1. Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” ?
Theo yêu cầu của đề, người làm bài phải trình bày được ý kiến của mình về hai phương diện:
- Nội dung ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Suy nghĩ riêng của anh (chị) về vấn đề đó.
a) Về ý kiến của Bác, có hai vấn đề cần làm rõ :
- Tại sao Bác nói “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận” ? Có thể hiểu như sau:
+ Trong lịch sử xưa và nay, văn học bao giờ cũng bị (được) một giai cấp này hay một giai cấp khác, một tập đoàn này hay một tập đoàn khác sử dụng làm vũ khí chính trị, tư tưởng cho mình (dẫn chứng).
+ Trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, luôn luôn diễn ra những cuộc đấu tranh dưới hình thức này hay hình thức khác về quan điểm chính trị, tư tưởng, học thuật khác nhau. (Nêu dẫn chứng về các cuộc bút chiến tiêu biểu trên văn đàn Việt Nam như các cuộc bút chiến giữa Phan Văn Trị với Tôn Thọ Tường, giữa nhà nho yêu nước Ngô Đức Kế với Phạm Quỳnh, hoặc các cuộc tranh luận triết học duy tâm - duy vật, thơ cũ - thơ mới, nghệ thuật vị nghệ thuật - nghệ thuật vị nhân sinh...).
- Tại sao Bác yêu cầu văn nghệ sĩ là chiến sĩ ? Có thể nêu mấy ý chính như sau:
+ Người nghệ sĩ dù muốn hay không, dù có ý thức hay không, bao giờ cũng đứng ở một vị trí xã hội nhất định, sáng tác theo một khuynh hướng tư tưởng, chính trị, xã hội nhất định. Dù có tuyên bố trung lập trong cuộc đấu tranh xã hội thì thực chất mỗi người cũng đã có một thái độ nhất định.
+ Trong thực tế hoạt động văn học, các nhà văn đều phụng sự cho một xu hướng chính trị, tư tưởng nhất định, không ai có thể đứng ngoài cuộc đấu tranh xã hội được. (Lấy dẫn chứng từ thực tế văn học Việt Nam qua các khuynh hướng văn học lãng mạn, hiện thực hay cách mạng...)
b) Phần phát biểu ý kiến thực chất là kết quả của thao tác lập luận, bình luận. Cần chú ý:
- Đây là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá nghệ thuật. Trước Cách mạng, Bác đã từng nói: “Nay ở trong thơ nên có thép - Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi’).
- Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ cách mạng vừa là một tài năng nghệ thuật góp phần quan trọng cho nền lí luận văn nghệ cách mạng.
Advertisements (Quảng cáo)
- Tư tưởng văn nghệ của Người đã định hướng cho văn nghệ sĩ con đường đi với nhân dân và nâng cao hiệu quả sáng tác nghệ thuật.
- Tư tưởng văn nghệ trên của Người vẫn mãi mãi là những bài học về lẽ sống và ý thức cầm bút của người nghệ sĩ.
2. Hãy bày tỏ suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của Nguyễn Văn Siêu : “Loại văn chương không đáng thờ là loại văn chương chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.
Bài làm nên có hai phần : phần đầu tìm hiểu, cắt nghĩa ý kiến của Nguyễn Văn Siêu; phần hai bình luận về ý kiến đó.
a) Phần cắt nghĩa ý kiến của Nguyễn Văn Siêu, nên chú ý mấy ý chính sau :
- Ông xác định tiêu chí đánh giá văn chương chính là ở mục đích của nó : Văn chương vì con người hay văn chương vì văn chương.
- Ông cho rằng văn chương chuyên chú ở con người là văn chương đáng thờ vì đó là loại văn chương hữu ích cho đời, cho con người. Văn chương chuyên chú ở con người sẽ là văn chương màu mỡ, phong phú về đề tài, về nội dung, về sức sống vì cuộc đời con người bao giờ cũng là nguồn sống bất tận cho văn chương. Ngược lại, văn chương chỉ thu hẹp trong kỹ thuật chữ nghĩa đơn thuần, xa lạ với con người thì nhất định sẽ khô héo, còm cõi và tàn lụi.
- Nên hiểu cho đúng ý kiến của Nguyễn Văn Siêu. Ông nhấn mạnh mục đích của văn chương là chính nhưng không coi nhẹ giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ông có ý phê phán loại văn chương coi nghệ thuật là tối thượng mà coi nhẹ cụộc sống con người trong văn chương.
b) Phần bình luận là phần dành cho suy nghĩ riêng của mỗi người. Tuy nhiên, có thể bình luận theo các hướng sau :
- Ý kiến của Nguyễn Văn Siêu đề cập đến một số vấn đề cơ bản của lí luận văn nghệ. Đó là vấn đề mục đích, chức năng của văn nghệ, vấn đề quan hệ giữa nội dung và hình thức, quan hệ giữa con người nghệ sĩ và con người công dân trong sáng tác, tiêu chí đánh giá sáng tạo văn chương.
- Đây là vấn đề vẫn còn ý nghĩa thời sự trong đời sống văn nghệ, trong việc chống lại khuynh hướng hình thức chủ nghĩa, nhân danh đổi mới rồi đi vào tỉa tót văn chương mà coi nhẹ nội dung cuộc sống của văn chương. Hoặc không thể vì lí do chống chủ nghĩa đề tài để lảng tránh những vấn đề nóng bỏng cốt tuỷ của đời sống, nhất là đời sống của đông đảo quần chúng.
3. Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của Hoài Thanh : “Tập Nhật kí trong tù là một tiếng nói chứa chan tính nhân đạo”.
Khi làm bài này, nên lí giải tính nhân đạo là gì, được biểu hiện như thế nào trong Nhật kí trong tù, nhưng trọng tâm là bình luận về tính nhân đạo. Không nên sa vào giải thích, chứng minh mà phải nêu lên được những vấn đề về tính nhân đạo trong tập Nhật kí trong tù. Ví dụ bình luận về trái tim nhân đạo của Hồ Chí Minh, một trái tim luôn nhạy cảm với mọi đau thương của con người, của mọi kiếp người - đó là nguồn cảm hứng lớn lao trong sáng tác của Người. Hoặc có thể bình luận về chủ nghĩa nhân đạo trong thơ văn của những con người cộng sản. Cũng có thể bàn về sự kế thừa và điểm khác biệt giữa chủ nghĩa nhân đạo trong vãn thơ của Bác với chủ nghĩa nhân đạo trong thơ văn cổ điển hay thơ văn lãng mạn, hiện thực,… Ngoài ra, cũng nên nói đến sự phát hiện đúng đắn và tinh tế của nhà phê bình Hoài Thanh khi đọc Nhật kí trong tù của Bác hoặc bàn về ý nghĩa kế thừa và phát triển của tập Nhật kí trong tù trong mạch văn chương nhân đạo của dân tộc.