1. Câu 1, trang 135, SGK.
Hình ảnh những vòng lượn của con cá kiếm được nhắc đi nhắc lại trong đoạn văn gợi lên những đặc điểm gì về cuộc đấu giữa ông lão và con cá kiếm (thời điểm, phong độ, tư thế...)?
Để trả lời câu hỏi này, cần chú ý các điểm sau :
- Đây là ngày thứ ba của chuyện đi câu. Ông lão Xan-ti-a-gô phải níu giữ con cá, còn con cá mắc câu đang vùng vẫy để cố thoát, cả hai đều không được ăn uống gì. Chỉ ra tương quan lực lượng giữa hai bên.
- Sự lặp đi lặp lại của các vòng lượn cho thấy cuộc giằng co giữa hai bên đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, tạo nên tình thế cả hai đối thủ phải nỗ lực hết mình.
- Con cá cố gắng để thoát hiểm, qua đó cho thấy phẩm chất kiên cường của nó. Ông lão Xan-ti-a-gô cũng cố hết sức để bảo vệ thành quả của mình (bằng kinh nghiệm, bằng chút sức lực còn lại).
2. Câu 2, trang 135, SGK.
Cảm nhận về con cá kiếm tập trung vào những giác quan nào của ông lão? Chứng minh rằng những chi tiết này gợi lên một sự tiếp nhận từ xa đến gần, từ bộ phận đến toàn thể.
Cần làm sáng tỏ :
- Ông lão Xan-ti-a-gô cảm nhận về con cá kiếm bằng thị giác và xúc giác. Cảm giác đó ngày càng mãnh liệt (cảm nhận về khoảng cách, nhận ra con cá từ độ căng của sợi dây câu, từ lưỡi kiếm của con cá quật vào sợi dây thép đáy...). Ông lão còn cảm nhận về con cá bằng nỗi đau thể xác vì phải nỗ lực, gắng sức để giữ cho bằng được thành quả lao động của mình. Con cá hiện ra như một “nhân vật” trong đoạn trích.
- Sự cảm thông xuất hiện trong cuộc đấu giữa ông lão và con cá, qua đó cho thấy tác phẩm không chỉ đề cập đến chuyện đi câu bình thường mà còn là câu chuyện về con người tự mình vượt qua giới hạn hiểu biết của chính mình để vươn tới sự hoàn thiện.
3. Dựa vào đoạn trích hãy thống kê số lần lão (ông lão) nghĩ, lão thầm giục, lão tự nhủ, lão (ông lão) nói. Hình thức ngôn ngữ nào được sử dụng ở đây ? Thuật ngữ văn học nào dùng để chỉ loại ngôn ngữ này ?
- Thống kê số lần lão (ông lão) nghĩ, lão thầm giục, lão tự nhủ, lão (ông lão) nói.
- Liên quan đến các cụm từ lão (ông lão) nghĩ, lão thầm giục, lão tự nhủ, lão (ông lão) nói là lời của ông lão đánh cá. Đây là lời phát biểu trực tiếp của nhân vật và được gọi là ngôn từ trực tiếp của nhân vật.
- Lời phát biểu trực tiếp của ông lão mang tính chất độc thoại. Đây là kiểu lời độc thoại. Vì sao ?
- Lời phát biểu trực tiếp của ông lão mang tính chất độc thoại nội tâm. Đây là hình thức độc thoại nội tâm. Vì sao?
- Lời phát biểu trực tiếp của ông lão mang tính chất đối thoại. Đây là ngôn từ đối thoại. Vì sao ? (Chú ý quan hệ đối thoại. ngưòi phát - người nhận). Nếu coi lời phát biểu trực tiếp của ông lão mang tính chất đối thoại thì quan hệ giữa ông lão và con cá kiếm sẽ như thế nào ?
- Phân biệt ngôn từ của người kể chuyện với lời phật biểu trực tiếp của nhân vật.
Advertisements (Quảng cáo)
4. Dựa vào các đối thoại giữa ông lão và con cá kiếm, hãy chỉ ra những quan hệ khác thường ở đây.
Qua các đối thoại giữa ông lão và con cá kiếm, cần chỉ ra:
- Đây không phải là quan hệ giữa người đi câu với con cá câu được.
- Vượt lên trên quan hệ đó, đây là quan hệ giữa hai kì phùng địch thủ (quan hệ ngang hàng, cân tài cân sức, cả hai đều nỗ lực hết mình).
- Khi ông lão chiến thắng con cá, xuất hiện cách nhìn nhận khác về mối quan hệ giữa ông lão và con cá.
- Quan hệ ứng xử giữa con người và môi trường : Con cá là một sức mạnh của thiên nhiên, một sinh vật của tự nhiên. Vậy cần ứng xử như thế nào khi phải chinh phục thiên nhiên, phải khai thác thế giới tự nhiên để phục vụ con người ?
5. Phân tích vẻ đẹp của con cá kiếm.
Về vẻ đẹp của con cá kiếm, cần khai thác các ý sau:
- Vẻ đẹp được miêu tả từ xa tới gần, từ cảm nhận gián tiếp đến cảm nhận trực tiếp.
- Sự xuất hiện lần cuối cùng của con cá: tung mình lên không trung khi đã mang trong mình cái chết, dũng cảm chống trả...
- Con cá mang vẻ đẹp biểu tượng của thiên nhiên : tính chất kiêu hùng, kì vĩ,… Trong quan hệ với con người, thiên nhiên vừa là bạn, vừa là đối thủ.
- Con cá mang vẻ đẹp của ước mơ, khát vọng, kì vọng của con người. Ước mơ tuy giản dị, bình thường nhưng mang tầm vóc lí tưởng bởi đó là khát vọng của mỗi cuộc đời.
6. Đoạn trích cho thấy nhiều đặc điểm của nguyên lí “tảng băng trôi” qua cách miêu tả “phần nổi”, qua các “khoảng trống” được tạo ra trong câu văn. “Phần nổi” ở đây là gì ? Hãy chỉ ra một vài câu văn có “khoảng trống” trong đoạn trích.
a) Trước hết cần nói qua về nguyên lí tảng băng trôi của Hê-minh-uê cần chú ý: tảng băng trôi là một hiện tượng thiên nhiên thường gặp ở các vùng biển thuộc các nước gần Bắc Cực và Nam Cực với một phần tám của tảng băng nổi trên mặt nước, bảy phần kia chìm dưới nước. Theo nguyên tắc này, nhà văn phải hiểu biết cặn kẽ mọi vấn đề liên quan tới hiện tượng, sự vật, sự kiện được miêu tả rồi loại bỏ tất cả những chi tiết không cần thiết, chỉ cần giữ lại phần cốt lõi và sắp xếp chúng để tạo thành câu chuyện mà qua câu chuyện đó, độc giả vẫn cảm nhận được những gì mà tác giả đã lược bỏ, vẫn hiểu được những lớp nghĩa khác ẩn chìm trong mạch ngầm văn bản.
b) Nguyên lí tảng băng trôi thể hiện trước hết qua cách miêu tả phần nổi và tạo ra các câu văn có khoảng trống (có thể hiểu như là phần chìm của câu chuyện).
- Về phần nổi: cách miêu tả cô đúc, ngắn gọn. Tác giả rất kiệm lời, không bình luận dài dòng, các chi tiết tập trung, cốt truyện ngắn gọn, số lượng nhân vật không nhiều, cách miêu tả nhân vật không chú trọng về ngoại hình, về trang phục,…
- Về các câu văn có khoảng trống: Tìm các câu tương tự như câu : “Lúc này lão biết con cá là có thật và tay và lưng lão đâu phải là mơ.”. Câu này có thể được viết đầy đủ, tỉ mỉ hơn như sau (chữ in nghiêng) : “Lúc này lão biết con cá là có thật (bởi vì lão đã nhìn thấy nó qua làn nước biển, với thân hình dài, với cái lưng to rộng, lớn hơn cả chiếc thuyền câu của lão) và tay (lão mỏi nhừ vì phải níu giữ cái khối lượng khổng lồ ấy, lại đau rát vì những sợi dây câu luôn bị kéo căng, cứa vào) và lưng lão đâu phải là mơ (bởi lưng lão mỏi nhừ, lại nhức nhối ê ẩm do lão đã phải dùng gần như toàn bộ sức lực của mình để giữ bằng được con cá)”. Lưu ý những phần bị lược bỏ, các khoảng trống được tạo ra đều là những gì mà tác giả đã biết và độc giả cũng cảm nhận được. Việc lược bỏ như vậy sẽ làm cho tác phẩm trở nên hàm súc, cô đọng, không rườm lời mà lại tạo ra được khả năng đồng sáng tạo cho độc giả.