Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Diễn đạt trong văn nghị luận SBT Văn 12 tập 2: Giải...

Diễn đạt trong văn nghị luận SBT Văn 12 tập 2: Giải câu 1, 2, 3 trang 60...

Giải câu 1, 2, 3 trang 60 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2. Soạn bài Diễn đạt trong văn nghị luận SBT Ngữ Văn 12 tập 2 -

1. Bài tập 1, trang 157 - 158, SGK.

Phân tích rõ những đặc điểm trong cách sử dụng từ ngữ, sử dụng kết hợp các kiểu câu, biểu hiện giọng điệu của lời văn trong các đoạn trích sau :

(1) Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nối dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.

(Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập)

(2) Con người thơ Tú Xương muốn đứng đắn mà đời sống lại thành ra lưu đãng hão huyền. Con nhà nho khái muốn thanh bần với đạo thánh hiền mà cuộc sống đặt cho nhiều mối luỵ. Cái tâm hồn thèm chan hoà ấy lại sa vào cô đơn, con người khái ấy lại sống nhờ vào tình bạn, lần hồi đắp đổi vào sự nhớ thương:

[...] Bạn đàn chưa dễ tìm nhau

Bạn nghiên bạn bút có đâu được nhiều.

[...] Con người tú tài "nối tiếng tài hoa”, "phong nguyệt tình hoài” chơi ngông ấy, hiên ngang ấy đám ra phá bĩnh:

                    ... Non nước thề bồi thôi xuý xoá

                        Quỷ thần nào chứng ở hai vai.

Lại xoay ra ba dọi với người ta :

                    ... Ba mươi mấy độ chôn chồng

                  Còn toan trang điểm má hồng chôn ai.

(Nguyễn Tuân, Thời và thơ Tú Xuơng, trong Tuyến tập Nguyễn Tuân tập II. NXB Văn học, Hà Nội. 1982)

(3) Nhưng nếu Kiều là một người yếu đuối thì Từ Hải là kẻ hùng mạnh, Kiều là người tủi nhục thì Từ là kẻ vinh quang. Ở trong cuộc sống, mỗi bước chân Kiều đều vấp phải một bất trắc thì trên quãng đường ngang dọc Từ không hề gặp khó khăn. Suốt đời Kiều sống chịu đựng, Từ sống bất bình. Kiều quen tiếng khóc, Từ quen tiếng cười. Kiều đội trên đầu nào trung, nào hiếu thì trên đầu Từ chỉ có một khoáng trống không "nào biết trên đầu có ai”. Nếu Kiều lê lết trên mặt đất đầy những éo le trói buộc thì Từ vùng vẫy trên cao phóng túng, tự do. Kiêu là hiện thân của mối mặc cảm tự ti, còn Từ là nguyên hình của mối mặc cảm tự tôn.

(Vũ Hạnh, dẫn theo Nguyễn Thị Ngọc Diệu, Giáo trình Ngữ pháp văn bản, NXB Đại học Sư phạm. Hà Nội, 2004)

Mục đích của bài tập này là củng cố kiến thức và kĩ năng sử dụng từ ngữ, sử dụng kết họp các kiểu câu, biểu hiện giọng điệu của lời văn trong văn nghị luận. Để thực hiện tốt yêu cầu của bài tập, cần chú ý các thao tác sau :

- Đọc kĩ từng đoạn văn được nêu trong bài tập đề xác định đối tượng nghị luận của đoạn văn. Chẳng hạn, đoạn (2) tập trung nghị luận về mối quan hệ giữa thời đại và tâm trạng, cảm xúc trử tình trong thơ Tú Xương...

- Xác định rõ các điểm nhấn quan trọng, điển hình cho lối diễn đạt của văn nghị luận và phù hợp với nội dung cần trình bày trong từng đoạn : các từ ngữ, kiểu câu, giọng điệu, cảm xúc của người viết và khả năng tác động của các yếu tố này đến người tiếp nhận văn bản. Chẳng hạn, trong đoạn (1), tác giả đã sử dụng hệ thống thuật ngữ chính trị, xã hội trang trọng phù hợp với đề tài tuyên bố về nền độc lập của nước Việt Nam mới : thuộc địa, đồng minh, nhân dân, chính quyền, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thoái vị, chế độ quân chủ... Cùng với việc sử dụng từ ngữ mang sắc thái trang trọng, cùng thuộc một chủ đề thống nhất, tác giả còn sử dụng cách lặp lại quán ngữ liên kết, nhấn mạnh để tăng cường giọng điệu khẳng định mạnh mẽ : “Sự thật là...”. Phép lặp cú pháp trong các câu : “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”, “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.” ; “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập.”, “Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.” tạo nên giọng văn trang nghiêm, hùng hồn, mạnh mẽ, bộc lộ rõ thái độ khẳng định nền độc lập, khơi gợi sự đồng tình của người nghe, người đọc.

2. Bài tập 2, trang 158, SGK.

Anh (chị) hãy chọn một trong những đề bài sau và viết một bài văn nghị luận ngắn gọn (khoảng 1 - 2 trang), sử dụng từ ngữ, các kiểu câu và giọng điệu phù hợp.

a) Suy nghĩ của anh (chị) về việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay.

Advertisements (Quảng cáo)

b) Một số bạn trẻ hiện nay cho rằng: “Trước hết là phải sống cho mình”. Theo anh (chị), trách nhiệm với bản thân khác với tính vị kị như thế nào ?

c)  “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí” (Lét-xinh).

Từ câu nói trên, anh (chị) suy nghĩ gì về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người ?

Mục đích của bài tập này là nâng cao khả năng thực hành diễn đạt trong văn nghị luận. Để việc luyện tập diễn đạt có hiệu quả tốt, anh (chị) hãy thực hiện các bước sau:

- Bước 1 : Lựa chọn đề bài mà mình hứng thú nhất. Trước khi thực hành tạo lập văn bản (nói hoặc viết), anh (chị) phải làm chủ được những thông tin cần thiết, liên quan đến đề bài. Thông tin có thể được tìm kiếm, thu thập từ nhiều nguồn :

+ Vốn tri thức, kinh nghiệm sẵn có của chính người viết.

+ Tư liệu: sách, báo, tạp chí, in-tơ-nét.

+ Thực tế cuộc sống: những hiện tượng, sự việc mà anh (chị) quan sát được.

+ Giao tiếp : trò chuyện, trao đổi, phỏng vấn bằng các hình thức hội thoại trực tiếp hoặc qua in-tơ-nét, điện thoại, thư từ... (Chẳng hạn, với đề bài : “Suy nghĩ của anh (chị) về việc lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay”, trước hết cần tìm kiếm, thu thập và xử lý các thông tin sau đây:

+ Xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của tuổi trẻ hiện nay. Nguyên nhân chi phối xu hướng ấy là gì ?

+ Quan niệm của bản thân anh (chị) trước thực tế đó.

+ Bản thân anh (chị) có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp như thế nào ? Lí do của sự lựa chọn đó.

Từ những thông tin đó, anh (chị) cần dựa trên tư liệu, thực tế, giao tiếp để có một lượng tin tương đối xác đáng, tránh bịa đặt, suy diễn thiếu cơ sở. Có thể tra cứu những thông tin này trên sách, báo, tạp chí, in-tơ-nét hoặc điện thoại để nắm được nội dung cụ thể sau : số lượng, tỉ lệ lựa chọn trường, ngành nghề của các học sinh phổ thông trong những năm gần đây ; xu hướng của cha mẹ khi định hướng ngành nghề cho con cái...

Anh (chị) cũng có thể tiến hành trực tiếp phỏng vấn, trắc nghiệm quan điểm của bạn bè, người thân bằng nhiều hình thức để hiểu thêm những thông tin cần thiết. Trên cơ sở phân tích các thông tin khách quan đó, anh (chị) xác định thái độ, quan niệm, cảm xúc của chính mình để định hướng cho việc sử dụng giọng điệu, ngôn từ khi làm bài.)

- Bước 2: Định hướng lựa chọn giọng điệu, cần xác định giọng điệu chủ yếu khi trình bày : nghiêm túc, trang trọng hay dí dỏm, hài hước ; tha thiết, hùng hồn hay nhẹ nhàng, trầm lắng... Việc định hướng giọng văn là cơ sở để anh (chị) lựa chọn các yếu tố ngôn ngữ cụ thể trong quá trình tạo lập văn bản.

- Bước 3 : Lập dàn ý chi tiết và tạo lập văn bản. Sau khi lập dàn ý chi tiết, trong quá trình viết, dựa trên đặc điểm của nội dung thông tin, quan niệm, thái độ của chính mình, anh (chị) chủ động lựa chọn giọng điệu, từ ngữ, kiểu câu, cấu trúc văn bản cụ thể sao cho phù hợp. Các thông tin khách quan nên trình bày với giọng điệu và các yếu tố ngôn từ mang sắc thái trung hoà, nghiêm túc, trang trọng. Các thông tin chủ quan (thái độ, quan niệm, cảm xúc của người viết) có thể trình bày bằng nhiều giọng điệu và nên sử dụng một số yếu tố ngôn ngữ tạo điểm nhấn, có khả năng biểu cảm và tác động rõ rệt hơn : từ ngữ cụ thể, sinh động, phép tu từ ấn dụ, hoán dụ, so sánh, điệp ngữ, đảo ngữ, đối ngữ...

3. a) Nhận xét về hiệu quả của cách sử dụng các từ ngữ, kiểu câu (in đậm) và giọng điệu của đoạn văn nghị luận sau :

Trước khi bàn về tính năng động sáng tạo của mỗi cá nhân tác động đến sự phát triển của xã hội như thế nào, xin hãy đi vào mấy ví dụ trong đời sống thực tế:

Hãy nhìn ra những nước láng giềng của chúng ta : Ai cũng biết Xin-ga-po từ năm 1965 là một làng chài tách ra khỏi Ma-lai-xi-a với diện tích chỉ có 1 000 km2. Vậy mà, hiện nay, GDP đã là 88,8 tỉ USD, bình quân thu nhập đầu người là 21 500 USD, đứng thứ 25 trên thế giới. Những con số đó cho thấy điều gì ? Trước hết, đó là do tính năng động sáng tạo của người cầm đầu Xin-ga-po là Lí Quang Diệu. Ấy thế mà, ngày nay, người cầm đầu mới vẫn phải nói: "Phải thay đi những gì cổ lỗ, loại đi những gì không thích hợp, sáng tạo ra những cái mới...”. Nhìn vào đó, đủ biết tính năng động sáng tạo của người đứng đầu quốc gia có tầm quan trọng như thế nào đối với sự phát triển, phồn vinh của một đất nước, đến hạnh phúc của nhân dân. Vì sao Xin-ga-po ở mức cao như thế trên thế giới mà họ vẫn phải yêu cầu loại bỏ những cái cổ lỗ, không thích hợp, sáng tạo cái mới ? Vì thế giới không ngừng biến đổi, không ngừng tiến bộ. Vì nếu dừng lại, say sưa với đỉnh cao của quá khứ và hiện tại, nghĩa là, chấp nhận chìm nghỉm trong cái “thung lũng của tương lai”!

Vì sự phồn vinh của đất nước, vì sự tiến bộ của chính mình, mỗi cá nhân phải thay đi những gì cổ lỗ, phải loại bỏ đi những gì không thích hợp, phải sáng tạo ra những cái mới. Ngược lại, chúng ta sẽ bị văng ra khỏi dòng chảy dữ dội của đời sống thế giới.

(Theo Nguyễn Thế Long, Truyền thống gia đình và bản sẳc dân tộc Việt Nam, tập 2, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2006)

b) Dựa vào nội dung thông tin cơ bản của đoạn văn, anh (chị) hãy viết lại, sử dụng những cách diễn đạt khác để trình bày những thông tin này theo quan điểm và cảm xúc của chính mình.

a) Khi nhận xét về hiệu quả của cách sử dụng từ ngữ, kiểu câu, giọng điệu, anh (chị) cần chú ý những mối quan hệ sau đây : Giọng điệu cơ bản của đoạn văn là gì ? Những từ ngữ, kiểu câu được sử dụng bộc lộ rõ thái độ, quan điểm, giọng điệu của người viết về vấn đề đang trình bày như thế nào ? Những yếu tố này có vai trò gì đối với liên kết, phát triển ý trong đoạn ? Những yếu tố này có khả năng tác động đến người đọc, người nghe như thế nào ?

b) Giọng điệu, từ ngữ và cách phối hợp các kiểu câu trong đoạn nhìn chung đã phù hợp với quan điểm, cảm xúc của người viết, tác động tích cực đến người nghe, người đọc, có vai trò khá rõ trong liên kết văn bản. Tuy nhiên, một vấn đề có thể được diễn đạt bằng nhiều cách, bộc lộ những quan điểm, thái độ, cảm xúc khác nhau ở những mức độ nhất định, tác động đến người đọc, người nghe theo nhiều hướng. Bởi vậy, khi diễn đạt lại vấn đề này, anh (chị) nên xác định rõ tư cách cá nhân của mình khi trình bày đề tài và sử dụng giọng điệu, từ ngữ, kiểu câu phù hợp. Có thể xuất phát từ tư cách học sinh - một công dân có trách nhiệm với chính mình và với những vấn đề của đất nước - để nghị luận về vấn đề theo hướng : Mỗi cá nhân cần phải phát huy tính năng động sáng tạo trong học tập, lao động như thế nào để cùng đưa đất nước tiến bộ ? Từ thực tế của Xin-ga-po, mỗi công dân Việt Nam cần ý thức như thế nào về trách nhiệm của mình với đất nước ? Anh (chị) đã học tập và làm việc như thế nào để phát huy tính năng động sáng tạo, làm cho thực tại và tương lai tốt hơn ? Khi diễn đạt lại đoạn văn này, cần giữ nguyên các thông tin khách quan : sự phát triển của đất nước Xin-ga-po và vai trò của người đứng đầu Nhà nước. Các thông tin chủ quan có thể thay đổi : thái độ, quan điểm, cảm xúc, cách trình bày...

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)