1. Bài tập 1, trang 100, SGK.
Chọn một bài thơ của Tố Hữu mà anh (chị) yêu thích nhất. Phân tích cả bài hoặc một đoạn trong bài thơ đó.
Tham khảo lời bình đoạn cuối bài Kính gửi cụ Nguyễn Du (1965):
Bài thơ kết thúc với sự khẳng định giá trị vĩnh viễn, bất tử của thơ Nguyễn Du :
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi người xưa của ta nay Khúc vui xin lại so dây cùng người!
Người xưa từng nói về Nguyễn Du : “Con mắt thấy cả bốn cõi, tấm lòng thấu cả nghìn đời mới viết ra được những câu thơ như có máu chảy ở đầu ngọn bút” (Mộng Liên Đường). Ngày nay, lời thơ của Tố Hữu cũng là sự đánh giá, tôn vinh rất cao, là lòng tôn trọng và cảm phục sâu sắc với thiên tài Nguyễn Du. Tiếng thơ của Nguyễn Du là sự kết tinh tư tưởng nhân đạo của dân tộc, là lời non nước vọng mãi ngàn thu (non nước - phạm trù không gian, một không gian vô cùng ; ngàn thu - phạm trù thời gian, một thời gian vĩnh viễn). Tiếng thơ ấy chạm tới vấn đề quyền sống của con người, một vấn đề sâu sắc nhất, trọng đại nhất của cả dân tộc và cuộc đời, cho nên nó có sức lay động rất mạnh mẽ, làm cảm động cả lòng người và đất trời. Điều đó cho thấy thơ Nguyễn Du đã nhập vào nguồn mạch văn hoá, đời sống tình cảm của cả cộng đồng dân tộc, đó là tiếng thơ của tình đời, tình người, tiếng thơ của tình yêu thương vô tận như lời ru của mẹ theo suốt hành trình một đời người, tiếng thơ ấy sẽ còn lại mãi mãi với nghìn năm, với muôn đời sau. Xưa kia, Nguyễn Du viết Truyện Kiều để mong ước những người khốn khổ như Thuý Kiều được trở về đoàn tụ với gia đình, gặp lại người xưa ; ngày nay, dân tộc Việt Nam ra trận chiến đấu cũng để Bắc Nam đoàn tụ, thống nhất, cả nước là ngôi nhà chung chan hoà tình yêu thương. Vì cùng chung lí tưởng nhân đạo như vậy cho nên tiếng thơ của Nguyễn Du đã được thời đại chúng ta trân trọng đón nhận và nhân lên thành nguồn sức mạnh mới trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, do đó Tố Hữu cảm thấy có biết bao thôi thúc, giục giã khi đi qua dòng sông quê hương của Nguyễn Du :
Sông Lam nước chảy bên đồi
Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân.
Hai câu thơ tạo ra một không khí vừa hiện đại vừa cổ kính. Tiếng trống trận ra quân gợi không khí những ngày sục sôi đánh Mĩ nơi tuyến lửa bên dòng sông Lam mà lại nghe như tiếng dội xa xăm từ quá khứ thời Nguyễn Du vọng về. Những âm thanh ấy, những câu thơ ấy thấm đẫm cả tâm và tài.
2. Bài tập 2, trang 100, SGK.
Xuân Diệu viết: "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi chữ tình (Tố Hữu với chúng tôi, Tlđd). Anh (chị) hiểu nhận xét đó như thế nào?
Thơ chính trị ít quan tâm đến cuộc sống và những tâm tình riêng tư của cá nhân mà thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử, có tính chất toàn dân, quan hệ tói vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước. Đối với Tố Hữu, một nhà thơ cách mạng, ý nghĩa của hoạt động thơ ca là hướng đến thực hiện những nhiệm vụ chính trị. Cũng chính Xuân Diệu viết: “Đối với một đất nước ngót một trăm năm mất nền độc lập, thì thơ chính trị để giải phóng dân tộc và con người có một vị trí quan trọng khác thường ; chính trị đúng đắn là sự sống của chúng tôi, là cốt lõi của tâm trí chúng tôi, giúp chúng tôi từ cõi chết bước lên đường sống”.
Có điều, thơ chính trị thường khô khan, rất dễ biến thành lời kêu gọi, hô hào mang tính áp đặt. Nhưng với Tố Hữu, những vấn đề chính trị đã được chuyển hoá thành những vấn đề của tình cảm, tất cả đều đậm chất trữ tình, đó là lời nhắn nhủ, trò chuyện, lời tâm sự chan chứa niềm tin yêu với đồng bào, đồng chí, tác động mạnh mẽ tới cảm nghĩ của người đọc, người nghe. Lời nhận xét của Xuân Diệu là sự đánh giá rất cao tâm hồn và tài năng của Tố Hữu.
3. Hãy tìm và chép lại một số đoạn bình luận hay về thơ Tố Hữu (ghi rõ xuất xứ).
Tham khảo một số đoạn bình luận sau:
- Thơ Tố Hữu là một tập hành khúc nồng nàn, đằm thắm, hoà nhịp với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng. Đây là những vần thơ chân thật, kết tinh trên mối tình cảm thiết tha, tình yêu gia đình, tình yêu quê hương, tình cá nước giữa người bộ đội, người cán bộ với nhân dân, tình đồng chí, đồng bào từ Nam chí Bắc, tình yêu của toàn dân đối với vị lãnh tụ kính mến và đối với Tổ quốc Việt Nam. Trong truyền thống của thơ văn yêu nước, Tố Hữu một lần nữa chứng minh rằng: tình yêu nước là một đề tài phong phú, cao cả của thơ trữ tình.
(Đặng Thai Mai, Khi nhà nghệ sĩ tham gia vào cuộc đấu tranh với tất cả tâm hồn mình, trong Tuyển tập Đặng Thai Mai, NXB Văn học, Hà Nội, 1984)
- Tiếng thơ Tố Hữu đa dạng. Nhưng trong cái đa dạng ấy vẫn có một nét chính. Đó là tiếng nói yêu thương... Tiếng nói yêu thương trong thơ Tố Hữu nhiều khi đạt đến một độ chân thành, sâu sắc khiến người đọc không thể nào không bồi hồi xúc động... Một tiếng nói yêu thương luôn luôn chan hoà ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc chỉ là sự im lặng giữa các dòng thơ. Phải chăng đây chính là bản sắc riêng của thơ Tố Hữu ?
(Hoài Thanh, Một số ý kiến ngắn về thơ Tố Hữu, trong Chuyện thơ, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978)
- Tố Hữu là nhà thơ thời sự nhất nhưng lại sáng tạo được nhiều giá trị bền vững với thời gian, nhà thơ luôn hoà nhập với cuộc đời chung, lại khẳng định được bản sắc riêng độc đáo. Ngay từ tiếng nói thơ ca đầu, Tố Hữu đã thể hiện rõ một con đường đi, một hướng sáng tạo nhưng vẫn suốt đời tìm tòi để tự khác mình và cũng chính là để khẳng định mình. Đó là dấu hiệu, là phẩm chất của một tài năng thơ ca thuộc về nhân dân và dãn tộc.
(Hà Minh Đức, Lời giới thiệu Tuyển tập thơ Tố Hữu, NXB Giáo dục, 1994)
4. Viết một đoạn văn phác hoạ hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Việt Bắc.
Tham khảo đoạn văn sau :
Năm 1954 là một mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khép lại chín năm kháng chiến trường kì và mở ra một thời kì mới của đất nước. Với miền Bắc, đó là thời kì hoà bình và xây dựng, thời kì hứa hẹn cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đã đến lúc những người kháng chiến phải rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ từ chiến khu Việt Bắc về lại Thủ đô. Trong những ngày lưu luyến kẻ ở người đi ấy, cõi lòng người Việt nặng sâu ân nghĩa không thể quên được những gì đã qua để có hôm nay. Biết bao gian khổ và hi sinh trong những năm tháng đen tối ; biết bao kỉ niệm về tình quân dân cả nước, tình đồng bào, đồng chí son sắt thuỷ chung, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ ; biết bao phấn khích, tự hào về mười lăm năm cách mạng và kháng chiến ; biết bao ước vọng về ngày mai... tất cả ào ạt ùa về trong đêm tháng mười Việt Bắc ấy làm tâm hồn xốn xang, cảm xúc tuôn trào... Và Tố Hữu cầm bút viết hai chữ tên bài thơ sẽ là đỉnh cao đời thơ của ông : Việt Bắc.
5. Bài tập 1, trang 114, SGK.
Nêu rõ nét tài hoa của Tố Hữu trong việc sử dụng cặp đại từ xưng hô ta - mình trong bài thơ
Advertisements (Quảng cáo)
Cặp đại từ xưng hô ta - mình hay được dùng trong những lời tâm tình của người Việt. Có khi mình để chỉ ngôi thứ nhất (“Giật mình mình lại thương mình xót xa” - Truyện Kiều), có khi để chỉ ngôi thứ hai, chỉ một người nào đó (“Mình về có nhớ ta chăng - Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” - Ca dao). Cặp đại từ ta - mình thường được sử dụng trong mối quan hệ thân tình, thể hiện sự gắn bó khăng khít : “Mình với ta tuy hai mà một” (Ca dao). Ở bài thơ này, Tố Hữu dùng cặp đại từ ta
- Mình để gợi không khí ca dao, làm cho tình cảm giữa người ra đi với người ở lại, giữa người cán bộ với người dân Việt Bắc thêm gần gũi, thân mật, tự nhiên, chân tình. Cặp đại từ này được Tố Hữu sử dụng rất biến hoá với sự chuyển nghĩa hết sức linh hoạt :
- Mình về mình có nhớ ta (mình : người cán bộ ; ta : người Việt Bắc).
- Ta về, mình có nhớ ta (ta : người cán bộ ; mình : người Việt Bắc).
- Mình đi, mình lại nhớ mình (mình, hai từ đầu : người cán bộ ; từ cuối : cả người cán bộ và người Việt Bắc).
- Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây (ta, gần như chúng ta : cả người cán bộ và người Việt Bắc).
Cách sử dụng đại từ như thế thể hiện sự hoà quyện, gắn bó thắm thiết, không thể tách ròi, đầy ân nghĩa thuỷ chung giữa những người kháng chiến với nhân dân, đất nước.
6. Bài tập 2, trang 114, SGK.
Chọn trong đoạn trích hai đoạn tiêu biểu
- Một đoạn về vẻ đẹp của cảnh và người Việt Bắc.
- Một đoạn về khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến. Phân tích một trong hai đoạn đó.
Tham khảo lời bình cho đoạn thứ hai (khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến) :
Trước hết, Tố Hữu phác hoạ bức tranh toàn cảnh quân dân ta ra trận chiến đấu với khí thế hào hùng, sôi sục, khẩn trương:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Hai câu thơ gợi được không gian rộng lớn (những đường Việt Bắc) và thời gian đằng đẵng (đêm đêm) của cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kì. Khí thế xung trận được cảm nhận bằng âm thanh rầm rập - từ láy tượng thanh này không chỉ diễn tả được tiếng động mạnh của bước chân mà còn giúp người đọc hình dung được nhịp độ khẩn trương, gấp gáp của một số lượng người đông đảo cùng hành quân về một hướng, tất cả tạo thành một sức mạnh tổng hợp làm rung chuyển cả mặt đất. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh cường điệu “Đêm đêm rầm rập như là đất rung” để nêu bật sức mạnh đại đoàn kết của quân dân ta, quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do. Tóm lại, qua không gian rộng lớn, thời gian đằng đẵng và khí thế hào hùng ở Việt Bắc, có thể thấy rõ cuộc kháng chiến chống Pháp là trường kì, gian khổ nhưng dân tộc Việt Nam không nhụt chí, trái lại, vẫn vững vàng, kiên cường, chung sức chung lòng đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.
Hai câu tiếp theo miêu tả cụ thể hình ảnh bộ đội ta hành quân ra trận :
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Đó là một hình ảnh vừa hào hùng vừa lãng mạn. Từ láy điệp điệp trùng trùng khắc hoạ đoàn quân đông đảo bước đi mạnh mẽ như những đợt sóng dâng trào, đợt này nối tiếp đợt kia tưởng chừng kéo dài đến vô tận. Tuy trang bị vật chất còn thiếu thốn (chiến sĩ phải đội mũ nan đan bằng tre lợp vải) nhưng đoàn quân điệp điệp trùng trùng chính là hình ảnh tượng trưng cho sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta, của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến. Trong những đêm dài hành quân chiến đấu ấy, ở đầu mũi súng của người lính ngời sáng ánh sao, đó là ánh sao sáng hiện thực trong đêm tối hay là một hình ảnh ẩn dụ : ánh sao của lí tưởng chỉ đường dẫn lối cho người chiến sĩ đánh đuổi kẻ thù bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hình ảnh ấy gợi liên tưởng tới hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Có điều nếu ánh trăng trong bài Đồng chí là hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hoà bình, cho vẻ đẹp yên ấm của quê hương, thì ánh sao ở bài thơ này lại là biểu tượng của lí tưởng, của niềm lạc quan chiến thắng trong tâm hồn người lính ra trận.
Không chỉ có bộ đội ra trận mà nhân dân ta ở bất cứ nơi đâu cũng hăng hái góp sức mình vào cuộc kháng chiến. Trên núi rừng Việt Bắc đêm khuya, cùng hành quân với bộ đội là những đoàn dân công phục vụ chiến đấu:
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Những bó đuốc đỏ rực soi đường đã làm sáng bừng lên hình ảnh những đoàn dân công tiếp lương tải đạn. Có thể hình dung ở đó đủ cả trẻ già trai gái, họ đến từ nhiều miền quê với đủ mọi phương tiện chuyên chở gồng gánh, quyết tâm, kiên cường vượt núi cao đèo dốc đảm bảo sức mạnh vật chất cho bộ đội chiến đấu, chiến thắng. Thành ngữ có câu chân cứng đá mềm, Tố Hữu chuyển thành bước chân nát đá. Hình ảnh cường điệu ấy khẳng định ý chí phi thường, sức mạnh to lớn của nhân dân kháng chiến. Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, là cuộc chiến tranh nhân dân, nó phát huy cao độ sức mạnh của cả dân tộc để chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa, vì thế ta nhất định thắng.
Hai câu thơ cuối càng khẳng định niềm lạc quan tin tưởng vững chắc “Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi” (câu thơ của Bác trong bài Mừng xuân 1947):
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Ánh đèn pha của ô tô kéo pháo xuyên thủng màn đêm dày đặc, đấy cũng là một dấu hiệu nữa về sự trưởng thành của quân đội tá. Sự trưởng thành ấy là một nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi. Đáng chú ý là hai câu thơ tạo ra tương quan đối lập giữa bóng tối và ánh sáng: Nếu câu trên khắc hoạ bóng đêm đen tối thăm thẳm gợi kiếp sống nô lệ của cả dân tộc dưới ách đô hộ của kẻ thù thì câu dưới lại bừng lên ánh sáng của niềm tin vào ngày mai chiến thắng huy hoàng, tương lai tươi đẹp. Thực ra trong cả đoạn thơ, người ta đều nhận thấy sự đối lập này : Tố Hữu đã sử dụng cả một hệ thống từ, cụm từ chỉ ánh sáng : ánh sao, đỏ đuốc, lửa bay, bật sáng tương phản với một hệ thống từ, cụm từ chỉ bóng tối: đêm đêm, nghìn đêm, thăm thẳm. Với xu thế ánh sáng lấn át bóng tối, dường như tác giả có dụng ý nêu bật xu thế chiến thắng tất yếu của dân tộc ta trước mọi kẻ thù hắc ám, đồng thời khẳng định những ngày tươi sáng, hạnh phúc nhất định sẽ tới vói dân tộc ta.
Đoạn thơ vừa đậm chất sử thi hào hùng vừa giàu tính lãng mạn, tượng trưng đã diễn tả thành công khí thế kháng chiến ở Việt Bắc. Qua đó, Tố Hữu khắc hoạ sâu sắc hình ảnh dân tộc Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, đầy gian khổ hi sinh nhưng nhất định thắng lợi.