Trang chủ Lớp 12 SBT Văn 12 (sách cũ) Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị...

Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận SBT Văn 12 tập 2: Giải câu 1, 2, 3 trang 49...

Giải câu 1, 2, 3 trang 49 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 2. Soạn bài Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận SBT Ngữ Văn 12 tập 2 -

1. Bài tập 1, trang 116, SGK.

So sánh sự giống nhau và khác nhau của hai phần mở bài sau đây trong bài văn nghị luận về tác phẩm Ông già và biển cả với đề bài : “Cảm nhận của anh (chị) về số phận con người qua hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô trong tác phẩm Ông già và biển cả của nhà văn Ơ. Hê-minh-uê”.

(1) Ông già và biển cả (1952) là tác phẩm thể hiện rõ nét bút pháp và quan niệm nghệ thuật của Ơ. Hê-minh-uê. Trong truyện ngắn này, tác giả đã khắc hoạ hình tượng Con Người đối mặt với Đại Dương. Cuộc quyết đấu của ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô trước biển với khát vọng lớn lao, chiến thắng phi thường và cả nỗi mất mát đau đớn là một biểu tượng đầy sức gợi mở và ám ảnh.

(2) Ôi biết bao thuyền viên, thuyền trưởng

      Buổi ra đi vui sướng đường xa.

(V. Huy-gô)

Bi kịch của con người trước biển cả cũng là bi kịch của khát vọng quá lớn và những thất bại không thể tránh khỏi trên hành trình tìm kiếm những giá trị của tồn tại. Nhưng vì sao hành trình ấy vẫn thôi thúc con người ? Và con người vẫn ra đi theo tiếng gọi của biển cả bí ấn ? Vì sao hành trình ấy vẫn tiếp nối không ngừng trong suốt lịch sử của loài người như một khúc bi ca bất tận, như một bản giao hưởng diễm tuyệt ? Liệu số phận của con người trong Ông già và biển cả của Ơ. Hê-minh-uê có phải là một phần của bản giao hưởng bi tráng đó ?

Bài tập này nhằm giúp anh (chị) có khả năng chủ động hơn khi viết mở bài : trên cơ sở so sánh, lựa chọn các kiểu mở bài khác nhau, biết vận dụng một kiểu mở bài mà mình hứng thú và phù họp vói yêu cầu của đề bài.

- Điểm giống nhau : Cả hai mở bài đều đáp ứng yêu cầu thông báo chính xác, ngắn gọn vấn đề cần nghị luận. Người viết không nêu những thông tin quá chi tiết về tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm mà chỉ tập trung vào vấn đề : Số phận con người qua hình tượng ông lão đánh cá Xan-ti-a-gô trong tác phẩm Ông già và biển cả của Hê-minh-uê.

- Điểm khác nhau :

+ Mở bài trực tiếp : giới thiệu ngay một cách ngắn gọn vấn đề cần nghị luận (1)

+ Mở bài gián tiếp : nêu ra những ý kiến liên quan đến vấn đề cần nghị luận để khêu gợi rồi mới bắt đầu vào vấn đề ấy (2).

2. Theo anh (chị), yêu cầu về nội dung của phần mở bài và kết bài trong hai đề dưới đây có điểm gì giống và khác nhau ?

Đề 1 : Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài).

Đề 2 : Suy nghĩ của anh (chị) về chi tiết nghệ thuật Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra trong truyện ngắn Vợ chồng A Phụ (Tô Hoài).

Sau khi đã xác định rõ những yêu cầu của các mở bài và kết bài phù hợp với từng đề bài, hãy viết một số mở bài và kết bài cụ thể.

Advertisements (Quảng cáo)

Bài tập này giúp anh (chị) chủ động nhận diện sự khác nhau về nội dung của các mở bài và kết bài cụ thể, đáp ứng yêu cầu của những đề bài có sự gần gũi, tương đồng ở mức độ nhất định về vấn đề nghị luận. Trên cơ sở đó, anh (chị) vừa rèn luyện kĩ năng phân tích đề, xác định yêu cầu của đề bài, vừa luyện tập viết các mở bài, kết bài cụ thể. Vấn đề nghị luận mà hai đề bài yêu cầu trình bày có thể tương đồng nhau nếu xét trong một phạm vi rộng : nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Tuy nhiên, trong từng đề bài, vấn đề nghị luận chung này được cụ thể hoá ở những phương diện khác nhau:

- Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị.

- Những suy nghĩ của người viết về chi tiết nghệ thuật Mị cắt dây trói cho A Phủ và cùng A Phủ trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra.

So sánh hai vấn đề nghị luận này, cần chú ý những điểm sau :

- Mức độ rộng, hẹp của vấn đề nghị luận.

- Các luận điểm cụ thể cần triển khai để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

- Tính khách quan (quan hệ với phạm vi đối tượng được đề cập tới : nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ) và tính chủ quan (quan hệ với người viết) của từng vấn đề nghị luận.

Sau khi đã xác định những yêu cầu cơ bản này, anh (chị) hãy viết một số mở bài và kết bài phù hợp theo những cách khác nhau.

3. Vì sao phần mở bài và kết bài sau đây chưa đạt yêu cầu ? Hãy viết lại để những phần này hay hơn, phù hợp hơn với yêu cầu của đề bài.

Suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật ông lái đò trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân).

Mở bài: Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là nhà văn nổi tiếng của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Quê ông ở Nhân Mục, Thanh Xuân, Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám, ông nổi tiếng với tập truyện ngắn Vang bóng một thời viết về cái đẹp của một thời đã qua, đã tàn lụi, bị quên lãng trong thực tại hỗn tạp, xô bồ. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân thành công chủ yếu ở thể loại tuỳ bút, kí sự. Người lái đò Sông Đà là một trong những thiên tuỳ bút tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Tác phẩm được in trong tập tuỳ bút Sông Đà (1960). Nhân vật người lái đò là một hình tượng nghệ thuật nổi bật, thể hiện rõ vẻ đẹp của người lao động.

Kết bài: Như vậy, Người lái đò Sông Đà là một bằng chứng về sự tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Trong tác phẩm này, người lái đò đã được tái hiện như một tượng đài nghệ thuật với tất cả những nét đẹp tiêu biểu cho phẩm chất của người lao động - người nghệ sĩ - chiến sĩ: cần cù, dũng cảm, khéo léo, tài hoa.

Bài tập này giúp anh (chị) tránh các lỗi thường gặp và nâng cao khả năng chủ động, linh hoạt khi viết các mở bài, kết bài cụ thể phù hợp với yêu cầu của đề bài.

- Các lỗi của phần mở bài: Người viết nêu thông tin về tiểu sử tác giả, sự nghiệp sáng tác quá rườm rà, không làm nổi bật : suy nghĩ (ấn tượng, cảm xúc, quan điểm) của người viết về nhân vật ông lái đò.

- Các lỗi của phần kết bài: Chốt ý ở phạm vi quá rộng, tóm tắt lại đặc điểm nhân vật, không nêu rõ được những đánh giá quan trọng, chưa có khả năng gợi mở, liên tưởng.

Cách chữa : Trước hết cần lược bỏ những thông tin thừa của phần mở bài, kết bài. Sau đó, bổ sung những ý cần thiết theo yêu cầu trình bày vấn đề nghị luận trong từng phần. Mở bài cần tập trung giới thiệu thật ngắn gọn vấn đề nghị luận, gợi hứng thú bằng cách vào đề sinh động, tự nhiên. Kết bài cần nêu được những nhận định tổng quát, gợi liên tưởng một cách khéo léo nhưng tránh suy diễn, xa rời phạm vi của vấn đề nghị luận.

Bạn đang xem bài tập, chương trình học môn SBT Văn 12 (sách cũ). Vui lòng chọn môn học sách mới cần xem dưới đây:

Advertisements (Quảng cáo)