau chảy vào hoài niệm. Không ghi nhiều, chỉ một nét gợi mơ hồ và mờ ảo, bài thơ đã truyền tải được tình cảm yêu thương vô bờ của người con đối với mẹ.

4. Tình yêu tha thiết của nhà thơ với con người, với vạn vật là một trong những mạch nguồn cảm hứng dồi dào của Ba-sô. Bài thơ này thể hiện tấm lòng nhân ái sâu sắc của ông :

Tiếng vượn hú não nề

hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc ?

gió mùa thu tái tê.

Tiếng hú của con vượn như xoáy vào nỗi niềm trắc ẩn. Nghe tiếng vượn hú, Ba-sô lại liên tưởng đến tiếng trẻ con. Ba câu thơ, hai cảnh ngộ (hồi ức và hiện tại) đan quyện và cộng hưởng. Dường như tiếng vượn kêu não nề trong gió cũng khiến lòng người tái tê. Thơ hai-cư là loại thơ kiệm lời, vì thế nhà thơ phải biết lựa chọn những hình ảnh và âm thanh gợi cảm nhất, hàm súc nhất. Bài thơ ngắn nhưng ý nghĩa lại rất sâu sắc, chứa đầy giá trị nhân sinh.

Bài thơ viết về cảnh ngộ thật thương tâm, cảnh ngộ của những đứa trẻ mồ côi bị cha mẹ bỏ rơi giữa dòng đời. Và nhà thơ đã lựa chọn một thứ âm thanh thật đặc biệt, thứ âm thanh não nề và thương tâm. ý thơ lạ và độc đáo.

Tiếng vượn hú não nề

hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc ?

Âm thanh thứ nhất gợi không khí hoang vu, nặng nề. Âm thanh thứ hai gợi bao điều trắc ẩn. Tiếng trẻ tha thiết rên rỉ trong cô đơn, trong cảnh ngộ không nơi nương tựa. Bài thơ khắc hoạ một hình ảnh vô cùng xúc động, làm đau đớn trái tim người đọc. Âm thanh của tiếng vượn hú đã thê lương nhưng “tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc” còn thê lương, thảm thiết hơn nhiều. Nó khiến người đọc rơi nước mắt. Bao trùm cả bài thơ là âm thanh và không khí u trầm, buồn đau. Khí trời mùa thu tái tê càng làm cho bài thơ thêm phần ảm đạm. Bài thơ thể hiện niềm cảm thông sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người bất hạnh. Liệu ai có thể cầm lòng trước tiếng than khóc như thế ? Bài thơ đã phần nào tái hiện một mảng hiện thực nước Nhật thời Ba-sô.

Không nói nhiều mà gợi rất sâu, gợi những tình cảm sâu thẳm nhất nơi đáy sâu tâm hồn con người là đặc điểm của thơ hai-cư. Và đây là bài thơ tiêu biểu.

5. Bài thơ này Ba-sô sáng tác khi du hành ngang qua một cánh rừng, ông thấy một chú khỉ nhỏ đang lạnh run lên trong cơn mưa mùa đông. Nhà thơ tưởng tượng thấy chú khỉ đang thầm ước có một chiếc áo tơi để che mưa, che lạnh.

Hình ảnh chú khỉ đơn độc trong bài thơ gợi lên hình ảnh người nông dân Nhật Bản, gợi hình ảnh những em bé nghèo đang rét co ro. Bài thơ thể hiện tình thương yêu sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người nghèo khổ. Chú khỉ đã được nhân hoá để nói về suy nghĩ và ước mơ của con người về một cuộc sống hạnh phúc. Chỉ dùng một chi tiết thật nhỏ nhưng nhà thơ đã nói được một vấn đề thật lớn, đó là khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài thơ đã khái quát hoá một vấn đề rất lớn và rất phổ biến của nhân sinh, đó là khao khát, là ước mơ. Con người luôn khao khát và ước mơ về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. Những ước mơ rất đỗi giản dị, như chú khỉ ước có được chiếc áo tơi trong cơn mưa đông. Chỉ một hình ảnh, một biện pháp tu từ nhân hoá mà nhà thơ đã nói lên điều mà bao nhiêu người đều muốn nói, đó là ước muốn có một cuộc sống bình ổn, hạnh phúc. Giữa những phút giây bề bộn của cuộc sống, con người luôn hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Và điều đó khiến cho xã hội loài người ngày càng phát triển.

6. Bài thơ này miêu tả cảnh mùa xuân. Quanh hồ Bi-oa có trồng rất nhiều hoa anh đào. Mỗi khi gió thổi, cánh hoa anh đào lại rụng lả tả như mây. Cánh hoa hồng nhạt, mong manh rụng xuống mặt hồ làm cho mặt hồ gợn sóng. Cảnh tượng ấy thể hiện sự tương giao của các vật trong vũ trụ. Triết lí sâu xa nhưng lại được thể hiện bằng những hình tượng giản dị, nhẹ nhàng. Đó chính là cảm thức thẩm mĩ của bài thơ.

Chỉ với ba dòng thơ ngắn nhưng bài thơ đã tạo nên một bức hoạ thật sinh động. Vạn vật giao hoà, cánh hoa và sóng nước được kết hợp với nhau thật nhẹ nhàng và tinh tế. Hoa đẹp, hồ nên thơ. Những cánh hoa mỏng manh hoà hợp với những con sóng gợn nhẹ trên mặt hồ. Một bức tranh thật thanh thoát. Triết lí nhân sinh của bài thơ nằm trong sự hoà hợp ấy. Mọi sự vật trong thế giới này đều có một mối tương giao với nhau. Với ngôn từ giàu hình ảnh, nhà thơ đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc sự hoà hợp rất triết học của tự nhiên.

7. Bài thơ ra đời trong một lần Ba-sô leo lên núi đá để thăm chính điện chùa Riu-sa-ku-ji. Tiếng ve là thanh, đá là vật. Nhưng trong cảnh u tịch, vắng lặng của chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết lại có thể nghe được tiếng ve rền rĩ như nhiễm vào, như thấm vào đá. Liên hệ đó độc đáo, kì lạ mà không hề khoa trương.

Ngôn từ của bài thơ đậm đà chất hai-cư. Ngay dòng thơ mở đầu đã là cái không khí rất thâm trầm, rất phương Đông :

Vắng lặng u trầm

thấm sâu vào đá

tiếng ve ngâm.

Chỉ một câu với nghệ thuật đảo trật tự cú pháp, nhà thơ đã nói lên được sự tương giao màu nhiệm giữa thiên thiên với thiên nhiên. Và trên hết, để có được điều đó phải có sự tương giao màu nhiệm giữa tâm hồn nhà thơ và vũ trụ nhân sinh. “Vắng lặng u trầm” là nhóm tính từ chỉ trạng thái của “tiếng ve ngâm thấm sâu vào đá”. Đảo trật tự cú pháp của câu thơ là một biện pháp nghệ thuật quan trọng của bài thơ. Thơ hai-cư đề cao tính chất hàm súc của ngôn từ. Vì thế các nhà thơ thường chú ý tạo nên những hình ảnh có sức gợi lớn. ở bài thơ này, chỉ cần một âm thanh của tiếng ve ngâm, tác giả đã gợi nên khung cảnh mùa hè. Nhưng đây là mùa hè được cảm nhận bằng những giác quan của một con người thâm trầm. Người ngắm cảnh như nghiêng mình trước buổi chiều yên ắng để lắng nghe, để chiêm nghiệm, để hoà hợp tâm hồn mình cùng những biến thái, những chuyển động rất tinh vi của tự nhiên. Vốn ưa cái thâm trầm, các nhà thơ hai-cư thường tạo nên chất thâm trầm cho thơ của mình. Thâm trầm vốn là bản chất của vũ trụ. Rất nhẹ nhàng nhưng có một sức tác động mạnh mẽ, mọi vật tồn tại trong thế giới này đều lặng lẽ hoà hợp với nhau, tạo nên sự bền vững cho thế giới.

8. Bài thơ này viết ở Ô-sa-ka (năm 1694). Đây là bài thơ từ thế của Ba-sô. Trước đó, ông đã thấy mình yếu lắm rồi, như một cánh chim sắp sửa bay khuất vào chân trời vô tận.

Nằm bệnh giữa cuộc lãng du

mộng hồn còn phiêu bạt

những cánh đồng hoang vu.

Cuộc đời Ba-sô là cuộc đời lang thang phiêu bồng, lãng du. Vì thế ngay cả khi sắp từ giã cõi đời, ông vẫn còn lưu luyến lắm, vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đi – đi bằng hồn mình. Và ta lại như thấy hồn Ba-sô lang thang trên khắp những cánh đồng hoang vu. Vẫn tha thiết, ước mong được đi đến mọi miền của quê hương để được ngắm nhìn, được tìm hiểu và chiêm nghiệm cuộc đời. Thế nhưng bệnh tật đã buộc nhà thơ phải ở một chỗ. Thân xác phải ở một nơi nhưng tâm hồn vẫn phiêu bồng với những ước mơ thật lớn. Khát vọng được sống luôn đốt cháy tâm can và tấm lòng yêu đời, tha thiết sống của thi nhân đã được thể hiện trọn vẹn, nồng nàn trong một câu thơ đầy trăn trở, khao khát.

Tình yêu cuộc sống là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người và đó là giá trị nhân sinh trong thơ của Ba-sô. Thơ hai-cư của Ba-sô súc tích, giàu hình ảnh nên tạo được những ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. Chỉ một hình ảnh đơn giản của cuộc sống nhưng chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, thơ hai-cư đòi hỏi người đọc phải đến với nó không chỉ bằng trái tim, khối óc mà bằng cả trí tưởng tượng và cả trực giác của người biết cảm thụ nghệ thuật.

B. Chùm thơ thứ hai

1. Đọc bài thơ, có thể thấy : ý thơ hai-cư không thể hiện trên bề mặt câu chữ mà người đọc phải tự cảm nhận và giải thích.

Trên cành khô

chim quạ đậu

chiều thu

“Cành khô”, “chim quạ” là những nét chấm phá thuỷ mặc để gợi tả một “chiều thu” u buồn sâu thẳm, vắng lặng đến cô tịch. Không có một cái tâm tĩnh, trong sáng và tình yêu cuộc sống, thiết tha với thiên nhiên, tạo vật sẽ không thể kết đọng được những hình ảnh đẹp đẽ, gợi cảm đến thế. Đọc bài thơ, mới hiểu thế nào là chất sa-bi đơn sơ, tao nhã, cô liêu, trầm lắng, u buồn, nhưng không chán chường hay bi luỵ, oán đời.

2. Bài thơ :

Hoa đào như áng mây xa

Advertisements (Quảng cáo)

chuông đền U-ê-nô vang vọng

hay đền A-sa-cư-sa

Hình ảnh hoa đào tượng trưng cho mùa xuân. Hoa đào nở rộ kết thành những mảng sắc hồng nhạt, nhẹ nhàng, thanh thoát như áng mây xa. Tiếng chuông vang vọng báo hiệu hoàng hôn đến, nó vang vọng và mơ hồ tạo cảm giác bâng khuâng, chay tịnh thú vị. Tiếng chuông vô định hoà cùng sắc hoa đào mây xa tạo nên ấn tượng về cái nhạt, cái không.

3. Bài thơ :

Cây chuối trong gió thu

tiếng mưa rơi tí tách vào chậu

ta nghe tiếng đêm

Thực ra, không có tiếng đêm mà chỉ có tiếng của tạo vật vọng trong đêm. Tiếng đêm được gợi tả từ tiếnggió thu (nói Cây chuối trong gió thu là muốn gợi tả tiếng gió thu hay là để chuẩn bị cho sự rơi của giọt mưa vào chậu ? !), tiếng mưa rơi tí tách vào chậu. Phải ở trạng thái cực tĩnh, thính giác cực nhạy và một tâm trạng u buồn, một sắc u buồn rất trong thì mới có thể cảm nhận tiếng đêm như thế.

4. Bài thơ :

Gần xa đâu đây

nghe tiếng thác chảy

lá non tràn đầy

Thác chảy – biểu tượng cho sự vận động liên tục, biểu hiện của một thế giới vận động mà các yếu tố trong nó thay đổi không ngừng, trong khi hình thức bên ngoài không thay đổi. Lá non tràn đầy nghĩa là sự sống đang vận động sinh sôi. Tiếng thác chảy hay là âm thanh của quá trình sinh sôi tươi mới, không ngừng ấy !

5. Bài thơ :

Dưới mưa xuân lất phất

áo tơi và ô

cùng đi

“áo tơi và ô” thực ra là hình ảnh nhắc gợi về con người trong bức tranh xuân. Chỉ thấy áo tơi và ô, không thấy con người, vậy con người đâu ? Con người đang hoà vào xuân, cùng đi với mùa xuân, trong mưa xuân lất phất. Những con người đang “tàng hình” vào xuân.

6. Bài thơ :

Hoa xuân nở tràn

bên lầu du nữ

mua sắm đai lưng

Hoa xuân tưng bừng tạo nên sắc xuân ngự trị khắp nơi nơi, thúc giục lòng người. Chỉ với nét chấm phá về độ tràn ngợp của hoa xuân và niềm vui của các cô gái, cũng đủ thấy con người và thiên nhiên đang làm nên thần thái bức tranh xuân sáng tươi, giàu sức sống.

Thơ hai-cư với thơ tuyệt cú Trung Quốc gần gũi với nhau ở tính ngắn gọn, cô đọng, hàm súc của hình ảnh thơ. Bút pháp chấm phá thuỷ mặc, lấy có tả không, lấy không tả có, vô thanh thắng hữu thanh,… của thơ Đường, nhất là ở thơ tuyệt cú, cũng được sử dụng trong thơ hai-cư. Tất nhiên, tính chất cực ngắn cộng với cách thể hiện, sự rung động nhạy cảm đậm chất Nhật Bản sẽ khiến các thủ pháp này tạo nên nguyên tắc thẩm mĩ riêng trong thơ hai-cư. Gần gũi, hoà hợp thậm chí đến mức “tuyệt đối” đến vô cực là đặc điểm dễ thấy về mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người trong các bài thơ của Ba-sô và Bu-son. Nhật Bản là một đất nước có trạng thái thiên nhiên luôn thay đổi. Đặc điểm này có ảnh hưởng rất lớn đến khí chất, cảm quan và tình cảm của người Nhật. Người Nhật tin vào mối quan hệ đặc biệt giữa con người với thiên nhiên ; họ sống chan hoà với thiên nhiên, cây cỏ, hấp thụ sức sống, sinh khí chan chứa trong chúng.

III  Liên hệ

Bên dòng Đạ Dâng hoang dại ngồi viết thơ xuân. Tiếng rì rầm chảy quanh những ngọn đồi không tên của làng Sê-nhắc im lìm. Mặt trời trốn đâu mất ở phía sau cái lạnh vào mùa. Sương mù như chiếc áo khoác, phủ lên ruộng vườn một màu trắng bàng hoàng của sớm mai. Tôi chợt nhớ đến mùa xuân trong thơ Ba-sô :

Mùa xuân đến rồi

vô danh ngọn đồi ấy

sáng nay khoác áo sương mù

Quả thật, hơi xuân đã chạm vào thiên nhiên, chạm vào niềm bất tri da diết, chạm vào hồn tôi chút tri ngộ lang thang. Lòng nao nao hồi vọng :

Ngày đầu xuân

sao mà tôi nhớ

chiều thu cô đơn

Có phải có một chút thu đã vượt qua đêm đông đến tiềm hiện trong mùa xuân ? Chất hai-cư trầm lặng đến suy tư đã khắc hoạ được hồn vía của giao cảm mùa. Chính vì thế mà trong cái chớm rét cũng chớm hiện một làn hương :

Cây hoa nào

mà ta chưa biết

gửi lại một làn hương

Thật bất ngờ, trong khí tiết xung hàn của ngày đông, Ba-sô đã cho chúng ta nhận ra sự đồng điệu của thiên nhiên và con người khi đạt tới cái tâm hư không và trong lặng. Ví dụ như mùa xuân kia là một phần bản thể của vũ trụ, xoay chuyển và hình thành :

Thế rồi từ từ

mùa xuân thành tựu

với trăng và hoa

Và chúng ta hãy lắng nghe :

Tiếng chuông chùa tan

hương hoa đào buổi tối

như còn ngân vang

Tôi kính cẩn cúi xuống trước những bài hai-cư của Ba-sô, nghe một niềm tịch lặng dâng lên, gắn kết sự huyền nhiệm của tâm hồn bao la. Tâm hồn ấy chính là âm thanh lắng mọi âm thanh có công năng rũ bỏ ưu phiền trần tục :

Trên bình nguyên

chim vân tước hót

xa mọi ưu phiền

Ôi ! Tiếng vân tước vĩ đại mở ra một thiên nhiên tuyệt bút trong thơ Ba-sô “Một con người đã sống và dạy chúng ta sống bằng chính sự sống…” (Lời của Blyth).

Thuở đó, một thương gia giàu có ngưỡng mộ Ba-sô, đã xây cho thi hào một ngôi nhà bên dòng sông Sumida. Bên nhà có một cây chuối do học trò trồng. ở Nhật, cây chuối không có trái. Người Nhật gọi nó là Ba tiêu. Ba tiêu chính là Ba-sô. Từ đó bút hiệu Cây Chuối đã mãi mãi đi vào lịch sử văn học của thế giới.

Năm 37 tuổi, Ba-sô viết bài thơ về con quạ :

Trên tiều tuỵ cành

bóng quạ

rũ chiều thu

Bài thơ hai-cư đơn sơ đến cực độ mà cũng sâu thẳm tột cùng. Bóng quạ giữa chiều thu cô đơn vô biên ấy đã cuốn hút ta vào thế giới u huyền. Sự mênh mông cô tịch của hoàng hôn và cái bóng quạ đen nhỏ ấy đã đậu vào cái vĩnh cửu của vô thường !

Với bài thơ con quạ, Ba-sô đã thật sự lên đường.

Con đường của Ba-sô dẫn thi hào đến những cuộc hành hương bất tận trên đất nước Phù Tang. Ba-sô sống rất đơn sơ và hoà điệu với thiên nhiên để tìm ra một con đường khác : con đường đi vào cõi thâm áo !

Vì vậy đã ba thế kỉ trôi qua, thơ Ba-sô vẫn còn là hiện tại, một hiện tại vĩnh cửu của thơ.

Ba-sô cũng như Nguyễn Du, đều là tiêu biểu cho thơ ca của dân tộc mình. Ba-sô mất tại Ô-sa-ka ngày 12 – 10 – 1694, được chôn cất trong ngôi đền gần Vô danh am ở Otsu, nhìn xuống hồ Bi-oa mà thi sĩ hằng yêu mến :

Người chèo thuyền

ống điếu ngậm trong miệng

gió mùa xuân lên

Ôi ! ngọn gió mùa xuân thổi xuyên qua mọi thời đại, thổi vào hồn tôi một thoáng ấm áp bâng khuâng trong thơ xuân của người thi sĩ vĩ đại.

Còn đây :

Ta khóc

mùa xuân ra đi

cùng với những người Omi

Cảm giác than tiếc mùa xuân ngự trị trên muôn loài, bài thơ lững lờ như con nước không một giọt thừa ; ngôn ngoại hành tàng đi biền biệt cốt nói lên cảm thức thời gian, cảm thức tâm linh mà người sử dụng thiền quán có được.

Vậy đó, Ba-sô sống trong mối tương hoà thật sự với thiên nhiên. Và mùa xuân biểu hiện trong thơ ông mãi mãi bất tận.